Quán ven đườngTrà Đá Đường

Không quên ngày tháng cũ…

Đôm. Đông

Tôi có dịp trở lại quê nhà ba tuần vào những ngày trước Tết Nguyên Đán năm nay, Mậu Tuất. Đây là một chuyến đi đã dự định từ lâu, nhân dịp nghĩ hưu. Đi chơi ít tuần như kỷ niệm một bước quanh mới trong đời, vì từ đây, mọi ràng buộc xưa nay sẽ tự động không còn…

………

Thôi, xin chào từ biệt cái sân parking mà hằng ngày tôi phải tới. Nơi đây, sáng thứ hai nào cũng thấy Basilia lắc lắc đầu (nếu gặp nhau). Basilia là người cùng nhóm. Và lúc nào cũng một câu ấy: It ‘s Monday!! I ‘m tired !!… Để chờ tới thứ sáu, ai nấy cũng nhẹ nhỏm hơn; đi đứng nhanh lẹ hơn; cười cười nói nói theo thói quen cuối tuần: Happy Friday !!

Thôi, xin chào từ biệt các bạn trong khu làm việc (department). Chúng ta là Mỹ trắng, Mỹ đen, Việt, Miên, Lào, Liên xô cũ, Mễ và một số vùng hải đảo thuộc châu Đại dương… Đặc trưng của Hợp chủng quốc Hoa kỳ là vậy. Nhớ lại, phút chia tay hôm đó vẫn còn giữ lại tình thân của cùng một trái tim dưới những màu da khác nhau. Vậy đã là ấm áp.

Thôi, xin chào các xếp lần cuối trước khi lên xe; bà Wendy, bà xêp của ca (shift) đã đưa tôi ra tận cửa xe theo tập quán của người làm xếp. Chúng tôi chào nhau thân mật rồi chia tay.

Thế là xong! Từ nay, không cần bận tâm việc Uncle Sam sẽ kêu réo làm overtime hay nhắc nhở tuần nào đó đừng gọi nghĩ bệnh nhé vì công việc đang quá gấp..v..v.. và..v…v.

Quãng đường về nhà, chừng ba mươi phút lái xe, vẫn còn đọng lại trong tâm khảm cái cảm giác khó diễn tả rõ rệt là như thế nào. Có lúc, nghe như vừa bước ra khỏi vòng cương tỏa. Không còn vướng bận gì chuyện trên trời dưới đất nữa. Chưa cần biết tương lai xa ra sao. Chứ tương lai gần thì: Trời sinh voi, sinh cỏ. “Thảnh thơi thơ túi rượu bầu” cái đã. Có lúc, nghe như muốn làm một trò gì đó mạnh bạo…bù lại những tháng ngày vất vã lao lung. Nhưng, có lẽ quyết định về thăm lại quê xưa là phải chuyện hơn cả.

Nhớ lại trong văn học cổ thời xưa, trường phái chủ trương hưởng thụ (Epicurisme) nổi lên  chống lại trường phái khắc kỷ (Stoicisme) bằng cái khẩu hiệu nổi tiếng: Carpe diem! (Hãy tận hưởng ngay thời khắc hôm nay!). Về sau, khi Socrate xuất hiện, ông cho một câu lưu truyền muôn thuở: “Thà làm một Socrate đau khổ chớ ai đi làm con heo Epicure”. Mơ xừ Epicure là thủ lĩnh của trường phái hưởng thụ. Tôi nhớ thuộc lòng như vậy.

Carpe diem là một quan điểm bị lên án là sa đọa. Nhưng nay, tôi muốn mượn lại nó và dịch một cách hoà nhã, hợp đạo lý hơn: Hãy vui thật tình thời khắc hôm nay.

…………………

Và tôi lên đường trở về thăm lại quê xưa. Cũng ngộ, chuyến đi có sự trùng hợp dí dỏm nhưng có thật về thời gian và ý nghĩ đã nhem nhúm từ năm xửa năm xưa. Hồi đó, giữa năm 2001, gia đình tôi mới đặt chân tới Mỹ. Những tháng ngày đầu tiên thật là chẳng đâu ra đâu. Mới mà! Mọi chuyện đều lạ lẩm. Ai cũng vậy. Quay qua quay lại thì cũng năm hết, Tết đến. Đây là lần đầu tiên ăn Tết trong tâm trạng vừa mới xa quê. Thêm nữa, ngoài đường, phố xá không có chút gì gọi là màu sắc tết nhất. Chính lúc đang u buồn như vậy thì thư của một người bạn từ bên nhà lại tới. Lúc đó, vẫn dùng bưu điện. Tôi còn nhớ như in những chữ đầu tiên của lá thư: “Mấy hôm nay, những chậu hoa xuân đã bắt đầu xuất hiện ở đường bờ sông rồi bạn ơi…” “Buồn ơi, ta xin chào mi”; xin cho tôi mượn lời của Francoise Sagan: Bonjour, Tristesse!.

Lúc đó, cách nay mười sáu năm rưỡi, tôi đã tự an ủi mình :” Mong sao sẽ có một ngày, mình được quay trở lại nơi này vào những ngày giáp Tết để tìm lại chính những cảm giác, những tình tự mà hôm nay biết rằng không sao tìm thấy nơi xứ người.”

…………………….

Ở quê mình, buổi sáng sớm là…ở quán cà phê! Mấy sáng đầu tiên, chúng tôi, những người bạn từ thời còn non trẻ cũng lê la vài chỗ cũ để nhớ lại cái thời xa xưa ấy. Cũng là dịp nhớ lại hồi đó bọn chúng tôi hay pha trò những đề tài gì. Ngồi trên lề đường nhìn bà con qua lại, hồi xưa là để… giết thời gian ; bây giờ có thêm một lý do chính đáng hơn. Đó là được nhìn giòng đời tự nhiên như nhiên đang đi qua trước mặt để xem mình tìm thấy được gì cho mình hôm nay !

Thời gian này đã gần Tết, người ta bắt đầu giăng đèn cho khu chợ hoa xuân. Sáng sớm, tôi lại tản bộ theo mấy con đường nơi có nhà vườn bắt đầu đem hoa tới. Lúc này, những người đi tập thể dục buổi sáng còn quanh quẩn đây đó. Trong mắt họ, có lẽ tôi giống một tay vô công rỗi nghề lang thang một mình thật phí thời gian. Thôi kệ! Tôi thích thả rong quanh tòa nhà ngày xưa là dinh Tỉnh trưởng. Kiến trúc của dinh vẫn còn nguyên vẹn. Mặt tiền nhìn ra bờ sông. Vậy là đẹp  rồi. Ngày xưa, có hai hàng cây dầu cao khỏi nóc dinh chạy dài từ thềm nhà ra cổng. Cách kiến tạo này do người Pháp tạo dựng nên hiện lên vẻ quyền lực từ một tòa nhà ở giữa sân rộng rãi, thoáng đãng, được bao quanh bằng tường rào đá xanh trên có song sắt kiên cố. Mãi đến bây giờ, người ta vẫn còn giữ lại ở mặt hậu của dinh cái hầm phòng thủ có sức chống cự xe tăng hay trọng pháo. Không biết hầm này được xây dựng vào biến cố Mậu thân năm 1968 hay vào những ngày có biến loạn năm 1975. Nhưng có lẽ đây là dấu vết sau cùng còn lại từ cuộc chiến đầy đau thương tang tóc.

Tôi cũng ước ao hôm nào đó sẽ được đi về vườn chơi một ngày. Thời gian không nhiều, nhưng ngày nào cũng rôm rả, nay ở nhà chí cốt này, mai ở nhà chí cốt nọ. Bây giờ, người ta buôn bán nhanh lẹ và đủ phương tiện hơn ngày trước. Nên không thiếu gì. Nhưng nếu cứ quanh quẩn trong phố thị, dường như lúc nào cũng vậy…vậy. Cái cảm giác nhớ nhớ đồng ruộng đã đưa bốn người chúng tôi về nhà một người bạn. Chính người bạn này ngày xưa đã viết lá thư đầu tiên nhắc nhớ không khí rộn ràng tết nhất mà tôi kể ở trên.

Không khí nhà vườn yên lặng, thanh bình. Chung quanh nhà vẫn là những cây dừa như xưa. Dừa nay đã cao vút. Chúng tôi nói muốn quay quần ngồi ăn dưới gốc dừa thì bạn nói không nên vì những quài dừa khá cao có thể rụng xuống khi có gió, rất nguy hiểm.

Men theo con đường đất bên hông nhà, thấy còn mấy bụi dừa nước. Trồng dừa nước để lấy lá lợp nhà. Nay, có lẽ người ta ít lợp nhà bằng lá này nên cây dừa nước không còn nhiều. Vẫn còn đây một ao bông súng nho nhỏ. Mặt nước ao thì chen đầy tai bèo xanh biếc. Phong cảnh nhà quê lúc nào cũng quyến rủ. Người ta đã từng cố trang trí thật sang trọng những ngôi biệt thự đắt tiền. Nhưng rốt cuộc, ai cũng lại ngán ngẫm những cái hộp bê tông đó để tìm về vườn quê đầy trăng thanh gió mát.

Phía sau nhà vẫn là cánh đồng lúa, đang trổ bông. Ngang dọc là những bờ đê theo cách làm ruộng gia đình nông thôn. Xa xa ngoài kia, vẫn một màu non xanh luôn vờn vợn theo từng cơn gió còn rõ tiếng rì rào.

Trong nhà, mỗi người một tay đang chuẩn bị cơm nước…

Nhớ đâu đó, người ta nói, có một người bạn tốt là có một kho tàng. Điều này không có gì lạ. Nhưng tính con người hay quên. Khi xảy ra những dịp như hôm nay, mới lại nhớ ra. Tôi hơi tò mò nhìn ra góc vườn thì quả như đã đoán là còn đó một đống rơm nhỏ cạnh một đám tro còn nghi ngút. Cá lóc nướng trui! Xưa nay, mỗi lần nói chuyện món ngon làng quê này, anh em đều nhắc phải là cá lóc đồng, nướng bằng rơm lúa mùa mới ngon. Khi đốt lửa, cá phải được cặm thẳng đứng, đầu quay xuống đất thì lửa mới đều. Lòng hiếu khách của anh bạn đã không bỏ sót một chi tiết nào. Cộng thêm mấy con lươn nho nhỏ nướng bằng than đước trong nhà để khi “đưa cay” người ta nhai luôn xương mới thấy món nướng “bắt” là thế nào!! Thật là, tình nghĩa bạn bè mà bốn người chúng tôi hôm đó đã được đón nhận như những ly rượu cay nồng nàn.

Thế rồi, những ngày vui qua mau. Mỗi ngày chất chứa những kỷ niệm khó quên. Lại sực nhớ ngày xưa, có học một ông nhà văn người Pháp tên Marcel Proust. Một tác phẩm nổi tiếng của ông là quyển sách “Đi tìm lại thời gian đã mất” (A la recherche du temps perdu). Tôi nhớ ông này vì ông có một đặc điểm thú thú vị là ông hay viết những câu dài lê thê. Có thể do lúc ông hồi tưởng những tháng ngày xưa cũ. Có quá nhiều ký ức ùa về. Nhưng ông lại không muốn mất chi tiết nào; nên khi viết ra xong một câu thì nó đã dài cả chục hàng trên giấy. Học trò thì được dạy rằng không nên bắt chước ông này!! Nghe nói, ông nhà văn rất siêu này, lúc ấy tuổi đã cao, có bệnh suyễn. Cho nên, mỗi sáng, vào giờ điểm tâm, ông tư lự ngồi một mình rất lâu.Tác phẩm danh tiếng trên đã được tặng cho hậu thế trong hoàn cảnh như vậy. Và tôi cảm được có chút gì thấm thía vì tìm lại được thời gian đã mất không phải trên giấy mà là từ những ngày có thật.

Vĩnh long hôm nay khác nhiều so với hai mươi năm trước. Mức sống cao hơn; nhanh hơn và đầy đủ hơn. Một người bạn dẫn tôi đến uống cà phê ở quán Khởi Nguyên. Hai chúng tôi ngồi nói chuyện hai tiếng đồng hồ. Chuyện mấy mươi năm trước mà khi ra về như chưa thấm vào đâu! Có nhiều chỗ thanh lịch như vậy dành cho bạn bè gặp nhau; cho người làm ăn bàn tính công việc; cho các bạn trẻ hẹn hò tới lui. Hôm khác, một bạn nhỏ cũng mới từ Mỹ về ăn Tết, nhóm bạn chứng tôi đến cà phê Bin ngồi cà kê chuyện trời mây gió cũng một buổi… Phong cách bày biện mỗi nơi đều có nét lôi kéo riêng từ quán xá đến nhà hàng hay các dịch vụ khác. Khách hàng được trọng vọng là một nét của xã hội văn minh.

Trên đường trở về với gia đình, thời gian kéo dài trên hai mươi tiếng đồng hồ nên tôi có được những khoảnh khắc của riêng mình để nhớ về những người bạn thân tôi đã được gặp lại; những ngày đầy tiếng cười chân tình và những tuần lễ đầy kỷ niệm. Xin cảm ơn các bạn và chào tạm biệt. Hẹn ngày gặp lại.

Bách Tùng Cao Nguyên, 3.3.2018.
Ng.Toàn Đông.

Chợ hoa
Hai bạn Mỹ
Nguyên nhóm
Với bà Wendy
Với Basilia

 

Bài liên quan

Back to top button