Ổ bánh mì trên khung cửa sổ | Nghệ Thuật Sống | Mai Nhật Thi
Ổ bánh mì trên khung cửa sổ
Một người phụ nữ nọ có thói quen nướng bánh mì cho gia đình, luôn làm dư một cái để lại cho người nghèo đói. Bà để ổ bánh mì dư bên ngoài thành cửa sổ cho người nghèo đi qua dễ lấy. Ngày qua ngày cứ đến buổi, một ông lão gù lưng đến lấy ổ bánh mì đi.
Thay vì nói lời cám ơn, ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm những lời như niệm chú:
“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.
Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người già đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu :
“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi!”
Ngày qua ngày, người phụ nữ dần bực bội trong lòng nghĩ:
“Nhận được bánh, không biết cảm ơn còn lải nhãi mấy lời khó chịu kia! Hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”
Rồi một hôm, chịu hết nổi, bà nghĩ cách làm cho ông già đi khuất mắt. Bà tự nhủ:
“Ta sẽ làm cho hắn mất dạng”.
Bà trộn thuốc vào ổ bánh mì dư bà thường làm, tay run run để bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, bỗng cảm thấy hốt hoảng:
“Ta làm gì thế này?”
Bà ném vội ổ bánh có thuốc độc vào lửa và thay một cái bánh khác lên thành cửa sổ. Như mọi khi, ông lão đến lấy bánh và lại lẩm bẩm:
“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi; việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.
Ông lão cầm ổ bánh vui vẻ rời đi, không ai biết trong lòng người phụ nữ vừa trải qua một trận chiến dữ dội.
Có một điều mà không ai biết đó là mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho đứa con trai đi tìm việc làm xa, đã nhiều tháng không nhận được tin tức. Bà nguyện cho con trở về nhà bình an, mạnh giỏi.
Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa…
Anh ta gầy xọp đi, quần áo anh rách rưới đến thảm hại. Anh ta đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:
Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường, nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon và chút nước. Ông ta nói: – “Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”
Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết!
Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói lặp đi lặp lại qua ngày của ông lão…
Sưu tầm
___________
Chút Suy Tư
Lòng Thương Xót
+ 1. Bác ái và việc thiện.
“Một người phụ nữ nọ có thói quen nướng bánh mì cho gia đình, luôn làm dư một cái để lại cho người nghèo đói.” (trích truyện).
Sống trong xã hội ngày nay con người đa phần chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi, để tìm được một người biết nghĩ về người khác, đặc biệt biết thương xót người nghèo như người phụ nữ trong truyện thật là quý hiếm.
Người ta thường nói “Bánh ít đi bánh quy lại”, hay quan hệ con người với nhau thời nay là “Hai bên đều có lợi”. Quan tâm yêu thương và chia sẻ với người nghèo, thì như “cho đi bánh ít” mà mong gì có lại được bánh quy” ? Hay quan hệ thân mật với người nghèo thì được lợi gì ?
Nhưng niềm vui trong lòng là tiếng nói của con tim, của Thiện Tâm. Phải có “Thiện Căn ở tại lòng ta” thì con người mới Chân Tâm thực thi Lòng Thương Xót với tha nhân được, đặc biệt là những người nghèo khổ.
+ 2. Những thử thách của Lòng Thương Xót
– Thái độ vô ơn
“Nhận được bánh, không biết cảm ơn còn lải nhãi mấy lời khó chịu kia! Hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”(trích truyện).
Chuyện vô ơn là chuyện xưa nay như cơm bữa. Chẳng những không biết ơn mà còn phản bội, thậm chí hãm hại người thi ân cho mình. “Làm ơn mắc oán”, “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán”…
– Những kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác.
Nhiều kẻ lợi dụng lòng tốt người khác, lừa bịp, dối trá…
Người có lòng tốt cho đi có khi cảm thấy mình dại, kẻ bịp bợm nhận ơn thường khi lại tự thấy mình khôn. Riết rồi thiên hạ không còn ai tin ai…
“Hắn ta muốn ám chỉ điều gì?” (trích truyện).
+ 3. Lòng nhẫn nhục có giới hạn
Rồi một hôm, chịu hết nổi, bà nghĩ cách làm cho ông già đi khuất mắt. Bà tự nhủ: -“Ta sẽ làm cho hắn mất dạng”. Bà trộn thuốc vào ổ bánh mì dư bà thường làm, tay run run để bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ… (trích truyện).
Xót thương người, xin cũng xót thương người phụ nữ này ! Chị ấy tốn công làm bánh, ngày ngày vào những bữa ăn đều có phần cho ông lão nghèo khổ ấy. Thật dễ nóng ! Việc làm tốt đẹp như vậy của người phụ nữ đâu phải một ngày một buổi đâu ! – “Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người già đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu:“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi!”! – Thế đấy ! xem ra thái độ ông lão nghèo khổ hết sức lạnh lùng vô ơn bạc nghĩa !
Người phụ nữ “chịu hết nổi”. Chị ấy muốn chơi ông già một đòn chí tử !
– Chị ta Không thể nhẫn nhục hơn sao!
– Đừng trách chị ấy ! Lòng nhẫn nhục theo thường tình của con người cũng có giới hạn đấy!
Có những giới hạn của sự nhẫn nhục mà người đời dễ dàng cho là hợp lý.
Một hôm, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không?” Ðức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. (Mt 18, 21-22). (Kinh Thánh).
+ 4. Cội nguồn của Lòng Thương Xót.
Bỗng cảm thấy hốt hoảng: -“Ta làm gì thế này?”. Bà ném vội ổ bánh có thuốc độc vào lửa và thay một cái bánh khác lên thành cửa sổ. (trích truyện).
Bà đã kiểm soát được con tim của mình. Có câu “Khi con tim lên tiếng thì lý trí im lặng”. Bà tức cũng có nguyên do của nó, dù có thể quá đáng, nhưng rõ ràng thái độ người nhận ơn đã xúc phạm đến lòng chân thành và nhiệt tình của người thi ân.
Nhưng sức mạnh nào đã làm người phụ nữ bừng tỉnh đến mức hốt hoảng và tự hỏi : -“Ta làm gì thế này?”.
Vì người phụ nữ biết nuôi cái “Thiện Căn ở tại lòng ta” hằng ngày bằng những việc Chân Thiện mà việc ban tặng ổ bánh mì cho người nghèo là một thí dụ. Nên, cho dù trong nhất thời ngọn lửa thù hận bùng lên nhưng nó bị dập tắt ngay vì suối nguồn tình yêu chảy mãnh liệt trong con tim giàu tình thương của người phụ nữ, một con tim biết rung động tình người.
Trời cho con người Cái Tâm Chân Thiện để biết yêu thương nhau nâng đỡ nhau và cùng làm đẹp cuộc đời.
“Cái tâm kia mới bằng ba chữ tài” là thế.
Ta vẫn thường nghe người ta phàn nàn về những kẻ sống vô tình vô nghĩa : “Thứ người trái tim gỗ đá !”, “Lòng dạ chai đá”. Mà con người có trái tim như vậy thì còn đâu là nhân tính !
Kinh Thánh có viết :
“Ta cất khỏi xác các ngươi quả tim bằng đá và ban cho các ngươi quả tim bằng thịt.” (Ed 36,23-28)
+ 5. Hoa Trái của Lòng Thương Xót.
Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường, nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon và chút nước. Ông ta nói: – “Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!” (trích truyện).
Cuộc đoàn tụ hạnh phúc của mẹ con người phụ nữ thật xứng đáng với lòng thương xót mà bà dành tặng cho người nghèo, và còn hơn thế nữa, sự đau khổ vì cuộc chiến đấu giữa Thiện và Ác trong lòng bà.
Ông lão cầm ổ bánh vui vẻ rời đi, không ai biết trong lòng người phụ nữ vừa trải qua một trận chiến dữ dội.(trích truyện).
Người xưa có câu : “Có Đức mặc sức mà ăn”. “Đức năng thắng số”. “Để Đức cho con cháu”…
Dù khác nhau cách diễn tả niềm tin, con người vẫn cùng chung ý niệm về cuộc đời sẽ đẹp hơn khi mọi người biết gieo những điều Chân Thiện. Những câu nói mang hình ảnh rất cụ thể để con người thấy được những viễn ảnh của hành động mà mình chọn lựa : “Gieo gió gặt bảo”. “Làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ”. “Tích thiện phùng thiện”…
Phải chăng sống trên cuộc đời là tận hưởng hạnh phúc. Thế nào là hạnh phúc còn tùy quan niệm riêng của mỗi người. Nhưng chắc chắn ai cũng muốn thứ hạnh phúc của mình tận hưởng là bình an và dài lâu trong ý nghĩa và giá trị thiêng liêng cao cả nhất. Thứ hạnh phúc đó con người nhận được từ chính bàn tay gieo trồng của một đời biết cho đi vì lòng thương xót của bản thân mình và cũng được nhận lại từ lòng thương xót của Đấng Tối Cao.
Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.(Lc.6,38) (Kinh Thánh).
MAI NHẬT THI