“Yêu em như thuở nào” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện phiếm đọc sau Lễ Lá năm B 25-3-2018
“Yêu em như thuở nào”,
tình yêu còn biên đầy trang giấy,”
(Nguyễn Trung Cang – Còn Yêu Em Mãi)
(Thư Rôma 5: 5-8)
Đó là quả quyết của người đời, khi người đương yêu nói cho nhau nghe những lời đầu tiên đầy ắp những thương yêu, tình-tứ. Còn, dưới đây là lời của người nhà Đạo, đã và đang thuyết phục lẫn nhau về tình-yêu, tình người và tình Chúa luôn thương yêu hết mọi người:
“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta,
nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.
Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì
vì còn là hạng người vô đạo,
thì theo đúng kỳ hạn,
Đức Kitô đã chết vì chúng ta. …
Đức Kitô đã chết vì chúng ta,
ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi;
đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”
(Thư Rôma 5: 5-8)
Thế đó là thư từ của đấng bậc hiển-thánh quả quyết với những người cùng một niềm thương yêu, làm bằng chứng. Bằng chứng qua thư từ, vẫn cứ khô-khan, lan man nhiều triết-thuyết có lý có tình. Nhưng mang tính thi-ca như lời thơ còn hát mãi, những điều sau đây:
“Yêu em như thuở nào,
Tình yêu còn đong đầy trang sách.
Dù biết trái tim đã già,
Mà những thiết tha chẳng nhòa,
Tình cũ vẫn nghe ấm nồng,
Gọi tên nhau lúc cô đơn,
Để nghe sưởi ấm tâm hồn.
Em ơi đây tiếng đàn,
Lời ca dệt ân tình năm tháng,
Câu ca hay khúc nhạc
Tình yêu còn đong đầy khao khát,
Dù có cách xa mỏi mòn,
Mà những dấu yêu mãi còn,
Sưởi ấm xác thân héo gầy,
Tình yêu như gió đem mây,
Gọi mưa giăng kín khung trời.
(Nguyễn Trung Cang – bđd)
Thi ca/âm-nhạc cũng sâu sắc, thấm-thía tràn đầy tình người ở huyện. Nhưng dẫu thế, vẫn không bằng những lời thực tế trong đời sống vui thươi vợ chồng như câu chuyện lòng vòng đầy cãi vã, ở bên dưới.
“Truyện rằng:
Trong một buổi nhậu, một ông nhà binh phát biểu:
– Các ông có biết không? Mỗi cuối tuần, tôi chở vợ đi chợ. Tôi đẩy xe theo sau bà cả buổi, khi mua đầy xe, tôi hỏi bả “Về chưa?”
Bả nói: Ông chở dùm tôi lại chợ X mua một chai nuớc mắm.
Tôi hỏi: Sao bà không mua ở đây luôn?
Bả nói: Ở đây nuớc mắm $2.99, còn chợ kia chỉ có $2.88.
Từ chợ nầy đến chợ kia, phải lái xe mất 20 phút, bả quên tính tiền xăng rồi sao?
Tôi với bả bắt đầu… cãi nhau.
Một ông khác chen vô:
– Còn tôi, khi đang lái xe, tôi quẹo phải, bả nói sao ông không quẹo trái.
Tôi chạy nhanh, bả kêu tôi chạy chậm lại.
Tôi chạy chậm, bả nói ông chạy như rùa bò.
Tôi nói: Để tôi order hãng Toyota chế cho bà chiếc xe có 2 tay lái để bà khỏi phải lái xe bằng miệng.
Và thế là … cãi nhau.
Ông nhà bếp lắc đầu và kể câu chuyện ông nghe đuợc như sau:
Có ông kia lái xe chở bà vợ trên xa lộ quá tốc độ cho phép, bị cảnh sát quay đèn chận lại.
– Cảnh sát hỏi: Ông có biết lỗi gì không?
Ông chồng chưa kịp trả lời, bà vợ tươm tướp la lên:
– Tôi đã nói với ông rồi, ông chạy bạt mạng 7, 8 chục miles có ngày bị phạt mà ông không chịu nghe!
Ông chồng giận dữ la lên:
– Để tôi lo, bà câm cái mồm bà lại đi!
Không ngờ ông Cảnh Sát này biết tiếng Việt, liền hỏi bà vợ:
– Bộ chồng bà ở nhà cũng nạt nộ bà như vậy à?
Bà vợ liền trả lời:
– Đâu có ……. Bữa nào ổng uống say, ổng mới la như vậy.
Thế là ông chồng nhận một lần 2 cái tickets: 1 vượt tốc độ cọng thêm 1 uống ruợu lái xe.
Thế là vợ chồng ….. cãi nhau.
Một ông khác nghe nói nãy giờ, liền nhảy vô:
Bà ngoại con Tép của tui cũng không thua ai.
Bả nói :
– “Sao tôi thấy ông ở Mỹ cả mấy chục năm rồi mà ông không hội nhập đuợc gì hết.”
Tôi tức quá, trả lời:
– “Bà không thấy tôi hội nhập sao? Ai cao máu, tôi cũng cao máu, ai cao mỡ, tôi cũng cao mỡ, ai tiểu đường, tôi cũng tiểu đường, tôi còn hơn biết bao nhiêu người cái bệnh thấp khớp! Bà còn muốn tôi hội nhập gì nữa?”
Bà nói:
– “Ý tôi muốn nói là ông không biết galant như người Mỹ, mở cửa xe cho vợ, mua bó hoa tặng vợ ngày Birthday, ngày Valentine!…..”
– Trời ơi! Tôi cũng muốn mở cửa xe cho bà lắm chứ, nhưng sợ người ta nhìn vào, người ta nói: “Thân bà cả một đống thịt, cọp ăn 3 ngày không hết, bộ bà bị bịnh bại liệt gì mà không mở cửa xe được”. Còn birthday của bà, thì tôi mua cho bà 1 bó rau muống, 1 bó hành, 1 bó ngò, bà còn muốn gì nữa.?
Thế là ông bà ngoại của con Tép bắt đầu ……. cãi nhau.
Một ông nhà văn nãy giờ ngồi trầm ngâm, cười mím chi, chậm rãi kể:
Có một ông chồng đang đi sau xe chở quan tài của vợ đưa ra nghĩa trang.
Ông bạn đi gần bên thấy ông này sao cái miệng cứ nhép nhép như đọc kinh.
Ông bạn tò mò đến gần bên thì nghe ông này không phải đọc kinh mà đang hát!
Ông bạn hỏi:
– “Đám tang vợ vui vẻ gì mà ông hát?”
Ông chồng trả lời:
– “Từ ngày cưới bả đến giờ, chỉ có hôm nay, tôi đi chung với bả mà không….. cãi nhau”
Một ông khác chen vô:.
Năm rồi, tôi phải vô bệnh viện mổ van tim. Bà vợ buồn rầu ngồi bên than:
– “Ông ơi, ông mà chết thì tôi cũng chết theo ông”
Tôi hoảng hồn:
– “Thôi bà ơi, làm ơn để tôi đi một mình cho thanh thản, khỏi phải đi chung, để khỏi phải ….. cãi nhau với bà!”
Thôi thì, chuyện cãi vã suốt ngày và có khi suốt đời giữa người vợ và ông chồng, kể mãi không hết. Không hết, tức: chẳng bao giờ hết chuyện “nảy lửa”; nhưng cãi xong, hai người lại vẫn cứ yêu nhau và ở mãi suốt đời bên nhau.
Thế đó, là câu chuyện đời thường ở ngoài đời, cũng rất thường. Còn, chuyện của nhà Đạo cũng lắm công phu, cũng đầy ý-tứ với ý-từ thần-học, học mãi vẫn cứ quên. Thế nên, nay xin kể lại thêm một lần nữa, để bà con xa gần ý-thức mà thực-hiện sống đời thực-tế rất thiết yêu.
Chuyện yêu đương, được đấng bậc nhà Đạo biện-luận bằng ngôn-từ và cung-cách bài bản Chúa tỏ bày tình Ngài thương ta, như sau:
“Thiên-Chúa tỏ bày tình thương yêu độ lượng của Ngài ngang qua mọi người, thì việc ấy không còn mang tính thánh thiêng/huyền nhiệm cách trọn vẹn nữa. Mà, đó chỉ là hành xử mang tính xảo thuật đầy kinh ngạc, thôi.
Vấn đề là, làm sao ta nhận ra cách Chúa tỏ bày tình Ngài thương ta, nơi nhiệm tích Thánh?
Việc này chỉ hiểu được khi ta tin và nhận rằng Chúa tỏ cho ta biết qua mặc khải và bằng tâm tình người dự đối xử với nhau. Nếu không, người dự Tiệc chỉ ngồi đó nghe/nhìn/ca hát cách biếng nhác/thụ động không là phụng vụ.
Thật ra, ta còn thực hiện việc “dọn sạch” cả trong đời của mình nữa. “Dọn sạch” cuộc sống ở nhà. Tại sở làm. Với bạn bè và cho bạn bè, như thế mới đúng. Nên, “dọn sạch” là việc trước nhất Chúa tỏ cho mọi người biết rõ đường lối Ngài đối xử với con người. Nếu nghĩ rằng: việc tiên quyết ta phải làm là: xây dựng đền thờ mà thôi, tức là ta đã lật ngược ưu tiên trên dưới, được sắp đặt. Chúa nhập thể làm người, Ngài đâu thực hiện ở chốn thánh thiêng/đền thờ hay hội đường. Nhưng, ở thôn làng nhỏ bé có căn phòng bé nhỏ để thú bầy nghỉ ngơi, thế thôi. Nên, “dọn sạch” cuộc sống huyền nhiệm qua nghi tiết phụng vụ, là bắt đầu từ nhà.
Làm chuyện lành thánh ở nhà và với người thân, là đã chứng tỏ tình thương yêu của Chúa. Làm như thế, tức cử hành nghi tiết phụng vụ rất huyền nhiệm! Ngôn ngữ đời thường cho thấy: thật ra không phải như thế hiểu theo cách trọn vẹn. Trên thực tế, ta không thể cử hành nghi tiết phụng vụ tại nhà của Chúa mà lại không thực hiện điều ấy, ngay nhà mình. Bí tích rửa tội sẽ không long trọng và đủ nghĩa nếu không có tiệc mừng sinh nhật ngay sau đó.
Bí tích xá tội ở toà cáo giải, cũng sẽ không mang ý nghĩa thực thụ, nếu ta không được người thân thuộc nhà mình cảm thông yêu thương, ngay trước đó, khi sai phạm điều gì khó coi. Cũng thế, Tiệc Thánh sẽ không là chuyện thực tế nếu trước đó, ở nhà, ta chẳng có gì để ăn. Cũng thế, lễ cưới nhà thờ sẽ không đáng để đôi trẻ ký kết sống trăm năm cuộc đời, nếu hai người không thực sự yêu nhau và cưới nhau. Cả việc hai vợ chồng mới cưới ôm hôn hoà bình trước mặt mọi người, ở nhà thờ, sẽ không còn ý nghĩa nếu cả hai người không thực lòng yêu nhau, ngay tại nhà mình. Xức dầu kẻ liệt, sẽ là việc phiền toái rất vô nghĩa nếu không ai chịu ở lại để đỡ nâng người bệnh đang cần mọi người đến giúp.
Vậy, cử hành nghi tiết phụng vụ ở nhà thờ để làm gì? Có nghĩa gì?
Dĩ nhiên, ta vẫn cần nghi thức như thế. Nhưng, có nhiều cách diễn tả tình thương của Chúa, mà cuộc sống ở nhà hoặc sinh hoạt nơi làm việc, hoặc nơi bạn bè vui chơi, đều giới hạn để ta có thể “cưu mang” tình nồng thắm rất yêu thương. Ta vẫn cần khung cảnh lớn rộng hoặc nơi thuận tiện để mọi người trong gia đình cùng đến với nhau mà tỏ bày tình thương yêu Chúa uỷ thác. Vẫn cần nơi rộng rãi để thực hiện việc ấy cho kết quả. Tuy nhiên, kết quả của nơi chốn lớn rộng như đền đài thánh thiêng vẫn tuỳ vào khung cảnh nhỏ bé, ở gia đình trước đã.
Phải chăng những thứ ấy làm ta dễ tỏ bày tình thương yêu với mọi người, và với nhau hơn? Làm thế có để cho động thái diễn tả tình thương yêu mật thiết hầu tỏ bày thực chất điều Chúa đòi hỏi nơi mỗi người không? Bởi, Chúa vẫn cùng ta sinh hoạt trong cuộc sống, ở đời.
Thập niên qua, người Công giáo cũng đổi thay theo chiều hướng tốt. Nhất là chiều hướng hiểu rõ nhiệm tích thánh thiêng đối với mình. Có thể, họ không dùng ngôn từ chính xác để nói lên điều đó, nhưng thực sự hiểu biết hơn. Có thể, họ không cần ai giải thích để có cảm giác giống như thế, ngang qua các đổi thay trong phụng vụ. Có thể, các cấp lãnh đạo tôn giáo không mấy thích thú đón nhận họ khi họ làm thế. Tuy nhiên, nay mọi người Công giáo làm được việc ấy, đó là chuyện tài tình.
Tham dự Tiệc thánh mỗi tuần, là để nhận lãnh phép lành từ Hội thánh. Ơn ấy, không chỉ hoá giải lỗi lầm ta vi phạm mà thôi, nhưng còn là tiến-trình mang đến cho mình biểu-hiện của tình thân-thương mật-thiết. Có điều là: để ý một chút, ta sẽ thấy Hội thánh nay cũng hơi khác Nước Trời cần có, như dạo trước. Hội thánh phải là hội của các thánh biết sống đời lành mạnh, biết khám phá ra Đức Kitô và tin vào Ngài. Hội thánh phải nhận chân rằng: nhóm hội rất thánh của mình là chốn đền đài nơi đó mọi người sống khác xưa, vì niềm tin và tình thân-thương do niềm tin mang đến. Tin rằng: Chúa vẫn yêu ta và chờ đợi ta yêu Chúa đang hiện diện nơi mỗi người và mọi người.
Quả thật, ngày nay Hội thánh vẫn tưởng nhớ ngày Chúa ban ơn lành đến với mọi người. Ơn lành và thánh Chúa ban không là thành-phần của một trị-liệu tiểu-tiết, rất bán lẻ. Thế nên, cũng đừng tìm cách mua bán/đổi chác mọi thứ để được ơn lành Chúa ban. Bởi, Chúa của ta đâu nào ban ơn theo kiểu bán buôn. Nên, ta hãy tỏ bày niềm cảm kích biết ơn với nhau và cho nhau nhiều hơn, vì Ngài độ lượng nên mới giới thiệu với ta tình Cha yêu thương hết mọi người.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San nxb Hồng Đức 2014, tr.76-80).
Biến đổi chính mình để mang yêu thương đến với mọi người, vẫn được thể-hiện qua nhiều cách, trong đó có thi-ca/âm nhạc luôn đồng hành với con người vào lúc. Cả những lúc ta mang đầy tình tự thương yêu qua ca-từ được hát tiếp như sau:
“Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới,
khi tương phùng,
em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc.
Ngọt hay đắng,
trong cuộc đời mưa nắng,
ta luôn cười trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời.
Riêng ta nơi núi rừng,
về đêm càng nghe hồn băng giá,
câu ca hay khúc nhạc,
càng thêm sầu cho tình tan nát.
Dù biết cách xa với đời,
dù biết thủy chung chẳng rời,
mà vẫn xót xa tháng ngày,
chờ ta chi nữa em ơi,
còn đâu giây phút tuyệt vời “.
(Nguyễn Trung Cang – bđd)
“Còn đâu giây phút tuyệt vời”, không chỉ là lúc hai người hoặc nhiều người yêu đương như những người đương yêu. Thế nhưng, “Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng, ta luôn cười trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời”. Tuyệt vời hơn, có lẽ là chuyện của mọi người đã từng yêu và còn yêu nhau mãi, như được minh-chứng qua câu truyện kể ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Thời xửa thời xưa, có ông phú hộ nọ sinh được bốn người con trai. Khi bốn người con lớn lên lập gia đình, ông bèn đem một phần gia tài chia cho bốn người con, phần còn lại vợ chồng ông giữ để dưỡng già. Mấy năm sau khi vợ ông qua đời, mấy người con sợ rằng ông sẽ tìm vợ mới, lúc có con, gia tài này phải chia cho những đứa con khác. Chúng bàn với nhau thuyết phục cha, về ở với mình, săn sóc cha thật chu đáo, sung sướng; để ông không cảm thấy cô đơn, khỏi cần phải tục huyền. Ðược ít lâu, chúng thuyết phục ông phú hộ chia hết tài sản cho chúng. Bùi tai và thấy không cần giữ riêng cho mình tài khoản nào, ông đồng ý đem gia tài chia hết cho bốn đứa con.
Sau đó ông đến ở với đứa con thứ nhất, nhưng đứa con này nghe vợ, chỉ được ít hôm, bảo ông đến ở nhà đứa em kế. Cứ như thế, không ở được với đứa con nào. Không một đồng xu dính túi, người cha bị bỏ rơi, phải đi khất thực từng nhà. Bấy giờ cây gậy cũng còn có ích hơn là những đứa con. Cây gậy đó có thể giúp ông già xua đuổi những con chó, dò dẫm trên đường, tránh những vũng nước và giúp ông những lúc yếu chân sắp ngã.
Câu chuyện này sao giống câu chuyện của một bà mẹ ở Quận Cam. Sau Tháng Tư 1975, hai vợ chồng đem một đàn con vượt biển sang Mỹ. Trong nhiều năm, ông bà vừa nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng cho con, vừa tậu được một căn nhà khang trang trong vùng Bolsa. Sau khi người chồng qua đời ít lâu, bà vợ được con cái thuyết phục nên bán ngôi nhà đi, chia đều cho các con rồi về ở với con cháu cho đỡ cô đơn. Bà nghe theo, và cũng lần lượt ở với nhiều đứa con, chịu cảnh bạc đãi và cuối cùng bà quyết định phải rời khỏi nhà những đứa con ấy. May thay, trên đất Mỹ, bà già cô đơn này còn có chỗ nương tựa, đó là một món trợ cấp nhỏ và ngôi nhà “housing;” mà chính phủ đã đành cho bà. Nếu ở một xứ sở khác, chắc bà cũng cần đến một cây gậy.
Những đứa con mua nhà mới có thể đã không tính đến một chỗ cho cha mẹ già khi xế bóng, nhưng tôi biết nhiều bậc cha mẹ khi luống tuổi, con cái lập gia đình đi xa cả rồi, mà vẫn giữ cái nhà cũ nhiều phòng, với ý nghĩ dành cho con lúc trở về thăm viếng. Tôi có một người bạn được con trai bảo lãnh sang Mỹ, nhưng chỉ ít lâu sau cô con dâu muốn chồng bán căn nhà đang ở và đi mua lại một cái nhà nhỏ hơn, lấy lý do để tiết kiệm cũng là lý do để cha mẹ chồng phải dọn ra.
Cha mẹ đối với con lúc nào cũng hết lòng. Mẹ có thể lăn vào lửa để cứu con, cha có thể đổ mồ hôi nhọc nhằn; để đứa con có được một nụ cười hạnh phúc, nhưng những đứa con, khi đã có gia đình riêng của mình, không giữ được sự chăm sóc, lo lắng cho đời sống của cha mẹ. Người mẹ nào cũng mỗi đêm kéo chăn đắp cho con, sờ trán con, hạnh phúc theo từng nụ cười của con, nhưng bây giờ con ở xa, thời giờ dùng để gọi điện thoại về thăm cha mẹ đôi khi cũng hiếm hoi.
Ông Chu Dung Cơ nói về mối liên hệ giữa cha mẹ già và con cái:
“Cha mẹ thương con là vô hạn, con thương cha mẹ là có hạn. Con bệnh cha mẹ buồn lo. Cha mẹ bệnh con đến nhòm một cái, hỏi vài câu thấy thế là đủ; rồi rút lui êm ả. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà của cha mẹ là của con. Nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Ốm đau trông cậy vào ai? Nếu ốm đau dai dẳng có đứa con hiếu thảo nào ở bên giường đâu (cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử)”. Và lời khuyên đối với các bậc cha mẹ là: “Khác nhau là như vậy! Người hiểu đời coi việc lo cho con là nghĩa vụ, là niềm vui không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình”
Nhiều người con cũng có nuôi cha mẹ. Luận Ngữ chép, Tử Du hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử đáp: “Ngày nay người ta cho rằng nuôi cha mẹ là hiếu, ngay cả đến chó ngựa kia, người ta cũng nuôi, nhưng nếu nuôi mà không kính hiếu cha mẹ; thì có khác chi!” Người già không khác những đứa trẻ, nhiều khi hay tủi thân, hờn dỗi và dễ phiền muộn, con cái có thể cho cha mẹ ăn uống, hầu hạ cha mẹ khuya sớm, nhưng rất khó biết đến nỗi buồn của cha mẹ lúc về già.
Người thợ hớt tóc cho tôi biết về con cái của ông, cả hai đứa con đều có nhà riêng, cùng ở trong quận Cam, nhưng không mấy khi chúng điện thoại hỏi thăm ông. Tháng trước, ông bệnh, nằm nhà một tuần lễ; mà cũng chẳng đứa con nào ghé qua thăm.. Ông nói thêm: “ Chỉ trừ lúc nào chúng cần nhờ đến ông việc gì đó ”, và buồn bã kết luận: “Ở Mỹ này, có chín đứa con, cha mẹ già bệnh cũng phải vào viện dưỡng lão thôi!”
Tuy vậy, viện dưỡng lão ở Âu Mỹ mang tiếng là văn minh, hiện đại, nhưng liệu rằng đây có phải là nơi yên ổn cho những ngày cuối cùng của tuổi già không? Tại các viện dưỡng lão trên đất Mỹ mỗi năm có hàng chục nghìn trường hợp khiếu nại vì cách đối xử của nhân viên như bỏ bê, đánh đập, đại tiểu tiện, ói mửa mà không dọn dẹp, không cho uống nước, tệ hại nhất là đối với những bệnh nhân bị lẫn. Năm ngoái, phúc trình của Bộ Y Tế tiểu bang Minnesota Hoa Kỳ cho thấy chỉ trong vòng 5 tháng đã có 15 trường hợp bệnh nhân mất trí nhớ bị hành hạ, trong đó có những vụ như bị chọc ghẹo liên tục, bị nhổ nước bọt vào miệng. Phải chăng nhà dưỡng lão, chặng cuối đời của người già là chốn địa ngục có thật trên trần gian như thế!
Vậy thì con cái có hiếu tâm, xin cầu nguyện cho các đấng sinh thành sớm ra đi trước khi họ trở thành những người mất trí lú lẫn, nằm suốt ngày một chỗ, tiêu tiểu không kiểm soát được. Thấy cha mẹ lớn tuổi mà còn minh mẫn, mạnh khỏe nên mừng, mà thấy cha mẹ ra đi nhẹ nhàng, trước khi phải chịu những cảnh đau lòng của tuổi già lại càng mừng hơn.
Tuy vậy, rất nhiều gia đình người Việt trên xứ người có được niềm an ủi là họ có những đứa con Việt Nam, nhất là những đứa con của một gia đình nghèo khó, lớn lên trong chiến tranh và thông cảm được nỗi thiệt thòi bất hạnh của cha mẹ. (Nguồn Internet -Nắng Cali sưu tầm)
Sự thực ở đời, đôi khi là như thế. Nhưng không phải chỉ như thế. Có nhiều trường-hợp cũng không đến nỗi nào, tùy cách người đời xử sự với nhau, mà thôi. Nói cho cùng, các cụ xưa nay đều hay nói chữ, cứ bảo rằng: “Mặn này, cho bõ nhạt ngày xưa.” Ý-nghĩa của câu nói, có thích hợp với tôi và với bạn hay không, cũng tùy mỗi người và mọi người. Hãy cứ nhìn vào mình và vào người khác, để rồi sẽ có một nhân-sinh-quan thích hợp với chính mình.
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng đang trải qua
Những tháng ngày dài
Cuối cuộc đời.