Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Hồn ta hỡi, cứ vui chơi ! | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Lc.12,13-21)
*****

HỒN TA HỠI, CỨ VUI CHƠI !

13Khi ấy có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” 15Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! 18 Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! 20Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.

___________________

SUY NIỆM

HỒN TA HỠI, CỨ VUI CHƠI !

CON ĐƯỜNG NÀO TA ĐI ?

            Đứng trước tòa án , Đức Giê-su đã nói với quan Phi-la-tô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này…”. (Ga.18,36). Chúa Giê-su không đến thế gian để làm vua, một vị vua theo như người Do Thái mong đợi, hay theo ý muốn của con người. “Chính Ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga.18,37).

            Chính vì thế, trước khi mở mắt cho con người nhận rõ đâu là giá trị đích thực của trần gian này, Chúa Giê-su đã từ chối phân xử một vụ kiện về  việc tranh chấp tài sản cho một người đã đặt tin tưởng vào uy thế Ngài:  “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (Lc.12,13-14).  

            Từ đó, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã vạch ra cho con người con đường sống bằng cách dạy cho con người nhận ra con đường chết để con người biết khôn ngoan chọn lựa hướng đi của đời mình: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. (Lc.12,15).

CON ĐƯỜNG CHẾT

            Thu tích của cải(Lc.12,21). – Mọi sự bắt đầu từ miếng ăn.

           Động từ “ăn” của người Việt Nam rất phong phú. Người khá giả được gọi là người “có ăn”. Nên mục tiêu mà người ta nhắm tới là “ăn no, mặc ấm”, rồi cao hơn, là “ăn ngon, mặc đẹp”. Trong khi đánh cược người ta gọi là “ăn – thua”, người thắng gọi là “ăn”. Ở địa vị cao người ta nói: “ăn trên ngồi trước”. Nếu được hưởng lợi lộc gì nhiều người ta nói “ăn vàng ăn bạc”. Nếu dùng uy quyền nhận của bất chính người ta nói: “ăn hối lộ”. Giàu có dư giả sống nhàn hạ hưởng hoan lạc, người ta bảo: “ăn chơi”…

            Chữ “ăn”  trong “ăn chơi” này, là trường hợp ông phú hộ trong Tin Mừng hôm nay. “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. (Lc.12,19).

            Có phải đó là mục đích của đời người không? Có phải sống trên đời này là để làm ra nhiều của cải vật chất để “ăn uống vui chơi cho đã không?

            Thật ra, sự giàu có, dư giả không phải là điều xấu. Nhưng mục đích giàu có để hưởng thụ đã đưa đẩy sự giàu có đến mối nguy hiểm của nó: “Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Cái “ăn uống vui chơi cho đã đó, đã đưa con người đến một cuộc sống “theo ý riêng vượt ra ngoài “chân lý” của Thiên Chúa. “Người đàn bà thấy trái cây đó: ăn thì phải ngon, thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình, ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân”. (St.3,6-7).

            Ở quê tôi xẩy ra một câu chuyện rất buồn:

            Một gia đình nọ có một đứa con gái út xinh đẹp. Rất nhiều trai làng mơ ước. Một ngày kia, một khách lạ ở thành phố về quê, được một người giới thiệu, người khách lạ ấy tìm đến làm quen cô gái. Người khách lạ là một chàng trai trẻ. Anh tự xưng anh là thương buôn, có quan hệ làm ăn lớn với nước ngoài. Sau vài lần lui tới, anh tỏ tình với cô gái quê ấy. Nhà cô gái nghèo, trước khi trở về thành phố, anh gởi cho mẹ cô 1000 USD, bảo bà sửa lại nhà cửa. Anh hứa sẽ cưới con bà.
            Bà sửa lại nhà. Thay chỏng tre bằng giường hộp. Rồi đôi lần anh trở về, mỗi lần thăm, anh đều cho tiền gia đình. Đối với miền quê, những số tiền như vậy là rất lớn!
            Gia đình cô gái hoàn toàn thay đổi. Nhà lớn hơn. Bàn ghế mới. Có ti-vi, tủ lạnh, điện thoại và những tiện nghi khá sang trọng đối với miền quê.
            Anh ngỏ ý đưa em lên thành một chuyến cho biết. Cô gái đi và về vẫn “an toàn”, gia đình thấy không có gì phải lo lắng. Cô gái quê bây giờ cũng thay đổi hơn xưa. “Em mang guốc cao gót làm sao đi qua cây cầu dừa!”. Mái tóc thề êm trôi như suối giờ được nhuộm nhiều màu và bùng rềnh như bờm sư tử. Đã xa rồi chiếc áo bà ba, em không còn là em của ngày nào.
Rồi em lên thành. Mọi người chờ đợi một đám cưới “lớn nhất từ trước đến nay”, nhưng chờ hoài mà không thấy… em cũng biền biệt không về…
            Bẳng đi một thời gian, người ta mới hiểu…
            Anh chàng ấy là một tay buôn dỏm… Rồi ở thành phố, cô gái sa vào tay nhiều người…
            Một ngày kia, một người đàn ông “tốt bụng” đã cứu cô gái ra khỏi vũng lầy. Ông lo cho cô gái một căn nhà để mở một quán cà-phê. Ông bảo vợ mình đã chết, tuổi ông gấp đôi tuổi của cô. Cô gái đang chới với giữa dòng, nên bám lấy và bằng lòng với định mệnh. Hơn một năm bình yên sống bên một người chồng không chính thức, một đêm kia, vài tên “xã hội đen” đến đập phá tan tành quán của cô gái, và một người đàn bà mập mạp đến điểm mặt cô: “Tao tha cho mầy đấy, khôn hồn, phải buông tha cho chồng tao”.
            Cô gái lại trở về con đường đen tối…
            Rồi, dù cô gái không muốn, cũng phải về quê với tấm thân tàn tạ… với căn bệnh thế kỷ…
            Một đêm kia…văng vẳng sau lũy tre làng êm ả, tiếng kinh cầu tiễn đưa linh hồn cô gái quê nhiều bất hạnh…

            Chính vì tiền bạc, của cải vật chất giúp cho con người cuộc sống hưởng thụ như ý mình muốn, nên con người bị cám dỗ tìm mọi cách để có được cuộc sống dư giả hầu thỏa mãn mọi ước muốn của mình. Từ đó, mới có gian dối, tranh giành, bất hòa, thù hận, chiến tranh… Lòng tham của cải vật chất bóp chết tình người. Nguy hiểm hơn nữa, nó làm cho con người trở nên xa lạ với Thiên Chúa, chối từ Thiên Chúa.

            Những gì con người tích lũy không thể thỏa mãn được khát vọng thâm sâu của con người nhất là khát vọng được sống hạnh phúc trường sinh.

            Chẳng ai khôn ngoan lại đi tìm những của dễ hư nát để tích trữ. Cũng như không ai khôn ngoan lại xây nhà trên cát. Của cải đời này không tồn tại mãi với thời gian, nếu con người chỉ dừng lại ở những thứ hạnh phúc đời này, thì chỉ rước lấy sự đau khổ. “Tuồng ảo ảnh đã bày ra đấy. Kiếp phù sinh trông thấy mà đau. Trăm năm còn có gì đâu. Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì” (CONK). “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. (Lc.13,20-21).

CON ĐƯỜNG SỐNG

            “Làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. (Lc.13,21). – Mọi sự bắt đầu từ Lời Chúa.

Con người rất mực giàu có vì Chúa đã ban tặng mọi sự cho con người. “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-den, để cày cấy và canh giữ đất đai”. (St.2,15).

Con người sẽ hạnh phúc và sống vĩnh hằng nếu vâng theo thánh ý Chúa. “Hết mọi trái cây trong vườn ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St.2,17).

Nhưng con người đã không vâng lời Thiên Chúa, nên con người phải chết: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St.3,19).

Nhưng Thiên Chúa luôn yêu thương con người, Thiên Chúa muốn con người được sống hưởng vinh phúc đời đời với Ngài. Nên Thiên Chúa đã ban chính Con một của mình xuống thế làm người để cứu nhân loại, Chúa Cha dạy cho con người phải biết vâng lời Chúa Con để được sống. “Đây là con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. (Lc.9,35).

Vì thế, trong sự chọn lựa giữa “miếng ăn” – những của cải trần đời –  và Lời Chúa, ta biết rõ mình sẽ phải làm gì, đâu là phần vững bền không bị mất đi. “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. (Lc.10, 38-42).

           Ta biết làm giàu, là biết không ngừng tìm kiếm những giá trị chân chính, bền vững. Nếu cần, đánh đổi tất cả những gì có thể hư hao để đổi lấy một thứ duy nhất có giá trị vĩnh cửu. “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”. (Mt.13,44-45).

            Nước Trời. Sự sống của con người trong vinh quang Thiên Chúa. Đó mới chính là gia tài thật sự mà con người nhắm tới và phải đạt được. Đó mới là sự chọn lựa khôn ngoan.

SUY NGHĨ LỰA CHỌN !

            Gần đây, một giáo dân sống nghề cào cá ở sông lớn, cào được dưới đáy sông cái (sông lớn) cái gạt tàn thuốc hình đầu lâu làm bằng chất gì rất cứng, rớt không vỡ (giống loại mâm đựng đồ ăn cá nhân của quân đội trước năm 75), và họ tặng tôi. Tôi chợt nhớ ngay đến một câu chuyện trong Cổ Học Tinh Hoa.

            Tại chùa Tô Châu có một nhà sư tên gọi Viên Thủ Trung tu hành đắc đạo.
            Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ ba tấc, có một nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy, cười nói rằng:
            – Người chế ra cái này dùng để làm gì?
            Nhà sư nói: – Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ, người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì. Như ta đây mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cài này mà ngắm xem, là tức khắc trong tâm ta được yên ổn mà muôn nghìn sự tư lự đều lâng lâng sạch như không. Cái quan tài con này đủ thay lời huấn, lời giới của bực nghiêm sự, bài trâm, bài minh treo bèn chỗ ngồi dậy. (MAI HIÊN BÚT KÝ).

            Thật sự, khi nhắm mắt xuôi tay, ta sẽ còn lại gì nhỉ ?

Nếu ta có tất cả mọi thứ trên cuộc đời này… mà không có bến bờ Thiên Chúa, thì thuyền đời ta sẽ về đâu? Ôi, đời ta vô nghĩa làm sao?

            Vậy ta sống thế nào, đừng để  một ngày nào khi ta nằm xuống, ta thốt lên lời xét xử chính mình đau khổ nhất, và đó cũng là lời ăn năn muộn màng nhất: đồ ngốc!”

            Lạy Chúa,

            Xin cho con ơn khôn ngoan. Biết tìm giàu sang nơi Thiên Chúa. Amen.

                                                           Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

______________

BÀI ĐỌC THÊM

Ngốc !

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button