Bên trong cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Đức Phanxicô và các nạn nhân lạm dụng ở Ai Len
Đức Phanxicô trong buổi cầu nguyện ở nhà thờ Đức Mẹ Knock, Ai Len ngày 26.8.2018
irishtimes.com, Ronan McGreevy, 2018-09-01
Thật vững mạnh” – tám nạn nhân của các vụ lạm dụng của giáo sĩ gặp Đức Phanxicô ở nhà Sứ thần Tòa Thánh Ai Len.
Cuộc họp đặc biệt trong lịch sử lâu dài của Giáo hội công giáo ở Ai Len được sắp xếp một cách nhanh chóng.
Tối thứ bảy tuần trước, 25-8, tám nạn nhân trong vụ các giáo sĩ lạm dụng gặp Đức Phanxicô tại nhà Sứ thần Tòa Thánh trên đường Navan. Lời mời chỉ được gởi đến trước chuyến thăm một tuần, sau khi có lời yêu cầu liên tục của Tổng Giám mục Dublin, Tiến sĩ Diarmuid Martin gởi đến Vatican xin Đức Phanxicô dành thời gian để gặp các nạn nhân. Việc xác nhận thời gian và địa điểm chỉ xảy ra ngày hôm trước.
Những người được chọn để gặp Đức Phanxicô là ông Clodagh Malone và ông Paul Redmond, cả hai được sinh ra trong nhà Mẹ và Em bé; ông hội viên hội đồng thành phố Dublin Damian O’Farrell, người bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ bởi một thầy dòng La San; bà Bernadette Fahy, người đã dành phần lớn tuổi thơ của mình ở Nhà Mồ côi Goldenbridge Orphanage; bà Marie Collins nhà vận động nổi tiếng cho các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ; và một nạn nhân vô danh của linh mục ấu dâm tai tiếng Tony Walsh.
Ngoài ra còn có hai linh mục tham dự, cha Joe McDonald của nhà thờ St Matthew ở Ballyfermot và cha Paddy McCafferty thuộc giáo xứ Corpus Christi ở Belfast. Họ cũng là nạn nhân của lạm dụng tình dục và là các nhà chỉ trích mạnh mẽ từ bên trong giáo hội.
Cuộc gặp ở nhà riêng của Tổng Giám mục Dublin ở Drumcondra, sau đó được chuyển đến dinh sứ thần có xe hộ tống Garda đi theo.
Sau một ngày dài bắt đầu trước đó 12 giờ, vào lúc 5g15 chiều, Đức Phanxicô bước vào phòng cùng với thông dịch viên của ngài là cha Mark Miles, một linh mục từ Gibraltar, người đi theo giáo hoàng khắp nơi.
Không có ai khác và không có kiểm tra an ninh. Nhóm không được yêu cầu kiểm tra điện thoại di động của họ khi đến nơi.
Tính không chính thức
Tám người ngồi theo vòng tròn. Đức Giáo hoàng ngồi trước mặt họ. Cha McCafferty lưu ý đến tính không chính thức của cuộc gặp, nhưng bầu khí không thư giãn.
Bà Malone nói:“Chúng tôi nghĩ sẽ có 100 nạn nhân trong căn phòng này. Chúng tôi nghĩ ngài sẽ ban phép lành cho chúng tôi.”
Ông O’Farrell cho biết ông đã viết câu hỏi của mình trên tờ giấy, nghĩ rằng ông sẽ có không quá một hoặc hai phút để nói với giáo hoàng.
Nhóm dự kiến tối đa nửa giờ, nhưng giáo hoàng đã nghe họ trong một tiếng rưỡi. Mỗi người trong số tám nạn nhân đều lần lượt nói. Quá trình này diễn ra chậm chạp vì tất cả đều phải được dịch lại.
Đức Phanxicô nói vài chữ tiếng Anh. Ngài dùng chữ caca tiếng Tây Ban Nha, tương tự là “cứt” để mô tả những người che đậy sự lạm dụng.
Bà Malone bắt đầu, bà xin Đức Phanxicô nói với các bà mẹ sinh con ở nhà Mẹ và Em bé, đi tìm con cái mình không phải là một tội. Thông dịch viên của giáo hoàng đã viết xuống và giáo hoàng đã giảng trong thánh lễ vào ngày hôm sau.
Ông Redmond nói tiếp theo, ông nói có 100.000 bà mẹ và trẻ sơ sinh trong những ngôi nhà này và được giải quyết bằng việc nhận con nuôi ở Ai-len. Giáo hoàng xin nói rõ, ngài diễn tả trên mặt.
Bà Malone nhớ lại: “Ngài giơ tay lên đầu và bắt đầu lắc đầu.”
Đức Phanxicô nói với họ, tại Argentina, các bà mẹ đơn thân bị tách con nhưng con cái của họ được trao cho người thân chứ không giao cho người lạ.
Căng thẳng nhưng lịch sự
Ông O’Farrell nhớ lại, bầu khí căng thẳng nhưng lịch sự. “Thật kiên mạnh, nhưng ngài là người lớn tuổi. Có một ghi nhận về điều này. Bầu khí nồng nhiệt. Mọi người nói với trái tim của họ.”
Ông nêu ra, nhiều nạn nhân bị xâm hại hai lần – đầu tiên do các thủ phạm và sau đó là các nhà dòng với nỗ lực của họ để có được công lý. Ông nói với giáo hoàng rằng ngài nợ một lời xin lỗi các tín hữu – “và tôi không phải là một trong số họ” – những người đã thấy đức tin của minh bị chế giễu vì các hành động của thể chế Giáo hội.
Giáo hoàng chăm chú lắng nghe và kể câu chuyện về một bức thư ngài gửi cho các hồng y trước khi vào mật nghị năm 2013. Ngài kể: “Chúa Giêsu gõ cửa và không phải gõ từ ngoài để kêu gọi chúng ta. Chúa gõ từ bên trong để xin thoát ra khỏi nhà thờ đầy tham nhũng và rác rưởi này.”
Trao đổi đầy thử thách
Bà Marie Collins, người đã từ chức Ủy ban Giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên năm ngoái, bà thất vọng với việc cải cách bị ngăn chặn ở Giáo triều Vatican.
Ủy ban đã đề nghị thiết lập một tòa án trách nhiệm tập trung tại Vatican để xử các giám mục và hồng y, những người bị nghi ngờ bao che các vụ lạm dụng tình dục. Đức Giáo hoàng đã đồng ý với đề nghị này vào thời điểm đó. Tại Dublin bà hỏi, vì sao sau đó Ủy ban này không hoạt động?
Bà Marie Collins, người đã từ chức Ủy ban Giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên năm ngoái
Bà thất vọng cho câu trả lời của mình, trên máy bay về Rôma, giáo hoàng cáo buộc bà bị “ám ảnh” bởi ý tưởng này và ủy ban không phù hợp với các tiêu chuẩn khác nhau ở các giáo hội khác nhau.
Cha McCafferty là người lên tiếng áp chót. Cha nói với giáo hoàng, vài tuần trước cha đã nói với dòng mình ở Belfast là Đức Giáo hoàng không nên đi Ai-Len. Thay vào đó, ngài nên ở lại Rôma và đối phó với những vụ bê bối lạm dụng.
Cha McCafferty nói: “Ngài đã cười và bầu khí được nhẹ hơn.” Nếu không, ông cho biết, cuộc họp “rất căng thẳng và triệt để. Đây không phải là buổi ăn bánh uống trà”.
Cha McCafferty nói ngắn nhưng thích đáng. Cha nói với giáo hoàng: “Những người ở cấp độ cao nhất của Giáo Hội đã che đậy và không xử lý đúng với các cáo buộc lạm dụng này sẽ phải đối diện với hình phạt. Không ai được miễn khỏi sự trục xuất ra khỏi hàng giáo sĩ, đó là hình phạt cuối cùng”.
Cha McCafferty giải thích, bị hoàn tục là hình phạt nặng nhất cho bất cứ tu sĩ nào.
Đức Phanxicô và cha Paddy McCafferty
Cha McDonald là người cuối cùng lên tiếng. Cha thấy lúc này giáo hoàng đã mệt mỏi. Một ngày quá dài với ngài.
Cha McDonald là một trong những nhà phê phán lớn nhất của Giáo hội công giáo. Cha viết cuốn sách Tại sao Giáo hội Ailen xứng đáng để chết. Cha quyết định không mang theo quyển này và thay vào đó, cha tặng giáo hoàng một sách có tựa khiêu khích khác, Năm năm để cứu Giáo hội Ailen.
Cha nêu lên “chủ nghĩa giáo quyền” trong Giáo hội, quan điểm cho rằng các người ủng hộ Vatican quan tâm nhiều đến việc bảo vệ tổ chức hơn là đấu tranh cho các nạn nhân bị ngược đãi.
Đức Giáo hoàng trả lời, ngài nói, hồng y khi họ trở nên hư hỏng, là họ vẫn bị hư hỏng. Ngài nêu lên các vụ tai tiếng trong Giáo hội, trong đó có vụ hồng y Theodore McCarrick, người đã từ chức hồng y sau nhiều cáo buộc lạm dụng (trước khi Đức Phanxicô bị cáo buộc trong một bức thư của cựu sứ thần tại Mỹ) và sự xáo trộn kéo dài của Giáo hội công giáo ở Chi-lê trong việc che đậy sự lạm dụng của các giáo sĩ.
Cha McDonald nói rằng giáo hoàng như bị “rúng động” bởi tầm quy mô của các vụ lạm dụng và khó có thể tin được những gì mình đang nghe.
Cha nói: “Nói theo quan điểm của con người, tôi thấy đây là một người mà theo tôi, bị bởi bóng tối này đè oằn vai. Trước mắr tôi là một người lớn tuổi nghe tất cả những chuyện này, nhưng đồng thời, cũng một cách kỳ lạ, đó là người rất mạnh. Ngài có một cách nào đó rất dứt khoát, rất mạnh hoặc rất kiên trì trong con người mình. Hẳn ngài có một mối quan hệ cá nhân sâu đậm với Chúa Giêsu Nadarét. Nếu không, thì không có một ý nghĩa gì cả.”
Trộn lẫn
Cha McDonald cho biết, nên tha thứ cho Đức Phanxicô khi ngài lẫn lộn nhà Mẹ và Em bé và phòng giặt Mađalêna. “Thẳng thắn mà nói, đa số người Ai Len cũng không phân biệt được các chuyện này”.
Đôi khi trong cuộc họp, có một số quan chức nhẹ nhàng mở cửa nhưng sau đó họ đóng cửa lại. Còn ngoài ra thì mười người trong phòng được họp riêng.
Không ai bảo họ phải kết thúc dù giáo hoàng có một buổi hòa nhạc ở Croke Park và ngài đã trễ. Đức Phanxicô kết thúc bằng lời cầu nguyện. Một số người hiện diện đem ảnh tượng và tràng hạt để Đức Phanxicô làm phép.
Cha McDonald ra về lòng tin tưởng Đức Phanxicô thật sự nghiêm túc muốn làm một cái gì để chống các vụ lạm dụng tình dục.
Cha McDonald tuyên bố: “Sự khác biệt được thấy ngay lập tức trong thánh lễ qua nghi thức thống hối ăn năn”.
“Tôi rất ngạc nhiên về sự dấn thân của ngài, sự quan tâm đầy nhiệt huyết, bền bỉ, sự mong muốn tìm hiểu, luôn liên tục tìm cách để làm rõ. Tôi tìm thấy nơi Đức Phanxicô một người biết Chúa Giêsu”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch