Báo động thông tin giả sức khỏe!
Trên thế giới, thông tin giả liên quan đến sức khỏe đang được cảnh báo ở mức “rất tệ hại”. Riêng tại Việt Nam, thông tin giả loại này đang phát triển chóng mặt với sự “trợ lực” của mạng xã hội, tạo ra những hệ lụy khó lường.
Nhiều người ngày nay đang xem thông tin về sức khỏe trên mạng như một bác sĩ thật, có mặt 24/24 giờ. Nhưng mấy ai thật sự hiểu rằng đã và đang có những “bác sĩ mạng” vô tâm đẩy bệnh nhân đến những tình huống rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Hướng dẫn bậy, lập luận khôi hài…
Có một bác sĩ kể câu chuyện khá chua chát về chuyện bác sĩ “Gú gồ” “làm khó” ông nhiều lần. Một bệnh nhân nữ bị đái tháo đường hơn 8 năm, nhờ ông chữa mà đường huyết 3 năm nay rất ổn. Lần tái khám gần đây, đột nhiên đường huyết bà tăng vọt. Bà khẳng định vẫn uống thuốc, tập thể dục đều đặn và không thay đổi chế độ ăn. Gặng hỏi mãi thì bà mới rụt rè kể: “Thú thật với bác sĩ, 2 tháng nay, mỗi ngày tôi ăn thêm nửa quả dưa hấu. Vì con tôi xem trên mạng thấy có người bảo trong dưa hấu có chất trị được bệnh đái tháo đường!”. (Bà đâu biết rằng trong dưa hấu chứa nhiều đường).
Nhiều người có thói quen lên mạng để tìm hiểu thông tin và tự chữa bệnh
cho mình mà không biết là tác hại khôn lường Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ai có dùng Facebook chắc không lạ với những thông tin có thể gây hại đang tràn lan. Kiểu như bệnh nhân bị đột quỵ lại có lời khuyên người nhà hãy “chích máu 10 đầu ngón tay và cạy miệng đổ nước gừng vào” (thay vì phải đưa ngay đến bệnh viện). Hay thông tin của nhóm “phản đối chủng ngừa” (anti-vaccination movement) nhan nhản trên mạng gần đây với những lập luận quá ư… khôi hài đối với giới chuyên môn. Cần nhắc lại, chính nhờ thành tựu của chủng ngừa, rất nhiều con em của chúng ta thoát được sự hành hạ của các bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Tỉ lệ mắc hầu hết là các bệnh có thuốc chủng phòng (vắc-xin) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm qua các năm. Tất cả những điều vừa kể có nguy cơ bị phá vỡ từ thái độ “từ chối tiêm chủng” do quá tin vào thông tin giả sức khỏe trên mạng.
Dù những thông tin lan truyền trên mạng xã hội không có giá trị về mặt y khoa, người ta vẫn hết hồn vì số lượt thích (like), chia sẻ (share), nhận xét (comment) lên đến hàng ngàn, hàng vạn.
Thông tin giả lấn lướt
“Tôi có cảm giác, trong tất cả các loại thông tin giả, thông tin giả về sức khỏe là loại gây thảm họa nhất” – bà Kelly McBride thuộc Viện Nghiên cứu y khoa Poynter (Mỹ) nhận định. Bởi vì, dù không có bất kỳ cứ liệu khoa học nào chứng minh, những thông tin giả sức khỏe lại được lan truyền, chia sẻ mạnh mẽ và nhanh chóng. Cũng dễ hiểu thôi, bởi nhu cầu thông tin về sức khỏe là có thật và là nhu cầu rất cao do ai cũng sợ bệnh và khi bị bệnh thì chỉ muốn mau hết bệnh. Vì vậy, trong các lĩnh vực khoa học rộng lớn, khoa học sức khỏe là mảnh đất rất màu mỡ cho thông tin giả xuất hiện.
Lý do thứ nhất khiến cho các thông tin khoa học chính thống bị các thông tin giả, thậm chí thông tin thất thiệt, thắng thế vì chúng thường không dễ hiểu và cách viết thì khô khan, nhàm chán. Để hiểu chúng, cần phải có những kiến thức nhất định và phải thật chú tâm vì không hấp dẫn chút nào. Còn đọc thông tin về bí quyết giảm cân, chống béo phì “cấp tốc” hay dùng xà bông tẩy trắng da, kem bôi da làm trẻ lại ở tuổi đôi mươi thật “thần kỳ” thì người tỉnh táo sẽ nhận ra ngay sự lập lờ song rất nhiều người khác lại thấy hấp dẫn.
Lý do thứ hai là “thời gian” đã chống lại thông tin khoa học chính thống. Chúng ta biết khoa học đã tốn rất nhiều thời gian để nghiên cứu một cách bài bản nhằm giải quyết vấn đề. Kết quả nghiên cứu phải trải qua quá trình phản biện nhiêu khê và đánh giá khách quan của hội đồng khoa học. Vậy mà chỉ cần những thông tin lệch lạc được lan truyền một cách nhanh chóng trên các kênh không chính thống (mạng xã hội, rỉ tai truyền miệng, kể cả tờ rơi) là các kiến thức khoa học bị nghi ngờ ngay, dù sau đó các chuyên gia tốn công đăng đàn giải thích.
Xin có lời khuyên
Chính vì các thông tin giả tràn ngập nên người bệnh cần cẩn trọng trong việc tự dùng thuốc hay áp dụng một phương thức chữa, ngừa bệnh qua thông tin trên mạng internet. Cần cảnh giác khi thu thập những thông tin sức khỏe, y dược được phổ biến quá dễ dàng trên mạng như hiện nay. Vì ngay cả người trong nghề cũng phải thận trọng sàng lọc thông tin đáng tin cậy để sử dụng. Đồng thời, cũng cần ghi nhớ rằng dược phẩm luôn gắn liền với kinh doanh, không loại trừ nhiều thông tin về dược phẩm đã bị “nhiễu” vì mục đích lợi nhuận.
Đối với người dân, xin có lời khuyên đừng bao giờ dùng thông tin trên internet để tìm cách chẩn đoán bệnh và tự chữa bệnh. Nhiều người mỗi khi lo lắng về sức khỏe của mình là cứ vào mạng để tìm bệnh, thấy trường hợp nào giống như các triệu chứng mình có là cứ thế “bê” nguyên toa thuốc trên mạng đến hiệu thuốc mua mà không cần đến bác sĩ. Việc tự vào các địa chỉ mạng để tìm thuốc thích hợp (“thích hợp” là do thuốc đã được quảng cáo rất nghệ thuật, nghe xuôi tai, chiều nào cũng lọt), mua thuốc trên mạng hoặc đến nhà thuốc mua về tự uống, thậm chí mua theo lối rỉ tai, chuyền tay là rất nguy hiểm.