Café To GoQuán ven đường

Nhớ Cha Phêrô Hoàng Yến (Ông Cố Yến)

Lời Quán Ven Đường: Chắc chắn Cha Phêrô Hoàng Yến (ông Cố Yến) không là gương mặt lạ lẫm gì với anh em cựu Philipphê Minh Vĩnh Long từ 1975 về trước. Nhân dịp lễ Giỗ năm nay của Cha, Quán Ven Đường xin trích đăng bài tiểu sử của Cố Yến từ FB Joseph Minh Tran, để chia sẻ và hiệp nguyện với các anh em đệ tử DCCT cầu nguyện cho linh hồn Cha Phêrô.

Ông Cố Yến tên khai sinh là Nguyễn Văn Hoàng Yến, sinh ngày 11.11.1907 tại Họ đạo Cái Mơn thuộc Địa phận Vĩnh Long.

– Ngài vào Chủng viện và Đại Chủng viện Xuân Bích Hà Nội.

Khi đó DCCT đã vào Việt Nam truyền giáo với các vị thừa sai tiên khởi là người Canada. Thấy phù hợp với ơn gọi của mình, Ngài xin chuyển qua DCCT (khi đã nhận chức Tư ở ĐCVXB) và được nhập vào DCCT tại Huế.

– Năm 1936 là năm đầu tiên nhà dòng phong chức linh mục cho các thầy người Canada. Thầy Phêrô Nguyễn Văn Hoàng Yến được khấn dòng ngày 15.8.1936.

– Khi ở Đệ tử viện Huế, Ngài tham gia giảng dạy ở Đệ tử viện. Lúc rảnh rỗi Ngài sáng tạo ra đàn Piano với hệ thống thông gió bằng tay.

– Đến năm 1939, Thầy Hoàng Yến được thụ phong Linh mục cùng với các Cha Bocduc, Cha Fortier, Cha Fortin. Ngài về Họ Đạo Cái Mơn làm Lễ Mở Tay. Đây là vị Linh Mục DCCT đầu tiên là người Việt Nam.

– Cha Phêrô Hoàng Yến tiếp tục công việc giảng dạy ở ĐTV Huế.

– Sau đó Ngài vào Sài gòn tham gia giảng Tuần Đại Phúc với cha Lapointe, Cha Blais.

– Khi đi giảng dạy ở Nam-Vang – Campuchia, Ngài tìm được ơn gọi đó là Linh Mục Phêrô Nguyễn Thành Tâm sau này. Trong cuộc đời rao giảng đến đâu người cũng luôn tìm kiếm ơn kêu gọi ở miền Nam. Ngài chiêu mộ các em miền Nam quy tụ lại để dự tuyển cho ĐTV Huế.

Các nơi mà đệ tử của Cố Yến đã từng quy tụ dự tu sống chung:

– 24 Kỳ đồng, Quận 3: Nơi tiên khởi, ở vài tháng (1963).

– Trường Thánh Tâm, Quận Tân Bình: Đây là nhà của dòng Kitô Vua, ở vài tháng (1964).

– Rạp Văn Cầm, Thị Nghè: Đây là 1 cái rạp hát cũ, ở hơn 1 năm (1964).

– Tam Hà, Thủ Đức: Đây là nhà của Cha Oliver cho mượn, ở 1 năm (niên khóa 1966-1967).

– 69 Nguyễn Thông: Nhà riêng của ông Cố, ở tròn 1 năm (1967-1968).

– Về Trung tâm Fatima Vĩnh Long. Đầu mùa hè có một số đệ tử theo Ngài từ tháng 06 năm 1968 đến mùa hè tháng 06 năm 1970). Bước chân nhập vào trường đệ tử DCCT Cái Cá. Vĩnh Long.

– Đệ tử viện Vĩnh Long ở cầu Cái Cá (mùa hè năm 1970 đến 1975).

Trong thời gian ở nhà dòng SàiGòn ngài tham gia các hoạt động xã hội như:

– Sáng lập ra hội “Bảo vệ luân lý Việt Nam” mà Ngài được cử là Chủ tịch Hội Bảo vệ Luân lý, cùng với Ban Quản trị gồm các đại đức, thượng tọa thuộc các tôn giáo khác với các hoạt động xã hội nổi tiếng. Hội này được chính quyền lúc đó công nhận và ủng hộ nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục Việt. Hội có trụ sở cũng đặt tại 69 Nguyễn Thông.

Ngài cố vấn và thúc đẩy hãng phim Mỹ Vân làm phim “Áo dòng đẫm máu” nói về cuộc đời tử đạo của thánh Philipphê Phan Văn Minh quê Cái Mơn. Phim này có La Thoại Tân, Vân Hùng và Thẫm Thuý Hằng thủ vai chính. Những người này là tài tử sáng giá bậc nhất của màn bạc Sài Gòn lúc bấy giờ.

– Lo cho các em cơ nhỡ ở Cao Đạt quận 5, Trại Tế Bần ở Âu Dương Lân, Quận 8.

Năm 1968, Ông Cố Yến được nhà dòng phân công về Trung tâm Hành hương Fatima Vĩnh Long thay cho Cha Antôn Nguyễn Đức Tuyên. Cố Yến lại tiếp tục đem một số anh em là 13 đệ tử theo Ngài về Fatima Vĩnh Long.

– Sau đó Cha Henrie Bạch Văn Lộc làm Giám Tỉnh quyết định Thành lập trường đệ tử viện DCCT Vĩnh Long trên mãnh đất của ông Nguyễn Thới Trọng nhường lại cho nhà dòng. Nhà dòng cử Cha Felix Lê Văn Lang làm Giám Đốc, Cha Phêrô Nguyễn Thành Tâm làm Phó giám đốc. Ông Cố Yến làm Bề trên DCCT Vĩnh Long kiêm Giám đốc Trung tâm Fatima Vĩnh Long. Đệ tử viện DCCT Vĩnh Long có hơn 100 em. Sau đó, sát nhập vào Đệ tử viện DCCT Thủ Đức. SG. (Trong khoảng thời gian nầy, Cha Antôn Thuật, GĐ TCV P. Minh đã đặc biệt gởi 3 anh em chủng sinh ra đây để học Tae Kwon Do với Cha Thành Tâm để về hướng dẫn lại anh em trong giờ thể dục sáng. Ba anh em cùng lớp gồm tôi, Võ Công Nam và Hưởng Vĩnh Kim).

– Năm 1975 Cố Yến về dưỡng bệnh ở nhà riêng tại Cái Mơn. Sau đó Cố Yến về lại nhà dòng Sài gòn và qua đời ngày 24.3.1985 (thọ 78 tuổi), an táng tại nghĩa trang Họ Đạo ĐMHCG tại Bình Hưng Hoà, Sài Gòn và sau đó cải táng về DCCT Kỳ Đồng.

* Hàng năm anh em cựu đệ tử ở các tỉnh họp mặt làm lễ giỗ cho ngài, cùng dự lễ có linh mục Phêrô Nguyễn Thành Tâm là người anh cả trong tất cả con cái của Cố Yến. Đây là ngày họp mặt truyền thống của con cái Cố Yến và được coi là 1 trong những sinh hoạt thường niên lớn của Gia Đình An Phong. VN.

Mặc dù ngày 24.03.2022 năm nay, không có thể tổ chức ngày giỗ của ông cố Phêrô ở Củ Chi như dự định ban đầu lý do dịch bệnh Covid. Nhưng anh em CĐT vẫn yêu cầu phải có giờ lễ giỗ của ông cố Phêrô một cách tương xứng đặc biệt. Do đó anh Capo nhóm CĐT của cố Yến đã đến Gx Hoà Bình, Gò Vấp và đã xin lễ cầu nguyện cho ông Cố. Thánh lễ bắt đầu vào lúc chiều 17g30’ thứ Năm, ngày 24.03.2022. Do Cha Quách Minh Đức là cha giáo học viện DCCT chủ tế thánh lễ giỗ của ông cố Phêrô Hoàng Yến.

XIN ANH EM HIỆP THÔNG CẦU NGUYỆN CHO ÔNG CỐ PHÊRÔ.

Cha Hoàng Yến. Kỷ niệm ngày chịu chức linh mục.
Cố Hoàng Yến với mẹ.

Cố Hoàng Yến (thổi kèn harmonica bằng trái bắp) với Cha Thành Tâm (đàn accordion).

PHIM ÁO DÒNG ĐẪM MÁU (1959)

Nếu tôi nhớ không lầm, năm 1964, khi tôi học lớp Tám (Lớp Huitième) Tiểu Chủng Viện P. Minh Vĩnh Long, Cha Hoàng Yến đã mang phim nầy vào chiếu cho chủng sinh xem.

Áo Dòng Đẫm Máu” là một bộ phim thuộc thể loại lịch sử Công giáo, bối cảnh diễn ra dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức. Nghệ sĩ Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) là Đạo diễn.
Phim quay xong năm 1959, do hãng phim Mỹ Vân thực hiện và ra mắt năm 1960 tại Miền Nam Việt Nam.
Kịch bản phim của Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Yến, Dòng Chúa Cứu Thế. Phim nói về cuộc tử đạo của Thánh Philipphê Phan Văn Minh ở Cái Mơn vào thời vua Tự Đức.
Trong phim, vai Cha Phan Văn Minh do cố tài tử Vân Hùng thủ diễn. Cố tài tử La Thoại Tân vai Nhẫn là một kẻ ham mê bài bạc vì một phút tức giận đã đi tố cáo quan quân bắt Cha Minh. Thẩm Thúy Hằng, một minh tinh màn bạc của Miền Nam thời bấy giờ vào vai người yêu của Nhẫn. Trong phim còn có Trang Thiên Kim vai cô gái mặt cháy, Túy Hoa vai bà trùm là một chức sắc trong họ đạo đã nuôi giấu Cha Minh…

 

Bài liên quan

Back to top button