Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN.33.TN.B. Bảo vệ Đức Tin là Truyền Giáo | NVT

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.12,38-44)

Kính trọng thể
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(Ga.17,11b-19)

BẢO VỆ ĐỨC TIN LÀ TRUYỀN GIÁO

Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. (12) Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. (13) Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. (14) Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. (15) Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. (16) Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. (17) Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. (18) Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. (19) Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”
_____________

SUY NIỆM

BẢO VỆ ĐỨC TIN LÀ TRUYỀN GIÁO.

Đức Tin

Đức Tin ở cung thánh lòng ta. Là trái tim sức sống đời ta. Mọi sinh hoạt của đời ta đều xoay quanh quỹ đạo Đức Tin. Là mặt trời cho màu xanh sức sống. Là nguồn suối nuôi dưỡng mầm xanh sự sống. Là không khí trong lành cho ta hít thở đem lại sự tươi trẻ an bình tâm hồn. Đức Tin là hoa trái mùa Xuân, là bóng mát mùa Hạ, là trăng sáng mùa Thu, là lửa ấm mùa Đông.

Đức Tin là hải đăng định hướng đời ta. Là ánh soi lối đời ta.

Đức Tin là sức mạnh cho ta chiến đấu. Là hy vọng cho ta vui sống.

Đức Tin là ý nghĩa cuộc đời. Là đỉnh cao nhất của mọi giá trị cuộc đời. 

Đức Tin là sự hiện diện của Thiên Chúa trong sâu thẳm lòng ta.

Là Giê-su trong ta, bên ta, đồng hành với ta.

Chiến đấu bảo vệ Đức Tin.

Mất Đức Tin là mất tất cả. Mất Đức Tin, ta suy sụp và như người chiến sĩ chiến đấu phi chính nghĩa, không còn đủ tinh thần chiến đấu, cuộc chiến đấu tất nhiên là chiến bại.

Đời luôn là một cuộc chiến đấu. Chỉ có sự bình an trong Đức Tin chứ không hề có sự bình an trong dòng đời. Nói một cách khác, dòng đời chỉ thật sự bình yên khi ta còn đó Đức Tin.

Dòng đời luôn có những trận cuồng phong bão tố. Những đớn đau thể xác, những dày vò tâm hồn. Có những nỗi đớn đau mà nước mắt đã cạn bờ mi. Có những nỗi buồn mà tiếng khóc đã nghẹn lời. Có những thống khổ mà nó đã đến mức vượt qua khỏi mọi ngôn từ để diễn tả.

Nên, chiến đấu giữa dòng đời, trước tiên, chính là chiến đấu bảo vệ Đức Tin.

Đến tận cùng nỗi thương đau, thể xác và tinh thần, mà ta vẫn thanh thản đón nhận, đó chính là Đức Tin đã giúp ta chiến thắng.

“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào , trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35.38-39).

Bảo vệ Đức Tin là Truyền Giáo

Văn hào Tertuliano có một câu nói thời danh: “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Ki-tô hữu”.

Có một giai thoại mang tên “Con Tim Rộng Mở” rất phổ biến như sau:

Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở Công giáo đầu bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.

Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài !

Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vất vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”.

Từ đó, Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn lên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:

– Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?
– Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo.

– Để ông bạn coi: Đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì hữu tâm, còn với bản thân mình thì vô tâm. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài…Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ, đem hết trái tim ra giúp người.

– Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của thiên hạ vậy.

Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ đạo Công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục…

Máu các Thánh Tử Đạo là minh chứng con tim rộng mở của Thiên Chúa, của Giê-su, của những người tin yêu Giê-su. Của những người thương yêu tha nhân đồng loại theo gương mẫu Tình Yêu Giê-su.

Tình yêu ấy không phải là thứ tình yêu dám chết sống chỉ cho người thân yêu, mà là thứ tình yêu từ con tim rộng mở không bờ bến cho mọi người, cho kẻ xa lạ, cho ngay cả những kẻ thù.

Sự chiến đấu bảo vệ Đức Tin mạnh mẽ, không chỉ là sự đổ máu thân xác, mà còn vắt cạn kiệt sức sống tim óc, cùng với sự từ bỏ những hưởng thụ trần gian, để đem lại cho tha nhân niềm ủi an và hy vọng đang hấp hối trong tận cùng tuyệt vọng.

Có thể đưa ra một vài thí dụ:

– Chính vì “chạnh lòng thương” những người phong cùi bị bỏ rơi tại đảo Molokai, Thánh Damien, một linh mục trẻ tuổi tráng kiện Dòng Thánh Tâm, đã tình nguyện đến sống và phục vụ họ, để rồi chia sẻ cả bệnh phong cùi với họ và chết giữa họ.

– Chính vì “chạnh lòng thương” người bạn tù bị lên án tử trong trại giam của Đức Quốc Xã, Thánh Maximillian Maria Kolbe đã tình nguyện xin được chết thay cho bạn tù.

– Chính vì thương những người bần cùng tất bạt đói nghèo trong những khu nhà ở chuột bên Ấn Độ, Mẹ Têrêsa Calcutta đã từ bỏ nếp sống an bình của một nữ tu dạy học để lập nên Dòng Thừa Sai Bác Ái để tạo nên cả một đoàn thừa sai dấn thân tìm đến phục vụ người nghèo như phục vụ chính Chúa Kitô, qua việc yêu mến và săn sóc họ, nhất là sống nghèo như họ…

“Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Ki-tô hữu”.

Âm thầm đó đây, vẫn luôn có những hạt giống âm thầm nảy mầm từ những con người “tử đạo” theo cách riêng của họ.

Và, mãi mãi, cho đến ngày “Nước Cha trị đến”, cuộc chiến bảo vệ Đức Tin vẫn kiên cường trong mọi thành phần Dân Chúa, dù phải đương đầu với cuồng phong bảo tố từ mọi phía. Cuộc chiến ấy đồng nghĩa với sự dấn thân đem niềm tin vào Đức Ki-tô đến mọi nơi tận cùng thế giới.

Lạy Chúa,
Cho con được gọi Ngài,
Khi cuồng phong bão tố đến.
Dù có Ngài trong thuyền đời con,
vẫn có biết bao lần con sợ hãi…

Con Tin ở nơi Chúa,
Nhưng Chúa cũng biết rằng…
Con yếu đuối… Amen.

 Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button