CN.6.PS.A : Con người không mồ côi | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A
(Ga.14,15-21)
****
CON NGƯỜI KHÔNG MỒ CÔI
15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. 19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
___________________
SUY NIỆM
Có một câu chuyện đề tựa “Bài học tuổi thơ” như sau:
Thằng con tôi 11 tuổi, học lớp sáu. Qua mùa thi chuyển cấp, nhân một buổi chiều cho con đi chơi mát, nó kể với tôi:
Đang hỏi nó về chuyện thi cử, nó chợt hỏi lại tôi:
– Ba! Có bao giờ thấy có một bài luận văn nào điểm 0 không ba? Con số 0 cô cho bự bằng quả trứng gà. Không phải cho bên lề, mà một vòng tròn giữa trang giấy. Thiệt đó ba. Chuyện ngay trong lớp của con, chứ không phải con nghe kể đâu.
Tôi chưa kịp hỏi, nó tiếp:
– Còn thua ba nữa đó, ba. Ít nhứt ba cũng được nửa điểm. Còn thằng bạn của con, con số không bự như quả trứng.
Thằng con tôi ngửa mặt cười, có lẽ nó thấy thú vị vì thời học trò của ba nó ít nhứt cũng hơn được một đứa.
Số là cách đây vài năm, có một nhà xuất bản gởi đến các nhà văn nhà thơ quen biết trong cả nước một câu hỏi, tôi còn nhớ đại ý, nhà văn nhà thơ thời thơ ấu học văn như thế nào, nhà xuất bản in thành sách “Nhà văn học văn” . Đọc qua, nghe các nhà văn nhà thơ kể, tất nhiên là mỗi người có mỗi cuộc đời, mỗi người mỗi giọng văn, nhìn chung thì người nào, lúc còn đi học, cũng có khiếu văn, giỏi văn. Nếu không thì lấy gì làm cơ sở để sau này trở thành nhà văn? Rất lô-gích và rất là tự nhiên vậy. Duy chỉ có bài của tôi hơi khác, có gì như ngược lại. Tôi kể, hồi tôi học ở trường trung học Nguyễn Văn Tố (1948 – 1950), tôi là một học sinh trung bình, về môn văn không đến nỗi liệt vào loại kém, nhưng không có gì tỏ ra là người có khiếu văn chương. Và có một lần, bài luận văn của tôi chỉ được có một điểm trên hai mươi (1/20). Đó là kỷ niệm không quên trong đời học sinh của tôi, môn văn.
Khi con tôi đọc bài văn đó, con tôi hỏi:
– Sao bây giờ ba là nhà văn? Và bạn bè cũng hỏi như vậy. Tôi cũng đã tự lý giải về mình, và lời giải cũng đã in vào sách rồi, xin không nhắc lại.
Tôi hỏi con tôi:
– Luận văn cô cho khó lắm hay sao mà bạn con bị 0 điểm.
– Luận văn cô cho “Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố”.
– Con được mấy điểm?
– Con được sáu điểm.
– Con tả ba như thế nào?
– Thì ba làm việc làm sao thì con tả vậy.
– Mấy đứa khác, bạn của con?
Thằng con tôi như chợt nhớ, nó liến thoắng:
– A! Có một thằng ba nó không hề làm việc ban đêm mà nó cũng được sáu điểm đó ba.
– Đêm ba nó làm gì?
– Nó nói, đêm ba nó toàn đi nhậu.
– Nó tả ba nó đi nhậu à?
– Dạ không phải. Ba nó làm việc ban ngày nhưng khi nó tả thì nó tả ba nó làm việc ban đêm, ba hiểu chưa?
– Còn thằng bạn bị 0 điểm, nó tả như thế nào?
– Nó không tả không viết gì hết, nó nộp giấy trắng cho cô.
– Sao vậy?
– Hôm trả lại bài cho lớp, cô gọi nó lên, cô giận lắm, ba. Cô hét: “Sao trò không làm bài” . Nó cúi đầu làm thinh. Cô lại hét to hơn: “Hả ?”. Nó cũng làm thinh. Tụi con ngồi dưới, đứa nào cũng run.
– Nó là học trò loại “cá biệt” à ?
– Không phải đâu ba, học trò tiên tiến đó ba.
– Sao nữa? Nó trả lời cô giáo như thế nào ?
Nó cứ làm thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống bàn cái chát: “Sao trò không làm bài ?”. Tới lúc đó nó mới nói: “Thưa cô, con không có ba” . Nghe nó nói, hai con mắt của cô con mở tròn như hai cái tô. Cô đứng sững như trời trồng vậy ba !
Tôi bỗng nhập vai là cô giáo. Tôi thấy mình ngã qụy xuống trước đứa học trò không có ba.
Sau đó cô và cả lớp mới được biết, em mồ côi cha khi vừa mới lọt lòng mẹ. Ba em hy sinh trên chiến trường biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con…
Có người hỏi em: “Sao mày không tả ba của đứa khác”. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má.
Chuyện của đứa học trò bị bài văn 0 điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị 0 điểm, nhưng với tôi, người viết văn là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt.
Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết.
INTERNET
+ 1. Mồ côi cha mẹ
Nếu bạn còn đủ cha mẹ đến tuổi trưởng thành, thì bạn thật là một người may mắn. Trong cuộc sống, bạn có sự bảo vệ của cha, sự chăm sóc của mẹ, trải qua tuổi thơ trong mái ấm gia đình, thì thật hạnh phúc biết bao.
Cho dù thế, chắc bạn cũng hiểu được nỗi đau khổ đến thế nào khi một đứa bé sớm mồ côi cha mẹ, qua cảm nghiệm cuộc sống quanh ta, hay ngay cả khi ta đã thành nhân, sự ra đi của cha mẹ vẫn là sự mất mát vô cùng lớn lao không gì bù đắp được.
Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con,
Còn cha còn mẹ thì hơn,
Mất cha mất mẹ như đờn đứt giây.
Đờn đứt giây còn xoay còn nối,
Cha mẹ mất rồi con chịu mồ côi,
Mồ côi khổ lắm ai ơi,
Đói cơm không ai biết, lạc đường không ai đưa.
Chiều chiều ta nhớ mẹ xưa,
Miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương.
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lao.
CA DAO
Thế nên, khi nói đến một đứa bé mồ côi, ai cũng đem lòng thương cảm. Hình ảnh đứa bé mồ côi, ta thấy sự đói khổ, bơ vơ lạc lỏng, và cuộc đời bấp bênh không có tương lai.
Thật sự, ta mãi mãi vẫn là đứa bé trong tầm mắt của cha mẹ, đặc biệt là người mẹ. Và ta cũng mãi mãi muốn ngã vào lòng mẹ khi những gian nan cuộc đời làm ta mệt mỏi, cho dù ta đã khôn lớn.
Vì, hơn tất cả, ta hiểu cha mẹ yêu ta. Đặt tất cả trong tình thương cha mẹ, là mái ấm xuyên suốt cuộc đời ta.
+ 2. Mồ côi người hướng dẫn
Khi nói đến “mồ côi”, người ta nghĩ đến mồ côi “cha mẹ”. Trong Đại Từ Điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý chủ biên định nghĩa : “mồ côi” nghĩa là bị mất cha mất mẹ khi còn thơ dại. Mồ côi cha. Mồ côi mẹ. Tự điển nước ngoài cũng tương tự. Thí dụ trong Oxford Advanced Learner’Dictionary : Orphan : a child whose parents are dead. Trong Tiếng Pháp : Orphelin, ine : Enfant qui a perdu son père et sa mère, ou L’ un des deux.
Nhưng nếu hiểu “Cha mẹ” theo nghĩa rộng, những người có trách nhiệm hướng dẫn cuộc đời ta, những người “nuôi dưỡng” tinh thần ta, những người “sinh ra ta” trong tinh thần, những người cho ta “sống lại” niềm tin yêu cuộc sống… khi mất họ, ta chịu “mồ côi”, sự mồ côi ấy cũng sẽ đem lại sự bơ vơ, lạc lỏng, đau khổ… như thêm một lần mất “cha mẹ” vậy !
Những người đó có thể là những người thầy, bề trên, những vị lãnh đạo tinh thần, những người cầm quyền chân chính, những bạn bè tốt bụng, những người quan tâm nâng đỡ cuộc đời ta…
Ai cũng ít nhiều cảm nghiệm được thế nào là nỗi đau khổ, khi những người cấp trên của ta, hay những người ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc đời ta không còn cơ hội kề cận ta, hay bỏ rơi ta, không hiểu ta, hay lạnh lùng xa lánh ta. Đó là sự “mồ côi” thật đáng sợ !
Trong Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giê-su đang “chuẩn bị” tinh thần cho các môn đệ trước khi Ngài về cùng Chúa Cha.
Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha. (Ga.16,28).
Ngài đo lường được sự hoang mang và lo âu của các môn đệ khi từ nay các ông không còn được thấy Chúa Giê-su hiện diện “bằng xương bằng thịt” như trước đây nữa. Chúa Giê-su sẽ không còn hiện diện trong “giới hạn không gian và thời gian” của con người nữa. Ngài hiện diện huyền nhiệm trong Đức Tin và Tình Yêu. Ngài hiện diện trong niềm Tin Yêu của con người.
Chính vì thế, Chúa muốn cho những môn đệ của mình thoát khỏi tâm trạng “mồ côi”. Sự lo lắng về “mồ côi” có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn những gì đã ôm ấp. Sự quan tâm của Chúa Giê-su có thể thấy rõ trong cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với hai môn đệ trên đường E-mau. Một Đức Tin vào Chúa Giê-su phục sinh giúp con người đón nhận sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa ở trong mỗi người, con người thoát được kiếp đời côi cút bơ vơ. Không gian sự sống của con người rộng thênh thang trong đại gia đình Thiên Chúa.
+ 3. Mồ côi Thiên Chúa
Vào một buổi sáng, theo cách diễn tả của triết gia Nietzsche, có một người cầm ngọn đèn chạy khắp cùng phố chợ hét to : “Chúa đã chết ! Thiên Chúa đã chết !”.
Nhiều người ngày nay đã cố gắng tin điều đó. Và nhiều người cảm thấy hài lòng vì được sống “mồ côi Thiên Chúa”.
Có thể họ sẽ hát theo cung điệu Ca dao, nhưng không phải với lời bi ai, mà là tiếng reo hò : “Mồ côi sướng lắm ai ơi !”. Vì người ta giành lấy quyền được tự do đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức theo ý riêng mình, và mặc tình tung hoành trong sân chơi dễ dãi bao la của “nền văn minh thế tục”.
Và, từ đó, người ta cố gắng xét lại những giá trị đạo đức mà người ta cảm thấy như bị trói buộc làm đời sống mất đi tự do theo kiểu con người mong muốn.
Nhưng, xót xa thay, khi con người đi tìm con đường giải thoát cho mình khỏi những quy luật đạo đức truyền thống , lại tự trói buộc mình trong những dục vọng bản năng và nô lệ cho ước muốn thấp hèn hạ đẳng.
Kết quả là những tội ác hãi hùng trở thành chuyện bình thường trong thế giới tâm hồn đen tối. Những đứa con rơi rớt từ những “bà mẹ” còn đang độ bé bỏng tuổi học trò chưa kịp hiểu biết vì sao mình có thai và phải làm gì với đứa con ngoài ý muốn đó. Những sọt rác bệnh viện đầy ắp những xác thai nhi. Người ta hợp thức hóa “quyền giết người” như một “bước tiến văn minh nhân loại” !
“Làm sao còn có thể bàn đến nhân phẩm khi mà mình lại giết những người yếu nhất và vô tội nhất ? Nhân danh công lý nào mà mình kỳ thị đến độ bất công đối với những con người như thế bằng cách tuyên bố rằng một số người này thì đáng được bảo vệ, còn những người kia thì bị từ chối quyền sống ?” (ĐGH. Gioan-phaolô II. Evangelium Vitae, số 20).
Nhìn vào thực trạng xã hội con người hôm nay, ta thấy con người dần dần chối bỏ và bổ báng Thiên Chúa. Chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, xa lánh và lạnh lùng với những giá trị tâm linh, con người tự hạ thấp phẩm chất của mình vì sự cạn kiệt của đời sống nội tâm.
Con người xa lìa Thiên Chúa. Thiên Chúa chết trong lòng con người. Con người “mồ côi Thiên Chúa”.
Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã đau đớn thốt lên : “Thời đại của nền văn minh sự chết !”
+ 4. Con người không mồ côi
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Điều đó, cũng có nghĩa là “Thầy không để nhân loại mồ côi”, vì có lệnh truyền : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo”. (Mc.16,15).
Đó là Tin Mừng con người luôn được Chúa Yêu Thương. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”
Đó là mệnh lệnh nói lên Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người cho đến muôn đời, vì Chúa Giê-su luôn thương cho nhân loại “như đàn chiên không người chăn đắt” (Mc.6,30-34). Sứ mạng của các môn đệ là không để cho nhân loại “mồ côi”, vì mồ côi Chúa, là đi vào cõi chết.
“Giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống” (Pl.2,15-16).
Song song trong cuộc đời này, vẫn đang có đó cuộc chiến giữa “Thiện và Ác”, Yêu Thương và hận thù”, “Tối Tăm và Ánh Sáng”. Nhân loại đang bị lôi cuốn vào “nền văn minh sự chết”, vào “bóng tối của Tử Thần”, nhưng Ánh sáng Tin Mừng vẫn chiếu soi vào nơi tối tăm. Ánh Sáng Chúa Giê-su luôn mạnh mẽ và mãi mãi thắp sáng niềm hy vọng cho con người.
“Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng” (Ga.8,12).
Đúng là con người đang tự tạo ra cho mình một “nền văn minh sự chết”, mùi tang tóc vây quanh đó đây, nhưng, cuối cùng, Ánh Sáng của Thiên Chúa sẽ chiến thắng.
“Ánh Sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga.1,5).
Thiên Chúa không bỏ rơi con người, cho dù con người từ chối Thiên Chúa. Con người không vâng phục Thiên Chúa – như đã từng không vâng phục khi hái trái cấm ở Vườn Địa Đàng, và vẫn còn tìm mọi cách để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống nhân loại – nhưng Thiên Chúa vẫn yêu con người.
Như đứa con bực bội vì sự quan tâm chăm sóc của người mẹ, dưới mắt nó, người mẹ đang xen vào cuộc sống riêng tư của nó, nó muốn tự do theo cách của nó, nhưng người mẹ vẫn tiếp tục chăm sóc nó, tiếp tục quan tâm đến nó, vì sự an toàn của nó. Bà vẫn yêu thương nó, dù nó muốn chối từ bà.
Sau cùng, không phải là vấn đề vâng phục.
Sau cùng, đó là vấn đề Tình Yêu. (Thomas More. – A man for all seasons)
Thiên Chúa là Tình Yêu. (1Ga.4,16).
“Tình yêu không biết đến sợ hãi” (1Ga.4,18)
Không sợ hãi vì Thiên Chúa bỏ rơi con người,
Chỉ sợ hãi vì lòng người chối từ Thiên Chúa.
Chối từ Thiên Chúa vì không nhận ra Tình Yêu của Ngài.
Không nhận ra Tình Yêu của Ngài, thì không thể “vâng theo” Lời Chúa được !
Lạy Chúa,
Cho con vững tin rằng:
Con không mồ côi Thiên Chúa.
Để trong dòng đời,
Trong mọi biến cố vui buồn của đời con,
Con vững tin rằng,
Chúa mãi mãi yêu thương con. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG