Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Vua Tình Yêu Thống Trị | NVT

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN B
LỄ ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
(Ga.18,33B-37)

VUA TÌNH YÊU THỐNG TRỊ

33 Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng: “Ông có phải là vua dân Do -thái không?” 34 Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” 35 Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” 36 Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” 37 Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

_______________

SUY NIỆM

VUA TÌNH YÊU THỐNG TRỊ

THẦY – Đức Ki-tô

“Chính Thầy đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6)

Đường đời…       

Ai cũng hiểu thế nào là một con đường. Ngày nào ta cũng đi trên một con đường nào đó – con đường vật chất –  để ta đến một đích điểm ta mong muốn.

Cũng như con đường vật chất, dù là đường bộ, đường hàng không, đường thủy… nó luôn có lộ trình quy định của nó. Và mỗi người chọn lựa một con đường để đi, không ai có thể đi hai con đường cùng một lúc.  

Sống là trải qua con đường đời. Đường đi ấy có thể phân rẽ nhiều nhánh, chia ra nhiều phương hướng, nhưng nó phải đưa ta về đúng mục đích của đời người.

Đạo nghĩa thông thường là đường. Ngoài con đường vật chất, còn có con đường tâm hồn, con đường tâm linh. Ta vẫn quen với cách gọi Đạo Làm Người, Đạo Ông Bà, Đạo Hồi, Đạo Lão…

Trong ý nghĩa sâu xa ấy, Đạo còn mang ý nghĩa là Chân Lý nữa. Bởi “Đạo” bao giờ cũng hướng con người về sự thật, về thiện lương.

Chân lý…

Chân Lý là những giá trị ngàn đời không thể thay đổi. Đạo không dẫn con người đi trong Chân Lý thì không còn là đạo nữa.

Ta thường nghe nói: “Nhân hư đạo bất hư”. Không thể vừa là chân lý vừa là sai lầm được. Con người có thể thay đổi cách trình bày Chân Lý, nhưng không thể làm chân lý khác đi.

Thí dụ: “Con người là một con vật có lý trí”. Chân Lý đó không bao giờ thay đổi.

Lề Luật đặt ra là để bảo vệ Chân Lý chứ không phải để bóp méo vê tròn Chân Lý theo ý con người.

Mấy người Pharisêu  trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”. Ðức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.(Mc.10,2-16).

Sự sống…

Đời người rồi sẽ đi về đâu khi xong một kiếp người? “Nhân linh ư vạn vật”, chắc ai cũng thấy điều cao cả vượt trội của con người hơn mọi thứ thụ tạo, nhưng con người cuối cùng cũng chỉ là cát bụi sao? Thế có hơn gì những loại thụ tạo khác!

… Vua tình yêu thống trị              

                 

Khi “Tình yêu thống trị”, chính là “Vua Giê-su Ki-tô”.

“Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6)

Rõ ràng, chỉ có con đường Tình Yêu Giê-su, Chân Lý Giê-su, Sự Sống Giê-su mới đem lại con người một thế giới yêu thương huynh đệ và đó là hình ảnh Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng của Vua Ki-tô.

Thiên Chúa là tình yêu, ai yêu thương anh em mình thì biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,7)

Đó là khát vọng sâu xa của nhân loại.

Người xưa có câu : “Đại Đạo chi hành dã, thiên hạ vi công” (Khi Đại Đạo được thi hành thì thiên hạ là của chung)

Ta ngẫm suy thêm cuộc đối thoại này.

Xưa, Trọng Ni (Khổng Tử) làm tân khách, dự lễ tế chạp ở nước Lỗ.  Việc đã xong, đi ra du ngoạn trên lầu cổng ngoài, đột nhiên thở dài.  Trọng Ni thở dài chừng thở dài cho nước Lỗ. 

Ngôn Yển đứng bên cạnh hỏi:
“Người quân tử có gì mà phải thở dài?”
Khổng Tử đáp:
“Đại đạo thi hành và các bậc anh hiền ở Tam đại (Hạ, Thương, Chu) thì Khâu này chưa được thấy, nhưng chí thì hướng về chỗ ấy.
Đại đạo mà thi hành thì thiên hạ là của chung,
tuyển chọn người hiền, cử người tài năng, giảng điều xác thực, thực hiện trên thuận dưới hòa, nên người ta không riêng thân người thân mình, không riêng yêu con cái mình,

khiến cho người già có  nơi nương dựa cuối đời,
người khỏe mạnh có chỗ dùng tới,
trẻ em có sự chăn dắt để lớn lên;
hạng cô phu, quả phụ, côi cút, đơn chiếc và tàn tật đều được nuôi dưỡng;
con trai có phận,
con gái có nơi chốn để nương về.

Về tài hóa,
thì không nên để cho rơi vãi phung phí,
mà cũng bất tất cất giấu cho mình.

Về sức lực
thì ưa được thi thố ra, thi thố thì chẳng cứ là cho riêng mình.

Ấy cho nên
mưu mô đều không dấy lên,
trộm cắp giặc cướp không nổi dậy;
cổng ngoài không phải đóng,
thế gọi là Đại Đồng.” (Lễ Ký)

Những khát vọng ấp ủ đó được Giới Luật Yêu Thương của Vua Ki-tô đưa ra như một tiêu chuẩn căn bản để tuyển chọn những công dân Nước Trời.

Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;  Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. (Mt.25,34-36).

Khi Vua Tình Yêu Ki-tô thống trị vũ hoàn, đẹp thay một thế giới đại đồng, huynh đệ yêu thương.

Lạy Chúa,

“Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa.
Chỉ có một Thiên Chúa,
Cha của mọi người
, Đấng ngự trên mọi người
và trong mọi người.” (Ep 4, 5-6)

Một thế giới huynh đệ đại đồng…
Hướng về Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng…
Của Vua Ki-tô, Vua Vũ Trụ…

Xin Tình Yêu của Chúa mãi lên ngôi
Trong lòng mọi người trong Thế Giới…

Ngay từ hôm nay… và mãi về sau…

Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

 

Bài liên quan

Back to top button