CN28.TNA. Vì Thiếu Một Tình Yêu Đích Thực | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN A
(Mt.22,1-14)
VÌ THIẾU MỘT TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC
1 Khi ấy Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: 2 “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
11 “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? ” Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.”
_____________
SUY NIỆM
VÌ THIẾU MỘT TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC
+ 1. Từ chối dự tiệc vì… không có thời gian.
Khi lòng thiếu một tình yêu đích thực, người ta có nhiều lý do để từ chối sự chia sẻ, cuộc gặp gỡ chân tình.
“Tiệc đã dọn sẵn”, những vị khách đã được trân trọng mời, nhưng tất cả đều từ chối.
“Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. (Mt.22,2-3).
Khi lòng không muốn, thì người ta có hàng trăm lý do tự đưa ra để biện hộ cho sự từ chối của mình. Những cái cớ đưa ra cho sự vắng mặt của đương sự, nói chung là vì “ quá bận rộn”, “không có thời gian”…
“Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói : “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm, cho tôi xin kiếu. Người khác nói : “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây, cho tôi xin kiếu”. Người khác nói : “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc.14,18-20).
Có thể suy nghĩ thêm về vấn đề này qua câu chuyện “Hoa hồng tặng mẹ” sau đây:
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
– Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở – nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.
Anh mỉm cười và nói với nó:
– Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:
– Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Cô bé chỉ ngôi mộ và nói:
– Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái xe một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.
Anh chàng này trước đó chắc hẳn “tự thấy mình quá bận rộn” , anh “không có thời gian” về thăm mẹ. Chỉ cần gửi mẹ một bó hoa từ xa là anh đã yên lòng. Cách ứng xử với mẹ anh như vậy tạm “xoa dịu được lòng anh”. “Sự thật là, mãi đến khi đánh mất điều gì, chúng ta mới biết là mình có nó” (It’s true that we don’t know what we’ve got until we lost it –11 lessons in life). Anh chỉ “tỉnh ngộ” khi thấy tấm lòng cao đẹp của cô gái bé nhỏ đối với mẹ mình, một người mẹ đang ở “nhà” trong một nghĩa trang ! Lúc này anh mới nhận ra mình “có thời gian” để vượt đoạn đường 300 km về thăm mẹ đang ở “nhà” đúng nghĩa.
+ 2. Từ chối dự tiệc vì… cho đó là việc không quan trọng.
Với những kẻ đứng bên lề, “Tiệc của Nhà Vua” hay tiệc của “ông giàu có” nào đó xem ra không dính líu gì đến họ, nó không quan trọng, có khi còn mất thì giờ, như người ta thường nói “ăn bữa giỗ lỗ bữa cày”. Dự tiệc hay không dự tiệc cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Không có tình yêu trong lòng với người chủ tiệc thì tiệc đó có lớn cho lắm cũng bằng không.
Nó cũng tương tự như những thầy tu đi trên con đường về thành Giê-ri-cô gặp một người bị nạn, họ lạnh lùng đi qua, bỏ mặc người bị nạn bán sống bán chết. Có nhiều lý do để họ đi bên lề cuộc đời, nhưng trên hết, vì họ không có trái tim biết chạnh lòng thương, biết rung động đối với niềm vui hay nỗi đau của người khác.
Lòng tham lam, bất bao dung, ham hố quyền lực.. đó là những động lực thúc đẩy đi tới quyết định chiến tranh, và những động lực ấy thường được biện minh bằng một ý thức hệ; nhưng trước tiên có một sự đam mê, một động lực sai trái. Ý thức hệ là một biện minh, và khi không có ý thức hệ, thì có câu trả lời của Cain: “Có liên hệ gì tới tôi đây ?”, ”Tôi đâu có phải là người canh giữ em tôi?” (ĐGH Phanxicô).
+ 3. Bài học hôm qua và hôm nay
Hôm qua là bài học đặc biệt dành cho các thượng tế và kỳ mục: “Khi ấy Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục” (Mt.22,1).
Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. (Mt.22,4-6).
Sự từ chối dự tiệc không dừng lại ở chuyện “đứng bên lề”, mà còn đi xa hơn nữa: nhúng tay vào tội ác.
Ở đây, ta gặp lại hình ảnh tương tự trong dụ ngôn những tá điền sát nhân.
Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông. Chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước. Nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó !” (Mt 21,33-43).
Cuối cùng, là mất Đức Tin, mất tất cả, vì thiếu một tình yêu đích thực trong con tim đối với Thiên Chúa và tha nhân.
“Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân tộc biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. (Mt.21,43).
Với con người ngày nay – với chúng ta – có rất nhiều lý do để ta hững hờ với tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta cho rằng mình không có thời giờ để làm việc Chúa, để thực thi Lời Chúa, ta “bận lắm”, ta “không có thời gian”…
Vì không có nhiều thời gian nên mọi việc đều trở nên vội vã, như có câu “Thời giờ là tiền bạc”. Vì “thời giờ là tiền bạc”– chứ không phải “thời giờ là tình thương” – nên người ta vội vã làm mọi việc vì tiền. Những thứ lợi lộc tiền của và những thứ hưởng thụ nhất thời trong cuộc đời.
Kết quả là nhiều thầy thuốc trị bệnh nạn nhân vội vã, làm lấy có lấy rồi, bất kể mạng sống con người.
Nhiều nhà sản xuất thuốc men, thực phẩm làm vội vã, lấy có lấy rồi, bất kể sức khỏe mọi người.
Nhiều nhà giáo dục dạy học vội vã, làm lấy có lấy rồi, bất kể tương lai của những thế hệ mai sau…
Và, đáng lo âu nhất, là làm mọi việc đạo đức vội vã, lấy có lấy rồi cho nó xong… bổn phận !
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?” (Mt.22,11-12).
Tất nhiên Thiên Chúa không đòi hỏi những hình thức bề ngoài, Ngài đòi hỏi một tấm lòng chân thật. “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2, 12b-13a). Nên, “y phục lễ cưới” là tấm lòng thành tâm sám hối để vào dự tiệc cưới mà Ngài mời gọi.
“Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta”. (Kh. 2,9-10)
Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?” Tôi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo tôi: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. (Kh.2,13-14).
Mặc vào y phục lễ cưới là trút bỏ thường phục, cũng chính là chọn lấy cách sống mới, canh tân tâm hồn, canh tân cuộc sống trong ánh sáng Lời Chúa, tắm gội tâm hồn trong tình yêu Thiên Chúa, “giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu con chiên”, không còn ăn mặc nhếch nhát lôi thôi, nhưng tề chỉnh và đến dự tiệc với tình yêu chân thật và tâm hồn trong sáng.
Một đời sống không phải “sống để mà sống”, nhưng sống cho ra người, không ngừng phấn đấu vươn lên Chân, Thiện, Mỹ, không ngừng làm lợi “đồng tiền” Thiên Chúa đã phú giao, không ngừng làm việc đóng góp những điều hữu ích cho cuộc đời. Điều ấy chỉ thực hiện được với một con người có nhiệt huyết, có tình yêu cuộc sống, biết yêu và yêu như tình yêu Giêsu, tình yêu Thiên Chúa.
“Giới răn trọng nhất, hỡi Isrrael, hãy nghe đây: Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi !” Và đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó!” (Mc 12: 29-31).
Tiệc Cưới là Tiệc Tình Yêu.
Tiệc Thánh Thể là Tiệc Tình Yêu.
Tiệc Nước Trời là Tiệc Tình Yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Nếu ta không muốn hay không thể vào dự Tiệc Nước Trời, là vì trái tim ta thiếu một tình yêu đích thực, đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Lạy Chúa,
Xin cho con luôn biết đón nhận lời Chúa mời gọi,
giúp con vượt qua mọi nỗi đam mê,
để lòng con luôn tha thiết quay về,
Dự Tiệc Tình Yêu của Chúa muôn đời. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG