Café đenQuán ven đường

Cơ cấu phẩm trật Giáo Hội Công Giáo | Kiến thức Công Giáo số 2

Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên JCD.

Quyền tối thượng trong Giáo Hội Công Giáo toàn cầu

Chúa Giêsu trao chìa khoá, quyền lãnh đạo tối thượng cho tông đồ Phêrô.

1. Đức Giáo Hoàng Rôma (Roman Pontiff):

Giáo Luật điều 331 định nghĩa Giáo Hoàng Rôma là: “Giám Mục của Giáo Hội Roma, nơi Ngài được duy trì nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cách đặc biệt cho Phêrô, người đứng đầu trong các Tông Ðồ, và phải được chuyển tiếp cho các người kế vị Ngài, là thủ lãnh của tập đoàn Giám Mục, Ðại diện Ðức Kitô và Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội trên trần gian. Vì thế, do uy lực của nhiệm vụ, Ngài có quyền thông thường tối cao, sung mãn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và Ngài luôn luôn có thể tự do hành sử quyền ấy”.

Đức Giáo hoàng là:

a) Giám Mục Rôma
b) Kế vị Thánh Phêrô và là đầu của Giám Mục đoàn như Phêrô là đầu các Thánh Tông đồ.
c) Đại diện Chúa Kitô, mục tử tối cao chăn dắt đoàn chiên Chúa.
d) Vạ tuyệt thông tiền kết dành cho tông toà cho những ai xúc phạm thể lý Đức Giáo Hoàng. GL. Điều 1370 1 nói: “Người nào hành hung Ðức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Nếu là giáo sĩ, tùy theo mức nặng của tội phạm, có thể bị phạt thêm một hình phạt khác nữa, kể cả hình phạt khai trừ khỏi hàng giáo sĩ.”

Kinh Truyền Tin 12:00 trưa Chúa Nhật

e) Đặc tính quyền bính của Giáo Hoàng Rôma là: Tối cao – Sung mãn – Trực tiếp – Phổ quát.

Tối cao (Supreme): Không ai khác có quyền hơn Đức Hoàng – Không ai có quyền xét xử hay thưa kiện Đức Giáo Hoàng. GL. Ðiều 333: (3) Không thể kháng cáo hoặc thượng tố chống lại một án văn hay nghị định của Ðức Thánh Cha.
Sung mãn (Full): Tròn đầy, không cần bổ túc mà cũng không sang nhượng.
Trực tiếp (Immediate): Từ ĐGH tới đối tượng, không cần ai làm trung chuyển.
Phổ quát (Universal): Có quyền trên Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội địa phương.

ĐGH Rôma thi hành quyền giáo huấn và lãnh đạo qua những cách thức sau:

Angelus – Regina Coeli: Đọc kinh Truyền tin – Lạy Nữ Vương Thiên đàng – Chúa Nhật hàng tuần, đúng 12 giờ trưa, ĐGH xuất hiện ở cửa số tuần 3 nơi cung điện dành cho Giáo Hoàng để chào khách hành hương đến Rôma, đọc kinh truyền tin, ban huấn từ và ban phép lành. Kinh Truyền Tin kéo dài không quá hai mươi phút.

Apostolic Constitutions – Tông hiến – Constitution apostolica: Giáo Hoàng ban hành những hiến chế rất quan trọng liên quan đến đời sống đức tin, luân lý Kitô giáo hay thay đổi Giáo Luật…. đòi buộc Giáo Hội toàn cầu phải thi hành. Thí dụ: Hiến chế Lumen Gentium do ĐGH Paul VI ban hành năm 1964 – Hiến chế Fidei depositum – Kho tàng đức tin – do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành năm 1992 khi phổ biến quyển Giáo Lý Công Giáo – Hiến chế Vultum Dei quaerere, on women’s contemplative life ban hành ngày 29 June 2016 – Hãy tìm kiếm Thiên Nhan, nguyên tắc đời sống chiêm niệm của nữ giới.

Apostolic Exhortations – Tông huấn: Đây là những lời khuyên, những huấn dụ được ĐGH nhắn gửi cho toàn thể Giáo Hội hay một cộng đoàn tín hữu để giúp họ có đời sống đạo đức thiết thực hơn. Tông huấn không mang hình thức luật lệ, buộc phải thi hành hay thay đổi những vấn đề liên quan đến đức tin. Thí dụ: Tông Huấn Evangelii Gaudium – The Joy of the Gospel – Niềm Vui của Tin Mừng do Đức GH Phanxicô ban hành ngày 24.11.2013. Gần đây, Tông Huấn Amoris Laetitia – Niềm vui – Tông huấn hậu Thượng Hội Mục do Đức GH Phanxico6 ban hành ngày 19.3.2016.

Tự Sắc – Motu Proprio: Đây là những Tông Thư (Apostolic Letter) do chính tay Đức Giáo Hoàng biên soạn và ban hành. Tự sắc không nằm trong Giáo Luật mà cũng không mang hiệu quả thay đổi Giáo luật. Thí dụ: Tông Thư dưới dạng Tự Sắc mang tên Summa Familiae Cura – Chăm sóc gia đình tối đa – được ban hành ngày 8.9.2017.

Tông sắc – Papal Bulls: Tông sắc là những tài liệu hợp pháp của Đức Giáo Hoàng được phổ biến công khai dưới dạng hiến chế hay đặc ân. Hình thức đặc biệt của Tông sắc là bắt đàu với câu “Episcopus Servus Servorum Dei“– Nhân danh Giám Mục Roma, đầy tớ của các đầy tớ của Thiên Chúa” … và được chuẩn nhận bằng con dấu nỗi và được Văn Phòng Chưởng Ấn Vatican công bố với tên của Đức Hoàng. Thí dụ: Misericordiae Vultus – Gương Mặt Thương Xót – Tông Sắc dành riêng cho Năm Thánh Ngoại Thường do Đức GH. Phanxicô ban hành ngày 11.4.2015.

Thư Luân Lưu – Encyclical: Thường hiểu đây là những lá thư của Giám Mục địa phận phổ biến cho linh mục, giáo dận trong địa phận – Encyclical có nghĩa là luân lưu, là “in circle” – Thư luân lưu được soạn và ban hành nhằm nói lên quan tâm mục vụ trong Giáo Hội, được coi như một thường huấn của Hoàng. Thí dụ: Thư Luân Lưu “LAUDATO SI’, mi’ Signore” – “Praise be to you, my Lord” được GH. Phanxiô cho ban hành ngày 24.5.2015. Một Thư Luân Lưu trước đó: Lumen Fidei – Ánh sáng đức tin – Ban hành ngày 29.6.2013.

Diễn văn long trọng của Đức Giáo Hoàng – Papal Addresses: Đây là những bài diễn văn nhằm chuyên chở sứ điệp của Đức Thánh Cha tới các nhóm đặc biệt như: Hội Hiệp Sĩ – Phiên họp khoáng đại của Viện Hàn Lâm Khoa Học thuộc tông toà – Bộ phượng tự..
Papal Rescript – Sắc chỉ Giáo Hoàng: Thường để trả lời cho những yêu cầu được miễn chuẩn. Đức Giáo Hoàng hay cả một thánh bộ cũng có thể ra sắc chỉ. Thí dụ: Người bị vạ tuyệt thông yêu cầu giải vạ.

Apostolic Brief: Thư ngắn của Đức Giáo Hoàng – Đó là thư của Đức Giáo Hoàng được viết trên một trang giấy mỏng đẹp và có tựa đề là “A die Nativitatis” – From the day of Nativity – Từ ngày Chúa giáng sinh… sau đó đóng dấu bằng Nhẫn Ngư Phủ.

2. Giám Mục đoàn (The College of Bishops)
Giám Mục đoàn, Nghị Phụ Công Đồng Vatican II

Giám Mục đoàn, Nghị Phụ Công Đồng Vatican II

Ðiều 336: Tập Ðoàn Giám Mục gồm bởi Ðức Thánh Cha làm thủ lãnh và các thành phần là các Giám Mục đã được cung hiến bằng bí tích và duy trì sự hiệp thông theo phẩm trật với thủ lãnh và với tất cả các phần tử của tập đoàn. Trong tập đoàn Giám Mục đoàn thể các Tông Ðồ được bền bỉ mãi mãi. Tập đoàn Giám Mục, hợp nhất với thủ lãnh và không bao giờ được thiếu thủ lãnh, cũng là chủ thể của quyền bính tối cao và sung mãn trong toàn thể Giáo Hội.

Khoản Giáo Luật trên cho chúng ta những hiểu biết như sau:

Không có một cá nhân Giám Mục nào có quyền tối thượng trên Giáo Hội Giáo toàn cầu, trừ Giám Mục Roma, từ Đức Giáo Hoàng.

Giám Mục đoàn, tức bao gồm tất cả Giám Mục đã được truyền chức Giám Mục và hiệp thông với thủ lãnh là Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục khác thì tạo thành Giám Mục đoàn và có quyền tối thượng trên Giáo Hội Công Giáo toàn cầu được thể hiện cụ thể trong những hiến chế hay nghị quyết được ban hành từ những công đồng chung.

Yếu tố quyết định cho danh xưng và quyền hành của Giám Mục đoàn là hiệp thông với thủ lãnh và hiệp thông với nhau. Không có Đức Giáo Hoàng đứng đầu và không có hiệp thông với đầu và với nhau thì không được coi là Giám Mục Đoàn.

3. Thượng Hội Đồng Giám Mục (The Synod of Bishops)

Ðiều 342: Thượng Hội Nghị Giám Mục là một đại hội gồm các Giám Mục được tuyển chọn từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, tụ họp lại vào những thời kỳ được ấn định, để cổ võ sự hiệp nhất chặt chẽ giữa Ðức Thánh Cha với các Giám Mục, và để giúp ý kiến cho Ðức Thánh Cha trong việc bảo vệ và tăng tiến Ðức Tin và phong hóa, và trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội; ngoài ra, còn để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới.

Ðiều 343: Thượng Hội Nghị Giám Mục có thẩm quyền bàn thảo tất cả các vấn đề đã đề ra và bày tỏ ý kiến của mình, nhưng không có thẩm quyền để biểu quyết hay ban hành nghị quyết về các vấn đề đó; trừ những trường hợp nhất định, khi Ðức Thánh Cha cho Thượng Hội Nghị được quyền biểu quyết; lúc ấy, Ðức Thánh Cha có quyền phê chuẩn các quyết định của Thượng Hội Nghị.

Hai khoản Giáo Luật 342 và 343 cho chúng ta những hiểu biết như sau:

Thượng Hội Đồng Giám Mục không bao gồm tất cả Giám Mục trên thế giới, nhưng chỉ một số được chọn từ những miền đất nước khác nhau trong Giáo Hội. Đương nhiên, những Giám Mục đượic tuyển chọn nầy phải hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.

Thượng Hội Đồng Giám Mục do Đức Giáo Hoàng triệu tập, tuy nhiên khác với Giám Mục đoàn, Đức Giáo Hoàng có thể nhờ người khác chủ tọa.

Thượng Hội Đồng Giám Mục đóng vai trò cố vấn và góp ý với Đức Giáo Hoàng nhằm mưu cầu lợi ích cho Giáo Hội chứ không có quyền ban hành sắc lệnh hay nghị quyết trừ khi được Giáo Hoàng yêu cầu cho một trường hợp nhất định.

Khác với Giám Mục đoàn, Thượng Hội Đồng Giám Mục không có quyền tối thượng mà chỉ giúp ý kiến hay góp ý Đức Giáo Hoàng thi hành quyền lãnh đạo tối cao của mình.

4. Các Hồng Y Giáo Hội Công Giáo Rôma
(Sanctae Romanae Ecclesiae cardinalis – Cardinals of the Holy Roman Church)

Phẩm phục Hồng Y Giáo Chủ Rôma

Những khoản Giáo Luật cần thiết cho ta khái niệm về Hồng Y trong Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Ðiều 349: Các Hồng Y lập thành một tập đoàn riêng biệt, với thẩm quyền bầu cử Ðức Thánh Cha chiếu theo quy luật riêng; ngoài ra, các Hồng Y còn giúp Ðức Thánh Cha, hoặc cách tập đoàn mỗi khi các ngài được triệu tập để cùng xét những vấn đề hệ trọng, hoặc là với tính cách cá nhân tức là nhờ các nhiệm vụ khác nhau mà các ngài đang đảm nhiệm để giúp Ðức Thánh Cha trong việc quản trị thường nhật Giáo Hội phổ quát.

Ðiều 350: (1) Tập đoàn Hồng Y chia thành ba đẳng: đẳng Giám Mục, gồm các Hồng Y được Ðức Thánh Cha chỉ định một tước hiệu của một giáo phận ngoại ô, cũng như các Thượng Phụ Ðông Phương được nhập vào Hồng Y Ðoàn; đẳng linh mục và đẳng phó tế.(2) Mỗi Hồng Y thuộc đẳng linh mục và đẳng phó tế được Ðức Thánh Cha chỉ định cho một thánh đường tước linh mục hay phó tế trong thành phố Rôma.

Hồng Y là những Gíám Mục được Đức Giáo Hoàng tự do chọn lựa để bầu Giáo Hoàng khi trống toà. Hạn tuổi được bầu Giáo Hoàng là không quá 80 tuổi. Các HY đều có nhà thờ Hiệu toà ở trong hay ngoại thành Roma. Thí dụ Đức Hồng Y Thuận, nhà thờ hiệu toà là Nhà Thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria della Scala); Nhà thờ hiệu toà của Đức HY Mẫn là Giustinô, ngoại thành Rôma. Đức Hồng Y Nhơn Nhà Thờ Thánh Tomasso Apostollo.

Công Nghị Hồng Y – Nhà nguyện Sistine

Nếu khi được chọn làm Hồng Y mà chưa là Giám Mục, thì sẽ được tấn phong Giám Mục trước khi nhận mũ Hồng Y.

Ðiều 351: (1) Ðể tiến cử làm Hồng Y, Ðức Thánh Cha sẽ tự do chọn lựa những người thuộc nam giới, ít ra có chức linh mục, trổi vượt về đạo lý, tác phong, đạo đức và khôn ngoan trong cách xử sự công việc; tuy nhiên, những ai chưa là Giám Mục, cần được thụ phong Giám Mục.

Hồng Y đoàn được chia thành ba đẵng cấp: Hồng Y Giám Mục, Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Phó Tế.

Hồng Y Giám mục: 7 Hồng Y, có hiệu toà ở 7 Giáo Phận ngoại thành Rôma: Ostia, Palestrina, Albano, Frascati, Porto Santa Rufina, Sabina Poggio Mirteto và Velletri Segni. H.Y nào có hiệu toà giáo phận Ostia thì được làm Niên Trưởng HY Đoàn. Vì chỉ là HY Giám Mục hiệu toà, nên các Hồng Y nây không được phép thi hành Giám Mục trên những Giáo phận ngoại ô Rôma nầy. Hồng Y Niên Trưởng sẽ truyền chức Giám Mục cho Tân Giáo Hoàng nếu Ngài chưa là Giám Mục.

Hồng Y Linh mục: tức Giám Mục đứng đầu các địa phận trện thế giới. Thí dụ Đức Hồng Y Nguyễn văn Nhơn, là Giám Mục Hà Nội và là Hồng Y linh mục.

Hồng Y Phó tế: Là những Giám Mục nắm giữ các cơ quan của Toà Thánh. Hồng Y niên trưởng của Y Phó Tế là người tuyên bố Tân Giáo Hoàng và cũng là người rthay cho Đức Giáo Hoàng trao dây Pallium cho các Giám Mục.

Ngày nay không còn Hồng Y Giáo Dân – Lay Cardinals – Tức những thầy tu không có chức thánh được chọn làm Hồng Y. Tuy nhiên vẫn còn những hồng y in petore, tức những hồng y do Đức Giáo Hoàng chọn, nhưng vì hoàn cảnh không cho phép công bố danh tánh. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II chọn tất cả 232 Hồng Y, trong đó có 4 vị in pectore.

5. Giáo triều Rôma (Curia Romana – Roman Curia)

Ðiều 360: Giáo triều Rôma, nhờ đó Ðức Thánh Cha thường giải quyết mọi việc của Giáo Hội phổ quát, thi hành nhiệm vụ nhân danh và với quyền hành của chính Ngài để nhằm thiện ích và phục vụ các Giáo Hội. Giáo Triều Rôma gồm Phủ Quốc Vụ Khanh, Hội Ðồng Ngoại Vụ của Giáo Hội, các Bộ, Tòa Án và những cơ quan khác, đã được luật riêng xác định về sự thành lập và thẩm quyền.

Khoản Giáo Luật trên giúp chúng ta hiểu rằng: Giáo triều Rôma là cơ quan hành chánh trung ương được Đức Giáo Hoàng như Tổng Thống của quốc gia Vatican và như vị lãnh đạo tối cao trong Giáo Hội, trao quyền quản lý hành chánh để mang lợi ích cho Giáo Hội Giáo toàn cầu.

Giáo triều Rôma hiện nay gồm các Phủ, các Bộ, các Hội Đồng Giáo Hoàng và các Toà án như sau:

(Nói “hiện nay” để ám chỉ rằng có thay đổi. Thí dụ từ ngày 1.1.2017 Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình (Pontifical Council of the Justice and Peace) mà ĐHY. Thuận từng làm chủ tịch từ ngày 24 tháng 6 năm 1998 đến ngày 16.9.2002 đã chuyển sang thành Bộ Cổ Vũ Phát Triển Nhân Bản toàn diện (The Dicastery for Promoting Integral Human Developmentdo) Đức Phanxicô thành lập và đặt H.Y Peter Turkson làm bộ trưởng đầu tiên ngày 31.8.2016.

Xin thêm một chú thích: Giáo triều Roma được chia thành: Bộ (Dicasteries) Quốc Vụ Khanh (The Secreriat of State) – Bộ (Congregations) – Toà án (Tribunals), Hội đồng (Councils) và Văn Phòng (Offices) … đều được coi là những Bộ Phận chánh yếu trong Giáo Triều Rôma với tên gọi khác nhau.

3 Phủ Quốc vụ: Quốc vụ khanh, Quốc vụ viện Kinh Tế và Quốc vụ viện Truyền Thông

9 Thánh bộ: Bộ Giáo lý Đức tin – Bộ Giáo hội Đông phương – Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích – Bộ Tuyên Thánh – Bộ Giám mục – Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc – Bộ Giáo sĩ – Bộ Tu sĩ – Bộ Giáo dục Công giáo.

3 Tòa án: Tòa Ân giải Tối cao – Tòa Thượng thẩm Rota – Tối cao Pháp viện.

8 Hội đồng: Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân – Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Kitô hữu – Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình – Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích Văn bản Giáo luật – Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại Liên tôn – Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá – Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội – Hội đồng Giáo hoàng về Tái Truyền giảng Phúc Âm.

3 Văn phòng: Văn phòng Quản lý Tông Tòa, Văn phòng Quản trị Tài sản Tông Toà, Văn phòng Kinh tế Tòa Thánh.

Nhìn chung Giáo triều Rôma như một tổ chức chính quyền của các quốc gia. Tuy nhiên, những chức vụ được đảm trách nhằm qui hướng về lợi ích thiêng liêng cũng như phần rỗi các linh hồn.

6. Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng (Papal Legates)
Sứ thần toà Thánh – Apostolic Nuncio

Ðiều 362: Ðức Thánh Cha có quyền bẩm sinh và độc lập để bổ nhiệm các Phái Viên và gửi họ tới các Giáo Hội địa phương ở tại các nước hay các miền khác nhau, hoặc đồng thời tới các quốc gia và các chính phủ; Ðức Thánh Cha cũng có quyền thuyên chuyển và triệu hồi họ, tuy phải tôn trọng các quy luật của quốc tế công pháp liên quan tới việc ủy phái và triệu hồi các Phái Viên đã được thiết lập bên cạnh các chính phủ.

Ðiều 363: (1) Các Phái Viên của Ðức Thánh Cha lãnh nhiệm vụ làm đại diện cho chính Ngài cách thường trực tại các Giáo Hội địa phương hoặc cũng tại các quốc gia và chính phủ mà họ đã được cử tới.

Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Toà thánh ở Sri Lanca 22.3.2014

Thế nào gọi là có quyền bẩm sinh và độc lập? (an inherent and independent right) Bổ nhiệm đặc sứ là quyền bẩm sinh của Đức Giáo Hoàng có nghĩa là yếu tính của quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng. Quyền nầy độc lập tức không chịu ảnh hưởng của một ai khác hơn là vì quyền lợi của Giáo Hội.

Toà Thánh Rôma, vừa là tổ chức phục vụ Giáo Hội, vừa là một quốc gia Vatican độc lập, nên có những tổ chức pha trộn đạo đời. Vì thế có nhiều loại Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng, ở đây xin liệt kê vài loại đặc sứ hữu dụng thực tế:

Khâm sứ Toà Thánh hay Sứ Thần toà Thánh – Apostolic Nuncio: Tốt nghiệp Trường Giao Toà Thánh – được đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm sứ thần toà thánh ở những nước có bang giao với Toà Thánh – Nhiệm vụ chính của sứ thần Toà Thánh là đại diện cho Giáo Hoàng trong việc liên kết với Hội Giám Mục địa phương – Sứ thần toà thánh đượic coi là đại sứ ngoại thường của Toà Thánh ở quốc gia mà ngài được bổ nhiệm. Thường sứ thần toà thánh có chức Giám Mục hay Tổng Giám Mục ngang hàng với phẩm trật của Giáo Hội địa phương.

Đại diện Toà Thánh – Apostolic delegate: Đối với những nước chưa có ban giao với toà Thánh thì Toà Thánh thường phái một đại diện toà thánh làm một gạch nối giữa toà thánh và giáo hội địa phương. Thí dụ: Giám Mục Leopoldo Girelli không là sứ thần toà thánh nhưng chỉ là Đại diện toà Thánh không thường trú (Non-Residential Pontifical Representative) cho Việt Nam từ 13.1.2011-13.9.2017

Đặc sứ bên cạnh Giáo Hoàng – Legatus a latere – A Legate sent from the Pope’s side: Đặc sứ toàn quyền được Giáo Hoàng sai đến nơi nhất định, giải quyết vấn đề nhất định và trong thời gian nhất định.

Legatus natus – Đặc sứ ngoại lệ: Một Giám Mục được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm đặc sứ cho Giáo Hoàng ngay trên lãnh thổ hay địa phận trách nhiệm của mình.

Tóm kết: Giáo Hoàng Rôma và Giám Mục đoàn do Giáo Hoàng làm thủ lãnh thì có quyền tối thượng trên Giáo Hội Giáo toàn cầu. Còn Thượng Hội Đồng Giám Mục, Hồng Y Đoàn, Giáo Triều Rôma và Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng không có quyền tối thượng, nhưng giúp Đức Giáo Hoàng thực thì quyền tối thượng trên Giáo Hội sao cho có ích cho Giáo Hội và mang phần rỗi cho các linh hồn.

Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên JCD.

Xem bài:

Vương Cung Thánh Đường… | Kiến thức Công Giáo số 1

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button