Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Hướng về cuộc biến hình Phục Sinh của Đức Ki-tô | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
(Mc.9,2-10)
*****

HƯỚNG VỀ CUỘC BIẾN HÌNH PHỤC SINH CỦA ĐỨC KI-TÔ

(2) Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. (3) Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (4) Và ba môn đệ thấy ông E-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. (5) Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông E-li-a.” (6) Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. (7) Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (8) Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ có Đức Giê-su với các ông mà thôi.

(9) Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. (10) Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

_____________

SUY NIỆM

HƯỚNG VỀ CUỘC BIẾN HÌNH PHỤC SINH CỦA ĐỨC KI-TÔ

1. Đức Giê-su biến đổi hình dạng báo trước sự biến đổi hình dạng ngày Phục Sinh.

Tuy dù có những nghiên cứu cho rằng “ngọn núi cao” trong Tin Mừng nói đến không phải là núi Tabor, vì Tabor chỉ là ngọn đồi nhỏ, nếu cho là núi Hermon hay Carmel thì hợp lý hơn. Nhưng truyền thống xưa nay vẫn thường cho rằng “ngọn núi cao” này là Tabor, nên ở đây cứ ghi nhận là núi Tabor cho tiện.

Phần Đức Giê-su

+ Đức Giê-su oai hùng, rực rỡ, sáng láng uy nghi hơn cả mặt trời. Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.” (Mc.9,3).

+ Đức Giê-su có được cuộc hội ngộ, có được người đàm đạo. Không phải là những bậc vua chúa trần gian địa vị cao trọng nay còn mai mất, mà là những bậc thánh nhân vượt thời gian trong Vương Quốc Vĩnh Cửu của Ngài, những nhân chứng về Chương Trình Cứu Độ và sự sứ mệnh của Đức Giê-su – Chúa Cứu Thế. Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. “Và ba môn đệ thấy ông E-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.” (Mc.9,4).

Phần các môn đệ

– Niềm tin các môn đệ được mạnh mẽ lên. Vui mừng và cảm thấy an toàn khi ở bên Thầy mình. Không muốn rời xa Thầy mình. “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay” (Mc.9,5)

Cuộc đời đến đây là hoàn hảo, không cần tìm đâu nữa, không cần đi đâu nữa. Nơi đây no đầy hạnh phúc. “Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a” (Mc.9,5).

– Nhưng Đức Giê-su là Thiên Chúa đang ở cùng nhân loại, đồng hành với nhân loại. “Ở trên núi xuống” (Mt.9,9), cuộc hành trình nhân thế vẫn còn đang tiếp tục.

– “Giờ Ngài chưa đến“Nhưng không ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến.” (Ga. 8,20). Và cũng không ai hiểu được đích điểm của Lề Luật và các Ngôn Sứ vì “giờ Ngài chưa đến”. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (Mt 5,17). Kiện toàn là khi “giờ của Ngài đến”, khi Đức Giê-su biến hình ngày Phục Sinh -“từ cõi chết sống lại”,Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.” (Mc.9,10).

2. Đức Giê-su biến hình ngày Phục Sinh. “Từ cõi chết sống lại”.

Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ chẳng có nghĩa lý gì nếu đó không phải là những trang Lịch Sử Cứu Độ, mà Lịch Sử Cứu Độ chỉ được hoàn tất nơi Đức Giê-su Ki-tô, nghĩa là  được “kiện toàn” nơi Đấng Cứu Thế. “Thế là đã hoàn tất!” (Ga.19,30).

“Từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.”. (Mc.9,10).

– Không một ai có thể hiểu thấu điều này nếu không có Cuộc Biến Hình Phục Sinh “từ cõi chết sống lại” của Đức Ki-tô”. Ngay cả các môn đệ còn chưa hiểu nổi khi chưa có cuộc biến hình chung kết này.

Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu” (Mt.16,13-23).

Thập Giá là “từ cõi chết”- thân phận của nhân loại tội lỗi , và “sống lại” là “được cứu rỗi” nhờ dòng máu cứu chuộc của Đấng Cứu Thế.

“Đức Giêsu Phải Trỗi Dậy Từ Cõi Chết„ (Ga 20,9)

Sự cao cả và huyền diệu ấy là Hồng Ân đỉnh điểm  mà thế nhân khó lòng suy thấu nếu không có thiện tâm lắng nghe Tiếng Chúa và xin Ơn Chúa phù giúp.

Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm  thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng về một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại coi là điên rồ” (1Cr 1,22).

Lạy Chúa,

Xin cho con luôn được biến đổi hình dạng đời con từng ngày.
Để trí óc luôn biết suy ngẫm những điều Chúa dạy
Cái Tâm luôn biết thực hiện những điều Chân Thiện Chúa sáng soi.
Tâm Trí thanh cao và thanh thản làm nên ý nghĩa một đời người.

Để ngày mai khi đã xong cuộc hành trình trần thế bình yên
Con được biến đổi hình dạng “từ cõi chết sống lại”
Trong cõi vĩnh hằng tôn vinh Ngài mãi mãi…
Nhờ Ơn Cứu Rỗi con được về bên Tình Chúa Vô Biên. Amen .

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Back to top button