Sứ mạng rao giảng Tin Mừng | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN B
(Mc.1,29-39)
****
SỨ MẠNG RAO GIẢNG TIN MỪNG
(29) Hôm ấy vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-mon và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. (30) Lúc đó bà mẹ vợ ông Si-mon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. (31) Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
(32) Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. (33) Cả thành xúm lại trước cửa. (34) Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
(35) Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dạy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (36) Ông Si-mon và các bạn kéo nhau đi tìm. (37) Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (38) Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thày còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (39) Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
_________________
SUY NIỆM
SỨ MẠNG RAO GIẢNG TIN MỪNG
I . Sứ mạng của Chúa Kitô rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
“Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc.1,14).
+ 1. Vì Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai.
Vì Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai. Ngài đến để loan báo Tin Mừng mừng của Thiên Chúa, Tin mừng Thiên Chúa yêu thương con người và Chương Trình Cứu Độ mà Thiên Chúa thực hiện vì quá yêu con người.
Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Ðức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Ðức Giêsu trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. (Mt.11,2-6).
+ 2. Đấng muôn dân trông đợi
Một luồng gió mới thổi vào lòng người và mọi người nhận ra ánh sáng hy vọng, ý nghĩa đời người đích thực.
Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (Mc.1,37).
Chúa Giê su không chỉ chữa bệnh thể xác, mà trên hết, chính là chữa những thứ bệnh tinh thần, sự tăm tối của tâm linh, sự mất phương hướng của nhân loại, bằng việc rao giảng Giáo Lý Tình Thương của Ngài. Ta có thể hiểu được điều này trong câu chuyện Chúa Giê-su ở nhà của Mát-tha.
Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! ” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc.10,38-42).
Việc chăm lo thể xác không quan trọng bằng chăm lo tâm hồn, vì tâm hồn cho ta một sức mạnh để ta tiến bước. Cao hơn nữa, chính là Đức Tin mà Lời Chúa mang lại. Nhưng, chính Lời Chúa mang lại cho ta Tình Yêu để chúng ta chăm lo cho nhau cả “xác – hồn” trong cuộc sống. Từ đó, ta biết thực thi yêu thương, bác ái, chia sẻ, trong tình anh em cùng có Người Cha Nhân Hậu là Thiên Chúa.
Ta có thể hiểu rõ điều này hơn qua những lời của ĐGH. Bênêđictô sau đây:
Phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu là những dấu chỉ nói lên tình yêu đầy quyền năng của Thiên Chúa, dẫn chúng ta đến sứ điệp của Đức Kitô, hướng chúng ta về với Thiên Chúa và làm cho chúng ta hiểu rằng căn bệnh nặng nề nhất của con người hôm nay là sự thiếu vắng Thiên Chúa, thiếu vắng nguồn suối chân lý và tình yêu. Duy chỉ có sự hòa giải với Thiên Chúa mới có thể mang lại cho chúng ta sự chữa lành thật sự, sự sống thật sự, bởi vì một cuộc sống mà không có tình yêu và chân lý thì chẳng phải là cuộc sống… Do đó sự rao giảng và chữa lành bệnh tật của Đức Giêsu luôn liên hệ mật thiết với nhau, tạo nên một sứ điệp duy nhất về niềm hy vọng và ơn cứu độ (Trích bài giảng của ĐGH Benêđictô 16).
+ 3. Tin Mừng cho muôn dân
Vì Đức Giêsu chính là Đấng muôn dân trông đợi, Tin Mừng không thể dừng lại cho riêng ai, mà cho tất cả mọi người. Sứ mạng Thiên sai có tính phổ quát cho hết mọi người. Ơn Cứu Độ cho tất cả nhân loại.
Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ. (Mc.1,38-39)
II. Tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.
Thần học gia Maurice Zundel đã viết: “Chúng ta không phải là Ki tô hữu cho riêng mình, mà là cho Đức Kitô, cũng như chúng ta thuộc về Giáo hội và Đức Kitô, hầu mở đường cho tính công giáo của tình yêu Ngài được lan rộng và cho ơn cứu chuộc của Ngài trải ra trên khắp hoàn cầu. Đức Ki tô còn dở dang và chưa thành toàn bao lâu toàn thể nhân loại chưa tháp nhập vào Ngài” (À L’ écoute de Silence).
Chúng ta cũng rất quen thuộc với lệnh truyền của Chúa Kitô về việc loan báo Tin Mừng trên toàn thế giới:
“Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv.1,1-11)
Chúng ta suy ngẫm về bản tin này:
Thư viện toà nhà Quốc Hội Hoa Kỳ tại Washington là thư viện lớn bậc nhất thế giới. Hàng năm, có hàng ngàn người viết thư hỏi viên quản thủ thư viện này nhiều vấn đề để nghiên cứu. Rất nhiều người đã hỏi : “ Ai là người được các tác giả viết nhiều nhất ?”.
Sau khi kiểm kê, viên quản thủ thư viện viết:
– Có 1735 cuốn viết về ông Napoléon.
– Có 1755 cuốn viết về ông Georges Washington.
– Có 2139 cuốn viết về ông Abraham Lincohn.
– Có 3172 cuốn viết về ông Wiliam Shakespeare.
– Có 5152 cuốn viết về Đức Giêsu Kitô.
5152 cuốn tức là 5152 loại sách. Thông thường mỗi loại sách, người ta ấn hành vài ngàn cuốn. Nếu bán chạy, người ta sẽ tái bản nhiều lần.
Hiện nay, hằng năm vẫn có hàng trăm cuốn sách mới viết về Chúa Giêsu.
Đọc được một bản tin như thế, tất nhiên, có một điều gì đó, rất vui trong lòng ta. Nhưng đã đủ chưa ? Thế giới ngày nay vẫn còn hàng tỷ người chưa biết Tin Mừng, Chưa tin vào Chúa. Thế giới ngày nay còn rất lạnh lùng với Giới Luật Yêu Thương. Thế giới ngày nay đầy hận thù, sống thác loạn, hưởng thụ, mất dần đạo đức nhân vị…
“Một cuộc sống mà không có tình yêu và chân lý thì chẳng phải là cuộc sống” (ĐGH, Bênêđictô 16).
“Thiên Chúa là Tình Yêu”; “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Một thế giới không Kitô là một thế giới chết vậy !”
Lạy Chúa,
Xin ban cho con sức mạnh,
để con bước đi theo Chúa,
trên mọi nẻo đường truyền giáo. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG