6 điều bạn cần biết về Takashi Murakami, nghệ sĩ huyền thoại của Nhật Bản
Thứ 4, 21.10.2020
Takashi Murakami là một ngôi sao nghệ thuật quốc tế và là một biểu tượng văn hóa – niềm tự hào của xứ sở mặt trời mọc. Tài năng của ông đã vượt ra cả hội họa và điêu khắc để lan tỏa tới các lĩnh vực khác như thời trang, âm nhạc…
Nếu như phương Tây có Andy Warhol là ông vua của nghệ thuật đại chúng thì Takashi Murakami chính là Warhol của Nhật Bản. Nam nghệ sĩ có công lớn đưa nghệ thuật và xã hội tiêu dùng xích lại gần nhau. Các bức vẽ sặc sỡ, tươi vui của ông được truyền cảm hứng từ tiểu văn hóa otaku, một thuật ngữ dùng để chỉ những cá nhân yêu thích văn hóa đại chúng. Thông qua hội họa, Murakami khám phá văn hóa đương đại của Nhật Bản và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của văn hóa phương Tây lên nó.
“Chúng ta muốn thấy những thứ mới lạ,” Murakami chia sẻ triết lý hội họa của ông. “Đó là bởi chúng ta muốn thấy tương lai, thậm chí chỉ trong giây lát. Thậm chí nếu không hiểu những gì diễn ra ở đó thì ít nhất chúng ta đã được chạm tới nó. Đây chính là nghệ thuật.”
Sau đây là 6 sự thật về Takashi Murakami
ÔNG SÁNG TẠO RA TRÀO LƯU NGHỆ THUẬT SUPERFLAT (SIÊU PHẲNG)
Hội họa Superflat sử dụng viền dày, màu phẳng, bỏ qua hiệu ứng đa chiều. Hội họa phẳng xuất hiện dày đặc tại Nhật Bản, từ các tác phẩm tranh khắc gỗ ukiyo-e ở thời kỳ Edo (1603-1868) đến truyện tranh và hoạt hình. Murakami đặt cho nó cái tên “Superflat” vào năm 2001 khi ông có dịp tham quan một triển lãm có cái tên tương tự. Triển lãm trưng bày tác phẩm của 19 nghệ sĩ đương đại (bao gồm Murakami) người đã đưa phong cách siêu phẳng vào hội họa của Nhật Bản sau khi có tham khảo từ hội họa phương Tây.
Theo Murakami, “phẳng” ở đây không chỉ nằm ở mặt hình ảnh mà còn nằm ở sự phân hóa giữa nghệ thuật cao (nghệ thuật kén chọn người thưởng thức) và nghệ thuật thấp (nghệ thuật dành cho đại chúng), nghệ thuật và văn hóa tiêu thụ. Trên thực tế, rất nhiều tác phẩm của Murakami khám phá văn hóa tiêu dùng hậu chiến tại Nhật Bản. Người họa sĩ giải thích, “Tôi luôn có hứng thú với đề tài chiến tranh thế giới lần II – tôi luôn thắc mắc rằng văn hóa đã thay đổi thế nào sau chiến tranh.”
NHÂN VẬT THƯƠNG HIỆU CỦA ÔNG LÀ MR. DOB
Murakami cho ra mắt nhân vật Ngài DOB vào năm 1992. Có thể nói, đây là một trong những sáng tạo nổi tiếng và được yêu thích nhất của Murakami. Nhân vật mang hình dạng tương tự con chuột có đôi mắt to, cái miệng cười xếch tới mang tai và hai chiếc tai nổi bật xuất hiện dày đặc dưới các phong cách và màu sắc khác nhau.
Tên gọi Ngài DOB xuất phát từ cụm “dobojite” có nghĩa là “tại sao?” trong tiếng Nhật. Câu hỏi này phản ánh sự bối rối của Murakami trước một xã hội tiêu thụ. Nam họa sĩ tiết lộ rằng ông nảy ra ý tưởng thiết kế nhân vật Ngài DOB dau khi đang nghiên cứu vì sao nhân vật Mickey Mouse của Walt Disney lại được ưa chuộng đến vậy. “Tôi đã tiến hành nghiên cứu bí mật thu hút thị trường,” ông giải thích, “từ sự phổ biến của những nhân vật như Mickey Mouse, Sonic the Hedgehog, Doraemon, Miffy, hay Hello Kitty”.
ÔNG YÊU HOA
Ngoài DOB, Murakami còn có một nhân vật mang tính biểu tượng khác: bông hoa cười. Với 12 cánh hoa tròn trịa và khuôn mặt vui tươi, bông hoa sặc sỡ của nghệ sĩ được tôn vinh bởi sự vui tươi và hồn nhiên. Murakami có đam mê với hoa bắt đầu từ thập niên 80 khi ông còn là giáo viên. Trong các buổi học mỹ thuật, ông sẽ mua những bông hoa tươi để học sinh của mình vẽ. Ông đã lặp đi lặp lại bài học này gần như hàng ngày trong suốt chín năm, và theo thời gian, anh ấy bị cuốn hút bởi nhiều loại hoa và đặc điểm của mỗi loại hoa. Hoa là chủ đề được Murakami đặc biệt yêu thích dạo gần đây. Nó xuất hiện trong vô số họa phẩm và sản phẩm của ông.
ÔNG TỪNG HỢP TÁC VỚI THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG LOUIS VUITTON
Năm 2002, Marc Jacobs – lúc bấy giờ là nhà thiết kế chính của Louis Vuitton – đã mời Murakami thiết kế bộ sưu tập phụ kiện xuân hè 2003 của thương hiệu. Murakami sau đó đã có biến tấu kawaii đầy màu sắc với logo của thương hiệu LV.
Các thiết kế Louis Vuitton của Murakami đã đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác kéo dài 13 năm, và những chiếc túi do ông thiết kế đã trở thành một cơn sốt toàn cầu. Sau đó, người nghệ sĩ bắt đầu kết hợp trực tiếp các họa tiết và hoa văn của Louis Vuitton vào các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của mình. “Người Nhật chấp nhận rằng nghệ thuật và thương mại sẽ được pha trộn; và trên thực tế, họ ngạc nhiên trước hệ thống phân cấp cứng nhắc và kiêu căng của phương Tây về ‘nghệ thuật cao cấp’, Murakami nhận xét. “Ở phương Tây, bạn chắc chắn sẽ bị ném đá nếu pha trộn hai thứ này. Nhưng không sao cả — tôi đã sẵn sàng hứng chịu những chỉ trích đó”
Đây không phải là lần hợp tác duy nhất của Murakami với một thương hiệu thời trang. Ông đã từng hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng khác, bao gồm UNIQLO, Supreme và Vans, để tạo ra những bộ sưu tập đầy màu sắc với phong cách nghệ thuật mang tính biểu tượng.
ÔNG CŨNG HỢP TÁC VỚI CÁC NHẠC SĨ NỔI TIẾNG
Năm 2007, Murakami đã thiết kế ảnh bìa cho album Graduation của rapper Kanye West . Sau đó vào năm 2018, cặp đôi này tái hợp tác với album Kids See Ghosts.
Murakami cũng đã làm việc với Pharrell Williams khi ông tạo ra một nhân vật hoạt hình của ca sĩ người Mỹ cho bản phối lại chính thức của bài hát chủ đề Jellyfish Eyes. Williams và Murakami cũng hợp tác trong một tác phẩm điêu khắc, có tựa đề Những điều đơn giản (2008-2009).
Gần đây nhất, Murakami hợp tác với ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Billie Eilish để tạo video âm nhạc cho ca khúc của cô mang tên: You should see me in a crown. Video hoạt hình có phiên bản anime của Eilish, cũng như những bông hoa cười đặc trưng của Murakami.
ÔNG LÀ NHÀ SÁNG LẬP KIÊM CHỦ TỊCH
CỦA CÔNG TY SẢN XUẤT
VÀ QUẢN LÝ NGHỆ THUẬT KAIKAI KIKI
Năm 1996, Murakami thành lập Nhà máy Hiropon, một không gian studio mà sau này đã trở thành trung tâm sản phẩm nghệ thuật, triển lãm, và công ty quản lý nghệ sĩ với tên gọi: Kaikai Kiki Co. Công ty đặt mục tiêu giúp các nghệ sĩ trẻ tiếp cận thị trường quốc tế bằng cách tổ chức các cuộc triển lãm, giúp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như bằng cách tổ chức một hội nghị và lễ hội nghệ thuật hai năm một lần ở Tokyo. Kaikai Kiki bắt đầu ở Saitama, Nhật Bản tại thành phố Asaka, nhưng hiện có văn phòng ở Tokyo và New York, cũng như các chi nhánh ở Berlin và Đài Loan.