Đây là Con Ta yêu dấu | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
(Mc.9,2-10)
*****
ĐÂY LÀ CON TA YÊU DẤU
(2) Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. (3) Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (4) Và ba môn đệ thấy ông E-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. (5) Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông E-li-a.” (6) Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. (7) Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (8) Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ có Đức Giê-su với các ông mà thôi.
(9) Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. (10) Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
SUY NIỆM
ĐÂY LÀ CON TA YÊU DẤU
- Ngài chính là Thiên Chúa.
Các môn đệ đã “bỏ mọi sự mà theo Thầy”, chỉ vì xác tín rằng, Chúa Giê-su chính là Con Thiên Chúa. Sự chọn lựa của các môn đệ phải được đặt trên nền tảng lòng Tin Yêu nơi Chúa Giê-su.
Đã bao lần, Chúa Giê-su muốn những môn đệ của mình xác tín điều đó. Bởi vì đó là sự sống còn của Giáo Hội của Ngài.
Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (Mt.16,13-19).
Nếu Chúa Giê-su không phải là Con Thiên Chúa, điều đó sẽ đưa đến sự sụp đổ toàn diện ý nghĩa cuộc sống và niềm hy vọng của con người.
Vì, ở cõi thế gian này, tìm đâu một tình yêu như Giê-su, và những “Lời Hằng Sống” như Giê-su ?
“Bỏ Thầy con biết theo ai ? Vì Thầy có Lời ban sự sống” (Ga.6,6-8) .
Nếu Đức Giê-su không phải là Con Thiên Chúa, Ngài chỉ là một con người nổi bật, ngay cả là một vĩ nhân hơn mọi vĩ nhân… Nếu chỉ có thế, thì niềm hy vọng của con người cũng tan theo mây khói sau cái chết của Ngài.
Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Ðức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en.
Nếu Đức Giê-su đích thực là Con Thiên Chúa, thì lòng người mới bừng sáng lên niềm hy vọng trong cuộc đời tối tăm và vô nghĩa.
Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,13-35)
- Thử thách niềm tin.
Thế nhưng, sống cùng thời với Chúa Giê-su, đồng hành với Ngài, cùng ăn, cùng uống với ngài, gót chân cùng in trên mọi miền đất Ngài đã bước qua… thế mà… các môn đệ vẫn nhiều khi chưa đủ sức mạnh đương đầu trước những thử thách của Đức Tin. Các Ngài đã không thể vượt qua chính mình để đến với Chúa bằng Niềm Tin Phó Thác trọn vẹn.
Làm sao có thể có một niềm tin trọn vẹn khi còn đó sự hoài nghi và sợ hãi ?
Trước sóng gió cuộc đời…
Nghe vậy, ông Phêrô khoái chí thưa ngay: “Thầy ơi, nếu quả là Thầy thì xin truyền cho đệ tử đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Đức Giêsu mời ông: “Cứ đến!” (Mt 14, 28-29). Ông hăng hái bước ra khỏi thuyền để đến với Chúa Giêsu, nhưng nhìn thấy gió mạnh và sóng lớn, ông chìm dần. Ông vội kêu cứu: “Thầy ơi, xin cứu con với!” (Mt 14, 30).
“Buổi chiều, khi đã giảng dạy cho dân chúng xong, Đức Giêsu bảo các Tông đồ xuống thuyền vượt biển hồ Tibériade sang bờ bên kia. Biển hồ này thường có bão, nhất là vào buổi chiều. Khi ra giữa biển, một cơn bão táp nổi lên, nước đã tràn vào thuyền, các môn đệ cuống cuồng lên. Trong khi đó, Đức Giêsu, bị mệt mỏi vì rao giảng suốt ngày, nằm gối đầu ở đàng lái mà ngủ, như không có sự gì xẩy ra.
Các ông sợ hãi đánh thức Ngài và còn có sự trách móc: “Chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao”? Đức Giêsu bình tĩnh đứng lên phán một lời vắn tắt : “Im đi, câm đi” tức thì gió im, biển lặng như tờ. Sau đó Đức Giêsu vừa trách các môn đệ vừa khuyên họ hãy tin vào quyền năng của Ngài.(Mc 4,35-41)
Trước miếng cơm manh áo…
14 Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh.15 Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê! “16 Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh.17 Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế!18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao:19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? ” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.”20 “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh? ” Các ông nói: “Thưa được bảy.”21 Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?” (Mc 8, 14-2)
Trước thế lực đen tối …
Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phêrô mà nói, “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay”. Bấy giờ ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng, “Tôi không biết người ấy”. Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. (Mt.26,29).
3. Tình đời…
Người xưa có câu : “Tiền đồng tịch, kim bằng cộng lạc. Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh”. (Bạn bè – khi vinh quang chung mâm chung chiếu, lúc nguy nàn chẳng thấy ai đâu !).
Có thể tìm thấy ở đây một bài học tình đời thật chua xót !
Nơi đây, giờ này, trên núi Tabor, ba môn đệ, gồm các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được Đức Giê-su yêu thương tuyển chọn cùng chứng kiến cảnh tượng huy hoàng nhất mà họ “chưa từng thấy”. Niềm vui ấy là niềm vui khôn tả và bất khả chối từ, bởi cuộc đời không thể cho hơn thế được.
Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”.
Vì, người mà họ đã nghe theo tiếng gọi để bước theo Ngài, họ đã không lầm, chính là Con Thiên Chúa.
Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.
Nhưng, cũng với những con người đó, vẫn với Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, ở vườn Giết-sê-ma-ni, mọi sự đã hoàn toàn khác đi !
“Người đem ông Phêrô, ông Giacôbê và ông Gioan đi với Người. Người bắt đầu cảm thấy đau buồn và lo sợ. Người bảo ba ông, ‘Linh hồn Thầy buồn rầu đến nỗi chết được. Các con hãy ở lại đây và tỉnh thức.’” (Mt.14,33-34).
Không có sự tỉnh thức nơi đây ! Không như ở núi Tabor “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!”. Nơi đây không có gì “hay”, nên các ông đều “ngủ” cả !
Nơi đây không có một Giê-su sáng láng lạ thường. Nơi đây chỉ có một Giê-su đang chao đảo và mệt lả với những giọt mồ hôi máu.
Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? (Mt. 26,40).
Ta cũng nhận ra hình ảnh chính mình nơi đây:
– Vâng, thưa Thầy, “con thức… không nổi !”
4. Dòng đời.
“Chính Thầy là con đường,là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6).
Vâng, dẫu biết thế, nhưng trong dòng đời, biết bao áp lực, cạm bẫy… có thể làm lệch hướng đời ta ! Bảo vệ được Đức Tin, gìn giữ những giá trị chính mình, không luôn luôn là dễ !
Có câu chuyện “Quả táo của Socrate”, đáng ta suy nghĩ lắm:
Các học trò Socrates hỏi làm sao có thể kiên trì theo đuổi chân lý. Socrates bảo mọi người ngồi xuống. Ông dùng ngón tay mân mê một quả táo, đi từ từ qua hàng ghế từng học trò, vừa đi vừa nói:
– Xin các bạn vui lòng tập trung, chú ý ngửi mùi vị trong không khí !
Sau đó ông quay về bục giảng, giơ trái táo lên, quơ qua bên trái, quơ qua bên phải, rồi hỏi :
– Có bạn nào ngửi thấy mùi của quả táo này không ?
Có một học sinh giơ tay trả lời :
– Em ngửi thấy rồi, là mùi thơm.
Socrates lại xuống bục giảng giơ cao quả táo, đi chậm rãi qua hàng ghế từng học trò, vừa đi vừa dặn :
– Xin các bạn vui lòng tập trung, tỉ mỉ ngửi thấy mùi quả táo !
Lần này trừ một học sinh ra, những người khác đều giơ tay.
Người học sinh không giơ tay nhìn khắp lượt rồi cũng vội vàng giơ tay.
Nụ cười trên khuôn mặt Socrates không còn nữa, ông giơ quả táo lên và từ tốn nói :
– Thật, đáng tiếc, đây là một quả táo giả. Không có mùi vị gì hết !
Có cách nào khác ngoài cách ném đá người nữ ngoại tình này không ?
Tất cả đám đông đều muốn ném đá…
Chỉ trừ có Đức Giê-su, Ngài đã tha cho người phụ nữ ấy !
Giữ được điều công chính, sự trong sáng trong lòng ta, giữa dòng chảy cuộc đời, thật khó khăn biết bao !
5. Vượt qua.
Chúng ta có khởi điểm là Đức Tin. Dù Đức Tin chưa bằng “hạt cải” !
Dù bao lần Chúa đã trách các môn đệ “kém lòng tin”, nhưng bao phen Ngài cũng đã ra tay cứu họ.
Đức Giêsu bình tĩnh đứng lên phán một lời vắn tắt : “Im đi, câm đi” tức thì gió im, biển lặng như tờ. (Mc.4,40).
Muốn được biến đổi nên sáng láng như Ngài, ta phải vâng nghe Lời Ngài.
“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc.9,7).
Vì, chính nhờ Ngài – Đức Giê-su Ki-tô – chúng ta được làm con Thiên Chúa. Và hạnh phúc biết bao, chúng ta cũng được Chúa Cha âu yếm nói với ta : “Đây là con yêu dấu của Ta”.
Chúng ta được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, vì tất cả không gì khác hơn, là tình yêu Thiên Chúa muốn cho con người được trở nên con cái của Ngài, hưởng vinh quang và sự sống bất tận của Ngài.
Vì những ai Người đã biết từ trước, thì người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. (Rm.8,29).
Sự ăn năn sám hối, không ngừng cố gắng vươn lên với tất cả lòng thiện chí, là những gian nan trường kỳ trong đời ta. Đó chính là Đường Thập Giá để đến đỉnh vinh quang Tabor mà Đức Giê-su muốn ta bước theo Ngài.
Lạy Chúa,
Xin củng cố niềm tin cho con.
Lòng con yếu đuối. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng