Hạnh phúc trong tình yêu thương | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH B-15
(Ga. 15,9-17)
****
HẠNH PHÚC TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG
(9) Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. (11) Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
(12) “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (13) Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (14) Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (15) Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
(16) “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. (17) Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
________________
SUY NIỆM
HẠNH PHÚC TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG
Cuộc trốn chạy của Phêrô
Chúng ta cùng xem lại chương 70 của quyển tiểu thuyết Quo Vadis (Thầy đi đâu) nổi tiếng đã đưa nhà văn Ba lan Henryk Sienkievich đến đỉnh cao văn học Ba Lan và đã đoạt giải thưởng Noben Văn Học năm 1905.
Mờ sáng hôm sau, hai bóng đen di động trên đường cái Appia về phía vùng đồng bằng Kampania.
Một trong hai người là cậu bé Nazarius, người kia là Sứ đồ Phêrô đang rời khỏi Rôma, rời những tín đồ đã quá mệt mỏi nơi đó. Phương đông, bầu trời đang phảng phất một sắc xanh lá mạ, bên dưới dần dần mỗi lúc một rõ hơn, nhuốm màu hoa kỵ phù lam. Từ bên trong nhô dần ra những cây cối với lá màu bạc, làn đá cẩm thạch trắng ngần của các tòa biệt thự và vòm cung cong cong của những đường máng dẫn nước chạy vắt qua bình nguyên vể phía thành phố. Sắc xanh lục của bần trời cứ rạng dần ra, mỗi lúc một ngả sang ánh vàng. Rồi rạng đông bắt đầu nhuộm hồng và soi sáng dãy núi Anban đang phô ra với màu lam tím tuyệt mỹ, dường như nó gồm toàn những tia sáng hợp lại.
Ánh bình minh phản chiếu trong những giọt sương xao động lung linh trên cành lá cây. Màn sương mù loảng dần, để hiện ra mỗi lúc một rộng thêm phong cảnh vùng đồng bằng với những ngôi nhà, nghĩa địa, các thị trấn và những khu rừng cây nhỏ, trong đó thấp thoáng dáng trắng mờ những hàng cột cả các thần miếu.
Đường hãy còn vắng lặng. Dân quê thường chở rau vào thành phố hẳn còn chưa kịp thắng xe. Tiếng những đôi guốc gỗ mà hai người đi bộ hành mang ở chân gõ vào những phiến đá lát đường cái chạy mãi vào dãy nói xa xa, lan ra trong sự tĩnh mịch.
Sau đó mặt trời từ sau những hẻm núi ló ra, đồng thời một hình ảnh kỳ lạ cũng chợt đập và mắt Sứ đồ. Ông như trông thấy một vòng tròn màu vàng rực từ trên những ngọn núi tuột xuống và lăn trên đường, thay vì nhô lên mỗi lúc một cao trên bầu trời.
Ông Phêrô ngừng bước và cất tiếng hỏi:
– Con có trông thấy vừng sáng đang tiến lại chúng ta kia không?
– Con chẳng thấy gì cả. – Nazarius đáp.
Song một lúc sau ông Phêrô lấy tay che mắt và lại lên tiếng hỏi:
– Một bóng người nào đó đang đi lại phía chúng ta trong ánh mặt trời.
Song không hề có tiếng chân ai vang tới tai họ. Chung quanh hoàn toàn im lặng. Nazarius chỉ trong thấy phía xa xa cây cối đang rung động dường như bị ai lay, ánh bình minh tỏa xuống vùng đồng bằng mỗi lúc một rộng hơn.
Cậu bé kinh ngạc nhìn Sứ đồ.
– Rabbi! Người làm sao thế? – Cậu bé lo lắng gọi.
Chiếc gậy đi đường từ tay ông Phêrô chợt rơi xuống đất, đôi mắt ông nhìn bất động trước mặt, miệng ông há ra, nét mặt tràn ngập nỗi kinh ngạc, niềm vui sướng và sự thành kính.
Đột nhiên ông quỳ sụp xuống, chìa hai tay ra trước mặt và từ môi ông bật lên tiếng kêu:
– Crixtux! Crixtux! ( Lạy Chúa! Lạy Chúa!).
Và ông mọp trán xuống đất, dường như để hôn bàn chân ai đó.
Im lặng kéo dài giây lâu, rồi trong bầu không khí tĩnh mịch chợt vang lên tiếng ông bị những tiếng nức nở làm gián đoạn:
– Quo vadis, Domine?… (Lạy Chúa, Người đi đâu?).
Nazarius không nghe thấy câu trả lời, nhưng vọng đến tai ông Phêrô là một giọng nói buồn bã và ngọt ngào:
– Khi ngươi rời bỏ dân ta, ta phải đến Roma để cho người ta lại đóng đinh ta lên cây thập tự lần thứ hai.
Sứ đồ nằm lăn ra đất, mặt ngập trong bụi đường, không động đậy cũng không nói một lời. Khi cậu bé Nazarius ngỡ là ông đã ngất đi hay đã qua đời, thì bổng nhiên ông nhổm dậy, hai tay run rẩy cầm cây gậy đi đường lên và không nói một lời, ông quay về phía bảy ngọn đồi của thành phố.
Thấy vậy, người tiểu đồng lập lại như một tiếng vang:
– Quo vadis, Domine?… (Thưa Thầy, Thầy đi đâu? – Dominus,i: còn có nghĩa ông chủ, xếp, – ông, thầy: lời chào lịch sự, kính trọng. Chú thích của CĐTG).
– Về Roma. – Sứ đồ khẽ đáp.
Rồi ông quay trở lại.
Các ông Phaolô, Jan, Linux và tất cả các tín đồ đón ông đầy ngạc nhiên và lo lắng, nỗi lo sợ càng tăng thêm, vì chính vào mờ sáng hôm ấy, ngay sau lúc ông vừa ra đi, bọn lính cấm vệ vây chặt nhà bà Miriam và sục tìm Sứ đồ tại đó. Còn ông, để trả lời những câu hỏi của họ, ông chỉ đáp với vẻ mặt đầy sung sướng và bình thản:
– Tôi đã được gặp Đức Chúa!
Ngay chiều hôm ấy, ông lại đến nghĩa địa Oxtrianum để rao giảng và rửa tội cho những người muốn được tắm mình trong dòng nước sống.
Rổi từ đấy, hôm nào ông cũng đến đó, theo sau ông là những đám người ngày càng đông đảo hơn. Dường như từ một giọt nước mắt tử vì đạo lại nảy sinh ra những tín đồ mới, mỗi tiếng kêu thét trên đấu trường được đáp lại bằng tiếng vang trong hàng nghìn lồng ngực. Hoàng đế tắm trong máu, Roma cùng cả thế giới ngoại đạo nổi cơn điên. Còn những người đã quá chán ngấy sự điên loạn cùng tội ác, những người bị chà đạp, những người phải chịu sống trong cảnh nô lệ và áp bức, tất cả những ai buồn đau, tất thảy những người bất hạnh, đều tụ tập đến đấy để nghe những câu chuyện kỳ lạ về Đức Chúa, người mà vì tình yêu con người đã chịu đóng đinh lên cây thập tự để chuộc bớt tội lỗi cho họ.
Tìm được một vị Chúa mà họ có thể kính yêu, họ đã tìm thấy điều mà cho tới nay thế giới này không thể mang lại cho bất cứ một ai: hạnh phúc trong tình yêu thương.
Và ông Phêrô hiểu ra rằng, Hoàng đế cùng tất cả các đạo quân của y cũng không thể thắng nổi chân lý đầy sức sống kia, cả nước mắt lẫn máu tươi đều không thể nhấn chìm nổi chân lý đó, rằng giờ đây mới là lúc chân lý đó bắt đầu chiến thắng. Ông cũng hiểu được vì sao Đức Chúa đã khiến ông quay trở lại giữa đường: chính cái thành phố của xa hoa, tội ác, trụy lạc và bạo lực này đã bắt đầu biến thành thành phố của ông, trở thành một thủ đô hai lần thủ đô, từ thủ đô ấy sẽ trào tuôn ra thế giới sự ngự trị của cả thể xác lẫn linh hồn.
(Quo Vadis. Nguyễn Hữu Dũng dịch Nhà Xuất Bản Văn Học 2004).
Quo Vadis, tuy là tiểu thuyết, nhưng là một sử thi minh họa Lời Chúa thật sống động. Dưới ngòi bút thiên tài của Henryk Sienkievich, ta nhận ra sức mạnh của Tình Yêu, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, tình yêu con người đáp lại tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu của con người với nhau, yêu thương nhau “như Thầy yêu thương”.
“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. (Ga.15,12-13).
Hạnh phúc trong tình yêu thương
“Tìm được một vị Chúa mà họ có thể kính yêu, họ đã tìm thấy điều mà cho tới nay thế giới này không thể mang lại cho bất cứ một ai: hạnh phúc trong tình yêu thương”. (Quo Vadis).
Giáo huấn của Chúa Giêsu là Giáo Huấn Tình Yêu. Và tình yêu được chứng minh bằng giá máu của sự hy sinh.
Rõ ràng, cho tới nay, thế giới này không thể mang lại cho bất cứ ai “hạnh phúc trong tình yêu thương” – nói theo cách nói của Henryk Sienkievich – không có ai và không có thứ gì làm được điều đó.
Lịch sử thế giới đã cho thấy điều mà nhân loại qua bao đời vẫn thiếu, đó là Tình Yêu. Thế giới vật chất tiến bộ rất nhiều, còn tinh thần thì thụt lùi. Phương tiện vật chất thu ngắn không gian giúp con người gần nhau hơn, nhưng con tim của con người thì rất xa nhau vời vợi.
Những từ ngữ bác ái, yêu thương, chia sẻ, đoàn kết… leo lét như ngọn đèn trước gió, còn những từ ngữ bom đạn, hận thù, khủng bố, bạo lực… thì như lò lửa bùng cháy khắp nơi…
Lời Chúa Giêsu là lời kêu gọi tha thiết cho mọi thời đại, và không có lời nào có sức mạnh đem lại hạnh phúc có thể thay thế cho lời mời gọi này:
“Cứ dấu này mà người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Trong một lớp học, một học trò hỏi vị thầy vui tính:
– Thưa thầy, cao điểm của bất hòa là gì ạ?
– Là thù hận! Thầy từ tốn trả lời.
– Cao điểm của thù hận là gì ạ?
– Là chiến tranh.
– Cao điểm của chiến tranh là gì ạ?
Thầy bình thản, đến bên vách tường, lấy xuống bức tranh giấy treo trên tường, bức tranh vẽ một thành phố xinh đẹp đang rực sáng trong ánh bình minh. Thầy thong thà treo lên bảng trước mặt các học sinh.
– Các em thấy gì đây?
– Một thành phố ạ.
– Các em thấy thành phố thế nào? Thầy tươi cười hỏi.
– Dạ, xinh đẹp ạ!
Thầy lấy lọ mực trên bàn, bất ngờ tạt vào bức tranh, bức tranh trở nên đen đúa, giữa bao đôi mắt tròn xoe đang trố mắt nhìn.
– Bây giờ các em thấy gì? Gương mặt của thầy nghiêm nghị và buồn buồn rảo mắt nhìn học sinh.
Im lặng…
– Một thành phố vừa bị xóa tên rồi đấy… Ngừng một chút, rồi thầy nói tiếp. – Đó là cao điểm của chiến tranh đấy, các em ạ… và còn hơn thế nữa…
Lạy Chúa,
Trái đất là mái nhà chung,
xin cho mọi người luôn biết yêu thương nhau,
với tình đệ huynh chân thật,
và chung lời ca tụng vinh danh Thiên Chúa,
là Cha Nhân Từ luôn rộng vòng tay đón nhận con về
Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng của Ngài. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
______________
Bạn có thể xem thêm bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/642-cn-6-ps-b-la-ban-huu