“Anh yêu em, vì em vì em biết nói,” | Chuyện Phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần 10 Thường niên năm B 10-6-2018
“Anh yêu em, vì em vì em biết nói,”
Đã biết thưa: Thưa anh em còn biết gọi,
Sáng trời mưa, khiến cho anh nhớ em.
Bây giờ nắng, anh nhớ em nhiều.”
(Phạm Duy/Đỗ Quý Toàn – Mùa Xuân Yêu Em)
(Thư Rôma 5: 4-9)
“Mùa Xuân Yêu Em” ư? Quả, có như thế. Một khi đã yêu Em hay yêu Anh rồi, thì tôi và bạn nay cũng thấy mùa Xuân hiện đến, rất miên trường. Bởi, mùa Xuân là mùa của “yêu đương” đối với những người “đương yêu” và cứ yêu mãi, suốt nhiều năm trên con đường trường cuộc sống “có chim hót”, có “trời trong như mắt say”, có “hai đứa ngồi đó, như hai hòn bi!” Không tin là như thế ư? Nếu vậy, mời bạn và mời tôi ta nghe câu hát tiếp, rất như sau:
“Ngồi xuống đây nghe chim là chim đang hót
Đồng cỏ như bàn tay trời trong mắt say
Ta ngó nhau ôi còn biết nói gì
Hai đứa ngồi ngồi đó như hai hòn bi.
Có cành hoa đẹp anh hái cho em
Em không thèm nhận anh chết cho xem
Rồi anh sẽ khóc liên miên suốt ngày
Ôi chẳng bao giờ buồn như bữa nay.
Này em yêu quý em nào có nghe
Trên cánh đồng cỏ có con bò kia
Nó kêu “bò bò” và nó ăn cỏ
Trời hôm nay cao yêu em hỡi gió.”
(Phạm Duy/ Đỗ Quý Toàn – bđd)
Vâng. Đúng, là như vậy. “Này Em yêu quý em nào có nghe trên cánh đồng cỏ, có con bò kia nó kêu bò bò”… Vâng. Đúng vào hôm “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney đêm ấy, khi hai hát sĩ ca đến câu này, thì mọi người cười rộ vì ca từ nghe đến là vui.
Vâng. Đến là vui, vì vẫn nghĩ rằng: khi đã nói chữ “Yêu” rồi, thì cả người nói lẫn người nghe đều thấy thích. Thấy thinh thích, vì luôn nhận ra là mình đã có mặt ở trong đó, cả vào lúc trời mưa/trời nắng có người anh vẫn hát câu: “nhớ em nhiều”.
Vâng. Thế đấy, là lời “yêu đương” của những người “đương yêu”, suốt buổi chiều, đầy thương yêu.
Thế nhưng, những người chưa biết yêu hay đã yêu nhiều, nhưng nay lại cứ thấy có vấn đề này/khác, nên mới lừng khừng, chịu khựng lại trong giây phút để tư-duy đôi điều, về tình yêu.
Viết đến đây, bần đạo lại nhận được tờ rời rất mới cứng của nhóm “Nhân Chứng Giêhôva” vừa kịp nhét vào thùng thư ở tận nhà, có lời lẽ như sau:
“Đâu là bí-quyết giúp gia-đình hạnh-phúc?
Theo bạn, đó là…
* tình yêu thương?
* tiền bạc?
* hay điều gì khác?
KINH THÁNH NÓI GÌ?
‘Những người nghe và giữ lời Đức Chúa Trời thì hạnh phúc!’ (Lu-ca 11: 28)
ĐIỀU NÀY CÓ NGHĨA GÌ VỚI BẠN?
Nếu làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh, gia đình bạn sẽ có được…
* tình yêu thương chân thật. (Êphêsô 5: 28,29)
* sự tôn trọng lẫn nhau (Êphêsô 5: 33)
* bình yên thật sự (Máccô 10: 6-9)
CHÚNG TA CÓ THỂ TIN KINH THÁNH KHÔNG?
Có, ít nhất vì hai lý do:
* Đức Chúa là Đấng lập nên gia đình. Kinh thánh nói: ‘Nhờ Ngài mà mọi gia đình được đặt tên’ (Êphêsô 3:14-15). Nói cách khác, chính Đức Chúa, danh là Giêhôva, đã lập nên gia đình trên đất. Tại sao ta biết điều này là quan trọng?
Hãy cứ tưởng tượng: Bạn đang thưởng thức món ăn ngon và muốn biết món đó được chế biến từ từ nguyên liệu nào, nấu ra sao thì hỏi ai đây? Tất nhiên, là hỏi người nấu chứ ai vào đây, nữa.
Tương tự như thế, để biết rõ yếu-tố nào giúp gia-đình hạnh-phúc, điều hợp lý hơn cả là hãy hỏi Đức Giêhôva, Đấng sáng-lập mọi gia đình (Sáng thế ký 2: 18-24)
* Đức Chúa quan tâm đến bạn và gia-đình bạn. Thế nên, mọi gia đình hãy rốt ráo tìm lời khuyên bảo của Đức Giêhôva được ghi trong Kinh Thánh. Tại sao thế? Bởi vì Ngài quan tâm đến bạn (1 Phi-e-rơ 5: 6,7). Đức Giêhôva muốn điều tốt đẹp nhất cho bạn, và lời khuyên lành của Ngài luôn tỏ ra hữu ích! (Châm ngôn 3: 5, 6; Ê-sai 48: 17, 18)
Nói về tình yêu người nhà Đạo, là nói về một số điều có liên-quan đến chuyện yêu đương cho những người đương yêu nghe và hiểu. Nhân lúc có sự-kiện yêu đương của cặp bạn trẻ đương yêu ở đời thường, như nhà báo có bài viết về cuộc hôn-nhân giữa hoàng-tử Harry và cô bé “lọ lem” Meghan Markle như sau:
“Về lễ cưới vừa rồi của Hoàng-tử Harry nước Anh, có rất nhiều điều phù-hợp với dân thường ở ngoài đời. Những chuyện, như việc cầm cương điều khiển cỗ xe bốn ngựa hoặc chiếc “Jaguars” nổi cộm hoặc chiếc vương-miện vô-giá, tất cả là chuyện không thể kể hết về đám cưới của ông hoàng trẻ ở nước Anh…
Hệt như các cặp vợ chồng từng có mặt vào hôm ấy, việc tham-dự tiệc cưới vẫn luôn là sự-kiện mang nhiều ý-nghĩa hơn là dõi xem cặp uyên-ương này quyết-tâm ra sao để chung sống. Đám cưới quí-tộc lại vẫn tạo điều-kiện cho các cặp vợ chồng có cưới hỏi đàng-hoàng, lại có cơ-hội đưa ra lời thề-thốt chung sống với nhau cho đến khi bạc đầu/râu. Đây, còn là cơ hội để đôi trẻ của hoàng-tộc nhớ lại cuộc tình mà họ cảm-ứng vào ngày cưới của họ và cũng là dịp để họ tái lập lời thề trong âm-thầm, nhiều hứng thú.
Tôi cũng thế, tôi cũng chẳng có luật trừ nào hết. Có nghĩa là, tôi cũng thấy mắt mình mờ dần khi từng bước và từng bước dõi theo đám cưới rềnh-rang ấy. Và rồi, tôi cũng từ từ đi lấy đôi bông tai đẹp do chồng mình tặng vào hồi trăng mật để đeo vào tai như cho anh ta biết là: mọi tình-cảm trong tôi vẫn không thay đổi…” (Ashley McGuire, The royal wedding is a reminder of public nature of marriage, MercatorNet 28/5/2018)
Nói theo kiểu nhà Đạo, là cứ nói cho dài rồi còn đặt vấn-đề về tất cả những chuyện có thể xảy ra trong Đạo, rất xục-xạo. Thế nhưng, ở ngoài đời, mà lại nói chuyện yêu-đương trai/gái chắc chắn không thể nào đẹp cho bằng nói lời bình thường kiểu văn xuôi, hoặc bằng lời ca tiếng hát rất nên thơ, như sau:
“Trên đỉnh đồi cao có cây to tướng
Trên một cành ngang có một tổ kiến
Có con đi ra và có con đi vào
Trời hôm nay nắng yêu em xiết bao.
Này em yêu quý em nào có hay
Ban nãy trên trời có đôi chim uyên
Có đôi chim trắng bay trên nền trời
Trời xanh xanh quá đôi mình lứa đôi
Trời xanh xanh quá đôi mình lứa đôi.”
(Phạm Duy/Đỗ Quý Toàn – bđd)
Nói chuyện yêu đương ở đời, không chỉ nói những lời văn hoa, thi-tứ; mà chỉ nên nói qua truyện kể dù truyện ấy đã được kể đi kể lại khá nhiều lần, ngõ hầu khắc ghi tâm can mình, như ở dưới:
“Ngày xửa ngày xưa, có đôi vợ chồng nọ sống với nhau êm ấm rất nhiều năm. Vào cuối đời, bà phải nằm trong viện dưỡng lão, sống buồn tẻ. Một hôm, biết rằng bà sắp chia tay mọi người, ông chồng liền hỏi bà xem có điều gì cần dặn dò không.
Bà liền đáp:
– Ông vào trong phòng lấy hộp giày tôi để dưới gầm giường, trong đó có một món mà lâu nay tôi vẫn giấu kỹ không cho ông biết!”
Ông chồng bèn khệ nệ bưng hộp giày lên, rồi hỏi:
– Trong đây có gì mà lâu nay tôi thấy bà luôn kè kè bên hông mình thế? Vì tôn trọng bà, nên tôi mới không tọc mạch mở nó ra xem, đấy!
Bà nọ liền đáp:
– Trong đấy có búp bê nhỏ và số tiền tôi dành dụm bấy lâu nay.
Ông chồng tiếp-tục hỏi:
– Sao bà lại có búp bê và số tiền nhiều như thế?
Bà ấy trả lời:
– Trước khi về nhà chồng, mẹ tôi dặn: hễ khi nào giận dỗi với chồng, thì đừng nói gì chỉ cần đem cuộn len để trong hộp ra mà đan búp bê, thôi.
Nghe xong, ông chồng tự tay mở hộp ra và thấy có búp bê ở trong đó. Mắt mũi đầm đìa, ông nói với vợ mình rằng:
– Hóa ra mấy chục năm chung sống với tôi, bà chỉ giận tôi có một lần thôi sao?
Ông hỏi tiếp:
– Còn số tiền này, bà nói là đã dành dụm được phải không? Thế thì, làm cách nào mà bà lại có số tiền to lớn đến thế?
Bà cứ thế lạnh lùng đáp:
– Thì, đó là số tiền tôi bán mấy con búp bê do tôi đan khi tôi giận ông chứ tiền gì!
Nghe thấy thế, ông chồng hiểu ra ngay là bà đã giận ông rất nhiều lần, nhưng vì nghe lời mẹ dạy, nên bà đã không làm sứt mẻ hạnh-phúc gia-đình”. (Truyện kể được lập đi lập lại rất nhiều lần rồi cũng xong!)
Và người kể, lại vẫn có lời bàn rất Mao Tôn Cương như sau:
“Câu truyện trên, dạy ta nhiều điều cốt để học hỏi cuộc sống hằng ngày. Khi ta giận dữ, nếu không có việc gì khác để làm, ta sẽ dồn hết tâm sức để “chăm bón” nỗi giận/dữ ấy. Làm thế chẳng khác nào ta tự đầu độc hay tự sát. Bởi thế nên, khi các hành-động xuất tự tâm can mang tính tiêu-cực, như: lo-âu, phiền-muộn xảy đến, ta hãy nên tìm công việc nào khác mà làm. Đây, là pháp-tu thể-hiện sự trân-quý cuộc sống của mình bằng cách không gieo thứ gì tiêu cực vào tâm thức, và không tạo điều-kiện cho tâm-hành tiêu-cực xuất-hiện, tàn phá đời sống của ta và của người thân.
Nói chuyện yêu đương nhà Đạo, lại cũng có nhiều người giống bần đạo, cứ xục xạo các vấn đề xảy ra ở khu xóm, giáo xứ có các bậc trưởng thượng cứ kể truyện những chuyện “yêu đương” qua việc “sùng kính Đức Nữ Trinh Maria” nhưng lại không coi đó là chuyện phụng thờ, mà chỉ như chuyện “yêu đương” của người đương yêu và được bằng lời lẽ rất “Đạo” sau đây:
“Về sùng kính Đức Mẹ, có ba điều cần minh-định cho rõ nghĩa. Trước nhất, chúng ta là người Công giáo giống như tín-hữu các giáo-phái khác, thường lập nhiều buổi tôn-sùng Nữ Vương không phải để phụng thờ Mẹ. Tự-vựng “sùng kính” nói lên việc tôn sùng và kính yêu, không có nghĩa là việc tôn-thờ, phụng-vụ.
Sách Giáo ly Hội thánh Công giáo có trích lời Công Đồng Vatican 2 dạy mọi người, rằng: Giáo hội có lý khi tôn-vinh Đức Nữ Đồng Trinh Maria qua việc sủng-ái Mẹ cách đặc-biệt.
Từ ngàn xưa, Đức Nữ Đồng Trinh Maria được tôn-vinh như bao giờ qua danh-xưng Mẹ là “Mẹ Thiên-Chúa”. Bằng vào những việc như thế, Giáo-hội muốn chứng-tỏ rằng: Mẹ luôn gìn-giữ tín-hữu khi các người con của Mẹ đang gặp cơn nguy-biến, kêu cầu Mẹ….
Tôn-sùng đặc-biệt như thế, khác với việc tôn-thờ Ngôi Hai Nhập-thể cùng bản tính, đồng hàng với Ngôi Cha và Thánh Linh, nên Giáo-hội mới cổ-vũ việc tôn-sùng này.” (sách GLHTCG đoạn 971/Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân đoạn 66).
Theo truyền-thống, Giáo hội luôn dạy mọi người, rằng: có tất cả ba loại tôn-vinh sủng-mộ, là: Thứ nhất là “Latria”, tức phụng-thờ duy-nhất chỉ một Thiên-Chúa mà thôi. Thứ hai, là: “Dulia”, giống như việc tôn-kính sủng-mộ, tức tôn-sùng và kính yêu các thánh nam nữ. Và thứ ba, là: “Hyperdulia”, tức một hình-thức tôn sùng và kính mến theo cách cao cả hơn các thánh nam nữ tựa hồ như việc ta vẫn hằng làm với Đức Mẹ là Đấng trổi-trang hơn các thánh; do bởi Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa” đồng thời Mẹ còn là là Nữ Vương các thánh nam nữ, là như thế.
Việc sùng kính/ái mộ Đức Mẹ còn cao cả hơn các thánh nam nữ, lại không giống như khi ta tỏ bày sự phụng-thờ duy nhất chỉ dành cho một Thiên Chúa mà thôi.
Ở nhà thờ, ta trưng-bày đủ mọi ảnh/tượng Đức Mẹ, và cũng lập các trung-tâm làm việc sùng-kính Mẹ hoặc dựng đài tưởng-niệm khác nhau dành cho Đức Mẹ, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ ta lại bái gối/quì lạy trước ảnh/tượng Đức Mẹ như ta vẫn làm khi đi qua “Nhà Tạm” có sự hiện-diện của Đức Kitô ở trong đó. Ta có thể cũng cúi đầu tỏ dấu kính-trọng Mẹ, nhưng tuyệt nhiên không làm cử chỉ bái chào/quỳ lạy như ta làm đối với Thiên-Chúa.
Công đồng Vaticăng 2 còn nói: “Đọc Sách Thánh, ta thấy các thánh tổ-phụ, tiến-sĩ Hội-thánh và ta còn được Hội-thánh hướng-dẫn thực-hành nghi-thức phụng-vụ có chỉ-dẫn cũng như để cho các bậc thày thần-học và đấng bậc chuyên dẫn dắt giải-thích cho ta biết phần-vụ cùng các đặc-quyền/đặc-lợi của Đức Mẹ là Đấng luôn hướng về Đức Kitô là Nguồn mạch sự thật, vốn dĩ lòng-lành, thánh thiện và đạo hạnh vô cùng.
Ta cũng xa lánh những thứ và những sự, bằng lời nói hay việc làm, gia dĩ đưa ta đến với đồng-đạo hoặc các việc lầm lạc hiểu sai tín-điều đích-thực của Giáo-hội. Lại nữa, ta cũng nên giúp-đỡ bạn đồng-đạo nhớ rằng: việc tôn-sùng thực các đấng bậc, không chỉ bao gồm mỗi tình-cảm thân-thương khô-khan hoặc nhất thời, lại không ngang qua hành-xử cả tin nhưng rỗng-tuếch, vốn xuất tự lòng thành-kính/tin yêu, qua đó ta được dẫn giải cho rõ ràng để hiểu được đặc-trưng của Mẹ Thiên-Chúa và nhờ đó, ta mới có lòng yêu thương của những người con luôn hướng về Mẹ mà học đòi bắt chước tính Mẹ.” (X. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân đoạn 67)
Điều khác nữa, là: ta nói để trả lời cho bạn-đạo ly-cách của ta rằng: việc sùng kính Đức Mẹ là xuất tự sự-kiện Thiên-Chúa đã làm cho Mẹ; chính vì thế, nên mới đốc thúc ta biết cảm-kích mà yêu-thương Chúa nhiều hơn.
Cuối cùng thì, chính Chúa đã chọn Mẹ là thân mẫu của Ngài và bạn cho Mẹ tràn đầy ơn lành thánh, như: biến Mẹ thành Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, đời đời đồng trinh sạch sẽ, không tì vết, lại đã ban cho Mẹ ơn Thăng thiên cả hồn lẫn xác…
Thành ra, sùng-kính Mẹ đúng phép còn có nghĩa là vinh-danh Thiên-Chúa cao cả là Đấng đã tạo-dựng nên người Mẹ trọn lành, lại rất thánh. Việc sùng-kính sủng-mộ Đức Mẹ không làm cho ta xa rời Thiên-Chúa, nhưng đúng hơn, lại dẫn đưa ta đi vào tình thương yêu Chúa hơn mọi thứ.
Thứ ba, là: chính Mẹ đã dẫn đưa ta về với Chúa, Chính Mẹ đem Chúa đến với ta bằng việc chấp-nhận Ngôi Hai Thiên Chúa trong Ba Ngôi lòng lành vào cung lòng của Mẹ rồi sinh hạ Ngài tại thôn làng Bét-Lê-hem nhỏ bé, khi xưa.
Mẹ còn đem Chúa đến với thế-giới, đồng thời Mẹ cũng muốn cho mọi linh-hồn tôn-thờ Ngài hệt như các mục-đồng và Ba Vua khi xưa từng làm tại Bét-lê-hem, thôn làng nhỏ bé ở Do-thái.
Mẹ cũng đã chịu-đựng mọi khổ-đau/sầu buồn với Đức Kitô trên núi Calvary để tất cả mọi người được cứu rỗi và chính Mẹ từng muốn cho ơn cứu-độ xảy đến với muôn dân nước, khắp địa cầu. Mẹ là Đấng Trung-gian cầu bầu mãnh-lực nhất đối với mọi linh-hồn đặc biệt là các linh-hồn ở nơi xa-xôi hầu đưa họ về với Chúa.
Một kinh-nghiệm tư-riêng trưng dẫn ra đây để minh-họa; đó là: nhiều năm trước, khi tôi làm tuyên-úy cho một trung-tâm đại-học nọ, có một sinh-viên lâu năm lạnh-lẽo chẳng còn biết giữ đạo là gì đã chạy đến yêu cầu tôi ngồi tòa giải-tội cho anh ta. Khi xưng xong, anh hỏi tôi làm thế nào giúp anh tìm mua một chuỗi hạt Mân Côi.
Anh giải-thích: nhiều năm trước, anh vẫn sống trong trường nội-trú ở đó mọi người có thói quen vẫn lẫn chuỗi Mân Côi hằng ngày và anh cũng muốn quay về làm như thế giống mọi người. Và xảy ra là, hôm ấy là ngày Lễ Mẹ nên tôi có hỏi anh là anh có biết chuyện ấy không, anh trả lời là anh chẳng hề biết ngày nào là ngày Lễ dành cho Đức Mẹ hết.
Khi ấy, tôi bèn nói với anh rằng: theo tôi nghĩ, chính Đức Mẹ đã đem anh về lại với Chúa vào ngày lễ của Mẹ do bởi khi xưa anh từng sùng-kính yêu thương rất hết mình. Thành thử, ta không thờ Đức Mẹ chút nào hết, nhưng do bởi sự việc ta sủng-ái Mẹ chỉ làm gia-tăng lòng mến ta có đối Chúa, mà thôi.” (X. Lm John Flader, “Marian devotion is not worship – but it is love”, The Catholic Weekly 20/5/218 tr. 21)
Kể chuyện “yêu đương” theo đủ mọi cách, tưởng cũng nên quay về với lời “kể” của bậc thánh-hiền nhà Đạo từng có lời khuyên như sau:
“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta,
nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.
Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì
vì còn là hạng người vô đạo,
thì theo đúng kỳ hạn,
Đức Kitô đã chết vì chúng ta.
Hầu như không ai chết vì người công chính,
hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.
Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta,
ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi;
đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính
nhờ máu Đức Kitô đổ ra,
hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.”
(Thư Rôma 5: 4-9)
Quan-niệm thế rồi, nay ta lại sẽ hướng cao tầm nhìn về phía trước, mà hát những lời như sau:
“Anh yêu em vì em vì em biết nói,”
Đã biết thưa: Thưa anh em còn biết gọi,
Sáng trời mưa khiến cho anh nhớ em.
Bây giờ nắng anh nhớ em nhiều.
Ngồi xuống đây nghe chim là chim đang hót
Đồng cỏ như bàn tay trời trong mắt say
Ta ngó nhau ôi còn biết nói gì
Hai đứa ngồi ngồi đó như hai hòn bi.
Có cành hoa đẹp anh hái cho em
Em không thèm nhận anh chết cho xem
Rồi anh sẽ khóc liên miên suốt ngày
Ôi chẳng bao giờ buồn như bữa nay.
Này em yêu quý em nào có nghe
Trên cánh đồng cỏ có con bò kia
Nó kêu “bò bò” và nó ăn cỏ
Trời hôm nay cao yêu em hỡi gió.”
(Phạm Duy/ Đỗ Quý Toàn – bđd)
“Bây giờ nắng, anh nhớ em nhiều” không chỉ là lời trần-tình của ai đó với người yêu thôi, mà còn là và sẽ là quyết-tâm của mọi người đối với nhau, trong cõi đời rất nắng. Và cũng mưa liên miên như mọi ngày.
Trần Ngọc Mười Hai
Dù nắng hay mưa
Vẫn quyết tâm yêu em, yêu anh
Yêu hết mọi người
Trong đời.