Đọc báo dùm bạnLướt web

8 bức họa kinh điển phá vỡ mọi quy chuẩn của danh họa người Ý Caravaggio

Michelangelo Merisi xứ Caravaggio là một nghệ sĩ người Ý hoạt động tại Roma, Napoli, Malta và Sicilia khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Ông được biết đến là cánh chim đầu đàn của hội họa Barốc, nổi tiếng với những bức họa đầy cảm xúc nhưng đôi khi có phần bệnh hoạn.

Bacchus” – Caravaggio, 1595. (Ảnh: Wikipedia)

Michelangelo Merisi hay còn được biết đến với tên gọi Caravaggio là một trong những cây cọ tài năng và gây được nhiều sự chú ý nhất lịch sử hội họa châu Âu. Danh họa tiên phong cho trường phái Barốc đã phá mọi rào cản, trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống. Là một người đàn ông với tính cách phức biệt, các tác phẩm của ông bị công chúng quay lưng sau khi ông qua đời vào năm 1610. Phải đến khoảng giữa thế kỷ 20, hội họa của Caravaggio mới lại được công chúng đón nhận một lần nữa.

Sinh ra và lớn lên tại Milan, Ý, Caravaggio chuyển tới Roma khi hơn 20 tuổi và kết nối với những nhà bảo hộ nghệ thuật giàu có, những người có khả năng nâng đỡ sự nghiệp của ông. Trong một giai đoạn khi mà các họa sĩ chỉ tập trung khai thác những chủ đề được lý tưởng hóa như thần thánh, tôn giáo, thần thoại thì Caravaggio lại có một bước đi trước thời đại. Ông khai thác những chủ đề gần gũi, thân thuộc trong cuộc sống. Các tác phẩm của ông đều mang đậm hơi thở hiện thực, gây ấn tượng với hiệu phối hợp sáng tối, diễn đạt xuất sắc những xung đột tâm lý được khắc họa. Không ngại mạo hiểm, bất kỳ ai từng đi qua cuộc đời Caravaggio đều có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Bao gồm học trò – người tình của ông Mario Minniti, người đã xuất hiện trong một vài bức họa bao gồm tác phẩm nổi tiếng Bacchus mà ngày nay được trưng bày tại Phòng tranh Uffizi tại thành phố Florence, Ý. Trong tác phẩm này, Minniti được hóa thân thành thần rượu, hiện thân của tuổi trẻ khi mà ông mời một số người bạn tới thưởng thức tác phẩm.

Caravaggio luôn kiên định trong hội họa của mình, ông có thể phá vỡ các quy chuẩn truyền thông – một điều mà không mấy ai dám làm. Trên thực tế, sau khi được hoàn thành, một số tác phẩm được đặt hàng cho các nhà thờ Công giáo của ông đã bị từ chối bởi giáo hội bởi chúng không tuân thủ các tiêu chuẩn mỹ học đương thời. Rất may là các tác phẩm của ông đều được săn đón bởi các nhà sưu tầm hội họa đương thời.

Các nhà viết tiểu sử thường chỉ tập trung vào nét tính cách, lối cư xử thất thường – đã dẫn tới các cuộc xung đột hay thậm chí là tàn sát đã khiến ông bị trục xuất khỏi Roma. Tuy nhiên, xét riêng về hội họa, có lẽ không một ai có thể vượt qua Caravaggio ở khả năng phối hợp sáng tối. Chính yếu tố sáng tối trong tranh của ông đã tác động lớn tới các họa sĩ thế hệ sau như Rembrandt hay Peter Paul Rubens. Và thậm chí, cả một thế hệ họa sĩ (đặc biệt là họa sĩ tại Bắc Âu) – được biết đến với tên gọi Caravaggisti đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi kỹ thuật khai thác bóng tối trong tranh của ông.

Sau đây, hãy cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm kinh điển tạo nên thành công cho sự nghiệp của danh họa Barốc Caravaggio.

SICK BACCHUS (1593)

“Sick Bacchus” – Caravaggio, 1593. (Ảnh: Wikipedia)

Bacchus, vị thần rượu trong thần thoại mà một chủ đề quen thuộc trong hội họa. Nhưng có lẽ, không một ai có thể có lối tiếp cận đặc biệt như Caravaggio. Tác phẩm được thực hiện khi ông lần đầu đặt chân tới Roma, và thực chất là một bức chân dung tự họa với tên gọi Sick Bacchus. Chân dung trong tranh được khắc họa một cách hoàn trung thực, mang hơi hướng hiện thực.

Với nước da tái xám, vị thần rượu xuất hiện trong tranh của Caravaggio không hề ưa nhìn. Thế nhưng, tương tự các họa sĩ Barốc khác, Caravaggio hoàn toàn không hứng thú với việc lý tưởng hóa trong hội họa. Bức tranh sơn dầu được vẽ theo đơn đặt hàng của một nhà đỡ đầu giai đoạn đầu của ông như một tấm Capvisit bảo chứng cho khả năng vẽ tranh tĩnh vật, cũng như các chủ đề cổ điển của ông trong những dáng điệu phức tạp.

GIỎ HOA QUẢ (1599)

“Giỏ hoa quả” – Caravaggio, 1599. (Ảnh: Wikipedia)

Có thể nói, bức họa tĩnh vật Giỏ trái cây của Caravaggio là một bước đột phá trong nghệ thuật đương thời. Tuy nhiên, có điều gì đặc biệt ở nó? Trong khi tranh tĩnh vật đã phát triển rất mạnh ở Bắc Âu thì ở Ý là một câu chuyện trái ngược. Những giỏ trái cây hoặc hoa lá tuy cũng được đưa vào tranh nhưng không bao giờ là chủ đề chính. Cho đến Caravaggio.

Giỏ trái cây thực chất là một món quà từ người bảo trợ ban đầu của Caravaggio – Hồng y Francesco Del Monte cho Hồng y Federico Borromeo – người rất hâm mộ các họa sĩ Hà Lan. Sau khi chứng kiến tác phẩm tĩnh vật xuất sắc của Bacchus, các họa sĩ đã có cái nhìn khác về chủ đề này trong tranh tĩnh vực. Ngày nay tại Milan, Giỏ hoa quả của Caravaggio có lẽ là tác phẩm tĩnh vật đầu tiên tại Ý.

LỜI GỌI THÁNH MATTHEW (1599-1600)

“Lời gọi thánh Matthew” – Caravaggio, 1599-1600. (Ảnh: Wikipedia)

Sau một vài năm ở Rome và cũng tạo được các mối quan hệ quan trọng, Caravaggio bắt đầu nhận được các đơn đặt hàng quan trọng cho các nhà thờ trong thành phố. Không để những kỳ vọng hay quy chuẩn truyền thống gây áp lực cho mình, người họa sĩ nổi loạn đã sử dụng những dự án này làm nơi thử nghiệm và thể hiện quan điểm độc đáo của mình. Tác phẩm Lời gọi thánh Matthew mà ngày nay vẫn còn được nhìn thấy tại nhà thờ là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Caravaggio. Việc kết hợp các nhân vật một cách tự nhiên, phóng khoáng trong tranh như lời phản kích lại chủ nghĩa lý tưởng của trường phái Mannerism.

Nhưng điểm đặc sắc nhất của bức tranh nằm ở cách Caravaggio xử lý ánh sáng và bóng tối – thương hiệu của ông. Theo kiến ​​trúc thực tế của nhà nguyện và các bố trí của hệ thống cửa sổ, ánh sáng mặt trời chiếu vào và đi dọc theo bàn tay của Chúa Kitô hướng về phía Matthew. Ánh sáng không chỉ tạo nên sự kịch tính mà còn như một phép ẩn dụ về bàn tay của Chúa, yêu cầu Matthew đi theo người.

ĐÓNG ĐINH THÁNH PETER (1601)

“Đóng đinh thánh Peter” – Caravaggio, 1601. (Ảnh: Wikipedia)

Đơn hàng lớn tiếp theo của Caravaggio là hai bức tranh cho cùng một nhà nguyện. Trong khi cả hai vẫn còn ở trong nhà thờ Santa Maria del Popolo ở Rome, không có bức tranh nào tại nhà nguyện là phiên bản gốc của ông. Trên thực tế, cả hai bức tranh đầu tiên đều bị người bảo trợ từ chối, buộc Caravaggio phải làm lại.

Mặc dù không rõ lý do chính xác mà tác phẩm Đóng đinh Thánh Peter của ông bị từ chối, phiên bản thứ hai vẫn chứa đầy những lựa chọn táo bạo. Caravaggio được biết đến với việc sử dụng người thường làm người mẫu, một điều chưa từng có vào thời điểm đó, và thật tai tiếng khi nhìn thấy những nhân vật trong bối cảnh tôn giáo được khắc họa một cách hiện thực như vậy. Ở đây Peter trông giống như một người bình thường, không phải là một vị thánh được tôn vinh, và một trong những người hành quyết ông thậm chí còn có bàn chân bẩn. Caravaggio đặt những nhân vật trong Kinh thánh này ngang hàng với những công dân thường, thay vì nâng họ lên một vị trí cao hơn — một bước đi táo bạo vào thời điểm đó.

SỰ CẢI ĐẠO TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN DAMASCUS (1601)

“Sự cải đạo trên đường đến Damascus” – Caravaggio, 1601. (Ảnh: Wikipedia)

Ngay phía bên kia nhà nguyện đối diện bức họa Đóng đinh của Thánh Peter là một bức tranh mạnh mẽ khác của Caravaggio, Sự cải đạo trên đường đến Damascus. Tương tự với tác phẩm trước đó, phiên bản đầu tiên của bức tranh này đã bị từ chối – mặc dù cả hai đều được mua nhanh chóng bởi các nhà sưu tập tranh của Caravaggio. Bức tranh sơn dầu được trưng bày ngày nay cho thấy khả năng sử dụng ánh sáng xuất sắc của Caravaggio, với ánh sáng ấm áp phủ lên Paul khi anh ngã xuống ngựa và chìm dần vào bóng tối.

Caravaggio một lần nữa phá vỡ quy chuẩn truyền thống thông qua họa phẩm này. Trong khi họa sĩ Phục hưng và Barốc thường đưa ngựa làm nhân vật nền cho tác phẩm, thì ở đây Caravaggio đưa con vật này trở thành tâm điểm, nhân vật chính của bức vẽ. Đó là một lựa chọn gây tranh cãi được cho là đã nổ ra cuộc trao đổi nổi lửa này người nghệ sĩ và nhà thờ: “Tại sao lại đặt một con ngựa ở giữa, và Thánh Paul dưới mặt đất?” “Bởi vì!” “Con ngựa có phải là Chúa không?” “Không, nhưng nó đứng trong ánh sáng của Chúa!”.

CÁI CHẾT CỦA ĐỨC MẸ ĐỒNG TRINH (1604-1606)

“Cái chết của Đức Đồng trinh’ – Caravaggio, 1604-1606. (Ảnh: Wikipedia)

Vị trí của Caravaggio trong bảo tàng Louvre đã được bảo toàn bởi một tác phẩm nghệ thuật bị từ chối khác. Lần này, người họa sĩ nổi loạn được một luật sư của Giáo hoàng ủy nhiệm vẽ về cái chết của Đức mẹ Maria. Theo kế hoạch, tác phẩm sẽ được treo bên trong nhà thờ tại Roma nhưng một lần nữa, họa phẩm của Caravaggio bị cho là không phù hợp sau khi hoàn thành. Và lần này chúng tôi biết nguyên nhân.

Việc họa sĩ sử dụng những người thường làm người mẫu cho tranh của mình đã không còn xa lạ, thế nhưng, người ta cho rằng ông đã sử dụng một cô gái điếm – rất có thể là tình nhân của ông – làm mẫu cho Đức mẹ Đồng trinh, và điều đó đã gây xôn xao. Ngoài ra, là một người đi theo hướng hiện thực, Caravaggio vẽ người đã khuất trong trạng thái bị trương phình và sưng lên. Bức tranh miêu tả không đẹp mắt về Đức mẹ Maria đã nằm ngoài phạm vi chấp nhận của nhà thờ và vì vậy, Caravaggio đã bị thay thế bởi một họa sĩ khác. May mắn thay, nhờ sự giới thiệu của bậc thầy Barốc Peter Paul Reubens, Công tước xứ Mantua đã mua bức tranh. Trải qua một vài chủ sở hữu, bao gồm cả Vua Charles I của Anh, họa phẩm Cái chết của Trinh nữ về sau được đưa vào bộ sưu tập tại Bảo tàng Louvre sau cuộc Cách mạng Pháp.

DAVID VỚI CHIẾC ĐẦU GOLIATH (1610)

“David với chiếc đầu của Goliath” – Caravaggio, 1610. (Ảnh: Wikipedia)

David với chiếc đầu của Goliath là một kiệt tác tâm lý được vẽ trong thời kỳ Caravaggio bị trục xuất khỏi Rome sau khi giết chết một người đàn ông trong một trận đấu quần vợt. Xuất hiện trong tranh là chàng David trẻ đang nhìn chăm chú vào cái đầu bị cắt rời của Goliath.

Ở đây, Caravaggio đóng vai Goliath, khiến nó trở thành một bức chân dung tự họa bệnh hoạn khác. Sau vụ giết người, Caravaggio bị trục xuất khỏi Rome từ năm 1606, sống ở Naples, Sicily và Malta. Một số người tin rằng bức tranh là một món quà cho Hồng y Scipione Borghese, một nhà sưu tập nghệ thuật cuồng nhiệt và là người có quyền năng tha tội cho Caravaggio. Những người khác tin rằng đó chỉ đơn giản là một lời cầu xin lòng thương xót, với ánh mắt buồn bã của David phản ánh sự thương hại mà Caravaggio muốn nhận được. Dù thế nào đi nữa, Caravaggio đã được ân xá, nhưng ông không bao giờ có thể trở lại Rome. Trong chuyến đi trở về quê nhà thân thương của mình, ông đã đổ bệnh và qua đời trước khi đặt chân tới thành phố.

MyModernMet/MaiAnh/Designs.vn

Bài liên quan

Back to top button