Nhiều tác giảSuy niệm

Việc làm thường ngày của Chúa Giêsu | Chúa Nhật V Thường Niên B | Vô Hạ

vo ha

Theo điều tra dân số 2019, hơn 65% người Việt Nam sống tại nông thôn, làm nghề chống lưng cho trời, dán mặt cho đất với canh nông vi bản. Phần còn lại sống tại thị thành; đa số cũng đi làm ngày 8 tiếng đồng hồ hoặc nhiều giờ hơn trong tình cảnh một nắng hai sương.

https://image.vietnamnews.vn/uploadvnnews/Storage/Images/2014/1/14/nn-han.jpg
Ảnh từ internet

Mọi người đều phải lao động để sống còn, trước khi được ban tặng vinh quang. Công việc ngành nghề nào cũng có những mệt nhọc, khó khăn, chán chường, như trong Bài I của sách Ông Gióp thời Cựu Ước, được đọc vào Chúa Nhật V thường niên B nầy. Nhưng việc làm, nhìn theo nhãn quan tích cực, cũng mang lại hạnh phúc và nguồn vui, khi mỗi người biết sống vì mọi người, theo mẫu gương làm việc không phải chỉ có hôm nay, mà từ hơn 2.000 năm trước, của Chúa Giêsu và Thánh Phaolô cho thấy. Ta cùng đọc 3 bài Lời Chúa bên dưới và xin Ngài giúp thêm trí tuệ để biết rộng hơn những việc phải làm.

BÀI ĐỌC I: G 7, 1-4. 6-7
“Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”.
Bài trích sách Gióp.

https://i.pinimg.com/originals/c6/af/e5/c6afe54fcb0d4f9a318253b992b2b8b0.jpgBấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23
“Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.

PHÚC ÂM: Mc 1, 29-39
“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình

Bài đọc I trích từ sách mang tên ông Giốp, Anh Ngữ là Job: công việc, việc làm. Sách nầy do nhiều người học rộng biết nhiều đóng góp trong khoảng thế kỷ VI – thế kỷ IV TCN, tức là sau thời gian lưu đày từ Babylon trở về đất Do Thái năm 538 TCN. Sách thuộc loại giáo huấn nhắm vào chủ đề thưởng phạt công minh.

https://diningwithjesus.files.wordpress.com/2019/04/job.jpgĐoạn sách trên được trích ra từ chương 7, sau khi ông Giốp bị thử thách, hầu như bị xô xuống tận cùng nơi đáy vực thẩm. Con cái của ông bị chết hết. Bầy đàn nhà cửa bị tiêu tan. Thân xác bị ghẻ lở giòi bọ.

Nên trong một lúc ông có cái nhìn chua cay, bi quan về cuộc đời. Cuộc sống nầy, vô vọng nơi dương thế, chỉ để chịu khổ dịch, chỉ để làm việc như nô lệ, bị chìm đắm trong mê sảng, sinh mạng như hơi thở thoáng qua, đời người trống rỗng không chắc chắn, lại vô vọng không có ngày hạnh phúc bao giờ.

Những lối nhìn có vẻ bi quan yếm thế chán chường trong đoạn sách trên đây, được chính Chúa Giêsu hóa giải bằng những sinh hoạt ích lợi cho mình (Ngài) và cho người, tiêu biểu trong lịch làm việc một ngày của Chúa bên trên.

Trong Bài Phúc Âm, Thánh Máccô ghi lại thời khóa biểu một ngày bận rộn của Chúa như sau Chúa Giêsu chổi dậy từ sáng sớm tinh mơ, tới nơi thanh vắng cầu nguyện. Ngài đã là Thiên Chúa quyền năng như Cha và Thánh Thần mà còn cho con người thấy Ngài vẫn có những giậy phút nối kết nên một trong Ba Ngôi vì Ngài, theo như được soi sáng, để làm gương cho chúng con. Nên nguồn sinh lực của chúng con chính là từ nơi Chúa. Muốn làm việc gì nên, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhở bởi ơn Chúa.

Rồi Ngài đi giảng dạy trong hội đường. Chữa cho nhạc mẫu của Simon hết bệnh sốt rét một lần. Tiếp theo, bận rộn chữa những bệnh khác và trừ tà cho tới chiều tối.

Hôm sau Chúa Giêsu rời chổ cũ, đến những bản làng xa xôi, những thành lân cận khác khắp vùng Galilê, tiếp tục công việc như trên. Chúa đã là mẫu gương cho các nhà truyền giáo sau nầy, đi khắp thế gian, giảng dạy muôn dân.

Nói gọn, công việc của Chúa Giêsu, bận rộn tối ngày. Rao giảng Tin Mừng, chữa bệnh và trừ quỉ. Việc làm của Chúa vì phúc lợi cho con người dù không sinh ích lợi gì cho Chúa. Nhưng Chúa vẫn làm, vì yêu quí chúng con.

Trở lại Bài đọc II, Thánh Phaolô đã có cái nhìn hoan lạc hơn ông Gióp trong bài đọc I. Tay dệt tay đan (Cv 18:1-3) Ngài làm việc, để nuôi thân và cho những người trong nhóm (CV 22:33-35). Không làm gánh nặng cho giáo dân (1Tx 2:9). Nêu gương lao động tốt cho tín hữu (2Tx 3:8-9) từ xa xưa chở không phải thế kỷ XX mới có cho dân chúng.

https://cdn.britannica.com/93/130093-050-4926C50E/Paul-the-Apostle-epistle-prison-Ephesians.jpg

Ngoài ra Ngài còn làm ra sản phẩm tinh thần: Cầu nguyện, suy tư, giao tế, giảng dạy, thành lập giáo đoàn, thăm viếng, viết thư … làm sao cho thích hợp để cho người Do Thái mang tâm thức đạo cũ và dân ngoại thường mê tín dị đoan với đa thần giáo, chấp nhận Tin Mừng đạo mới cách thuận lợi.

Ngài còn thêm, việc rao giảng Tin Mừng là “nhu cầu đối với tôi” và làm không công. Nhu cầu là cái phải có. Không phải để lợi dụng danh đạo tạo danh đời như tiên tri giả hay người chăn chiên thuê (Đnl 18:20; Ed 34).

 “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” nói cách khác, rao giảng Tin Mừng là hạnh phúc của tôi. Nên rao giảng Tin Mừng, cũng như tin và theo Chúa là tự nguyện chứ không phải do bị bó buộc.

Theo gương Thầy Thuốc Giêsu đồng bàn với người thu thuế và tội lỗi để nâng họ lên và chữa lành (Mc 2:13-17) Thánh Phaolô đã tình nguyện trở nên đồng mệnh với người yếu để chinh phục họ.

Là vị Thánh, Ngài mới dám nói mình trở nên mọi sự cho mọi người. Đây là mẫu gương cho tất cả giáo hữu như chúng con, còn đầy sân si “mạn nghi ác kiến”, gắng sức noi theo Ngài, được chút nào, tốt chút đó.  

Xin dâng lời nguyện

Công việc của Chúa không ngừng nghỉ, từ sáng tạo và cứu chuộc, xin cho công việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh được nhiều thuận tiện và thành quả tốt đẹp.

Chúa đã làm việc không phải cho Chúa, mà cho và vì chúng con. Xin cho các bậc văn võ quan quyền của đất nước, biết cách tạo ra việc là, ngỏ hầu người dân có cuộc sống ấm êm hạnh phúc.

Xin cho chúng con vui lòng chấp nhận những lao công vất vả trong việc làm hằng ngày, để trở nên món quà quí giá đầu năm dâng lên tới Chúa. 

Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng con siêng năng làm việc, nuôi sống chính mình, cũng vừa góp phần xây dựng xã hội và Giáo Hội của Chúa.

Xin Chúa thánh hóa những việc làm thường nhât trong đời sống chúng con, hầu được sinh nhiều hoa quả tốt lành phục vụ Chúa và những ai cần thiết.

Xin cho chúng con đủ can đảm gánh vác những lao nhọc thuận lợi và cả nghịch cảnh hằng ngày, trong niềm vui có Chúa cùng chung sức. Amen.

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button