Ký ức… | Tuyến Vũ, Minnesota
KÝ ỨC…
Nhân đọc Đôi Dòng Suy Tư của sư huynh Nguyễn Toàn Đông, một CCSVL, ký ức của tôi về những ngày xưa tháng cũ bỗng dưng ùa về. Vui có mà buồn cũng có.
Bởi theo định nghĩa của từ điển Việt Nam thì ký ức là:
“Quá trình tâm lý phản ánh lại trong óc những hình ảnh của sự vật đã tri giác được hoặc những tư tưởng, tình cảm, hành động về những sự vật đó.”
Vì vậy, chắc chắn là ký ức của mỗi một CCSVL về thời gian trải qua ở mái trường xưa sẽ rất đa dạng. Và một điều đương nhiên là sống ở môi trường nào càng lâu thì ký ức về nó càng nhiều và dần dần sẽ thay đỗi nhân cách của mỗi người theo chiều hướng ký ức được lưu giữ lại. Cách chung là những điều hay sẽ tồn tại nhiều hơn trong môi trường mà sự đạo đức thánh thiện luôn được nhắc nhở và đề cao. Tính hướng thiện vì thế dần dần chế ngự đến bản năng và giúp ta tránh làm những việc trái với lương tâm để trở nên hoàn thiện hơn. Vì vậy đã được làm một CCS, dù bạn có ý thức được điều đó hay không thì đó cũng là một Hồng Ân mà bạn đã từng được lãnh nhận…
Tản mạn đôi điều triết lý vụn, giờ trở lại với mục đích chính đó là tự sự của một CCSVL, một “tu xuất” hay là “tu ra” hoặc nửa đùa nửa thật gọi là “tu xong” cũng rứa (thế) cả.
Bốn năm tu học từ 1971 đến biến cố 1975, chừng ấy năm của tôi nếu nói là dài thì chẳng dài với ai nhưng đó lại là quảng thời gian quan trọng của tuổi thiếu niên, tuổi teenager với những biến đổi tâm sinh lý để trưởng thành. Tuổi thiếu niên hay mơ mộng, sống ở trên mặt đất ít hơn là sống trên mây trên gió. Tuổi muốn có đôi hia một bước đi được bẩy dặm. Những tháng năm đó ngoài lý tưởng dấn thân làm tông đồ đang còn trong dạng phôi thai, chưa đâm chồi nẩy lộc là mấy thì những vui buồn tuổi học trò bên bạn bè cùng trang lứa mới là những ký ức được lưu giữ nhiều nhất.
Những ngày đầu nhập học, xa gia đình bạn bè thân quen để hoà nhập vào cuộc sống mới với những kỹ luật, giờ giấc theo trình tự giờ nào việc đó thật là khó chịu. Đang ngủ ngon lành thì chuông reo báo thức dậy tập thể dục buổi sáng rồi tham dự thánh lễ, ăn điểm tâm xong vào giờ học lớp. Ăn trưa xong ngủ trưa 1 tiếng xong vào học lớp đến 5 giờ chiều là giờ chơi thể thao, 6 giờ tắm rửa ăn cơm chiều sau đó dạo chơi 30 phút rồi vào lớp tự học và ôn bài đến 9 giờ tối thì đọc kinh và đi ngủ. Đang tuổi náo động mà bị khép vào cuộc sống kỹ luật nên có cả khối thằng nhóc con đã dùng đủ mọi thứ mưu ma chước quỷ, tìm cách phá luật để giải tỏa tâm trạng bức bí. Từ đó mà có những câu chuyện dở khóc dở cười được lưu truyền trong đám học trò mà ông bà xưa chỉ xếp vào hạng ba sau hai loại mà ai cũng khiếp sợ đó là nhất quĩ, nhì ma. Thế nhưng từ từ cuộc sống kỹ luật dần dần được tiếp nhận, thêm vào những giờ huấn đức, đám học trò không vào khuôn phép được thì cho về lại gia đình, cuộc sống chung trở nên dễ dàng và êm ả tạo nên những ký ức không thể nào quên được trong cuộc đời của một CCS.
Biến cố mùa Hè 1975 đã thay đổi cuộc đời tôi. Từ giã mái trường với bạn bè thân quen như anh em, tôi về lại gia đình ở vùng kinh tế mới. Tập tành làm nông dân với vốn liếng là tuổi học trò chưa từng trải qua cảnh chân lấm tay bùn ôi thật là khó khăn. Thế nhưng với những tư tưởng đã được hấp thụ trong chủng viện, sự khó nhọc có vẽ dễ dàng chấp nhận hơn trong tinh thần phó dâng và hy sinh.
Những ngày nông nhàn tôi cũng tập tành đi buôn chuyến để kiếm thêm thu nhập. Từ buôn gạo đến thuốc lá ngoại nhập từ Thái Lan… ngày ấy là hàng quốc cấm, bị bắt là bị tịch thu mất vốn. Sau vài lần bị bắt vì không đủ ma lanh để qua mặt sự kiểm soát gắt gao của các trạm gác và không đủ mặt dày để đòi nợ của những bạn hàng lì lợm, tôi từ giã giấc mộng “phi thương bất phú” để xin một chân công nhân của Đài Khí Tượng Thủy Văn Vĩnh Long, tập tành việc ăn cơm dưới đất mà nói chuyện trên trời và dưới nước.
Lương công nhân bèo bọt không đủ sống lại không có kỹ năng để kiếm “bổng lộc” nên cứ phải về nhà xin tiếp tế lương thực và tiền cà phê cà pháo với bạn bè.
Đúng là lúc ấy mỗi ngày tôi đều có dịp đi qua đi lại trên con đường có chiếc cổng trường quen thuộc nhưng rất ít lần tôi ghé vào thăm. Trong những lần ít ỏi ghé thăm đó, cảm giác người ngoài cuộc luôn hiện diện trong lòng tôi, dẫu rằng vẫn cảnh cũ người xưa đó nhưng ngoài những lời chào hỏi thoáng qua thì bạn có những việc cần làm cho xong mà tôi thì không được làm chung với bạn như những ngày xưa. Cảm giác ấy lại luôn lởn vởn trong lòng khiến những lần sau đó, dù đã đứng trước cổng trường, lòng muốn vào thăm nhưng bước chân lại đưa tôi đi xa để rồi càng ngày càng xa….
Chỉ có thế thôi chứ ngày ấy tôi không hề có cái mặc cảm “tu xuất” của người đời dành cho tôi, cả trong gia đình và ngoài xã hội. Nó chỉ như một hướng rẽ của cuộc đời mà “vì thời thế thế thời phải thế”. Tuy vậy, rất nhiều năm sau, khi gặp lại anh em đã làm Linh Mục tôi luôn tự nhủ rằng tôi chỉ nên có “bạn làm Linh Mục” nhưng không nên có “Linh Mục làm bạn “ vì như thế tôi cho rằng mình đang trèo cao quá coi chừng có ngày té lòi bản họng…..(ngày xưa còn bé tôi nghe bác hàng xóm hay mắng thằng con trạc tuổi tôi thích leo trèo phá phách như vậy, nghe mãi thành quen tai)
Nguyên lý mà, đứng thấp thấp để lở có té cũng an toàn hơn…..
Một lần nửa bánh xe cuộc đời lại cuốn tôi vào biến cố mới, tôi từ giã quê hương để đi định cư ở phương trời xa lạ nhưng đầy hấp dẫn, nơi đó được ví như thiên đường ở hạ giới. Hồi hộp, náo nức khám phá chân trời mới nhưng cái cảm giác sẽ mất mát những kỹ niệm về quê hương sắp trở thành cũ để đón nhận đất khách quê người làm quê hương mới cũng đắng lòng lắm bạn ạ. Trước ngày lên máy bay, tôi dành cả một ngày để đạp xe đạp đi vòng quanh Vĩnh Long, cố gắng ghi lại những hình ảnh thân thuộc để giữ lại trong ký ức, vì chẳng biết được khi nào sẽ có cơ hội để trở về thăm lại quê cha đất tổ. Khi đã đứng trước cổng trường, một lần nửa bước chân lại kéo tôi đi xa và điều đó đã khiến tôi ân hận mãi đến vài năm sau mới nguôi ngoai.
Tuồi đời nay đã được 6 bó thêm một que lẻ, ký ức trong tôi thỉnh thoảng quay lại như những khúc phim chập chờn, mới mới, cũ cũ, lúc mờ nhạt, lúc rõ nét, tuỳ vào tâm trạng của mỗi lúc nhưng tôi biết rằng, những ký ức trong quá khứ về mái trường chủng viện và bạn bè sẽ vẫn luôn được ghi nhớ và trân trọng trong tận đáy lòng của tôi.
Tuyến Vũ
Minnesota, 24.8.2020