Cây sen – vị thuốc đa năng
Nguyễn Đức Quang
Suckhoedoisong.vn – Hoa sen được coi là “quốc hoa” của Việt Nam, thể hiện cho sức sống mãnh liệt của người Việt. Ở nước ta sen được trồng ở khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam nhưng nhiều nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, thu hái từ tháng 7 đến tháng 9. Sen không chỉ đẹp, đem lại giá trị kinh tế, mà tất cả các bộ phận của cây sen như hoa sen, hạt, lá, củ, ngó sen… đều có thể sử dụng làm thực phẩm và làm thuốc.
Hạt sen (liên tử – Semen Nelumbinis): Phần màu trắng bên trong vỏ cứng của quả, có bỏ chồi mần bên trong. Hạt sen có nhiều tinh bột (60%), đường (raffinoza), chất đạm (16%), chất béo (2%), một số khoáng chất (canxi: 0,089%, photpho: 0,285%), các alcaloid với tỷ lệ thấp (lotusine, demethyl coclaurine, liensinine, isoliensinine. Hạt sen là thực phẩm cao cấp dùng cho người già yếu, trẻ em hoặc dùng làm các món ăn quý có chất lượng cao: mứt, chè sen; là phụ liệu cho nhiều món ăn dân tộc: phồng tôm…. Theo y học cổ truyền, hạt sen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm, sáp trường, cố tinh. Dùng làm thuốc bổ, chữa tỳ hư sinh tiết tả (tiêu chảy), di mộng tinh, băng lậu, đới hạ, mất ngủ, thần kinh suy nhược. Ngày 10 – 30g dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Tâm sen (liên tử tâm – Plumula Nelumbinis): chứa 5 alcaloid chính (liensinine, isoliensinine, nuciferine, lotusine, methylcorypaline), tỷ lệ 0,89% – 1,06%. Vị rất đắng, có tác dụng an thần nhẹ. Chữa sốt và khát nước, di mộng tinh, tim đập nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp hoảng hốt, mất ngủ. Ngày dùng 1,5 – 3g.
Gương sen (liên phòng – Receplaculum Nelumbinis): đế hoa hình nón ngược, đã lấy hết quả. Gương sen có 4,9% chất đạm, 0,6% chất béo, 9% carbonhyđrat và lượng nhỏ vitamin C. Tác dụng tiêu ứ, cầm máu. Chữa các bệnh chảy máu: chảy máu tử cung, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, đau bụng dưới do ứ huyết. Trong các bài thuốc chữa băng huyết, rong huyết thường có liên phòng cùng các vị thuốc khác. Ngày dùng 10 – 15g.
Tua nhị sen (liên tu – Stamen Nelumbinis): chỉ nhị của hoa sen đã bỏ phần nhị (hạt gạo). Liên tu có nhiều tanin. Vị chát, tính ấm. Tác dụng sáp tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết. Dùng chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh, trĩ, bạch đới, tiểu dầm, tiểu nhiều; ngày 3 – 10g.
Hạt gạo: Hạt màu trắng ở trên tua nhị sen; đây là bao phấn, có hương thơm. Người ta thường chọn bông sen sắp nở, tách lấy hạt gạo để ướp chè. Chè móc câu loại ngon, ướp hương sen này, pha với nước sương hứng trên các lá sen vào sáng sớm là thú vui ẩm thực tao nhã của người xưa.
Lá sen (hà diệp – Folium Nelumbinis): có đến 15 alcaloid và chiếm 0,21 – 0,51%, chất chính là nuciferin (0,15%); ngoài ra còn có acid hữu cơ, tanin, vitamin C. Lá sen có vị đắng, tính bình, vào can tỳ vị. Tác dụng hạ huyết áp, an thần, thanh thử, lợi thấp, tán ứ, chỉ huyết. Lá sen dùng để gói cốm làm cho cốm giữ độ dẻo và có hương thơm mát đặc biệt khó quên.
Mầm ngó sen (ngẫu tiết – Nodus Nelumbinis): chứa tinh bột 8%, asparagin, arginin, trigonellin, tyrosinglucose; các vitamin: C, A, B, PP và một ít tanin. Vị ngọt chát, tính bình, vào kinh can tâm vị. Tác dụng thu liễm cầm máu, tráng dương, an thần.
Các alcaloid trong lá, tâm sen, hạt có tác dụng giải co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần và chống viêm nhẹ.
Không chỉ đẹp, đem lại giá trị kinh tế,
mà tất cả các bộ phận của cây sen đều có thể làm thực phẩm và làm thuốc.
Các bài thuốc có sen
Bài 1: lá sen tươi 40g, rễ sậy tươi 40g, hoa bạch biển đậu 10g. Sắc nước uống. l say nắng kèm theo bụng phiền, miệng khát, họng khô, tiểu ít,đỏ.
Bài 2: lá sen tươi 20g giã nát, thêm 1 chén nước nguội vào ép lấy nước uống. Trị thổ tả do trúng thử.
Bài 3: lá sen tươi 80g, trắc bách diệp tươi 20g, lá ngải tươi 24g, sinh địa 40g. Hãm hoặc sắc nước uống. Trị thổ huyết do táo nhiệt.
Bài 4: lá sen 20g – 30g; sắc lấy nước; thêm 100ml đồng tiện mới lấy, uống. Trị máu hôi không ra hết sau khi đẻ.
Bài 5 (viên vông sen , cao lá sen, cao lá vông, cao bình vôi): chữa suy nhược thần kinh, ngủ kém.
Bài 6: ngày dùng 5 – 12g lá sen, sắc uống. Chữa viêm ruột, chảy máu dạ dày và các chứng chảy máu khác.
Bài 7: lá sen tươi hoặc khô 1 lá, thái ngắn, hãm hoặc đun với 400 – 500 ml nước trong 10 – 20 phút; mỗi sáng uống 1 ấm. Chữa béo phì.
Bài 8: ngó sen 20g, cuống sen 12g; sắc nước uống. Trị nôn ra máu.
Bài 9: ngó sen tươi 40g, huyết dư thán 10g. Sắc uống. Trị tiểu rắt ra máu.
Bài 10: ngó sen 20g, cỏ nhọ nồi 20g, bạch cập 16g, trắc bách diệp tươi 16g. Tất cả phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ thấp, nghiền bột mịn, thêm nước làm hoàn mỗi hoàn 10g. Ngày uống 3 viên với nước sôi để nguội. Trị chứng lao phổi ho ra máu hoặc khi nôn ra máu.
Bài 11 – Hoàn cố tinh: mẫu lệ 12g, long cốt 12g, kim anh tử 12g, sa tật lê 12g, liên tu 12g, khiếm thực 12g, liên nhục 12g. Làm viên hoàn hoặc sắc uống. Trị di tinh, hoạt tinh.
Bài 12 – Bột khai cấm: liên nhục 16g, hoàng liên 6g, đảng sâm 12g. Sắc uống. Trị lỵ cấm khẩu, ăn uống không trôi.
Bài 13 – Hoàn liên thực: liên nhục 20g, ba kích 20g, bổ cốt chỉ 20g, sơn thù 20g, long cốt 20g, phụ tử 20g, phục bồn tử 20g. Tất cả nghiền bột mịn, dùng hồ nếp làm hoàn. Mỗi lần uống 12g vào lúc đói, chiêu với nước muối loãng. Trị hoạt tinh, di tinh…
Bài 14 – Thang táo nhân: toan táo nhân 12g, liên nhục 12g, viễn chí 12g, phục thần 12g, hoàng kỳ 12g, đảng sâm 12g, cam thảo 4g, trần bì 6g. Sắc uống. Trị chứng hư lao tâm phiền không ngủ được, tim đập hồi hộp, đầu váng, mắt hoa…
Nguyễn Đức Quang