Chưa được phân loạiChuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Đêm về trên bánh xe lăn “ | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 2 mùa Vọng Năm A 04.12.2016

“Đêm về trên bánh xe lăn “
Tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi, mỗi ngày mỗi xa.”
(Thơ: Du Tử Lê/Nhạc: Phạm Đình Chương – Đêm Nhớ Trăng Sàigòn)

(2Cor 7: 10)

Chao ôi! Rõ thật là âm nhạc rất “về đêm” và đêm về! Về đâu không về, sao cứ về “trên bánh xe lăn” lại rất đêm? Về thế rồi, bạn lại hát: “tìm tôi đèn thắp hai hàng”, “Lạc nhau cuối phố”, “mỗi ngày mỗi xa”. Ối chà! là nhạc buồn. Buồn thấm-thía biết chừng nào! Khiến bạn và bầy tôi đây vẫn hát những câu tiếp sau đây:

“Đời tan, tan nát chiêm bao.
Tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào.

Đêm về trên chiếc xe qua.
Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hàng Xanh.
Nhớ em, kim chỉ khứu tình.
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre.
Nhớ mưa, ôi nhớ mưa !

Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè.
Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do.
Nhớ nghĩa trang xưa, quê hương bạn bè.
Nhớ pho tượng lính, buồn se bụi đường.”
(Du Tử Lê/Phạm Đình Chương – bđd)

Lại một nhạc bản đến là buồn nghe được ở buổi “Hát Cho Nhau Nghe” vào đêm ấy, tối mồng 5 tháng 11 năm 2016 ở Sydney một ngày cũng khá nóng. Cái nóng về đêm cộng thêm bài hát cũng khá sầu/buồn phổ trên thơ Du Tử Lê, ôi thôi là da diết. Vâng. Dù không muốn thế, cũng vẫn có thêm một thứ tình buồn rất “về đêm”.

Buồn hơn nữa, là khi bạn bè truyền cho nhau đọc một đoạn ngắn cuốn sách được tờ New York Times đánh giá là sách bán chạy nhất trong năm 2005 có đầu đề là: “Misquoting Jesus, the Story Behind Who Changed the Bible and Why?” của Bart D. Ehrman.

Và, chuyện Thánh Kinh được tóm gọn ở phần dẫn nhập vào cuốn sách, có lời buồn sau đây:

“Sách thánh xuất hiện trước mắt tôi như một cuốn sách rất ư từ con người. Chỉ như là do các vị kinh-sư/thông luật người phàm từng ghi chép và biến-đổi rất nhiều điều từ Kinh Sách, nên cũng thế: các tác-giả là phàm-nhân, tự ban đầu, cũng viết lên những điều như thế. Đây là cuốn sách hoàn-toàn mang tính nhân-loại từ đấu chữ đến cuối giòng. Sách này được các tác-giả là con người từng ghi chép vào thời khắc và nơi chốn khác nhau đề-cập đến những nhu-cầu khác nhau.

Dĩ nhiên, nhiều tác-giả trong đó đã được Thiên-Chúa tạo hứng-khởi để nói những gì các ngài làm, nhưng họ vẫn có tầm nhìn tư riêng, niềm tin riêng rẽ, lập-trường riêng, nhu-cầu riêng, ao-ước riêng, hiểu biết cũng rất riêng về nền thần-học của riêng họ. Và những tầm nhìn, cũng như niềm tin, quan-điểm, nhu-cầu, ước-ao, hiểu-biết và nền thần-học này đã cho họ biết những gì họ nói ra. Khi viết những điều này, các tác-giả đều khác nhau rõ rệt.

Điều đáng buồn là: ngày nay, vẫn còn rất nhiều tín-hữu đến triệu triệu người cứ nghĩ rằng ta có thể hiểu Kinh thánh từng chữ, nghĩa đen theo kiểu tác-giả được thần-hứng viết lên những lời tiên-đoán sẽ xảy đến rất mau chóng hệt như lịch-sử từng diễn-tiến giống hệt thế…” (X. Bart D. Ehrman, Misquoting Jesus, the Story Behind Who Changed the Bible and Why, HarperOne 2005, tr. 11-13)

Thế đó, là nỗi buồn của một số người nhà Đạo, không chỉ “về đêm” hay “đêm về”, mà thôi. Nhưng, đây còn là nỗi buồn nhiều thuở của người đọc, khi khám-phá ra nhiều thứ khá “lộn xộn” ở chốn miền êm-ấm, rất Thánh Kinh.

Hệt như giai-điệu trầm/buồn ở trên mang nhiều từ-vựng không vui, như: “Nhớ pho tượng lính, buồn xe bụi đường”, hôm nay, nhân lục tìm đống sách/báo lấm bụi, trong đó có bức thư của nhà mô-phạm nọ ở Melbourne, có thư cho Nữ Hoàng Êlizabeth, như sau:

“Trong kính Nữ Hoàng của thần dân tôi,

Viết thư này, thần dân đây muốn dâng lên ngài đôi lời chúc mừng nhiệt-nồng không phải về chuyện ngài đã trị-vì triều-đại dài lâu nhất nước Anh, nhưng vì một lý-do riêng-tư, thâm trầm hơn. Bởi, năm tới đây 2017, ngài sẽ được chúng-dân long-trọng tổ-chức buổi kỷ-niệm 70 năm ngài thành-lập gia-thất với Quận Công Phillip, tức Đức lang-quân yêu-dấu của ngài.  

Dĩ nhiên là, thần dân đây cũng đính kèm các lời chúc tốt lành cho những ngày sắp tới của ngài. Trong bảy thập-niên vừa qua, ngài đã an-táng Hoàng-thái-hậu và Thái-thượng-hoàng của ngài và cũng đã mục-kích ba trong số bốn người con của ngài phải trải qua cơn chấn-động và buồn đau đi đến quyết-định phải ly-dị người bạn đời. Thần dân chúng tôi, vốn dĩ tưởng-tượng rằng các cháu của ngài, giống như hàng triệu người khác, đã học được bài học về cuộc sống gia-đình luôn vô cùng phức-tạp.

Người xưa có câu ngạn-ngữ bảo rằng: cuộc sống con người càng phô-trương ra ngoài công-chúng bao nhiêu thì người sống cuộc sống ấy càng phải trở-thành tư-riêng, kín-đáo bấy nhiêu. Điều này chắc chắn áp-dụng cho ngài. Thần dân chúng tôi không thể nhìn vào đồng tiền kẽm mà không thấy hình-ảnh của ngài.

Thế nhưng, bất kỳ một ai từng lập gia-đình đều biết rằng hình-ảnh bên ngoài ít giống thực sự thật bên trong. Hôn-nhân là bí-tích của một thực-tại. Tất cả mọi hôn-nhân đều là chuyện bí-nhiệm đối với người đứng ở ngoài và đôi lúc còn bí-hiểm cả với chính vợ chồng nữa. Hôn-nhân không được thiết-lập để sống ở trên trời, nhưng được làm thành từ hạnh-phúc vô-vàn không kể xiết, ở dưới đất.

Cách đây vài năm, thần dân tôi có gặp một mục-sư thuộc Giáo hội Tô-Cách-Lan được yêu cầu hướng-dẫn nghi-lễ ngày Chúa Nhật mà hôm ấy đáng lý ngài đến dự, ở Balmoral. Điều này có nghĩa là ông ta đã được mời lưu lại tại căn-hộ của ngài vào tối Thứ Bẩy và san sẻ dạ yến với ngài và Quận công Phillíp. Mục-sư Gioan đã ngần-ngại trong đôi chốc vì thấy không thoải-mái với các bộ lễ-phục của hoàng-gia. Ông không tin vào các vương-triều của người phàm dưới thế này. Nhưng cuối cùng, rồi thì ông cũng đã chấp-nhận một phần vì tò-mò, phần kia vì ông cũng đoán trước được là dạ-tiệc ấy sẽ rất ngon.

Mục-sư Gioan đã sững-sờ khi khám-phá ra rằng căn-hộ riêng-tư của ngài ở Balmoral thật ra là thứ gì đó giống hệt như căn phòng dành riêng ở sau nhà gồm đầy đủ phòng khách trải nhựa dẻo đã hết thời. Khi giờ tiệc đã tới, Quận công Phillíp đã bồn-chồn bước vào nhà bếp nhỏ, lấy nước cho vào nồi rồi mở gói mì ống kiểu Ý “spaghetti” bỏ vào nấu. Khi món mì lục bục sôi, ngài quận công đã phải lúng túng mở nắp lọ nước chấm ăn mì, là loại gia-vị ta có thể mua tại bất cứ siêu-thị nào khác. Đó là bữa ăn tối khá giản-dị

Thần dân đây tin rằng ngài và quận công Phillíp đã tự rửa chén/dĩa và hỏi mục-sư Gioan xem ông ta có muốn xem truyền-hình, thì ông này bảo: ông đang phải soạn bài chia sẻ, nên thật sự ông thấy cũng nên đưa chuyện này vào bài giảng. Mặt ngoài thì ngài và quận công Phillíp hôm ấy cũng đã cằn nhằn nhau về tình-trạng muỗng/nĩa ở nơi đó.

Thần dân bề tôi đây cảm thấy thích-thú được nghe chuyện này vì nó cho thấy ngài và quận-công đã có mối tương-quan thực-thụ. Những người được ta thương mến nhiều nhất lại là những người thường hay làm phiền ta không ít. Tình thương luôn năng-động, lúc nào cũng di-động và tiến-triển giữa việc giữ lại để ghi tỷ-số và để cho đi, giữa việc giữ lại cho mình mọi điều tốt đẹp và cho đi. Quyền lực cứ hỏi: “Có gì trong đó để cho tôi không?’ Tình thương, là hỏi rằng: “Có ai ở đó với tôi không?” Hôn-nhân nào cũng thế, vẫn luôn có lúc hai vợ chồng đều xào-xáo nhau.

Trong thông-điệp Giáng sinh mới đây nhất của mình, ngài có nói đến thông-điệp Đức Giêsu nói về tình-yêu và lòng xót thương, khi bảo rằng:

 “Dù cứ di-chuyển và bị bách-hại suốt cuộc đời ngắn-ngủi của Ngài, thông-điệp Đức Giêsu vẫn không thay-đổi là ta không được phép trả-đũa hoặc gây bạo-lực cho ai hết, mà Ngài chỉ khuyên ta có mỗi điều là hãy yêu thương lẫn nhau. Dù đây không là thông-điệp dễ thực-thi, chúng ta cũng không nên tỏ ra chán-nản; đúng hơn, điều Ngài nói tạo hứng để ta cố-gắng nhiều hơn. Sống biết cảm-kích những người đem tình-yêu và hạnh-phúc đến với cuộc sống của chính chúng ta, và tìm cách phổ-biến tình-yêu ấy đến với mọi người, bất cứ khi nào và ở bất cứ chỗ nào ta làm được.

Tôi nắm chắc rằng việc ta đáp trả mọi vấn-đề lớn của thế-giới đều chịu ảnh-hưởng thật sâu đậm từ tình-yêu ta trải-nghiệm trong tương-quan mật thiết nhất của ta với người khác. Thần dân đây cảm-kích thật đậm sâu về tình thương-yêu trìu mến của những người thương yêu chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng tầm nhìn của ngài về niềm tin-yêu và sự công-chính cũng sẽ được thể-hiện bằng tình-yêu, giống hệt thế.

Trọng kính ngài,

Michael McGirr                                   

(X. Michael McGirr, A Letter to the Queen, The Australian Catholics số Phục Sinh 2016, tr. 12)

Ôi chao! Là thư-từ viết rất hay và cũng thực-tế. Thực-tế/hấp-dẫn hơn cả bài giảng-thuyết ở nhà thờ nhà thánh của các đấng “lờ mờ” không kết-đoạn, cũng khá buồn!

Vậy thì, chuyện sầu/buồn ở đời, đôi lúc cũng chỉ là chuyện cỏn con/chóng vánh, rất mau qua. Bởi, theo quan-niệm của nhà Phật thì “tứ diệu-đế” vẫn là thứ “cơ-duyên tạo buồn/vui nơi đời người. Có vùng-vẫy cho lắm con người càng lún sâu trong “Vũng Lầy Của Chúng Ta” như ca nhạc sĩ Lê Uyên và Phương từng nghĩ đến.

Muốn sống vui, sống mạnh sống vững chãi trong chốn ngày buồn là cuộc đời người, chi bằng ta cứ đi vào vùng trời truyện kể để quên đi những nét chấm phá sầu buồn, mà vui sống. Vậy thì, mời bạn/mời tôi, ta cứ kể cho nhau truyện vui/buồn lẫn lộn ở đời, dù đã hơn một lần được kể, như sau:

Có một chàng trai bị bệnh ung thư. Chàng mới 19 tuổi, nhưng có thể chết bất kỳ lúc nào vì căn bệnh quái ác này. Suốt ngày, chàng trai phải nằm trong nhà, được sự chăm sóc cẩn thận đến nghiêm ngặt của bố mẹ. Do đó, chàng trai luôn mong ước được ra ngoài chơi, dù chỉ một lúc cũng được.

Sau rất nhiều lần năn nỉ, bố mẹ cậu cũng đồng ý. Chàng trai đi dọc theo con phố- con phố nhà mình mà vô cùng mới mẻ- từ cửa hàng này sang cửa hàng khác. Khi đi qua một cưả hàng bán CD nhạc, chàng trai nhìn qua cửa kính và thấy một cô gái. Cô gái rất xinh đẹp với một nụ cười hiền lành – và chàng trai biết đó là “tình yêu từ ánh mắt đầu tiên”. Chàng trai vào cửa hàng và lại gần bàn cô gái đang ngồi. Cô gái ngẩng lên hỏi:

-Tôi có thể giúp gì được cho anh?

Cô gái mỉm cười, và đó là nụ cười đẹp nhất mà chàng trai từng thấy.

-Ơ…chàng trai lúng túng.

-Tôi muốn mua một CD…

Chàng chỉ bừa một cái CD trên giá rồi trả tiền.

-Anh có cần tôi gói lại không ? Cô gái hỏi, và lại mỉm cười.

Khi chàng gật đầu, cô gái đem chiếc CD vào trong.

Khi cô gái quay lại với chiếc CD đã được gói cẩn thận, chàng trai tần ngần cầm lấy và đi về.

Từ hôm đó, ngày nào chàng trai cũng tới cửa hàng, mua một chiếc CD và cô gái bán hàng lại gói cho anh.

Các dĩa CD đó, cháng đem về nhà và cất ngay vào tủ.

Anh rất ngại, không dám hỏi tên hay làm quen với cô gái.

Nhưng cuối cùng, mẹ anh cũng phát hiện ra việc này và khuyên anh cứ nên làm quen với cô gái xinh đẹp kia.

Ngày hôm sau, lấy hết can đảm, chàng trai lại đến cửa hàng bán CD, rồi khi cô gái đem chiếc CD vào trong để gói, anh đã để một mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của mình lên bàn. Rồi anh cầm chiếc CD đã được gói- như tất cả mọi ngày- đem về.

Vài ngày sau…

Reeeeeeeeeeeeeeng !!!.

Mẹ chàng trai nhấc điện thoại:

-Allô?

Đầu dây bên kia là cô gái ở cưả hàng bán CD. Cô xin gặp chàng trai nhưng bà mẹ òa lên khóc:

-Cháu không biết sao? Nó đã mất rồi…hôm qua…

Im lặng một lúc. Cô gái xin lỗi, chia buồn rồi đặt máy. Chiều hôm ấy, bà mẹ vào phòng cậu con trai. Bà muốn sắp xếp lại quần áo cuả cậu, nên đã mở cửa tủ. Bà sững người khi nhìn thấy hàng chồng, hàng chồng CD được gói bọc cẩn thận, chưa hề được mở. Bà mẹ rất ngạc nhiên, cầm một cái lên, mở ra xem. Bên trong lớp giấy bọc là một chiếc CD cùng với một mảnh giấy ghi: “chào anh, anh dễ thương lắm.

Jacelyn”

Bà mẹ mở thêm một cái nữa. Lại thêm một mảnh giấy ghi: “Chào anh, anh khoẻ không? Mình làm bạn với nhau nhé?

Jacelyn”

Một cái nữa, thêm nữa… trong mỗi cái CD là một mảnh giấy…..” (Câu truyện kể đi kể lại cũng nhiều lần)

Và, một truyện khác vui/buồn tuỳ người đọc đánh giá và nhận-định, như sau:

“Người ta thường nói “có mà không giữ, mất đừng tìm”, vậy nên đừng bao giờ làm những điều khiến chúng ta phải hối hận. Hãy nhớ rằng hạnh phúc luôn dành cho những người biết nâng niu và hiểu được giá trị của tình yêu!

Có một chàng trai chia tay bạn gái đã lâu, mặc dù đã thử quen người mới nhưng vì tính cách không hợp nên sau cùng anh vẫn cô đơn. Một ngày nọ, trong lúc sửa soạn đồ đạc để chuyển nhà, anh tìm thấy lọ sao giấy – món quà kỷ niệm 1000 ngày yêu của người bạn gái cũ. Chàng trai bỗng nhớ lại lời nhắn của cô gái trước khi chia tay:

“Nếu có một ngày chúng mình không còn bên nhau nữa, anh hãy tháo những ngôi sao giấy mà em gấp tặng anh ra nhé!”

Khi ấy, chàng trai cho rằng đó chỉ là lời nói vu vơ của cô người yêu hay giận dỗi nên chẳng mấy để tâm. Vả lại, “ai mà đủ kiên nhẫn để tháo 1000 ngôi sao ra cơ chứ!” – chàng trai tự nhủ. Thế nên hôm đó anh cất lọ sao giấy vào một góc và không bận tâm về nó nữa.

Chàng trai suy nghĩ một lúc rồi lấy một ngôi sao giấy trong lọ và tháo nó ra. Một ngôi sao, hai ngôi sao, ba ngôi sao… Anh tháo đến ngôi sao thứ hai mươi rồi mà chẳng thấy có gì bên trong. Anh không còn đủ kiên nhẫn nữa. “Sao mình lại làm điều ngớ ngẩn này chứ!”, anh nghĩ và quyết định sẽ chỉ tháo thêm một ngôi sao nữa thôi.

Anh tháo từng nếp gấp của ngôi sao và lần này anh thấy trên mảnh giấy dùng để gấp sao hiện lên dòng chữ nắn nót:

“Anh thương yêu! Em hy vọng anh chẳng bao giờ đọc được những dòng này, vì như thế nghĩa là mình vẫn còn yêu nhau”.

Chàng trai lặng người, rồi anh tiếp tục tháo những ngôi sao còn lại. Anh nhận thấy quá nửa trong số chúng chẳng được viết gì. Mỗi lần thấy ngôi sao có chữ là anh lại hồi hộp như trẻ con mở quà.

Chàng trai rất kiên trì mới tháo được hết 1000 ngôi sao, nhưng anh cũng biết khi cô gái viết lời nhắn rồi gấp sao thì còn phải kiên trì gấp nhiều lần hơn thế. Chàng trai hết sức cảm động, những dòng chữ trên giấy gấp sao khiến tim anh đau nhói, anh ngỡ mình có thể khóc ngay được nhưng vẫn cố kìm nén, không để nước mắt rơi.

Cô gái viết rất nhiều. Tất cả giống như một cuốn nhật-ký-tình-yêu thu nhỏ. Trong đó có những lời nhắn nhủ yêu thương, những câu nói hỏi han quan tâm, đôi khi chỉ là vài câu kể lể hay nhắc nhớ về ngày kỷ niệm tình yêu, cũng có những câu hờn giận vu vơ…

“Anh thương yêu! Em ước gì mình được ở bên anh lâu hơn một chút. Xa anh buồn lắm!”

“Anh ơi! Mình đã yêu nhau được 821 ngày rồi đó. Có anh em hạnh phúc biết bao!”

“Anh của em hãy kiên cường lên nhé, vì có em luôn ở bên ủng hộ anh mà!”

“Anh đừng buồn nha anh, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi mà. Anh sẽ vượt qua tất cả, hãy tin em!”

“Em bỏ trống những ngày mình giận nhau vì những điều không vui tốt nhất nên quên đi, em sẽ không nhắc lại”.

“Hôm nay là sinh nhật em, điều em mong nhất là nhận được lời chúc của anh, nhưng chắc anh bận mất rồi…”

“Hôm nay anh lại làm em khóc, nhưng em đã hứa rồi nên sẽ không giận anh đâu”.

“Anh này, dạo này anh có vẻ lạnh nhạt với em quá… Em thì nhớ anh lắm lắm, anh biết không!”.

Cứ thế cứ thế, những hồi ức ngày yêu ùa về khiến chàng trai không khỏi bồi hồi, nhớ tiếc. Chàng trai nghĩ lại, quả thực trong thời gian yêu nhau anh đã rất vô tâm, nhiều lần khiến người yêubuồn và khóc. Anh thậm chí còn chẳng an ủi dỗ dành, vì anh biết cô bạn gái của mình sẽ chẳng giận được lâu. Và thế là anh để mất cô từ lúc nào chẳng hay. Giờ đây anh vô cùng hối hận, anh tháo từng ngôi sao mà tay cứ run run.

 Ngôi sao cuối cùng to hơn hẳn các ngôi sao khác, chàng trai đoán ngôi sao này được gấp sau cùng, bởi loại giấy hoàn toàn khác những ngôi sao còn lại. Trong đó, cô gái viết:

“Anh thương yêu! Em chỉ có thể chờ anh ba năm thôi, nên nếu còn thương em thì hãy sớm tìm em anh nhé. Yêu anh!”

Chàng trai xem lịch, đã ba năm hai tháng kể từ ngày hai người chia tay. Anh vội vàng tìm đến nhà người yêu cũ vì anh hiểu ra rằng mình vẫn còn thương cô ấy rất nhiều, chỉ là anh không dám thừa nhận mà thôi.

Nhưng cô gái vừa chuyển đến một nơi rất xa, bên người chồng mà cha mẹ mối mai. Cô kết hôn để làm vui lòng cha mẹ, cũng bởi chờ đợi quá lâu khiến cô mệt mỏi và cô đã thôi hy vọng. Chàng trai lặng lẽ ra về, âm thầm trách móc bản thân nhưng mọi thứ giờ đây đã quá muộn, chẳng thể thay đổi được nữa.

Bạn thấy đấy, trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cứ mải mê kiếm tìm điều gì đó xa xôi, mà chẳng mấy để tâm hay trân trọng những điều mình đang có. Chỉ đến khi mất đi rồi, chúng ta mới hiểu được những điều ấy có ý nghĩa và quan trọng với chúng ta đến nhường nào.

Có những khi hạnh phúc ở thật gần nhưng chúng ta không tự mình nắm giữ mà cứ theo đuổi mãi những giấc mộng viển vông. Có khi hạnh phúc ở ngay trước mắt mà chúng ta không mảy may trân trọng, để rồi khi hạnh phúc ra đi mới ngậm ngùi nuối tiếc, tự trách móc và dằn vặt bản thân. Nhưng khi ta nhận ra thì mọi thứ đã quá muộn màng bởi hạnh phúc không còn bên ta nữa.

Hạnh phúc thật ra chẳng quá đỗi xa xôi như người ta vẫn nghĩ, chỉ bởi vì chúng ta không biết cách trân trọng mà thôi. Người ta thường nói “có không giữ, mất đừng tìm”, vậy nên đừng bao giờ làm những điều khiến chúng ta phải hối hận về sau. Hãy nhớ rằng hạnh phúc luôn dành cho những người biết nâng niu và hiểu được giá trị của tình yêu! (Theo TTT)

Có âu sầu/buồn bã mấy đi nữa, bạn và tôi, ta cũng hãy trở về với khu vườn gồm lời khuyên-răn từ các bậc thánh-hiền, những bảo rằng:

“Quả vậy,
nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa
làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ:
đó là điều không bao giờ phải hối tiếc;
còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết.
Hãy xem nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa
đã đem lại cho anh em những gì:
bao nồng nhiệt,
và hơn thế nữa, bao lời xin lỗi, ân hận, sợ hãi,
bao ước mong, nhiệt tình, hình phạt…”
(2Côrinthô 7: 10)

Trong mối tương-quan với mọi người, ở đời, rất nhiều nơi toàn thấy những người hang say độ-lượng, từng cho đi chính con người của họ. Rộng-lượng, cả vào tư-thế biết thứ-tha những người từng làm cho họ sầu/buồn nữa.

Tương-quan với mọi người ở trong đời, còn dạy ta những kinh-nghiệm quí-giá lại cũng là quà tặng ta dành sẵn cho người khác. Gửi đến người khác. Bởi lẽ, bao lâu bạn và tôi quên mất mục-đích chính của cuộc sống là “cho đi” chứ không phải “thu thập” vào mình tấ cả mọi thứ. Thì, khi đó ắt hẳn ta sẽ vui lên mà sống những tháng ngày còn lại trong đời mình.

Trong nhận-thức như thế, vẫn mời bạn và tôi, ta cứ hát lên những ca-từ “tưởng-rằng-buồn” nhưng lại vui hơn bao giờ hết, như sau:

“Đêm về trên chiếc xe qua
Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hàng Xanh
Nhớ em, kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa, ôi nhớ mưa !

Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang xưa, quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính, buồn se bụi đường.”
(Du Tử Lê/Phạm Đình Chương – bđd)

Vâng. Đúng thế. Có nhớ gì thì nhớ, dù “pho tượng lính” , “Mưa buồn khắp Thị Nghè” hoặc “Nắng Trương Minh Giảng” hay “Lá hè Tự Do” đi chăng nữa, vẫn cứ thế mà sống cho vui, cho mạnh, cho phấn-chấn mãi không thôi.

Trần Ngọc Mười Hai
Chẳng dám nói hay hơn người
Vẫn cứ cảm-nghiệm nhiều ngày buồn,
rất khôn nguôi.

Bài liên quan

Back to top button