Nhiều tác giảSuy niệmSuy niệm trong tuần

Lễ Ki-tô Vua | Trải Nghiệm Để Nhận Ra Chúa Là Vua | Duy Khang

Lễ Ki-tô Vua

TRẢI NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA CHÚA LÀ VUA

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy câu hỏi của Philato dành cho Chúa Giêsu: “Ông có phải là Vua dân do thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”

Chúng ta thấy câu hỏi của Philato có ý nghĩa gì? Thưa có nghĩa là nếu Chúa Giêsu là vua thì chỉ là vua của dân do thái thôi chứ không phải là vua của ông, vì ông nói: “Ta đâu phải người do thái.”

Chúng ta biết con người của chúng ta hay mang tư tưởng như vậy, một tư tưởng phân chia, của tôi không phải của tôi, của người khác thì không phải của tôi, của tôi thì không phải của người khác, một tư tưởng chiếm hữu, phân chia.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của ông Giacop trong Cựu Ước, đó là ông Giacop lừa cha của mình, để cướp lời chúc phúc của Giacop, Exau là anh Giacop thề phải giết cho bằng được Giacop, vì muốn bảo vệ con yêu của mình, nên bà Rebecca đưa Giacop sang lánh nạn ở gia đình của bà ở Haran.

Kinh thánh thuật lại thời Apraham được kêu gọi ra khỏi miền đất phía đông đi về miền đất hứa ở phía tây. Bây giờ Giacop đi ngược lại, chạy trốn đến Haran ở phía đông, mà hướng đông là hướng của lưu đày, Giacop ra khỏi đất hứa của Thiên Chúa, đó là hậu quả việc ông phạm tội, khi sắp sửa ra khỏi đất hứa, Giacop khấn hứa: “Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an, thì Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi” (St 28, 20-21).

Ở đây chúng ta thấy Giacop không gọi Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của Giao Ước là Đức Chúa, mà chỉ gọi suông là Chúa.

Nghĩa là với Giacop Thiên Chúa chưa phải là Đức Chúa của ông, mà Người chỉ là Chúa của cha ông của ông mà thôi, nếu Chúa ban cho ông như lời ông cầu xin thì ông mới tin Chúa là Chúa của cha ông của ông và là Chúa của ông.

Trong bài viết BLAISE PASCAL, MỘT TÂM HỒN CAO QUÝ, được đăng trên trang giáo phận ngày 25.06.2023, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm có viết như thế này: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết”.

“Thuở còn trẻ, đọc câu này của Pascal, tôi chỉ nghĩ đến tình cảm nam nữ có những rung động mà lý trí không kiểm soát được. Sau này mới biết phải đặt câu nói nổi tiếng này trong bối cảnh suy tư tôn giáo của ông. Chỉ dùng lý trí để suy tư về Thiên Chúa thì giỏi lắm cũng chỉ đạt tới vị “Thiên Chúa của các triết gia và các nhà thông thái” mà thôi, chứ không phải là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Thiên Chúa của các triết gia và các nhà thông thái chỉ là những ý tưởng trừu tượng, Deus ex machina, chứ không phải là Thiên Chúa của các Tổ phụ, Thiên Chúa sống động, dấn mình vào trong lịch sử nhân loại để yêu thương, bảo vệ, nâng đỡ.”

Hôm nay, chúng ta thấy Philato cũng chỉ hiểu Chúa Giêsu là vua của dân do thái mà thôi, mà ngay cả dân do thái họ cũng không chấp nhận Chúa Giêsu là vua của họ.

Nhưng thật sự Chúa Giêsu không chỉ là vua của dân do thái, mà là vua của chung, vua toàn thể vũ trụ, chúng ta để ý đến lời của Chúa Giêsu nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Và sau đó Chúa nói thêm: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Nghĩa là Chúa Giêsu không phải là vua của riêng ai, của quốc gia này, hay quốc gia kia, mà là Vua toàn thể vũ trụ.

Nhưng vì Philato, vì dân do thái chưa có trải nghiệm thật sự về Chúa, nếu họ có trải nghiệm họ sẽ nhận ra Chúa là Vua của họ.

Có một người đàn ông tốt bụng cưới được người phụ nữ như ông hằng mơ ước. Tình yêu của họ đơm hoa kết trái và họ sinh hạ được một cô con gái rất xinh xắn, dễ thương.

Khi cô gái đã lớn, người cha vẫn thường ôm cô vào lòng và nói: “Bố yêu con, con gái bé bỏng của bố”.

Cô con gái giận dỗi: “Kìa bố, con không còn là một đứa bé nữa”. Nhưng người cha luôn cười xòa và đáp: “Đối với bố, con luôn là con gái bé bỏng của bố”.

Một ngày kia, cô con gái không còn bé bỏng ấy quyết định rời khỏi ngôi nhà thân yêu của mình để khám phá thế giới xung quanh. Khi cô gái thật sự hiểu về bản thân mình thì cũng là lúc cô hiểu về cha mình hơn.

Một trong những điểm mạnh của ông là ông luôn bày tỏ tình thương yêu với gia đình của mình. bất kể cô đang ở đâu, cha vẫn gọi cho cô và nói rằng: “Bố yêu con, con gái bé bỏng của bố”.

Một ngày nọ, cô gái nhận được một cú điện thoại không mong đợi: cha cô đã bị liệt sau một cơn đột quỵ.

Ông không thể nói, không thể cười, không thể đi lại… và không thể nói được với cô rằng ông rất yêu cô.

Cô trở về bên cha. Khi bước vào phòng, cô thấy ông nằm đó, trông thật bé nhỏ và ốm yếu. Ông gắng gượng trò chuyện cùng cô nhưng không thể.

Điều duy nhất mà cô có thể làm là ngồi bên cạnh ông, vòng tay ôm lấy đôi vai bất động của cha mình. Tựa đầu lên ngực cha, cô suy ngẫm nhiều điều.

Cô nhớ lại rằng mình luôn cảm thấy được cha che chở, nâng niu từ tấm bé. Cô thấy lòng quặn thắt trước nỗi đau sắp mất đi người cha yêu quý. Không còn nữa rồi … những lời yêu thương vỗ về của cha.

Và bỗng nhiên, cô nghe tiếng nhịp đập trái tim người cha. Trái tim ông vẫn đập đều đều, mạnh mẽ, như muốn vượt lên tất cả những phần cơ thể đau yếu còn lại. 

Và trong giây phút được bình yên trên ngực cha như thế, điều kỳ diệu đã xảy ra: Cô đã nghe được những lời yêu thương mà cô muốn nghe !

Trái tim của người cha phát ra những lời mà miệng ông không còn nói được nữa: “Bố yêu con, con gái bé bỏng của bố… Bố yêu con…” và cô đã được vỗ về, an ủi bởi những lời nói yêu thương vô hình ấy của cha. 

Nên chúng ta thấy, trong cuộc đời chúng ta cần có những kinh nghiệm như thế, kinh nghiệm từ trái tim, kinh nghiệm từ đức tin, có như thế chúng ta mới có thể yêu thương nhau, có như thế chúng ta mới nhận ra Chúa là Vua của chúng ta, Vua của toàn thể vũ trụ. Amen.

DUY KHANG

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button