Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Khi niềm vui vụt tắt | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.10,17-30)

KHI NIỀM VUI VỤT TẮT

17 Khi ấy Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu? ” 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.
________________

SUY NIỆM

KHI NIỀM VUI VỤT TẮT

Khát vọng ngàn đời

Người xưa nói: “Nhân linh ư vạn vật”, con người trổi vượt hơn mọi tạo vật. Aristote nói: “Con người là một con vật có lý trí”. Thánh Kinh mạc khải: “Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Vì thế, con người có khát vọng thăng tiến, vươn tới cõi vô biên, vươn tới Thiên Chúa.

Muốn như vậy, con người phải nương tựa sự khôn ngoan tuyệt đối, chỉ có sự khôn ngoan tuyệt đối mới thỏa mãn được khát vọng vô biên của con người.

Sự khôn ngoan ấy chứa đựng trong Lời Thiên Chúa.

Lúc khởi nguyên đã có Lời. và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. (Yn.1,1).

Sự khôn ngoan ấy phải được phân phát từ Thiên Chúa. Suối nguồn của Khôn ngoan.

Thật đáng tiếc, con người lại đi tìm sự khôn ngoan ở nơi khác. Con người tự giành lấy cho mình quyền phán đoán ngoài Lời Thiên Chúa. Vì Lời Thiên Chúa là nguồn mạch của khôn ngoan, con người suy nghĩ và hành động ngoài Lời Thiên Chúa, nên con người mất đi sự khôn ngoan để nhận ra đúng phương hướng về với Thiên Chúa, Đấng làm chủ Cõi Hằng Sống và là Đấng Hằng Sống.

Con người đã không tuân lệnh Thiên Chúa vì đã tin vào sự phán đoán của mình hơn vào Lời Chúa. Nói cách khác, “tội” là con người đã không chấp nhận cái thân phận thụ tạo của mình, mà gần như muốn chiếm quyền Thiên Chúa: là thụ tạo, tức là chấp nhận mình có giới hạn do sự xếp đặt và ý Thiên Chúa, khi phạm tội, con người lại theo sở thích riêng, lấy mình làm mẫu mực tối caođi theo con đường của mình. Đó là tội bất tuân, kiêu ngạo. (ĐNTHTK. Tội.)

Đi theo con đường của mình

“Và Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con một tự nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật” (Yn.1,11).

Thiên Chúa không bỏ cuộc khi con người phản bội –lấy mình làm mẫu mực tối cao đi theo con đường của mình” – Thiên Chúa như một người tình tha thiết và chung thủy luôn đi bước trước tìm đếnyêu thương nhân loại (Diễm tình ca). “Lời đã thành người phàm”, và đồng hành với con người để dùng Lời giảng dạy làm ánh sáng soi đường đưa con người trở về với Thiên Chúa.

Con người là một thụ tạo ưu việt được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nên có khả năng nhận biết yêu mến Đấng tạo dựng mình. Nên con người cũng có khả năng lắng nghe từ sâu thẳm lòng mình tiếng Thiên Chúa gọi mời trở về với Ngài.

Cuộc hành trình của con người, thực chất, không gì khác hơn, là một cuộc trở về với Thiên Chúa, một chuyến trở về nguồn cội.

Khát vọng của con người, thực chất, không gì khác hơn, là ước muốn có được sống đời đời làm gia nghiệp”.

Sự sống đời đời không tìm được ở đâu ngoài Thiên Chúa. Nên khát vọng chỉ thành hiện thực khi con người biết chọn Chúa là gia nghiệp đời mình.

Chọn “Chúa là gia nghiệp” là đi theo con đường của Lời Hằng Sống. Con đường Giê-su.

Thầy là đường, sự thật và là sự sống(Ga 14,6).

Không ai có thể đi cùng một lúc hai con đường. Không có sự chọn lựa nào mà không có sự từ bỏ.

Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc.16,13).

Khi niềm vui vụt tắt

Nếu được chọn cả hai…

Ở đời, ta cũng thường gặp những trường hợp phải chọn lựa “dứt khoát”, phải chọn lựa một trong hai. Thí dụ như hễ đi tu thì không lập gia đình, hễ lập gia đình thì không đi tu.

Tôi có một người bạn, lúc ấy, anh là thầy giúp xứ, phục vụ trong thời điểm vô cùng khó khăn. Anh “lỡ yêu” một cô ca đoàn, lúc ấy anh đang chiến đấu với lòng mình dữ lắm. Anh thương mẹ, anh muốn “thôi tu”, nhưng sợ mẹ buồn, có khi Chúa muốn giữ anh qua người mẹ, anh tâm sự như vậy.

Một hôm, sau một cơn bệnh đột ngột, suýt chút nữa mẹ anh ra đi, mẹ anh gọi anh vào, bà nói thẳng với con.

Mẹ ước ao có ngày nhìn thấy con Dâng Thánh Lễ… Được điều ấy, con cho mẹ hạnh phúc biết bao. Mẹ sống nay, chết mai, mẹ muốn được an lòng nếu Chúa gọi mẹ đi. Con hãy nói cho mẹ biết… con chọn ai, hoặc là mẹ, hoặc là cô gái ấy…

Mình nắm tay mẹ một lúc lâu – anh ấy kể lại –  tránh ánh mắt của mẹ, mình thu hết can đảm nói: “mẹ ơi, con chọn cô gái ấy, con xin lỗi mẹ”. Nước mắt mình rơi xuống bàn tay của mẹ. Mình nhìn mẹ, nước mắt mẹ mình cũng lăn tròn trên đôi má nhăn nheo. Cuộc đời mình, cho đến thời điểm ấy, đó là giây phút đau đớn nhất.

Làm sao “chọn được cả hai”, bên tình bên hiếu vẹn cả đôi đường?

Chàng thanh niên giàu có khi đến với Chúa Giê-su chắc hẳn lòng đang tràn đầy niềm vui vì hy vọng sẽ đạt hạnh phúc đời đời trong tương lai vì những gì tốt đẹp anh đã làm trong đời anh từ tấm bé.

“Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”. Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. (Mc.10,19-21).

Nhưng… anh đang đi con đường cũ, con đường thờ Chúa an toàn trong hòn đảo của riêng anh”. Anh không “làm hại ai” và cũng “không ai làm hại anh”. Thờ phượng Chúa kiểu thầy tư tế và Lê-vi trong “dụ ngôn người Samari nhân hậu” (Lc.10,29-35). Giàu có kiểu ông phú hộ trong câu chuyện “ông phú hộ và anh La-da-rô nghèo khó” (Lc.16,19-31)…

Chúa Giê-su “đưa mắt nhìn anh, và đem lòng trìu mến”. Ngài muốn anh bước vào con đường mới, con đường của Ngài – con đường Giê-su – con đường “từ bỏ chính mình” để theo Ngài.

Con đường ấy không được bao bọc và bảo vệ bằng tiền của cùng với những thứ trần gian mà từ đó nó mang lại, nhưng là sự hy sinh dấn thân, đoạn tuyệt những ràng buộc làm vướng bận sự chọn lựa theo Ngài.

Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc.10,21).

Con đường ấy không mấy ai đi, nó rất xa lạ dưới mắt trần thế, nó làm nhiều người chùn bước, nó làm nhiều người bỏ cuộc. Con đường ấy là con đường Thập Giá.

Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo(Mc 8:34).

Thế nên, anh chàng giàu có hôm nay cần phải chọn lựa: hoặc giữ lại cho mình kho báu tiền của, hoặc bán tất cả cho người nghèo rồi theo Chúa. Vắn tắt: “Thiên Chúa và Tiền Của”, anh chỉ chọn một.

niềm vui vụt tắt  trong lòng anh, vì anh không thể từ bỏ Tiền Của được!

Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc.10,22).

Thật ra, khi niềm vui vụt tắt, là ta hiểu rằng “tiền của” đang làm chủ đời ta.

Nếu được chọn cả hai, “Thiên Chúa và Tiền Của” thì niềm vui đã không vụt tắt !

Đồng tiền nếu bạn đặt dưới chân sẽ là bệ đỡ còn nếu bạn đặt trên đầu nó sẽ là gánh nặng.(“Đường Hy Vọng”- Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận)

Nhưng, nếu được chọn cả hai, thì rồi ta chẳng còn lại gì cả. “Tiền của” rồi ra như mây khói còn “sự sống đời đời làm gia nghiệp” ta cũng không thể vươn tới vì “tiền của” vướng bận bước chân ta.

Lòng Chúa thương xót…

Suy cho cùng, trong đời ta, cũng có biết bao lần ta “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì  ta có nhiều…lợi lộc trần gian” sẽ bị tổn thất nếu ta hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ anh em.

Ta ngại ngùng chọn lựa… niềm vui vụt tắt trong lòng ta vì ta cảm thấy mình quá bị thiệt thòi… Thiệt thòi công sức, tiền của, thời gian, sức khỏe, danh vọng…

Tất cả không vì sáng danh Chúa, ta còn muốn sáng danh mình…

Và, biết bao lần ta cũng sửng sốt tự hỏi: “làm sao ta được cứu” ?

Ta trông cậy vào Lòng Chúa Thương Xót…

Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”. Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” (Mc.10,26-27).

Lạy Chúa,

Khi niềm vui vụt tắt
trong trái tim dại khờ
là khi con đánh mất
Tình Chúa trong đời con

Của cải như núi non
Không lấp đầy khát vọng
Một đời đầy ước mộng
Hồn rời rã héo mòn.

Nước mắt nào lăn tròn
Con tim vui trở lại
Bước đi dù hoang dại
Con tin Chúa hằng thương. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button