Qua Cửa Hẹp | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN C
(Lc.13,22-30)
***
QUA CỬA HẸP
22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: 24 “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 25 “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” 26 Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. 27 Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” 28 Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. 30 “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
___________________
SUY NIỆM
QUA CỬA HẸP
Cửa rộng và đường thênh thang.
“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy. (Mt 7,13-14).
Ai chẳng muốn đi qua cửa rộng, người ta vẫn thích “nhà cao cửa rộng” để ra vào trú ngụ cho thoải mái. Ai chẳng muốn đi trên những con đường thênh thang, người ta không ngừng mở những con đường cao tốc thênh thang để lưu thông dễ dàng nhanh chóng. Thật không khó khi chúng ta hình dung cuộc sống thật sự thoải mái như thế nào với “cửa rộng, đường thênh thang”.
Nhưng ta thấy rõ “cửa rộng, đường thênh thang” vật chất mà ta mong muốn nó không cho ta nhận ra ý nghĩa về sự “chiến đấu“ trong cuộc sống, ngược lại, nó mang nặng ý nghĩa nghiêng về về lối sống thụ hưởng, dễ dãi với bản thân, buông xuôi theo những cuộc vui thế tục. Lối sống dễ dãi ấy làm chúng ta cạn dần nội tâm, xa dần với những giá trị tinh thần, ích kỷ và dừng lại ở những thứ giá trị chóng qua trước mắt.
Có gì dễ dàng hơn khi có tiền mở yến tiệc ăn chơi thỏa thích. Đó là đi vào thứ “cửa rộng và đường thênh thang”, chỉ biết việc hưởng thụ riêng mình, mà không thấy người bất hạnh, người ấy không ở đâu xa, đang có mặt rất gần, ngay ở bậc thềm nhà mình. Nhưng, để thấy được “người bất hạnh bên ta” cũng phải “chiến đấu với chính mình” lắm!
“Có ông phú hộ kia ăn mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Lazarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng chẳng ai thèm cho.” (Lc.16,19-26).
Có gì dễ dàng hơn với lối sống xa hoa, bản thân ngày tháng ấm êm trong nhung lụa. Đó là đi qua thứ “cửa rộng và đường thênh thang”, chỉ biết thủ thân trong hòn đảo an toàn ích kỷ. Nhưng khi cần phải mở rộng lòng bác ái với tha nhân, chính là lúc chạm đến “cánh cổng hẹp và con đường chật chội”, thì lùi bước bỏ đi, mặc dù đó là cuộc hành trình đi tìm lẽ sống. Muốn tiếp tục cuộc hành trình vì lẽ sống ấy, cũng phải “chiến đấu với chính mình lắm”!
“Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc.10,17-22).
Cửa hẹp và đường chật
Cùng đi trên một con đường, nó rộng hay hẹp còn tùy tâm hồn của mỗi người. Nó dài hay ngắn, khó đi hay dễ đi, còn tùy tâm huyết của mỗi người. Có câu: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông“ (NBH).
Cùng đi trên một con đường, cùng chứng kiến sự việc giống nhau, mà với người này thì như khách bàng quan, còn với người kia thì như bị ràng buộc. Vì, kẻ thì đi như bước vào con đường thênh thang cứ thẳng tiến trong sự an toàn bản thân, còn người thì đi như chen vào đường hẹp nên thấy được người bên vệ đường đang lâm nạn và chạnh lòng thương.
“Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống dở chết. Bấy giờ, có một thầy tế lễ tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân thì tránh qua bên kia đường. Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy rồi cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân thì động lòng thương liền áp lại, lấy dầu và rượu xức vào vết thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật của mình và đưa đến quán trọ để săn sóc. Ngày hôm sau, ông lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán và nói: ‘Hãy săn sóc người này, nếu tốn hơn nữa, khi trở về tôi sẽ hoàn lại.’ (Lc.10,25-37).
Hãy chiến đấu
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. (Lc.13,24).
“Cửa hẹp và con đường chật” không thể đi qua mà không “chiến đấu”. Đó là sự chiến đấu vì Tình Yêu Giêsu. “Yêu thương như Thầy Giêsu”. Không có con đường nào khác đem lại sự sống và hạnh phúc viên mãn ngoài “Con đường Giêsu”. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. (Ga.14,1-12).
Tình yêu Thiên Chúa quá bao la, lòng người quá hẹp hòi ích kỷ. Tình yêu luôn đòi hỏi phải hy sinh. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Lòng người luôn cầu an, lạnh nhạt. Vì thế, con người cần ơn Chúa nhiều để thêm sức mạnh “chiến đấu” giữ vững đức tin về đến bến bờ Tình Yêu Thiên Chúa.
“Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững đức tin.”( 2Tm 4,7).
Lạy Chúa,
Xin cho con mãi mãi chỉ đi một con đường,
con đường Giêsu,
con đường Tình Yêu của Chúa,
xin nâng đỡ con trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_____________________
Bạn có thể xem thêm bài suy niệm cũ năm 2013 tại Địa Chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/330-di-nguoc-dong