Café đenQuán ven đường

Lịch sử thật về Chúa Giêsu theo Khảo cổ học | James Lập

James Lập

Hình ảnh Chúa Giêsu từ thời La Mã đến nay

1. Hàng thứ nhất (từ trái sang phải):
1. Mẹ Maria, Hài Nhi Giêsu và một tiên tri, bức họa thế kỷ III, hầm mộ Rôma;
2. Thế kỷ VI, Tu viện Thánh Catarina, Bán đảo Sinai, Ai Cập;
3. Thế kỷ VI, Vương Cung Thánh Đường Thánh Cosma và Damianô, Rôma,Ý;
4. Thế kỷ XIII, Mátxcơva, Nga*.

2. Hàng thứ hai:
5. Thế kỷ XIV, Bảo tàng Episcopal Vic, Barcelona, Tây Ban Nha*;
6. Thế kỷ XV, chi tiết Bữa Tiệc Ly, do Leonardo da Vinci, Thánh đường Santa Maria de las Graces, Milanô, Ý;
7. (Không rõ nguồn gốc);
8. Thế kỷ XV – XVI, theo Fra Bartolomeo.

3. Hàng thứ ba:
9. Thế kỷ XVI, do Andrea Previtali, Pinacoteca di Brera, Milanô, Ý;
10. Thế XVI, do Tullio Lombardo, Bảo tàng Nghệ thuật Kimbell, Fort Worth, Bang Texas, Mỹ*;
11. Thế kỷ XVI, do Lucas Cranach the Elder, bộ sưu tập tư nhân;
12. Thế kỷ XVI, do Cima da Conegliano, Phòng trưng bày Quốc gia, Luân Đôn, Anh*.

* Xuất hiện lần đầu trên tạp chí National Geographic thứ Ba 11-12-2018

Lịch sử thật về Chúa Giêsu theo Khảo cổ học

James Lập chuyển ngữ
Mùa Chay 2022

Đa số các nhà khảo cổ không còn nghi ngờ sự tồn tại cuả nhân vật lịch sử Giêsu nữa. Qua các cuộc khai quật ở Thánh địa, chân dung Ngài càng ngày càng được hoàn thiện. Chào mừng bạn đến với công việc rất nghiêm chỉnh này được theo dõi suốt 20 thế kỷ qua.

1. Dòng Phanxicô ở Giêrusalem

Văn phòng thầy Eugenio Alliata ở Giêrusalem cũng giống bất cứ văn phòng nào của các nhà khảo cổ thích nghiên cứu thực địa. Trên các giá treo quá tải chúng ta thấy các hồ sơ khai quật nằm cạnh các băng đo và những dụng cụ khác. Không khác biệt nhiều so với văn phòng các nhà khảo cổ mà tôi gặp ở Trung Đông trừ 2 điều này: thầy Alliata mặc đồ nâu dòng Phanxicô, và trụ sở của thầy ở Tu viện (Phanxicô) Flagellation*. Theo truyền thống Giáo hội, tu viện được xây tại chính nơi Đức Giêsu Kitô bị kết án tử hình, bị quân La Mã đánh đòn và bắt đội mão gai.

“Truyền thống” là từ mà chúng ta nghe rất nhiều ở đây hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Tại đây, vô số du khách và người hành hương bị thu hút đến hàng chục địa điểm mà truyền thống cho là các giai đoạn trong cuộc đời Đức Kitô từ nơi Ngài sinh ra ở Bétlêhem đến nơi Ngài chết ở Giêrusalem.

Là nhà khảo cổ kiêm nhà báo, tôi biết nhiều nền văn hóa đã sinh ra và biến mất hầu như không để lại dấu vết nào. Tại Tu viện Flagellation, thầy Alliata chào đón mỗi chuyến thăm và câu hỏi của tôi với sự kiên nhẫn dù có phần phức tạp. Là Giáo sư khảo cổ học Kitô giáo và giám đốc Studium Biblicum Franciscanum (viện Nghiên cứu Kinh thánh DòngPhanxicô*), thầy tham gia vào dự án Phanxicô có tuổi đời 7 thế kỷ, bao gồm việc duy trì và bảo vệ các địa điểm tôn giáo cổ xưa của Thánh Địa từ thế kỷ XIX đến nay để lập hồ sơ khoa học. Thầy Alliata dường như không quan tâm đến việc khảo cổ học có thể hoặc không thể tiết lộ điều gì về nhân vật trung tâm của Kitô giáo: “Sẽ rất ngạc nhiên thậm chí kỳ lạ nếu tìm thấy bằng chứng khảo cổ về sự tồn tại của một nhân vật đã sống 2.000 năm trước. Nói thế nhưng không thể phủ nhận rằng Đức Giêsu đã để lại dấu ấn rõ ràng trong lịch sử.» Các văn bản Tân Ước cho đến nay là dấu chứng hùng hồn nhất về văn bản của Ngài trên trái đất này. Nhưng có mối quan hệ nào giữa công việc của các nhà khảo cổ và các văn bản cổ xưa này được viết vào nửa thế kỷ I SCN với các truyền thống mà chúng chứa đựng không? “Truyền thống làm sống dậy khảo cổ học, và khảo cổ học làm sống dậy truyền thống,” thầy Alliata trả lời. Đôi khi chúng phù hợp nhưng có lúc chúng cũng không hẳn thế. Thầy còn nói thêm qua nụ cười: “Điều này không phải kém thú vị đâu.»

2. Khảo cổ học rất cần thiết

Tôi theo bước chân Đức Giêsu để dõi theo câu chuyện của Ngài như các thánh sử Phúc âm tường thuật với nhiều thế hệ học giả. Tôi hy vọng có thể hiểu được các văn bản và truyền thống Kitô giáo tương ứng thế nào với những khám phá của các nhà khảo cổ trong suốt một thế kỷ rưỡi họ đã đi qua vùng Thánh địa này. Trên tất cả những điều đó, có một câu hỏi khác lại nổi lên: có thể Đức Giêsu Kitô chưa bao giờ xuất hiện cả? Một số người hoài nghi bảo vệ ý kiến này mãnh liệt, nhưng không phải các học giả nhất là các nhà khảo cổ. Eric Meyers, nhà khảo cổ và giáo sư danh dự tại Đại học Duke* cho biết: “Tôi không biết có học giả nổi tiếng nào nghi ngờ nhân vật lịch sử Giêsu không. Chúng tôi đã nghiên cứu chi tiết trong nhiều thế kỷ, nhưng không ai nghiêm túc nghi ngờ sự tồn tại của Ngài.» Cũng tương tự với Byron McCane, nhà khảo cổ và giáo sư lịch sử: “Tôi không thấy bất cứ nhân vật nào mà sự tồn tại bị phủ nhận khi được thiết lập hoàn hảo với sự thật.» Ngay cả John Dominic Crossan, người đồng chủ trì hội thảo về Đức Giêsu gây tranh cãi, một đội đặc nhiệm gồm các học giả Kinh thánh cho rằng những người hoài nghi cứng rắn đã đi quá đà. Chắc chắn, những phép lạ do Đức Giêsu Kitô làm rất khó cho tâm trí hiện đại chúng ta nắm bắt. Đây không phải lý do để kết luận rằng cuộc đời Đức Giêsu thành Nazarét chỉ là chuyện ngụ ngôn. Ông Crossan nói với tôi: “Bạn có thể nói Ngài đi trên mặt nước. Vì không ai làm được điều đó nên là bằng chứng Ngài không tồn tại. Nhưng đây là điều hoàn toàn khác. Ngài đã làm nhiều việc ở Galilê và Giêrusalem. Ngài bị kết án tử hình vì hành động của mình. Tất cả đều hoàn toàn phù hợp với câu chuyện nhất định.»

Tóm lại các nhà nghiên cứu về cuộc đời Đức Giêsu Kitô được chia thành 2 trường phái:

  1. Trường phái thứ nhất tin Chúa Giêsu trong các sách Phúc âm, tác giả các phép lạ, là Chúa Giêsu thật;
  1. Trường phái thứ 2 bảo Chúa Giêsu chỉ là nguồn cảm hứng của các Phúc âm, nhưng cũng là nhân vật mà sự thật sẽ được tỏ lộ nhờ nghiên cứu lịch sử và phân tích các văn bản.

Như thế cả 2 trường phái đều cần đến khảo cổ học.

Dù Ngài là ai hoặc là gì thì sự đa dạng và lòng sùng kính của những tín đồ hiện đại của Ngài càng tỏa sáng khi người ta đến Bétlêhem, thành phố cổ được cho là nơi Ngài sinh ra.

Tại Quảng trường Manger (Mángcỏ*), tôi tham gia cùng nhóm hành hương từ Nigeria vào Vương cung thánh đường Chúa Giáng sinh. Chúng tôi cẩn thận dạo quanh phần còn lại lâu đời nhất của ngôi thánh đường được xây vào những năm 330 SCN theo lệnh hoàng đế La Mã Kitô giáo đầu tiên là Constantine. Vương Cung Thánh Đường Giáng Sinh là thánh đường Thiên chúa giáo lâu đời nhất vẫn còn hoạt động. Nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng Đức Giêsu người Nazarét sinh ra ở Bếtlêhem. Chỉ có 2 sách Phúc âm (Mt 1: 18-25 & Lc 2: 1-7*) đề cập đến sự ra đời của Ngài và cách thuật lại rất khác nhau. Các nhà sử học nghi ngờ việc các nhà truyền giáo cho rằng Chúa Giêsu sinh ra ở Bếtlêhem chỉ để thiết lập mối liên hệ giữa Ngài là công nhân từ Galilê với thành phố ở Giuđêa mà Cựu ước công bố là cái nôi của Đấng Mê-si (Mt 2: 4-6*).

Khảo cổ học nói rất ít về chủ đề này. Thật may mắn khi chúng ta đào được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy đôi vợ chồng dân quê sống cách đây 2 thiên niên kỷ lại là tác nhân của sự kiện này! Các cuộc khai quật trong và chung quanh Vương cung thánh đường không tiết lộ hiện vật nào từ thời kỳ ấy, hoặc bất kỳ manh mối nào cho thấy địa điểm này rất linh thiêng đối với những người theo đạo Thiên chúa thời sơ khai. Bằng chứng đầu tiên không thể chối cãi về sự tôn kính này có từ thế kỷ III. Origen, nhà thần học từ Alexandria, nhận xét: “Ở Bétlêhem, người ta có thể nhìn thấy hang đá nơi [Chúa Giêsu] sinh ra ” Đầu thế kỷ IV, Hoàng đế Constantine đã cử một phái đoàn đến Thánh địa để xác định những địa điểm liên hệ với cuộc đời Chúa Kitô và ra lệnh xây thánh đường ở các nơi đó. Sau khi xác định vị trí mà họ cho là hang đá Chúa Giáng sinh, các đại biểu đã xây một ngôi thánh đường đầu tiên.

Con đường tìm kiếm “Đức Giêsu thật” cách đó 105 km ở Galilê, một vùng đồi núi miền bắc Ítraen. Đức Giêsu lớn lên ở Nazarét, một thị trấn nông nghiệp. Các sử gia chỉ nhìn thấy ở Ngài là người đàn ông nhờ ghép những dữ liệu kinh tế, chính trị và xã hội của Galilê thế kỷ I để hiểu rõ hơn đâu là nơi sinh và sứ mệnh của Ngài. Vào thời điểm đó, đế chế La Mã vẫn là tác nhân chính của cuộc sống ở Galilê. Người La Mã chiếm Palestine 60 năm trước khi Chúa Giêsu ra đời. Hầu như tất cả người Do Thái phải chịu ách thống trị La Mã như sưu thuế nặng và thờ cúng thần tượng ngoại giáo. Theo nhiều học giả, tình trạng bất ổn xã hội mang lại cơ hội cho kẻ kích động người Do Thái, tố cáo những người giàu và quyền lực, rồi đứng về phía người nghèo và người bị gạt ra ngoài xã hội.

Người khác thì cho rằng ảnh hưởng văn hóa Hy-La đã hình thành nên một Đức Giêsu “ít Do Thái hơn” và mang tính “quốc tế hơn” để làm sứ giả của công bằng xã hội. Năm 1991, có quyển sách gây chấn động: Chúa Giêsu lịch sử của John Dominic Crossan. Lý thuyết của ông là: Chúa Giêsu thực sự là một hiền nhân lưu động, có những lời nói và lối sống cải cách, trái ngược với thời của Ngài, đã âm hưởng cách kỳ lạ với cách sống của những người không tôn trọng quy ước xã hội thời đó. Phần khác, Crossan dựa vào những khám phá khảo cổ học cho biết Galilê từ lâu được mô tả là vùng nông thôn hẻo lánh và vùng đất Do Thái biệt lập, được đô thị hóa và La Mã hóa hơn nhiều thời Đức Giêsu. Hơn nữa, thực tế là nơi cư trú của Đức Giêsu cách Sepphoris, thủ đô La Mã của tỉnh 5 km. Các sách Phúc âm không đề cập đến thành phố này, nhưng chương trình xây dựng đầy tham vọng do tứ hoàng Hêrode Antipas* phát động có thể đã thu hút những người thợ thủ công lành nghề từ các làng chung quanh. Nhiều người nghĩ rằng Đức Giêsu, một thợ thủ công trẻ sống gần Sepphoris, có thể đã làm việc ở đó, đặt truyền thống tôn giáo mình để thử nghiệm lối sống mới.

Một ngày mùa xuân đẹp trời, tôi gặp 2 nhà khảo cổ Eric và Carol Meyers trong đống đổ nát của Sepphoris. Cặp đôi này đã đào khu đất khổng lồ suốt 33 năm. Đây hiện là trọng tâm của cuộc tranh luận sôi nổi và lý thuyết về tính chất Do Thái của Galilê hay nói rộng ra là về Chúa Giêsu. Ít nhất 30 trong số những nhà tắm của người theo nghi lễ Do Thái nằm rải rác trong khu dân cư Sepphoris – nơi tập trung nhiều địa điểm riêng tư nhất mà các nhà khảo cổ từng khai quật được. Các bộ đồ ăn bằng đá cho các nghi lễ “không có xương heo” (luật Do Thái cấm ăn thịt heo*) chứng minh rằng thành phố này của một tỉnh thuộc Đế quốc La Mã đã từng là của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu còn niên thiếu.

Craig Evans, một chuyên gia về nguồn gốc Kitô giáo giải thích: “Nhờ khảo cổ học, chúng ta đã đi từ Chúa Giêsu trực tiếp giáng trần đến Chúa Giêsu là người Do Thái thực hành: Một chuyển biến đáng kể. ” Khoảng năm 30 tuổi, Chúa Giêsu đã dìm mình tại sông Giođan cùng với Gioan Tẩy giả, người khuấy động và nhà tiên tri Do Thái thời đó. Cuộc đời Đức Giêsu được tỏ lộ trong lần rửa tội ấy. Theo Tân ước, Ngài được Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên mình như “hình chim bồ câu, ” và có tiếng Thiên Chúa phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. ” (Mt 3: 13-17; Mc 1: 9-11; Lc 3: 21-22*) Cuộc gặp gỡ này đã đánh dấu sự khởi đầu cuộc đời Ngài với tư cách là nhà thuyết giáo và chữa bệnh.

3. Capernaum*

Capernaum là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của Ngài. Thị trấn đánh cá này nằm bên bờ Tây Bắc của Biển hồ Tiberias. Đây là nơi Chúa Giêsu gặp các môn đồ đầu tiên và thiết lập “trụ sở chính” của Ngài. Ngày nay, các công ty lữ hành đến Đất Thánh gọi địa điểm hành hương Capernaum là “thành phố của Chúa Giêsu. ”

Một hàng rào kim loại cao bao quanh cơ sở, tài sản của các tu sĩ dòng Phanxicô. Phía sau là ngôi thánh đường hiện đại có 8 cột chống đỡ: Đài tưởng niệm Thánh Phêrô được thánh hiến năm 1990 để vinh danh một trong những khám phá quan trọng nhất thế kỷ XX của các nhà khảo cổ tìm kiếm Đức Giêsu lịch sử. Trung tâm của tòa nhà thu hút mọi ánh nhìn. Vượt qua lan can tầng tráng men, du khách có thể nhìn thấy tàn tích của ngôi thánh đường hình bát giác được xây cách đây 1.500 năm. Khi các nhà khảo cổ dòng Phanxicô bên dưới cấu trúc này, năm 1968, nhận ra nó đã được xây trên tàn tích của ngôi nhà có từ thế kỷ I. Bằng chứng là, chỉ trong thời gian ngắn, ngôi nhà riêng này đã được biến thành nơi hội họp công cộng. Đến nửa sau thế kỷ I, chỉ vài thập kỷ sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, những bức tường đá thô của dinh thự này được tráng thạch cao và trong nhà bếp thấy có đèn dầu là đặc trưng của cộng đồng dân cư đến cư ngụ. Thế kỷ IV, khi Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã (thời hoàng đế Constantine*), dinh thự được chuyển thành ngôi nhà thờ trang hoàng cẩn thận. Từ đó, nó được biết đến với cái tên “ngôi nhà của Phêrô.” Không thể xác định người môn đệ này có thực sự sống ở đây hay không, nhưng nhiều học giả tin rằng điều đó không phải là không thể. Trong các Phúc âm, Chúa Giêsu đã chữa khỏi bệnh sốt cho nhạc mẫu của Phêrô tại nhà của bà ở Capernaum (Mt 8: 14-15; Mc 1: 29-31; Lc 4: 38-39*). Tin tức được lan truyền ngay lập tức, và tối hôm ấy, một đám đông người bệnh chen chúc trước cửa nhà họ. Chúa Giêsu đã chữa lành những người bệnh và giải thoát những người bị quỷ ám (Mt 8: 16-17; Mc 1: 32-34; Lc 4: 40-41*). Những lời kể về đám đông đi tìm Chúa Giêsu để được chửa lành đã cổ vũ những gì khảo cổ học cho chúng ta biết về Palestine thế kỷ I là khu vực phổ biến các bệnh phong và bệnh lao.

4. Biển hồ Tiberias*

Tôi đi về phía nam dọc theo biển hồ Tiberias đến một kibbutz* (trại cộng đồng), năm 1986, là hiện trường của một sự kiện làm náo động dư luận. Mực nước của hồ giảm xuống đáng kể vì hạn hán nghiêm trọng. Hai anh em trong nhóm kibbutz này phát hiện ra cái khung giống như đường viền của một chiếc thuyền. Các nhà khảo cổ khi kiểm tra đã tìm thấy những đồ vật có niên đại thời La Mã ở trong và gần thân tàu. Sau đó, kiểm tra carbon 14 (để xác định niên đại*) đã xác nhận tuổi của chiếc thuyền: ít nhiều cùng thời với Chúa Giêsu. Sau đó trời bắt đầu mưa. Mực nước hồ tăng lên. Hoạt động giải thoát chiếc thuyền diễn ra ngay sau đó đã tạo thành kỳ tích khảo cổ học. Công việc thường phải mất hàng tháng để lập kế hoạch và thực hiện thì lúc ấy chỉ mất đúng 11 ngày. Ngày nay, chiếc thuyền quý giá là viên ngọc của viện bảo tàng kibbutz cách nơi nó được phát hiện không xa. Rộng khoảng 2m và dài 8m, nó có thể chở được 13 người đàn ông (dù không có dấu hiệu nào cho thấy Chúa Giêsu và 12 sứ đồ của Ngài đã sử dụng nó). Nó trông không giống lắm khung ván của chiếc thuyền đã được sửa chữa lại cho đến khi hầu như không còn gì giống lúc đầu lúc mới phát hiện. John Dominic Crossan lưu ý: “Nóphải được bảo trì và sửa chữa cho đến khi không còn sử dụng được nữa. Tuy nhiên, trong mắt các nhà sử học, chiếc thuyền này vô giá. Crossan còn nhấn mạnh: “Khi tôi xem xét những nỗ lực đã bỏ ra để giữ nó nổi (trên mặt nước*), tôi học được rất nhiều về mức sống của ngư dân Galilê thời Chúa Giêsu.

5. Magdala* cổ đại

Một khám phá bất thường khác đã diễn ra cách nơi con thuyền được tìm thấy khoảng 2 km về phía nam, tại địa điểm Magdala cổ đại, nơi sinh của Maria Mácđala, môn đồ Chúa Giêsu. Các nhà khảo cổ học Phanxicô đã bắt đầu khai quật một phần thành phố những năm 1970, nhưng nửa phía bắc vẫn còn bị chôn vùi. Sau đó, năm 2004, Lm Juan Solana, lúc đầu được Vatican cử đến để giám sát hoạt động của khách sạn dành cho những người hành hương đến Giêrusalem, đã quyết định xây một nơi nghỉ dưỡng cho những người hành hương từ Galilê. Ông quyên tiền và mua đất bên bờ hồ, bao gồm cả những mảnh đất chưa được khai quật của Magdala. Năm 2009, trước khi công việc bắt đầu, một phái đoàn khảo cổ dự phòng đã đến địa điểm ấy theo yêu cầu của luật pháp. Âm thanh vang từ nền đá dưới đất sau đó cho thấy tàn tích bị chôn vùi của một nhà hội từ thời Chúa Giêsu – nhà thờ đầu tiên thuộc loại này được khai quật ở Galilê. Khám phá này có tầm quan trọng hàng đầu vì nó đã phá hủy lập luận của những người hoài nghi rằng các nhà hội đầu tiên ở Galilê xuất hiện vài thập kỷ sau khi Chúa Giêsu chết – một giả thuyết không phù hợp với chân dung các sách Phúc âm diễn tả về Ngài là người Do Thái thực hành thường thấy rao giảng và làm phép lạ trong các hội đường.

Các cuộc khai quật đã mang lại những bức tường có nhiều băng ghế (của giáo đường Do Thái*) và một sàn trải thảm. Chính giữa căn phòng có tảng đá kích thước bằng một căng tin quân đội được chạm khắc với các biểu tượng linh thiêng chính của Đền thờ Giêrusalem. Việc phát hiện băng đá Magdala, như người ta biết, đã giáng một đòn chí mạng vào giả thuyết phổ biến một thời cho rằng người Galilê chỉ là những kẻ lang thang vô đạo đức, xa rời quê hương tâm linh của Ítraen. Các cuộc khai quật tiếp tục phát hiện ra toàn bộ thành phố bị chôn vùi dưới mặt đất chưa đầy 30 cm. Những tàn tích được bảo tồn tốt đến nỗi người ta không ngần ngại đặt biệt danh cho Magdala là “Pompeii* của Ítraen. “ Nhà khảo cổ học Dina Avshalom-Gorni chỉ cho tôi chung quanh địa điểm này. Cô ấy cho tôi xem phần còn lại của kho chứa, nhà tắm theo nghi lễ và một xưởng cá được chuẩn bị để bán. “Tôi có thể hình dung những người phụ nữ đang mua cá ở chợ ngay tại đây,” cô ấy nói với tôi, gật đầu về phía nền của những quầy hàng bằng đá.

Lm Solana cũng tháp tùng chúng tôi. Tôi hỏi ngài nói gì với những du khách muốn biết Chúa Giêsu đã từng đi bộ trên những con phố này chưa. “Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi này, ông thừa biết thế. Nhưng chúng ta phải ghi nhớ số lần các sách Phúc âm đề cập đến sự hiện diện của Ngài trong hội đường ở Galilê.” Sau đó, cho rằng Giáo đường Do Thái ở Magdala nhiều người thường lui tới vào thời điểm Chúa Giêsu thi hành sứ vụ vì chỉ cách Capernaum một đoạn ngắn, Lm Solana kết luận: “Chúng tôi không có lý do gì đểphủ nhận hoặc hoài nghi Chúa Giêsu thường lui tới nơi đây.”

6. Giêrusalem

Cứ mỗi giai đoạn trong cuộc hành trình của tôi ở Galilê, những dấu chân mờ nhạt của Chúa Giêsu để lại dường như dần dần tỏ hiện hơn. Khi tôi trở lại Giêrusalem lần này, chúng còn có mật độ dày hơn nữa. Kinh thánh Tân ước cho rằng thành cổ là hiện trường của nhiều phép lạ và kỳ tích ngoạn mục nhất. Nếu các lời tường thuật của 4 sách Phúc âm khác nhau về sự ra đời của Chúa Giêsu, thì lại gần nhau hơn với cái chết của Ngài (Mt 27: 45-56; Mc 15: 33-41; Lc 23: 44-49; Ga 19: 28-30*). Sau khi đến Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu bị giải đến trước mặt vị thượng tế Cai-pha đã cáo buộc Ngài tội báng bổ và đe dọa đối với Đền thánh. Bị kết án tử hình do quan án La Mã Pontiô Pilatô, Chúa Giêsu bị đóng đinh và chôn cất cách đó không xa, trong ngôi mộ được đào trong đá. Vị trí truyền thống của lăng mộ này, nơi đã trở thành Nhà thờ Mộ Thánh, được coi là nơi linh thiêng nhất trong Kitô giáo. Năm 2016, tôi đã nhiều lần đến thánh đường này để ghi tài liệu về quá trình trùng tu lịch sử của Aedicule*, nơi tôn nghiêm có ngôi mộ được cho là của Chúa Giêsu. Hôm nay, trong tuần lễ Phục sinh (2018*), tôi trở lại đây. Đứng cùng những người hành hương trong lúc đợi đến lượt vào khu bảo tồn nhỏ bé, tôi nhớ những đêm ở trong nhà thờ trống vắng với các nhà khoa học phụ trách việc trùng tu. Tôi ngạc nhiên trước số lượng khám phá khảo cổ học được thực hiện ở Giêrusalem và những nơi khác trong những năm qua khiến Kinh thánh trở nên đáng tin cậy hơn. Cách mộ Chúa Kitô chỉ vài mét, có những ngôi mộ khác cùng thời được đào sâu vào trong đá. Điều này chứng tỏ rằng nhà thờ này, bị phá hủy và xây lại 2 lần, đã được xây trên nghĩa trang của người Do Thái. Tôi nhớ đã ở một mình trong ngôi mộ sau khi phiến đá cẩm thạch tạm thời được tháo bỏ. Lòng tôi tràn ngập cảm xúc khi nhìn ngắm một trong những di tích quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại – một băng đá vôi đơn giản (nơi đặt xác Chúa Giêsu *) mà mọi người đã tôn kính trong nhiều thiên niên kỷ, điều không được nhìn thấy trong 1.000 năm qua.

Tôi nhận thấy đối với một số người, những nghiên cứu do các nhà khảo cổ thực hiện về Chúa Giêsu lịch sử hay Chúa Giêsu trần thế thuần túy là con người, chẳng có tác dụng vì đã tạo ra vô số lý thuyết trái ngược nhau, những câu hỏi chưa có giải đáp, những sự thật không thể hòa giải. Nhưng, đối với những tín đồ chân chính, thì niềm tin vào sự sống, cái chết và sự phục sinh của Con Chúa Trời là quá đủ.

Theo Nhà khảo cổ kiêm nhà báo Kristin Romey & Nhiếp ảnh gia Simon Norfolk Tạp chí National Geographic 11-12-2018

__________________________________

* Kristin Romey là nhà khảo cố kiêm nhà báo viết về khảo cố học và cố sinh vật học cho tạp chí National Geographic và National Geographic trực tuyến.

Nhiếp ảnh gia Simon Norfolk có trụ sở tại Luân Đôn, Anh, chuyên chụp ảnh kiến trúc và phong cảnh. Ông sinh ở Lagos, Nigeria, học Đại học Wales, Đại học Bristol và Cao đẳng Hertford, Oxford, Anh. Những bức ảnh của ông xuất hiện thường xuyên trên tạp chí National Geographic, The New York Times Magazine và Guardian Weekend.

* ĐH Duke: TP Durham, Bang North Carolina, Mỹ.

* Kibbutz (từ Do Thái kvutza, nghĩa là “nhóm ”) hoạt động trên cơ sở ngân quỹ để tất cả thu nhập do Kibbutz và các thành viên thu nhập sẽ được giữ vào công quỷ.

* Aedicule/aedicula (số nhiều aedicules/aediculae): Đền thờ hoặc thánh thất trong một khu của đền thờ.

* Tu viện Flagellation thuộc dòng Phanxicô trong khu Hồi giáo của Thành phố cố Giêrusalem đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

* Hêrôđê Antipas, (s. 21 TCNt. 39 SCN), con trai của Hêrôđê I Đại đế, người đã trở thành tứ hoàng (cai trị một công quốc nhỏ trong Đế chế La Mã) của Galilê, phía bắc Palestine, và Peraea, phía đông sông Gio-đan và Biển Chết, trong suốt sứ vụ của Chúa Giêsu Nazarét.

* Pompeii là địa điểm khảo cố rộng lớn ở vùng Campania, miền nam nước Ý, gần bờ biển của Vịnh Naples.

* Sepphoris được biết đến như viên ngọc quý của Galilê. Đây là một trong những thành phố thủ phủ của miền Galilê và là thủ phủ đầu tiên của con trai Hêrôđê, một vị vua Do Thái độc lập của La Mã thời Chúa Giêsu…

* Capernaum là một làng chài lưới nằm trên bờ biển phía bắc Biển hồ Galilê. Các cuộc khai quật khảo cố học đã phát hiện ra 2 giáo đường Do Thái cố đại được xây dựng chồng lên nhau.

* Magdala là thành phố cố của người Do Thái trên bờ Biển hồ Galilê, cách Tiberias 3 dặm về phía bắc, nơi chế biến cá. Được cho là nơi sinh của Maria Mácđala.

Tiberias là biển hồ nước ngọt lớn nhất của Ítraen. Biển hồ Tiberias còn được gọi là “Biển ” Tiberias, Hồ Gennesaret, Hồ Kinneret hay “Biển” Galilê. Hồ chỉ dài hơn 21 km (13 dặm) theo hướng Bắc-Nam và chỉ sâu 43 mét (141 feet). Hồ được cung cấp nước một phần từ các suối ngầm liên quan đến khu vực Giođan của thung lũng Great Rift, nhưng phần lớn nước chảy đến từ sông Giođan ở phía bắc.

James Lập chuyển ngữ

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button