Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Gặp Đấng Mê-si-a | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN B
(Ga.1,35-42)
****
GẶP ĐẤNG MÊ-SI-A

  1. (35) Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. (36) Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”  (37) Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.  (38) Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” (39) Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.(40) Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. (41) Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói:  “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a (nghĩa là Đấng Ki-tô). (42) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

_____________

SUY NIỆM

GẶP ĐẤNG MÊ-SI-A

Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài bao giờ cũng đi bước trước đến với con người, bởi vì chỉ vì yêu – chứ không vì bất cứ lý do gì khác – Ngài đã tạo dựng con người. Ngài chưa bao giờ bỏ con người. Con người có gặp Ngài không, là do chính con người.

1. Ngài gọi con người bằng “hơi thở” để con người từ hình thể một tượng đất vô tri được có sự sống và hiểu biết. (St.2,7).

Michel-Angelo là một trong những danh họa đã để lại nhiều tác phẩm bất hủ nhất, bất hủ vì giá trị nghệ thuật siêu vượt thời gian đã đành, mà còn bất hủ vì sự sống động mà ông đã mặc cho các tác phẩm của ông, điển hình là bức tượng Môsê. Người ta kể lại rằng sau khi hoàn thành bức tượng này, Michel-Angelo đứng chiêm ngắm một cách say sưa, và sự sống động của pho tượng làm ông ngây ngất đến độ ông đã cầm búa gõ vào và thốt lên: “Hãy nói đi”. Nhưng ngoài Thiên Chúa ra, không ai có thể làm được điều đó.

Và như thế, con người đã “được gặp Thiên Chúa” từ thân phận cát bụi.

2. Không bao lâu sau đó, con người đã sa ngã, Thiên Chúa gọi con người trong sự tìm kiếm.

Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu ?” Con người thưa : “Con nghe thấy Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. (St.2,9-10).

Và như thế, con người đã “được gặp Thiên Chúa” trong thân phận tội lỗi.

3. Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương con người.

Ngài vẫn luôn muốn đồng hành với con người. Ngài hiểu thấu hiểu sự mỏng giòn của con người. Ngài thấu hiểu sự gian xảo của Satan. Ngài luôn mời gọi con người trở về với Ngài. Qua những người Chúa chọn, “Tiếng Ngài gọi” vẫn vang vọng không ngừng trong thế giới tối tăm của sự thống trị thần chết và tội lỗi.

        Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;  nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt.1,1).  Từ khi những lời đã được Thiên Chúa phán dạy qua các ngôn sứ cho đến khi Ngôi Lời nhập thể đã có một thời gian dài hơn một ngàn năm, kể từ ông Mô-sê, phát ngôn viên của Đức Chúa cho tới Ma-la-khi, vị ngôn sứ cuối cùng thời Cựu Ước.  Những lời của Thiên Chúa phán trong Cựu Ước là những sứ điệp đã được gửi đến cho nhân loại qua trung gian là  các vị ngôn sứ.  Trong lịch sử Ít-ra-en, ngôn sứ là người nói thay cho Thiên Chúa, giữ vai trò làm “miệng của Chúa” để nói với dân (Gr 15:19).  Sứ điệp của Thiên Chúa được thông đạt “nhiều lần nhiều cách.”  Sự phong phú của các sách ngôn sứ trong Kinh Thánh Cựu Ước đã cho chúng ta thấy cái “nhiều lần nhiều cách” của Lời Thiên Chúa đến với nhân loại.(Internet).

Samuen trong bài đọc Cựu Ước Chúa Nhật hôm nay, là một thí dụ.

Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. (4) Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” (1Sm.3,3-4).

Và như thế, con người gặp được Thiên Chúa trong niềm hy vọng. .

4. Con người gặp được Thiên Chúa.

Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ mở đầu cho “thời sau hết”. Ngài xuất hiện như vì sao cuối cùng của thời Cựu Ước và vẫn chiếu sáng khi bước qua ranh giới của thời Tân Ước để loan tin về Đấng Mê-si-a – “Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta”.

Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”  (Ga.1,35-36).

Và như thế, con người gặp được Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc.

Vì Hạnh phúc là sự bình an, và sự bình an chỉ có thể có khi “gặp Đấng Cứu Thế”.

Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng
Soi đường cho dân ngoại,
Là vinh quang của Ít-ra-en
Dân Ngài. (Lc.2,29-32).

4. Đôi mắt Đức Tin.

Ông Si-mê-on đã được gặp Chúa “bằng xương bằng thịt” bằng đôi mắt “người trần mắt thịt” của mình. Các môn đệ của Chúa Giê-su và người cùng thời với Chúa Giê-su cũng vậy ! Thật hạnh phúc biết bao. Nhưng đó không phải là tất cả. Đó chỉ là “ưu tiên” theo kiểu con người.

Hạnh phúc thật sự, cho con người, mọi thời và mọi lúc, chính là “gặp Chúa” bằng “đôi mắt Đức Tin”. Chỉ với đôi mắt Đức tin, con người mới vượt qua được lớp bụi mờ đen tối của trần gian.

“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú !” Nhưng Người phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”. (Lc.11,27-28).

5. Tôi đã gặp Đấng Ki-tô chưa ?

Ta gặp Người không phải bằng “tai nghe mắt thấy”,
nhưng bằng sự thành tâm lắng nghe tiếng Chúa.

Trong tâm tình cầu nguyện, đơn sơ và phó thác.

Trong cõi tĩnh lặng thâm sâu của nội tâm.
Trong những biến cố cuộc đời.

Trong những tiếng cười tiếng khóc của tha nhân.

Trong bằng hữu và kẻ thù.
Trong dịu ngọt và cay đắng.
Trong ngày mưa ngày nắng.
Trong rã rời và dũng mãnh.
Trong mọi nơi, mọi lúc…

6. Cho tới bao giờ tôi gặp Chúa ? Ngay bây giờ được chưa, hay đến lúc nào ?

“Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ:
Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.
Con yêu mến Chúa quá trễ:
Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài
chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.
Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa.
Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.
Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con,
Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.
Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.
Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa.
Chúa đã chạm đến con
và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa”.

Trên đây là một đoạn trong quyển “Tự Thú” của thánh Augustinô, Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ sau đó 3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục thành Hippone.

Lạy chúa,

Xin cho con vay mượn lời nguyện cầu của thánh Augustinô,
dâng lên Chúa hôm nay,
và mãi mãi về sau,
trong suốt cuộc đời con. Amen.

Lm. Antôn Nguyển Văn Tiếng.

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button