Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Cùng với Mẹ con dâng | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN A
(Mt.21,33-43).
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
****

CÙNG VỚI MẸ CON DÂNG

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.  28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc.1,26-36).

_______________

SUY NIỆM

CÙNG VỚI MẸ CON DÂNG

1. DÂNG LỜI  CA TÔN VINH CHÚA

Đời sống của con người là để ca tụng tôn vinh danh thánh Thiên Chúa. Ca tụng tôn vinh danh thánh Chúa không chỉ bằng lời, mà bằng chính cả cuộc đời chúng ta. Chính nhờ đó, ta tuyên xưng niềm tin của mình, vì lời ca tụng Chúa nói lên niềm vui ta được thuộc về Chúa, được là con cái Chúa.

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi, bởi vì Người đã đoái nhìn phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1, 47.48).

2. DÂNG LỜI CẢM TẠ

Con người là gì? Chỉ là thân cát bụi! Nhưng con người luôn được Chúa quan tâm, yêu thương, “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người được Chúa yêu thương” (Lc.2,14). Nhận ra được điều đó, cũng là hồng ân lớn lao, vì có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc được yêu, tình yêu ấy lại đến từ Thiên Chúa.

Có ai đó làm “ông này bà nọ” chức cao quyền cả, đến thăm ta, ta vui mừng hãnh diện biết bao, dù ta vẫn biết “chức vị cuộc đời rất mỏng manh và thoáng qua như mây trời bọt nước”, còn Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, Đấng cao trọng hơn tất cả, vững bền theo tháng năm, yêu con người mãi mãi, “từ đời nọ tới đời kia”,  Ôi! Thật kỳ diệu! làm sao ta không thể kêu lên với tràn đầy niềm tri ân và cảm tạ: Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?” (Tv.8,5).

“Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người là Thánh: từ đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”(Lc 1, 49-50).

3. DÂNG LỜI NGUYỆN CẦU

Dòng đời vẫn lặng lẽ trôi qua… Đời buồn vui tiếp nối nhau theo năm tháng vật đổi sao dời… niềm tin vào Thiên Chúa không chút đổi thay trong lòng Mẹ Maria.  

Với Mẹ Maria, dù cuộc đời nhiều đổi thay nhưng niềm tin vẫn thế. Chỉ một.

Từ Hang Đá Bê Lem đến đỉnh đồi Gôn-gô-tha. Từ vòng tay ru con bé thơ  “bên máng cỏ hôi tanh”, hay vòng tay ôm xác con đầy thương tích “dưới chân Thập Giá”, niềm tin ấy vẫn thế. Chỉ một.

Dù là niềm vui lớn lao ôm con thơ xinh đẹp trong mái ấm gia đình hay nỗi đau thương cùng tận ôm xác con thê lương trên đồi hoang tang tóc, niềm tin ấy vẫn thế. Chỉ một.

Lời nguyện cầu có thể trong yên vui, thanh thản, có thể trong nước mắt lo âu… Nhưng đó là cuộc chiến đấu bản thân, hành trình trong Đức Tin, lớn lên trong Thánh Thần. Có những lúc trong cuộc đời ta không hiểu vì sao lại như thế? Nó không giống như ta nghĩ, không như ý ta.

Mẹ Maria cũng đã từng như thế, Mẹ Maria cũng phải lần bước trong ánh sáng Đức Tin, tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa, ngay từ khi Thiên Chúa xuống thế làm người trong bối cảnh thật nghèo hèn đến khó hiểu !

Ðến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc.2,16-19).

Có thể thấy rõ điều này khi Tin Mừng ghi lại: ‘Cha và Mẹ Chúa Giêsu không hiểu lời Ngài nói”.

Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. (Lc.2,48-50).

Vì thế, đời Mẹ Maria không ngừng cầu nguyện.

“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”. (Lc.2,52).

Ta hiểu được Đức Tin của ta gắn liền với Thập Giá. Mẹ cũng thế, và ta cùng với Mẹ đi “con đường Giêsu” – con đường Thập Giá. Không ai có thể đi con đường Giêsu đến cùng nếu không cầu nguyện.

“Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc.2,35).   

4. DÂNG MẸ LỜI KINH MÂN CÔI.

Lời kinh Mân Côi là một Tin Mừng thu gọn mà cuộc đời Mẹ Maria đã vâng giữ và sống theo một cách trọn vẹn. Đời Mẹ Maria đã hoàn toàn thực thi theo lời Chúa Giê su đã dạy qua Kinh Lạy Cha.

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Phần đầu Kinh Lạy Cha).

Chính vì hai tiếng “xin vâng”, Mẹ đón nhận Mầu nhiệm Nhập Thể để “danh Cha được cả sáng, Nước Cha được trị đến, ý Cha được thể hiện, Ngôi Hai xuống thế làm người”.

Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng – bằng hoa hương sáng láng,
Bằng Tràng Hạt, bằng sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh…

(Hàn Mạc Tử)

“Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ” (Phần đầu Kinh Kính Mừng).

Như lời Chúa Giê-su đã dạy trong phần kết kinh Lạy Cha, để con người thoát khỏi mọi xích xiềng của ma quỷ cùng mọi cạm bẫy của nó.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con kẻ mọi sự dữ. Amen. (Phần kết Kinh Lạy Cha).

Lời Kinh Mân Côi cũng hướng lòng ta vươn lên như thế, để được như Mẹ, về bến bờ mong ước trên Thiên Quốc.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen. (Phần kết Kinh Kính Mừng).

Như thế, ta dâng Mẹ lời Kinh Mân Côi, cũng là dâng lên Thiên Chúa, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ta sống đẹp lòng Mẹ, cũng đẹp lòng Chúa, vì Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta, cho nhân loại.

Mẹ Maria đã từng yêu thương, chăm sóc, che chở Chúa Giê-su, con của Mẹ khi còn ở trần gian, chắc chắn Mẹ sẽ yêu thương chúng ta, gìn giữ chúng ta, nhất là bảo vệ Đức Tin cho chúng ta, những đứa con yếu đuối, còn đang sống đời lữ thứ trần gian.

Chúng ta được chạy đến cùng mẹ, ấm áp bên Mẹ, trong vòng tay Mẹ. Mẹ là suối mát thông chuyển nguồn tình yêu vô tận của Thiên Chúa đến cho chúng ta, cho nhân loại, cho cuộc đời nhiều đau khổ này.

Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Ðây là mẹ của anh“. (Ga 19,27).

Chúng ta cùng suy ngẫm thêm về câu chuyện Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II bị ám sát ngày 13.05.1981 để kết thúc bài suy niệm.

Ngài – Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – đã được Ðức Mẹ cứu sống một cách lạ lùng trong ngày 13 tháng 5 năm 1981. Hôm đó là cuộc tiếp kiến vào Thứ Tư hằng tuần bắt đầu lúc 17g00. Sau khi ngài ôm hôn một em bé, một thanh niên Thổ Nhỉ Kì, Ali Agca, 23 tuổi, đã nổ liên tiếp nhiều phát súng vào ngài. Ali Agca chỉ đứng cách ngài khoảng 20 bước và 2 viên đạn 9mm có sức công phá rất lớn đã gây thương tích ở bụng, cùi tay bên phải và ngón tay trỏ ở bàn tay trái ngài.

Ngài ngã xuống. Ngay lập tức, ngài được đưa đến Bệnh viện Gemelli. Ngài nhắm mắt, rất đau đớn nhưng không ngừng lặp lại những lời nguyện tắt “Maria, Mẹ của con“. Ðó là lời cầu nguyện sâu xa thốt lên từ nỗi đau lớn lao. Khi đến bệnh viện ngài mới ngất xỉu.

Ðức ông thư ký ban phép xức dầu cho ngài trong phòng mổ, ngay trước cuộc phẫu thuật, khi ngài đã ngất đi. Cuộc giải phẫu do năm bác sĩ thực hiện, kéo dài năm tiếng 20 phút. Thật lạ lùng, trong lúc xuyên qua thân xác ngài, viên đạn đã không hủy diệt một cơ quan chính yếu nào cả. Viên đạn 9mm là một thứ đạn rất mạnh. Ðể cho nó không gây nên những tàn phá không thể cứu chữa được trong phần rất phức tạp của cơ thể, nó phải xuyên qua cơ thể theo một đường đi khác thường. “Nó đi gần động mạch chính vài mm thôi. Nếu nó đi trúng động mạch đó thì chết tức khắc”.

Ngài bị cắt 55cm ruột và mất 3/4 máu. Bác sĩ Buzzonetti đã nói rằng tình trạng của ngài rất nguy kịch, huyết áp tụt xuống rất thấp và nhịp tim hầu như không còn. Nhưng cuối cùng thì mọi việc đều ổn.

Ngay hôm sau vụ mưu sát, vừa mới tỉnh, câu hỏi đầu tiên của ngài là: “Chúng ta đã đọc kinh tối chưa?”. Lúc đó đã 12 giờ trưa hôm sau. Sau đó là lời cám ơn và xin lỗi vì tất cả những sự phiền hà đã gây ra cho các bác sĩ, y tá, nhân viên hiện diện. Năm ngày sau, trước khi rời khỏi phòng mổ, ngài đã gặp Giáo sư Crucitti, bác sĩ giải phẫu nổi tiếng quốc tế và là người đã giải phẫu cho ngài. Ngài biếu ông một bức tranh của họa sĩ M. Fanfani, bức tranh vẽ Ðức Mẹ Czestochowa. Ngài nói:”Thưa giáo sư, xin nhận món quà này để tỏ lòng biết ơn của tôi về những gì giáo sư đã làm”. Sau này Giáo sư Crucitti cảm động thuật lại : “Lúc đó tôi đã khóc, như tôi đang khóc bây giờ đây”.

Lạy Nữ Vương rất thánh Mân Côi,
Xin cầu cho chúng con…  Amen

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button