Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Bình An Trong Chúa | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C
(Ga.14,23-29)
****

BÌNH AN TRONG CHÚA

      Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không  giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

      Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin”.

_______________

SUY NIỆM

BÌNH AN TRONG CHÚA

1. Bình An trong Ý nghĩa Cuộc Đời       

            Ai trong cuộc sống cũng ước ao luôn được “bình an”. Hai chữ  “bình an” hầu như luôn luôn có trên đầu môi mọi người để sẵn sàng chúc cho nhau trong những sinh hoạt hằng ngày và nhất là những dịp quan trọng. Thí dụ đầu năm mới, ta chúc cho nhau được An Khang Thịnh Vượng; khi đi xa, ta chúc cho nhau “Thượng Lộ Bình An”; tìm nơi sinh sống, ta chúc cho nhau “An Cư Lạc Nghiệp”; ngày tân hôn ta chúc cho đôi trẻ “loan phụng hòa minh, sắc cầm hảo hiệp”; qua một đời phấn đấu ta chúc nhau “tuổi thọ an nhàn”; khi nằm xuống ta mong muốn cho “mồ yên mả đẹp”.

            Nhưng bình an không thể có được khi con người còn sợ hãi. Con người còn sợ hãi vì con người nhận ra sự mong manh của hạnh phúc mà mình đang có. Nói một cách khác, con người sợ đánh mất những gì mình đang có. Nếu hạnh phúc của con người chỉ dừng lại ở những cái con người sở hữu được ở trần gian, thì  những thứ chóng qua ấy lại chính là nguyên nhân làm con người đau khổ. Vì hạnh phúc không bao giờ tồn tại nhờ những thứ hữu hạn trên cuộc đời này, hay nói một cách khác, thứ bình an mà cuộc đời ban tặng rất mong manh.

            Có những người ung dung tự tại với những thứ vinh hoa mà mình gầy dựng được, nhưng không nhận ra giá trị đich thực của chúng. Cách sống hưởng thụ  làm con người mê ngủ trong sự bình an giả tạo và quên đi thân phận đời người. “ ‘Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tai ai ?’ Ấy, kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc.12,19-21).

2. Bình An trong Chúa   

              Ngược lại, sự “bình an trong Chúa” – thứ bình an của Chúa trao ban – là thứ bình an nội tâm, bình an trong lòng, bình an của người nhận biết Chúa yêu thương và  biết yêu thương Chúa

            Chúng ta nhớ lại câu chuyện của ông Gióp trong Kinh Thánh Cựu Ước. Khi ông Gióp mất tất cả và trong nỗi khổ đau cùng cực, niềm tin của ông vào Thiên Chúa vẫn vững vàng: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G.1,20).

            Bình an của con người chính là tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa. Đức Tin đem lại sự bình an. Cho dù cuộc đời có đổi thay ra sao, dòng đời sóng gió thế nào, lòng người vẫn bình an nếu có Chúa hiện diện trong lòng. “Rồi Thầy trò ra khơi. Đang khi các Ngài đi thuyền, thì Đức Giê-su thiếp ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước và lâm nguy. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, Thầy ! Chúng ta chết mất !”. Người thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay. Người bảo các ông: “Đức tin anh em ở đâu ?”(Lc.8,22-25).

            Nhưng, con người thì luôn yếu đuối. Có Chúa trước mặt đấy, lời Chúa bên tai đấy, Chúa đang đồng hành đấy, nhưng con người nhiều khi vẫn không an lòng, vẫn sợ hãi. “Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?” (Mt.14,27-31)

            Và, trong dòng đời đầy sóng gió, biết bao lần con người “kém tin” như vậy, “hoài nghi” như vậy !

            Sự “kém tin”, sự “hoài nghi” đã làm con người không còn nghe thấy tiếng Chúa dạy bảo trong cõi thâm sâu của lòng mình. Nhiều người đã mê ngủ, quên đi, bỏ qua, và thậm chí từ chối Tin Mừng vì họ cảm thấy Tin Mừng cản trở ý muốn thỏa mãn sự hưởng thụ và khát vọng trần tục của họ.

3. Bình An từ Thánh Thần

            Hơn lúc nào hết, thế giới hôm nay xuất hiện những quan niệm lệch lạc xa rời Chân Thiện Mỹ và ngủ mê trong đêm tối của những khoái lạc thấp hèn. Kết quả là thế giới hôm nay đầy những xáo trộn bất an và chìm ngập trong bóng tối của sự âu lo sợ hãi.

            Nhưng, người có Đức Tin vẫn không thất vọng. Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới. Có thể có rất nhiều điều làm cho những người vốn có đức tin vẫn còn đó sự “hoài nghi”, nhưng “đối với Thiên Chúa, không có gì là  không thể làm được”(Lc.1,37).

            Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng để con người biết mở rộng lòng ra đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa, và đánh thức con người để con người thoát khỏi đêm tối Sa-tan và sống trong sáng trong ánh sáng Lời Chúa.

Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (Ga.14)”.

            Đức Tin giúp con người biết phó thác tất cả vào Thiên Chúa. Biết phó thác là không còn lo lắng. Không còn lo lắng là bình an.

“Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi ? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người. Người là Đấng Cứu Độ, là Thiên Chúa của tôi.” (Tv.43,5).

            Lạy Chúa,

            Xin Ngài thương sai phái ánh sáng và chân lý của Ngài,
            để soi đường dẫn lối con đi
            về núi thánh, lên đền Ngài ngự. (Tv.43,3)

            A-men.

                                                                             Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Back to top button