CN.12.TN.B. Sóng Gió Đức Tin | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.4,35-41)
****
SÓNG GIÓ ĐỨC TIN
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? ” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? “
____________
SUY NIỆM
SÓNG GIÓ ĐỨC TIN
Nếu sánh ví cuộc đời là biển, thì “sóng gió” là những gì bất an cho cuộc đời. Không ai đi biển lại mong chờ “sóng gió” – “cuồng phong bão táp”. Những gì bất an cho cuộc đời thì làm cho cuộc đời đau khổ, nên ai cũng rất hiểu ý nghĩ “đời là bể khổ”. Thật vui mừng biết bao khi ta đang đương đầu với sóng gió hãi hùng lại có một quyền lực nào đó đè bẹp sóng gió, “Im đi ! câm đi !”, và, “Gió liền tắt, biển lặng như tờ !”. Ai đó – người có uy quyền đến như thể – hẳn quả là Vị Cứu Tinh cho đời ta ! “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”(Mc.4,39-41).
Có hay không niềm hy vọng ấy, trong khi, ngày từng ngày, sóng gió biển đời luôn vây kín đời ta ?
Sóng gió bên ngoài
Mỗi năm con người đối diện với những cơn giận dữ thiên nhiên rất nhiều lần, và, lắm khi hậu quả rất khốc liệt. “Sóng gió” thể hiện qua thiên hình vạn trạng, nào bão táp phong ba, mưa lũ, sạt lở, đến động đất núi lửa, biển động sóng thần … đem lại cho con người biết bao mất mát, khổ đau và tang tóc.
Một vài thí dụ cụ thể gần đây: Sóng thần Nhật Bản ngày 11.03.2011, cướp đi mạng sống 16.000 người, 300.000 người lâm cảnh màn trời chiếu đất, và thiệt hại vật chất là khôn lường. Bão Haiyan đổ bộ vào Philippines ngày 11.11.2013, ước tính 10.000 người thiệt mạng, 620.000 người lâm cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại vật chất ước tính 14 tỷ USD.
“Sóng gió” thường xuyên thể hiện qua biết bao thiên tai khác, nhỏ lớn đó đây… Ai trong chúng ta cũng hơn một lần trải qua, và cuộc đời không có gì là chắc chắn chúng ta luôn tránh khỏi…
Sóng gió trong lòng
Sóng gió không chỉ ở ngoài, sóng gió còn ở trong lòng người nữa. Những cơn sóng gió này cũng vô cùng nguy hiểm và mức tàn phá của nó cũng vô cùng đáng sợ. Nó âm thầm tàn phá sự sống cao quý mà mỗi người chỉ một lần có trong đời và nó xóa đi tất cả những gì tươi đẹp mà cuộc đời đang có. Sóng gió trong lòng có khả năng nhấn chìm và làm tâm hồn con người hoàn toàn sụp đổ.
Nó khác hơn sóng gió bên ngoài. Con người có thể xây dựng lại những đổ nát mà “sóng gió” bên ngoài hủy diệt, nhưng thứ sóng gió trong lòng làm con người kiệt quệ từ bên trong, con người không nội lực gượng đứng lên được để có thể làm lại những gì đã mất, vì con người không còn niềm hy vọng.
“Tự tử đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động. Cứ mỗi 40 giây lại có 1 người tự tử, một con số khủng khiếp”, Shekhar Saxena – Giám đốc phụ trách sức khỏe tâm thần của WHO, nói tại buổi công bố báo cáo ở Geneva (Thụy Sĩ), AFP ngày 5.9.2014 trích đăng.
Sóng gió trong lòng cũng thiên hình vạn trạng không thua gì sóng gió thiên nhiên. Sóng gió trong lòng có khi đến từ lòng người gian dối, hoàn cảnh trái ngang, thói đời đen trắng, tham vọng điên cuồng…
Sóng gió trong lòng có nguy cơ bùng phát hận thù, tham vọng, chiến tranh… Lịch sử nhân loại cho ta thấy những cuộc chiến thế giới do chính con người tạo nên… “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi…” không do “trời đất” mà do chính lòng người ! Thứ “sóng gió” ấy tàn phá tất cả, trên hết, nó tàn phá “cái tâm” của con người. Nó hủy diệt niềm tin yêu, nó hủy diệt tình yêu cuộc sống.
Sóng gió Đức Tin
Con người có thể vượt qua sóng gió với cái tâm tĩnh lặng, nếu con người còn đó niềm tin yêu cuộc sống.
Hãy thử tưởng tượng trong lúc sóng gió, các môn đệ không có nơi để kêu cứu. “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? ” (Mc.4,38).
Và, từ đó, chúng ta cũng hình dung chính bản thân ta, đứng trước sóng gió phong ba – bên ngoài hay ở trong lòng – tâm hồn ta trống rỗng, đâu là điểm tựa đời ta, đâu là nơi ta kêu cứu, đâu là nguồn sức mạnh để ta chống trả, đâu là đích điểm để ta tiến tới, đâu là lý tưởng để ta chiến thắng?
Ai cũng hiểu cuộc đời không phải là một dòng sông phẳng lẳng, thẳng tắp và thơ mộng… Nhưng, nó có sóng gió, quanh co, ghềnh thác, rộng hẹp, nông sâu…
Đường đời cũng thế, và bể đời cũng vậy, có chông gai, có sóng dữ… Dù so sánh cuộc đời thế nào, ta vẫn không thể chối cãi những mảng đen của nó.
Và, từ đó, nó luôn đòi hỏi nơi ta một cuộc chiến đấu. Một cuộc chiến đấu bằng tất cả nghị lực của ta cùng với Đức Tin. Nghị lực giúp ta trung thành Đức Tin, và Đức Tin cho ta sức mạnh của nghị lực.
“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su”. (Pl.3,13-14).
Như thế, chính Đức Tin, chứ không phải chỉ với sức mạnh riêng ta, mà ta có thể vượt qua biển đời sóng gió.
Khi Đức Tin ta chao đảo là lúc ta buông xuôi.
Ta buông xuôi vì ta không còn ai để kêu cứu.
Không còn ai kêu cứu vì ta không còn tin ai.
Không còn tin ai, vì ta không có Đức Tin.
Đó là thứ sóng gió đáng sợ nhất: “Sóng gió Đức Tin”
“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”(Mc.4,40).
Lạy Chúa,
“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?
Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm giáo
(Rm 8:35-39)
Xin cho con được mãi mãi như thế
để đương đầu với mọi cơn sóng gió…
trong suốt cuộc đời con.
Amen.
Lm. Antôn NGUYỆN VĂN TIẾNG