Chúng Ta Không Mồ Côi | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A
(Ga.14,15-21)
****
CHÚNG TA KHÔNG MỒ CÔI
15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. 19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
_______________
SUY NIỆM
CHÚNG TA KHÔNG MỒ CÔI
1. Mồ côi thể xác
Ai cũng biết thế nào là đứa bé mồ côi. Trước tiên là mồ côi thể xác. Một đứa bé chào đời lâm vào cuộc sống mồ côi do nhiều nguyên nhân. Cha mẹ không còn, hay nó bị bỏ rơi vì hoàn cảnh nào đó…
Đứa bé mồ côi không được chăm sóc đúng mức, miếng ăn giấc ngủ, những bước đi, những tiếng nói đầu đời theo đúng nghĩa đen của nó.
Có những đứa trẻ mồ côi được ai đó nhặt được từ đống rác hay bụi bờ nào đó. Hay bị bỏ vào cô nhi viện vì những cuộc tình vụng trộm trái ngang, hay nó tự bỏ nhà ra đi sống lang thang đầu đường xó chợ vì không chịu đựng nỗi những người “dì dượng” từ cuộc hôn nhân chấp nối của cha mẹ nó…
Nói chung, thân xác nó sớm chịu cảnh đời mưa nắng vì không có tổ ấm yên lành nuôi nấng nó lớn lên và trưởng thành với tình cảm gia đình ngọt ngào hạnh phúc.
Mượn lời của một bản nhạc xưa mang tên “Nó” của nhạc sĩ Anh Bằng, ta có thể hình dung phần nào hình ảnh một đứa bé mồ côi, qua những từ ngữ diễn tả cuộc sống tuổi thơ của nó, thật xót xa tội nghiệp: “ngẩn ngơ như chim xa đàn. Tủi thân vô vàn. Một chén cơm lòng chưa no. Đói rách bơ vơ. Đêm nó ngủ một manh chiếu rách. Một thân côi cút. Nhiều lúc nó khóc trong mơ…”
Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
Ngày nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân muôn vàn
Mẹ nó ra qua đời khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối vô bờ
Đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro
Một thân côi cút không nhà
Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa
Thằng tư con tám lê la,trên phố xa hoa !
Miền Bắc điêu tàn nên đời nó khổ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
Nhiều lúc nó khóc trong mơ
Mẹ ơi! Con yêu mong chờ
Bao giờ cho đến bao giờ?
2. Mồ côi tâm hồn
Sự thiếu thốn vật chất cho thể xác thật xót xa, sự thiếu thốn tinh thần còn đáng sợ ngàn lần.
Tuổi thơ cần được dạy dỗ, cưng chiều, chăm sóc… Nụ hôn của mẹ, vòng tay của Cha. Sự ngọt ngào của mẹ. Sự bảo vệ của Cha. “Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Làm sao một đứa bé mồ côi thắm thía được công ơn trời biển của Cha Mẹ nó khi quanh nó là “cuộc sống đói rách bơ vơ”, và “Chuỗi ngày tăm tối vô bờ”.
Ngay cả khi một đứa bé lớn lên, đã thành một chàng trai sành đời, đã thành một cô gái đầy nghị lực, vẫn có lúc cần được nương tựa vào vòng tay Cha, được sà vào lòng Mẹ, để lấy lại sự tự tin, để được khóc vì những thất bại hay những lầm lỗi cuộc đời. Ai không có được những giây phút đó, sẽ cảm nhận được sự mồ côi tâm hồn đáng sợ đến thế nào. Ở điểm này, chúng ta thấy sự mồ côi tâm hồn không phải chỉ có ở những đứa bé mồ côi bất hạnh, mà ngay cả những đứa trẻ có đầy đủ Cha Mẹ, lại phải sống trong những gia đình bất ổn, Cha Mẹ chỉ lo thu lợi vật chất, không quan tâm gì đến sự giáo dục con cái, hay Cha Mẹ không thuận hòa, người Cha chè chén say sưa, người mẹ lả lơi buông xuôi lối sống.. sự mồ côi của tâm hồn trong bối cảnh ấy cũng thật chua xót, nó không chỉ là sự mồ côi tâm hồn của con cái, mà là sự mồ côi tâm hồn của mọi thành viên trong gia đình. Mạnh ai nấy sống. Từ đó có những nỗi đau lặng lẽ. Những giọt nước mắt âm thầm. Dần dần nó sẽ không xa với hình ảnh một cuộc đời vô nghĩa.
3. Chúng ta không mồ côi
Thật sự trong cuộc đời có những lúc chúng ta thấy mình mất phương hướng. Không còn biết tin vào ai và tin vào cái gì. Đó là lúc chúng ta cảm thấy mình mồ côi thật sự.
Có thể lấy hình ảnh của Hai môn đệ trên đường Emaus để thấy khi con người không có niềm tin cuộc sống sẽ cô đơn và đen tối như thế nào.
Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. (Lc.24,13-21).
Cho đến khi họ được nghe Lời Chúa Giê-su giảng dạy, niềm tin trong lòng họ mới bừng dậy.
“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.”. (Lc.24,32-33).
Thái độ của họ hoàn toàn thay đổi. Khi đi dọc đường, Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Còn sau khi đồng hành với Chúa Giê-su, họ nhận ra Ngài, và họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem với lòng hân hoan phấn khởi.
Họ đã được Ánh sáng Lời Chúa chiếu soi tâm hồn để họ tiếp nhận niềm tin đích thực cho đời họ.“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
Trần gian đạo đức nguội lạnh. Lòng người đen trắng khó lường. Cuộc sống quá nhiều những gian truân, khốn khổ. Thế gian này cần có lửa tình yêu bừng cháy. Chỉ có Tình Yêu mới có thể quy tụ lại tất cả về cội nguồn Chân Thiện.
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).
Lửa ấy sẽ mãi mãi bùng lên. Chúng ta tin như vậy. Vì lời hứa của Chúa không bao giờ thay đổi.
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận (Ga.14,16-17).
Và như thế, chúng ta không mồ côi, vì Chúa luôn ở bên ta , đồng hành với ta. Ở trong ta, ta sống mãi trong tình yêu và vinh quang của Ngài.
Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. (Ga.14,20).
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG