Uống nước chanh rất tốt, nhưng uống nhiều thì hãy cẩn thận với 7 tác hại
Uống quá nhiều nước chanh có thể gây tình trạng ăn mòn hoặc gây ra các vết loét lớp lót dạ dày, dẫn đến tình trạng loét dạ dày tá tràng.
Chanh là loại quả chứa nhiều vitamin C và có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể người. Chúng ta đều biết rằng, chanh có những công dụng chữa bệnh như như giải độc cơ thể bằng cách kích thích chức năng gan thận hoạt động, tăng cường hệ thống miễn dịch và làm giảm tác động của các gốc tự do, làm đẹp da nếu dùng đúng cách.
Tuy nhiên, loại trái cây này cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không đáng có với sức khỏe nếu dùng quá nhiều hoặc dùng không đúng cách.
- Loét dạ dày
Loét dạ dày là sự hình thành các vết loét, viêm bên trong lớp lót dạ dày, thực quản hay ruột non. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do bắt nguồn từ lượng axit dư thừa trong cơ thể.
Như chúng ta đã biết, chanh có tính axit có thể gây mất cân bằng mức axit trong dạ dày, do đó uống quá nhiều nước chanh có thể gây tình trạng ăn mòn hoặc gây ra các vết loét lớp lót dạ dày, dẫn đến tình trạng loét dạ dày tá tràng.
- Gây trào ngược dạ dày thực quản
Dùng quá nhiều chanh cũng có thể gây nên chứng trào ngược dạ dày với các triệu chứng như ợ nóng, nôn và buồn nôn.
Nguyên nhân là do hàm lượng axit trong loại trái cây này có thể làm suy yếu chức năng dạ dày thực quản và làm tăng lượng sản xuất axit trong dạ dày, dẫn đến lượng axit dư thừa di chuyển đến cổ họng gây ra cảm giác nóng.
- Dùng nhiều chanh có thể gây mất nước
Mặc dù chanh chứa hàm lượng lơn vitamin C – khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, nhưng loại trái cây này cũng có thể tăng tiết nước tiểu, gián tiếp gây ra sự mất nước cho cơ thể nếu tiêu thụ với số lượng lớn.
- Tăng nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu
Nước cốt chanh có tính axit có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa dẫn đến những cơn đau đầu thường xuyên.
Ngoài ra, các nghiên cứu trước đó cho thấy, sử dụng một lượng đáng kể chanh có thể dẫn đến chứng đau nửa đầu. Thủ phạm là loại amino axit gọi là tyramine có trong chanh với số lượng khá lớn. Axit amin này làm cho máu dồn lên não bất ngờ và do đó gây ra chứng đau nửa đầu.
- Tăng nguy cơ mắc sỏi thận
Vỏ chanh có chứa hàm lượng oxalate, khi được hấp thu vào cơ thể, chất này chuyển hóa thành tinh thể có thể ngăn ngừa sự hấp thu canxi, do đó dẫn đến nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Gây ra vấn đề về răng miệng
Axit citric và axit ascorbic cùng với hàm lượng đường tự nhiên trong chanh có thể dễ dàng dẫn đến các vấn đề về răng miệng như sâu răng và ăn mòn. Để giảm thiểu nguy cơ về răng lợi, chỉ nên uống nước cốt chanh khi pha loãng với các loại dung dịch khác hoặc với nước lọc.
- Gây ra nhiều vấn đề về đường ruột
Uống quá nhiều nước chanh tươi có thể dễ dàng dẫn đến các vấn đề về dạ dày. Điều này là do liều lượng vitamin C có trong chanh nhiều hơn lượng vitamin C cơ thể chúng ta có thể hấp thụ. Do đó có thể dẫn đến các triệu chứng về đường ruột như tiêu chảy và buồn nôn.
*Theo Boldsky
theo Trí Thức Trẻ