Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Giáo Lý mới mẻ, Người dạy uy quyền | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B
(Mc.1,21-28)
****
GIÁO LÝ MỚI MẺ, NGƯỜI DẠY UY QUYỀN

 

(21) Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. (22) Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

(23) Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên (24) rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” (25) Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (26) Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (27) Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (28) Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

____________

SUY NIỆM

GIÁO LÝ MỚI MẺ, NGƯỜI DẠY UY QUYỀN

“Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.” (Mc.1,27)

1. Giáo lý mới mẻ

“Mới mẻ” ở đây không có nghĩa là xóa bỏ cái cũ và thay vào cái mới. “Mới mẻ”, đối với Chúa Kitô là “kiện toàn”.

Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”(Mt 5,17).

Theo cách giảng dạy và lối sống của kinh sư Do Thái, lề luật đã trở nên nặng nề và mất đi mục đích đích thực của nó.

“Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (Mc 2,27).

Lề luật là để bảo đảm việc thi hành lời Chúa đúng đắn. Lời Chúa có mục đích đem lại sự sống hạnh phúc cho con người. Nếu lề luật chỉ đem lại cho con người gánh nặng thì còn nghĩa lý gì?  

 “Họ buộc những gánh nặng chất lên vai người ta còn mình thì không muốn đụng ngón tay vào” (Mt 23,4)

Chính vì thế, Giáo lý thì mới mẻ, vì lời Chúa qua cách dạy của Chúa Giêsu đem lại cho con người nguồn vui và niềm hy vọng trọn đầy nhất.

“Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Gn.6,68)

Chính vì thế, mọi người đều hướng về Chúa, đến với Chúa. Đó không chỉ là sự cảm nhận bình thường của một con người được đối xử tốt từ một con người khác, mà là chính hồng ân của Thiên Chúa tự nguyện trao ban một cách nhưng không. Hồng Ân ấy là sự gọi mời để con người đón nhận hồng ân. Đối với người đời, người thi ân không cần năn nỉ ỉ ôi gì đối với người nhận, còn đối với Thiên Chúa, lại là sự gọi mời tha thiết ẩn chứa trong đó niềm mong đợi không khác  nào kẻ thụ ân.

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Nên niềm vui của người thi ân nơi đây còn lớn hơn vạn lần kẻ thụ ân, bởi vì nó xuất phát từ một tình yêu vô bờ bến. Tình yêu của Thiên Chúa là Người Cha nhân từ của con người.

“Thiên Đàng cũng mừng vui vì một người tội lỗi ăn năn, sám hối hơn là 99 người công chính không cần hối cải” (Lc 15:7)                                                    

2. Người dạy uy quyền 

Có một câu chuyện có thật xảy ra ở một miền quê.

Người ta chuẩn bị làm con đường nhựa lớn trên vị trí con đường mòn đi  ngang qua một làng quê nghèo.

Có một gia đình rất nghèo, căn nhà như cái trại nhỏ nằm bên bờ kênh. Một số người thiện nguyện đã cùng nhau mua cây, mua tôn, làm cho gia đình đó một căn nhà rộng hơn và cất trên một cái nền ở bờ ruộng cặp bên con đường đó. Nhưng khi dựng nhà lên, một anh cán bộ ấp lại ngăn cản. Anh ngồi trên chiếc xe Honda không bước xuống, lời lẽ thô tục, anh lớn tiếng: “Mấy ông muốn làm gì làm, không trình bào gì hết. Nhà cửa phải cách ra từ tim đường này 15 m. Đem ra tuốt ngoài ruộng mà dựng nhà”. Trong nhóm thiện có người phân trần: “Anh thông cảm, nhà này nghèo quá. Đem dựng nhà này cách đường 15 m, họ lấy đâu ra cây cối để làm cầu, nhà lại có hai đứa con nhỏ xíu mới 6 – 7 tuổi”. Anh văng tục: “ĐM… Không nói năng gì cả. Không được thì dẹp. Luật lệ đưa ra, mấy ông không chấp hành, muốn chống hay gì ?”. Một người thiện nguyện kiên nhẫn: “Chúng tôi hứa là chừng nào làm đường thì chúng tôi sẽ dời nhà này ra khỏi lộ giới mà. Nhà nhỏ, chúng tôi khiêng ra thôi, dễ mà”. Mỗi tiếng mỗi văng tục, anh nói như thét vào mặt người nghe: “Mấy ông hứa rồi đến lúc đó chạy kiếm năn nỉ mấy ông hả?” Thôi dẹp đi. Cô chủ nhà nói: “Chừng đó tôi chịu trách nhiệm, tôi không di dời nhà tôi mấy ông phá bỏ cũng được”. “Tôi nói đình chỉ, không làm đó. Mấy ông mà ngoan cố buộc lòng tôi phải kêu lính khống chế đó”.

Một người dân ở đó bức xúc báo về xã. Cán bộ xã đến mời về nhà anh cán bộ ấp, buộc mấy anh em bên thiện nguyện làm tờ cam kết “dời nhà” khi làm đường. Ba năm sau, con đường đó bắt đầu làm. Hơn một năm sau thì hoàn thành. Con đường đó vì “kinh phí” không đủ nên mặt đường đã làm nhỏ hơn dự tính. Do đó, căn nhà đó còn cách đường 5 m.  

Những câu chuyện tương tự như vậy xảy ra, với mức độ “nghiêm trọng” hơn, vẫn thường thấy xung quanh ta. Đó là thứ “nô lệ” lề luật. Dùng lề luật để “bảo vệ bản thân”, và “tiến thân” cũng từ đó.

Luật lệ “cho ai” và “vì ai”? Thứ luật lệ khô cứng đó là thứ ách độc tài không hề nhắm tới hạnh phúc “cho dân” và “vì dân”.  

Người thi hành luật với tâm huyết vì hạnh phúc con người, không thể không tự hỏi khi thi hành luật đó điểm nhắm tới là gì ?

“Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? ” (Mc.3,1-6).

“Trong ngày Sa-bát được phép Chữa bệnh không ?” (“Lc.14,1-6).

“Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?” (Lc.14,1-6)

Với những kẻ nô lệ lề luật, họ không thể trả lời.

“Các ông Luật sĩ và biệt phái ấy làm thinh” (Lc.14,1-6).

Tại sao họ làm thinh? Vì họ không hiểu hay không muốn hiểu luật lệ của Thiên Chúa là Giới Luật Yêu Thương. Con tim họ đã ra chai đá.

“Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá.” (Mc.3,1-6).

Nhưng sâu xa hơn hết, đó là việc họ – các luật sĩ và biệt phái – không tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Trong khi ấy, dân chúng nhiều kẻ đã tin vào Ngài, và nhiều người khác đã bắt đầu nhận ra Đấng Giêsu là Đấng Thiên Sai.

“Người dạy lại có uy quyền” (Mc.1,27).

Đúng thật là Ngài có uy quyền, vì Ngài là Con Thiên Chúa.

Người nói tiếp : “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.” (Mc.2,27-28).

Lạy Chúa,

Giáo lý của Chúa thì mới mẻ,
Xin cho con luôn bước hân hoan
Trong Lời Chúa ngọt ngào…

Chúa  là Đấng uy quyền
Xin cho con một đời nương tựa
Trong tình Chúa dạt dào mãi ngàn năm. Amen.  

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button