Café đenQuán ven đường

Rước lễ trọng thể – Rước lễ bao đồng | Từ vựng Công giáo | Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
______________

1.

Tại Giáo hội Tây phương cho đến thế kỷ XII và tại Giáo hội Đông phương cho đến hôm nay, việc rước Mình Thánh Chúa được thực hiện ngay sau khi rửa tội, trẻ sơ sinh được thấm Máu Thánh Chúa trên môi. Năm 1215, Công đồng Latêranô IV quyết định chỉ cho phép các em đến tuổi biết phán đoán, tức là khoảng từ 12 đến 14 tuổi, mới được phép rước Mình Thánh Chúa.

Cho đến cuối thế kỷ XVI, Hội Thánh vẫn chưa thiết lập nghi thức nào để đánh dấu việc rước lễ lần đầu, vì cho rằng đó chỉ là việc riêng tư không cần có nghi thức đặc biệt kèm theo.

Trong thế kỷ XVII, việc rước lễ lần đầu dần dần tiến triển thành một nghi thức công khai. Một nghi thức phụng vụ long trọng được cử hành cho nhóm các em cùng lứa tuổi trong cùng một buổi lễ.

Đến thế kỷ XIX, nghi thức này đã phát triển mạnh: Do cuộc sống đang khá lên, các tầng lớp xã hội quan tâm nhiều hơn đến các em thiếu nhi và nhất là do ảnh hưởng những cải cách về phụng vụ của Công đồng Triđentinô (1546-1563), nên người ta phát triển một nền phụng vụ vượt quá khuôn khổ Giáo Hội và nhà thờ, trở thành một dấu chỉ của đời sống gia đình và còn trở thành một nghi thức đánh dấu khởi đầu giai đoạn trưởng thành. Từ lúc rước lễ lần đầu, các em được phép ngồi vào bàn cao, tự chọn lấy thức ăn, được phép cùng các thành viên trong gia đình du lịch theo mùa. Các em gái được phép dùng búi tóc để trang điểm đầu, các em trai được mặc quần dài và bắt đầu chuẩn bị lễ vật cho lễ cưới…

Năm 1910, Thánh Giáo tông Piô X cho phép các em đến tuổi có trí khôn, tức là 7 tuổi, được phép rước lễ. Các giáo sĩ Pháp quyết định tách biệt giữa việc rước lễ lần đầu, vốn hàm nghĩa “rước lễ riêng tư”, với việc “rước lễ trọng thể”, cử hành trong độ tuổi từ 12 đến 14. Vì nghi thức rước lễ trọng thể không có cơ sở thần học, nên từ những năm 1960 người ta thay bằng một nghi thức “tuyên xưng đức tin”. Tuy nhiên, việc thiết lập nghi thức rước lễ trọng thể cho thấy xã hội cần thánh hoá điểm kết thúc thời thơ ấu của các em bằng một nghi thức tôn giáo.

Các nhà tâm lý phân chia thời thơ ấu thành 3 giai đoạn: Ấu nhi (1-3 tuổi), nhi đồng (3-7 tuổi) và thiếu nhi (7-11 tuổi). Các em trong lứa tuổi 11-14 được gọi là thiếu niên. Ở độ tuổi này, các em đã chuyển hẳn sang một giai đoạn phát triển về thể lý và tâm lý hoàn toàn mới, với các đặc tính khác hẳn lứa tuổi thiếu nhi trước đó.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của các thừa sai Pháp, việc xưng tội và rước lễ bao đồng cũng đã có từ rất sớm. Trong một thư chung của Đức cha Tôn (Victor Carôlô Quinton) năm 1918, chúng ta thấy có nhắc đến việc này: “Có khi anh em nghĩ rằng: chẳng đọc kinh chung thì đọc kinh riêng nào có thiệt chi. – Ớ anh em, xin xét lại rạch ròi cẩn thận, trong một nhà chẳng đọc kinh chung, mấy ai đọc riêng cho chín chắn? – Chính mình con cái anh em, khi mới bao đồng rước lễ, còn nghe dạy, thì còn sốt sắng sớm nguyện tối cầu, – song thương ôi! Thấy anh em biếng nhác, lần lần nó cũng trễ tràng, sau hết nó cũng thả trôi bỏ phế chẳng còn đọc kinh cầu nguyện nữa (Thư chung Về Sự Đọc Kinh Hôm Mai Chung Trong Nhà Cùng Sự Tôn Rất Thánh Trái Tim ĐCG Trong Gia Thất Người Giáo Hữu). Trước đó chúng ta cũng thấy có từ “xưng tội bao đồng” trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Paulus Của (năm xuất bản 1895, tập I, tr. 35).

Vậy “bao đồng” có nghĩa gì?

2. Bao đồng: 包 童.

2.1. Bao.

Bao có nhiều chữ Hán: , , , , , , , . Trong từ bao đồng, chữ này có những nghĩa: (dt.) (1) Túi, gói; (2) Họ Bao; (3) Số lượng: Nhất bao (một bọc) (4) Bánh bao: Bao tử; (5) Cục bướu, khối u; (6) Túi đựng tiền: Hà bao. (đt.) (7) Bao bọc: Bao bì (tấm bọc); (8) Tóm quát cả; (9) Gói lại; (10) Che: Bao tý (che chở); (11) Vây quanh, quây quanh; (12) Thầu, thuê: Bao nhất chỉ xa (thuê một chiếc xe); (13) Bảo đảm, cam đoan; (14) Bao gồm: Bao quát. 

2.2 Đồng.

Đồng có rất nhiều chữ Hán: , , , , , , , , , , , , , 罿, , , , , , , , , , , , , . Trong từ bao đồng, chữ này có những nghĩa: (dt.) (1) Con trẻ, trẻ dưới 12 tuổi: Đồng tử; (2) Con gái còn nguyên vẹn: Đồng trinh; (3) Người chưa kết hôn.(4) Thời xưa người có tội bị bắt làm đầy tớ cho quan; (5) Đầy tớ trẻ: Thư đồng; (6) Người ngu dại; (7) Họ Đồng. (đt.) (8) Rụng tóc; (9) Cùng nghĩa với chữ đồng . (tt.) (10) (Dê) chưa mọc sừng; (11) (Núi) trơ trụi không cây, không sinh thảo mộc: đồng sơn (núi trọc); (12) Non trẻ. 

2.3. Bao đồng 包 童.

Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị[1]: Bao đồng là “Bao chung: Nói chuyện bao đồng thì là nói chuyện dông dài. Xưng tội bao đồng, thì là xưng hết các tội từ thuở có trí khôn”.

Theo Đại Từ Điển Tiếng Việt[2]: Bao đồng là (tt.) Dông dài, lung tung nhiều thứ, không tập trung vào một điều gì. Vd: Nói chuyện bao đồng.

Như vậy, trong ngôn ngữ toàn dân “bao đồng” có nghĩa không tốt đẹp, thường để chỉ những kẻ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng trong ngôn ngữ nhà đạo thì lại có nghĩa là bao bọc, tóm quát lại thời non trẻ, kết thúc giai đoạn nhi đồng. Bao đồng không có nghĩa tôn giáo, nó chỉ nói lên ý nghĩa một người trong quá trình trưởng thành từ lứa tuổi thiếu nhi đến lứa tuổi thiếu niên mà thôi. Nhưng khi ghép với các từ xưng tội, rước lễ hay giáo lý… thì trở thành những thuật ngữ của Công giáo:

– Xưng tội bao đồng: Xưng hết các tội từ thuở có trí khôn.

– Rước lễ bao đồng: Rước lễ trọng thể đánh dấu bước vào tuổi thiếu niên, khởi đầu giai đoạn trưởng thành.

– Giáo lý bao đồng: Giáo lý chuẩn bị cho các em xưng tội và rước lễ bao đồng.

3.

Giáo Hội tại Pháp thì cho rằng dùng từ “communion solennelle” (rước lễ trọng thể) cũng thiếu cơ sở thần học, đã gọi nghi thức này là “profession de foi” (tuyên xưng đức tin). Cho nên trong nghi thức này luôn có phần tuyên xưng đức tin. Nếu chúng ta không muốn hoàn toàn theo cách gọi của Giáo Hội Pháp thì gọi là Rước lễ trọng thể còn hơn gọi là Rước lễ bao đồng như xưa nay chúng ta thường dùng.

________________________

[1] Huỳnh Tịnh Paulus Của, ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895. Tập I, tr. 35.

[2] Bộ Giáo dục Đào tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT,  nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1999.

Bài liên quan

Back to top button