Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN.02.MÙA VONG.C. | Sẽ Thấy Ơn Cứu Độ | NVT

SUY NIỆM CHÚA NHẬT
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG C
(Lc.3,1-6)

SẼ THẤY ƠN CỨU ĐỘ

Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, 2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. 3 Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, 4 như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
__________

SUY NIỆM

SẼ THẤY ƠN CỨU ĐỘ

Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. (Lc.3,6).

+ 1. Lời hứa từ ngàn đời

Cuộc đời là một chuyến đi, nên gọi đời là cõi tạm. Đã gọi là cõi tạm thì không thể đong đầy những ước vọng vô biên.

Cuộc đời là một con đường, nên gọi là đường đời. Đã gọi là đường đời thì không phải là quê hương, không phải quê hương nên không thể tìm thấy ấm cúng như một mái nhà.

Cuộc đời như một dòng sông, nên gọi là dòng đời. Đã gọi là dòng đời thì luôn đổi đổi thay thay. Như mọi dòng sông đều chảy, dòng thời gian cứ trôi đi, không thể tìm được những gì bền vững bất biến. “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” (Heraclitus) , bởi dòng sông luôn biến đổi vì nước cứ chảy mãi không ngừng.

Cuộc đời như biển cả chứa đầy nước mắt chúng sinh, nên gọi đời là bể khổ. Đã gọi là bể khổ thì đến bao giờ con người mới có thể xây dựng  được thiên đàng tại thế theo ý riêng của con người?

Con người chờ trông gì ở sức mạnh của chính mình trong khói sương ảo ảnh của kiếp phù sinh?

Tuồng ảo ảnh đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau. (CONK)

Phù hoa nối tiếp phù hoa
Cuộc đời tất cả chỉ là phú hoa. (Gv.1,2).

Đã bao lần con người vùng dậy, nhiều ý thức hệ cố dựng nên một thế giới như chưa từng có Thiên Chúa và không bao giờ cần Thiên Chúa, nhưng khi con người từ chối nguồn sống thật sự của mình thì chính hình ảnh cao cả của con người cũng bị xóa nhòa giá trị nhân bản của mình.

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. (HMT).

Và con người tìm về nguồn cội đích thực của mình, nguồn cội ấy là từ Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới có thể đem con người về đúng nấc thang giá trị của loài thụ tạo cao cả nhất – “nhân linh ư vạn vật” – là con cái của Thần Linh, chứ không phải con cái của bùn đất hay thứ sản phẩm tưởng tượng nào đó của con người.

Và chỉ có Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người vô vàn, mới ra tay cứu độ con người, chứ không phải một thứ chủ nghĩa nào có thể có trái tim đủ mở, vòng tay đủ rộng, để cứu vớt con người.

Và Thiên Chúa đã hứa ban cho con người Đấng Cứu Thế, ngay từ khi bóng tối bao trùm thân phận con người vì tội lỗi.

Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi thì táp lại gót chân. (St.3,15).

+ 2. Lời hứa được thực hiện

Cho dù con người như thế nào, Thiên Chúa vẫn thực hiện Lời Hứa của Ngài.

Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. (Tv.144,13-14).

Tình yêu của Ngài dạt dào, và luôn luôn bùng cháy không có sức mạnh nào dập tắt được. Nên Ngài muốn tất cả nhân loại đều được Cứu Rỗi.

Ơn Cứu Rỗi là Tình Yêu của Thiên Chúa dành trọn vẹn cho con người và Ngài trông đợi con người đón nhận một cách tự nguyện.

Ngài trông đợi con người đón nhận Ngài với tất cả tâm tình yêu mến Ngài bằng cách dọn tâm hồn để sống với lòng ngay dạ thẳng, trở về nẻo chánh đường ngay, đi theo ánh sáng Lời Chúa. Thiên Chúa muốn con người sám hối.

Sám hối

Vào những năm cuối cùng thập niên 80 của thế kỷ trước (1987…), ở Liên Xô cho trình chiếu bộ phim SÁM HỐI của Abuladze, một bộ phim đã được thực hiện trước đó trên 20 năm mới được xuất xưởng và trình chiếu, và trong một thời gian ngắn, cuốn phim đã được thế giới nhìn nhận là một kiệt tác.

(Ảnh: Poster phim Sám Hối)

Câu chuyện được khởi đầu bằng cái chết của Varlam Arevidze (Avtandil Makharadze), thị trưởng thành phố. Đám tang thật trọng thể, có diễn văn và những nhân vật thế lực của thành phố đến tiễn đưa. Bên quan tài có con trai Avtandil (Makharadzé), con dâu Gulico (Nia Ninidzé) và cháu nội Tornike (Mérab Ninidzé) mới 17 tuổi.

Sáng hôm sau khi thức dậy Gulico phát hiện xác cha chồng được dựng đứng nơi một gốc cây trước nhà, họ lặng lẽ đem chôn. Rồi hôm sau, cũng chính Gulico một lần nữa nhìn thấy xác Varlam được đặt ở vị trí cũ. Lần này cơ quan an ninh đến họ chở xác Varlam đi trên chiếc xe ngựa bịt bùng trước đây dùng để chở tù để điều tra, trước khi trả lại cho thân nhân mang đi chôn. Chôn cất lần thứ ba xong, theo gợi ý của một người hàng xóm họ làm một cái lồng sắt rào ngôi mộ lại như chuồng sư tử. Nhưng buổi sáng sau đó, chính người hàng xóm phát hiện xác Varlam được đặt trên ghế ở nhà dưới.

Một lần nữa, họ đem xác đi chôn và đêm đến nhờ lực lượng an ninh canh giữ.

Ngoài những người đó, Tornike tự động xách súng vào nghĩa trang định bắn kẻ đã xúc phạm ông nội mình. Nửa đêm, Tornike nhìn thấy kẻ đào mồ. Chàng thanh niên căm giận đưa súng lên ngắm và bóp cò. Tiếng súng nổ, và mọi người đổ xô lại. Kẻ bị bắn chỉ bị thương ở tay, và rõ ra đó là Ketevan Barateli, người phụ nữ làm bánh khéo tay ở gần đó. Thế là Ketevan bị bắt và bị đưa ra tòa.

Trước tòa, Ketevan nhìn nhận mình đã đào mộ Varlam nhưng không nhận hành vi đó là tội. Cô khẳng định: chừng nào tôi còn sống, Varlam không thể nằm yên dưới đất. Đó là bản án chung quyết không thể chống án. Chính đấng tối cao đã xử hai chúng tôi như vậy – tôi và Varlam. Không phải ba lần mà ba trăm lần tôi vẫn đào!

(Ảnh: Đạo diễn Tenguiz Abuladze)

Được tòa yêu cầu Ketevan cho biết: Khi Varlam nhận chức thị trưởng thành phố thì cô mới tám tuổi. Cha cô, họa sĩ Sandro Barateli (Ghi. Orgobiani) đã có lần đến gặp Varlam cùng một số người để yêu cầu ông ta đừng cho thí nghiệm khoa học trong nhà thờ. Sau cuộc gặp gỡ, những người đó, và lần lượt đến Sandro, Mikhail bí thư của Varlam, bạn thân của Sandro, và cuối cùng là mẹ cô, Nino Barateli (Ketevan Abuladze) đều đã bị bắt giam, bị đọa đày cho đến chết.

Phiên tòa tạm ngưng. Tornike hiểu rằng ông nội mình thật sự là kẻ có tội, còn cha mình, ít ra cũng là kẻ đồng lõa. Chàng trai 17 tuổi rất đỗi hối hận và thống khổ hơn khi chính mình là kẻ cầm súng bắn vào người phụ nữ đó. Anh đích thân đến nhà giam xin Ketevan thứ tội. Trong khi đó, Avel, vợ và vây cánh của ông ta, gồm những người có thế lực đã hoạch định âm mưu đưa Ketevan vào nhà thương điên. Biết được âm mưu của cha, đau khổ, tuyệt vọng và xấu hổ vì gia đình, Tornike dùng súng tự sát. Còn Avel, sau cái chết của con trai, mới thức tỉnh tự tay đào xác Varlam ném từ trên núi cao xuống thành phố.

Điều đáng lưu ý là cảnh cuối cùng của bộ phim:

Đó là cảnh một cụ già đi ngang qua nhà người phụ nữ đã quật mồ tên độc tài. Bà này bây giờ có nghề làm bánh ngọt. Trên mỗi chiếc bánh ngọt đều có hình một tháp nhà thờ. Bà cụ hỏi :

Đường này có đưa tới nhà thờ không?

Người bán bánh trả lời :

Không, thưa cụ.

Bà cụ trợn mắt bảo :

Đường không đưa tới nhà thờ thì để làm gì?

(Internet).

+ 3. Sẽ thấy ơn cứu độ.


Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. (Lc.3,6). Lời hứa ấy mới chính là khát vọng đích thực của đời người.

– Đường đời này không đưa ta về tới Vương Quốc Thiên Chúa thì để làm gì?

– Cuộc đời này cuối cùng không thấy Ơn Cứu Độ thì có ý nghĩa gì ?

Mỗi lần nói về nỗi chờ mong trông đợi ơn cứu độ, và “thấy được Ơn Cứu Độ”, chắc ta không thể không nhắc đến niềm vui của ông Si-mê-on khi lần đầu được tận mắt nhìn thấy Chúa Hài Nhi Cứu Thế:

Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài. (Lc.2,25-32).

Sám Hối không phải là một điều kiện trao đổi Ơn Cứu Độ, vì Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho con người bao la và vô giá không gì so sánh và trao đổi cho cân xứng. Vì ngay cả khi biết Sám Hối, con người cũng chẳng trở nên tốt lành gì để xứng đáng với Tình Yêu Thiên Chúa.

Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ? (Thánh Vịnh 8,5)

Sám Hối là nhận ra và tin tưởng hết lòng vào Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu Thiên Chúa được thể hiện cụ thể nơi Đấng Cứu Thế, Đấng đã chịu đóng đinh trên Thập Giá vì nhân loại.

Sám Hối, do đó là niềm hy vọng được thứ tha và là niềm hạnh phúc được Thiên Chúa giang rộng vòng tay yêu thương đón nhận.

Sám Hối là một Hồng Ân Chúa thương ban, là Ơn Trở Lại, thoát đời tăm tối, lạc nẻo lầm đường.

Sám Hối, con người sẽ thấy Ơn Cứu Độ.

Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. (Lc.3,5-6).

Lạy Chúa,

Trong đêm dài tăm tối
Con chờ ánh bình minh
Trong cõi đời hấp hối
Con chờ buổi phục sinh

Trăm năm một phần mộ
Chúa hứa con vững tin
Sẽ thấy Ơn Cứu Độ
Rộn rã tiếng cầu kinh.

Đêm từng đêm sám hối
Giọt lệ lặng lẽ rơi
Ngày từng ngày yếu đuối
Xin Chúa thương một đời!

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button