Cứ an tâm | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN A 14
(Mt.14,22-23)
****
CỨ YÊN TÂM !
22 Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” 29 Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến! ” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”
___________________
SUY NIỆM
CỨ YÊN TÂM !
1. Đừng sợ hãi…
Có một câu nói của nhà thơ Anh Francis Quarles (1592 – 1644) đáng chúng ta suy nghĩ :
Đừng sợ hãi bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà nỗ lực của anh có thể ngăn chặn; đừng tự tin về bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà số phận không thể đánh bại. Sợ hãi thứ không thể tránh cũng ngu ngốc chẳng kém gì yên tâm về thứ có thể bị tước đoạt.
Chúng ta có thể suy ngẫm đôi nét về câu nói trên:
a) Hãy “Sợ thứ mà nỗ lực có thể ngăn chặn…”.
Đừng sợ hãi bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà nỗ lực của anh có thể ngăn chặn; đừng tự tin về bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà số phận không thể đánh bại.
“Đừng sợ hãi bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà nỗ lực của anh có thể ngăn chặn. Vậy có nghĩa là ta phải “sợ hãi thứ mà nỗ lực có thể ngăn chặn”. Vì, thứ mà ta biết chắc rằng nỗ lực ta “không thể ngăn chặn”, những thứ đó được xem như ngoài tầm kiểm soát của ta, có thể sánh ví như một thứ “định mệnh an bài”, hay như “một quy luật tất yếu” nó phải đến, thì ta “sợ” làm chi ? Ta có “sợ” cũng chẳng giải quyết được gì !
Từ đó, ta có thể rút ra vài ý tưởng, như :
Sợ chiến tranh… Vì nỗ lực con người có thể “ngăn chặn” để đem lại hòa bình.
Sợ tình yêu tan vỡ… Vì nỗ lực con người có thể “ngăn chặn” để hàn gắn.
Sợ Thất bại… Vì nỗ lực con người có thể “ngăn chặn” để đạt được thành công.
b) Hãy “Tự tin thứ mà số phận không thể đánh bại”.
Đừng tự tin về bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà số phận không thể đánh bại. Vậy có nghĩa là ta chỉ nên “tự tin vào thứ mà số phận không thể đánh bại.
Ta tin vào điều chân thiện.
Ta tin vào lý tưởng phục vụ cao cả.
Ta tin vào chân lý làm sáng tỏ cuộc đời
Ta tin vào tiếng nói thiêng liêng trong đời sống tâm linh của ta…
Từ những suy nghĩ trên, ta thấy rõ những điều tương phản lại:
c) Đừng “Sợ hãi thứ không thể tránh…”
Sợ hãi thứ không thể tránh cũng ngu ngốc chẳng kém gì yên tâm về thứ có thể bị tước đoạt.
Sợ thời thanh xuân mất đi.
Sợ buổi huy hoàng ngày nào sẽ mất.
Sợ sức khỏe có lúc chẳng còn.
Sợ tuổi già sẽ đến.
Sợ cái chết đang đến gần…
Rồi ta bình tâm tự hỏi: “Sao ta lại sợ những thứ không thể nào tránh khỏi như thế ?”. Chắc hẳn, không phải vì ta không biết, mà vì ta “không muốn biết”, hay ta như kẻ đứng giữa rừng hoa ngất ngây với muôn hương sắc làm ta đắm say như kẻ mê ngủ mà quên rằng “những hoa kia rổi cũng tàn héo”. Ta quên chuyện thế gian: “Đời chỉ một thời”. Đó là “thứ mà ta không thể tránh”.
Ta nhớ lại đoạn văn trong sách Giảng Viên: “Mọi sự đều chỉ một thời”.
Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :
một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;
một thời để than van, một thời để múa nhảy ;
một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà. (Gv.3,1-8)
d) Đừng “Yên tâm thứ có thể bị tướt đoạt”
Chúa Giê-su đã kể một câu chuyện: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Ðoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi“. Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Đồ ngốc, nội đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?‘ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy” (Lc.12,13-21)
“Hãy nghỉ ngơi ăn uống vui chơi đi”. Cái yên tâm ấy chính là loại “yên tâm thứ có thể bị tướt đoạt”.
“Chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu” (Lc.12,13-21).
Biết bao người cũng yên tâm vào những thứ đại loại như vậy. Áo mão cân đai, quyền cao chức trọng, danh vọng bạc tiền… An lòng với tất cả những thứ ấy vì tin rằng chúng tạo nên thành lũy vây bọc bảo vệ bản thân. Nhưng, than ôi, tất cả như một giấc mơ, chóng vánh tự hồ chỉ sau một đêm, tất cả chợt chỉ là mây khói… Đó cũng là một thứ “ngốc” thôi, khi đuổi theo ảo ảnh mơ hồ…
Tuồng ảo ảnh đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau. (CONK)
2. Cứ yên tâm…
“Sợ hãi thứ không thể tránh cũng ngu ngốc chẳng kém gì yên tâm về thứ có thể bị tước đoạt”.
Vậy, để khỏi là kẻ ngu ngốc, ta chỉ nên yên tâm về thứ không thể bị tước đoạt.
Vậy, những thứ không thể bị tước đoạt là gì ?
Rõ ràng, những thứ ấy phải là những thứ mà “số phận không thể đánh bại”, như ta đã điểm qua vài ý nghĩ ở phần trên.
Những thứ mà “số phận không thể đánh bại” nó nằm ở trong kho tàng Lời Chúa.
Đây mới chính là kho tàng hạnh phúc đích thực, là Hiến Chương Nước Trời, cũng thường gọi là “8 Mối Phúc Thật”.
Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”.( Mt 5,1-10).
Lời Chúa không bao giờ thay đổi.
Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.(Mt.5,27-19)
Cuộc đời đổi đổi – thay thay, đen trắng – trắng đen, cay đắng – đắng cay… Chuyện còn mất mất còn khó lường trước được. Nhiều khi ta mệt mỏi buông xuôi theo những bước thăng trầm của dòng đời muôn khúc ngoặc…
“Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” (Heraclitus)
Chỉ có Tình Yêu Thiên Chúa là bền vững, trước sau như một, không bao giờ thay đổi, ta có thể tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài.
Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. (Tv.144,13cd).
Chính vì thế, ta yên tâm khi chạy đến cùng Ngài. Ta tìm niềm bình an bền vững điều mà cuộc đời này không thể nào đem lại cho được.
Có người kể lại câu chuyện nho nhỏ như sau:
Khi tôi đang đi bộ như thường lệ vào buổi sáng thì một chiếc xe tải thu gom rác dừng ngay bên cạnh tôi. Tôi nghĩ người tài xế định hỏi đường. Thế nhưng, ông đưa cho tôi bức ảnh một bé trai năm tuổi kháu khỉnh.
Ông nói: “Đây là cháu trai của tôi, Jeremiah. Nó đang sống nhờ hệ thống hỗ trợ ở bệnh viện Phoenix”.
Nghĩ rằng tiếp theo ông ấy sẽ hỏi xin tiền để đóng viện phí, tôi thò vào lần lấy ví tiền. Nhưng ông muốn một điều còn hơn cả tiền nữa.
Ông nói: “Tôi thỉnh cầu tất cả mọi người mà tôi gặp được, xin hãy cầu nguyện cho cháu tôi. Ông làm ơn cầu nguyện cho nó nhé ?”
Tôi đã làm thế. Và kể từ hôm ấy mọi khó khăn của tôi dường như không còn là gì nữa.
[ I was taking my usual morning walk when a garbage truck pulled up beside me. I thought the driver was going to ask for directions. Instead, he showed me a picture of a cute little five-year-old boy.
“This is my grandson, Jeremiah”, he said. “He’s on a life-support system at a Phoenix hospital”.
Thinking he would next ask for a contribution to his hospital bills, I reached for my wallet. But he wanted something more than money.
He said, “I’m asking everybody I can to say a prayer for him. Would you say one for him, please ?”.
I did. And my problems didn’t seem like much that day.]
Tin tưởng nơi Chúa , ta có một điểm tựa vững vàng, ta có nơi bảo vệ an toàn. Dù giữa phong ba bão tố biển đời, ta vẫn đến được với Ngài, đến được bến bờ hạnh phúc đích thực, miễn là ta tin tưởng phó thác hoàn toàn nơi Ngài, như lời Ngài đã dạy: “Cứ yên tâm”.
Lạy Chúa,
Dòng sông nào cũng có những khúc quanh
Đại dương nào cũng không ngừng tiếng sóng
Đường đời nào cũng không tròn ước mộng
Chỉ bên Ngài con mới thấy an lành.
Đời bao la còn con đây nhỏ bé
Ngài bên con nhưng con vẫn thấy xa…
Đời gió bụi mắt mờ không thấy Chúa
Chúa thấy con… Tình Ngài mãi chan hòa.
Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG