Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Các Giáo hội kitô giáo bị vướng vào cuộc xung đột ở Ukraine

by Phanxicovn

Những lời cầu nguyện cho hòa bình, bàn tay đưa ra từ Tòa Thánh, những bất đồng trong tòa thượng phụ Mátxcơva, sự cam kết mạnh mẽ của giáo dân ở Ukraine… Các Giáo hội chính thống đang đi tới bãi mìn.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2022-03-04

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/03/cac-giao-hoi-kito-giao.jpg

 

Đức Phanxicô và thượng phụ Giáo hội chính thống Nga, Kirill ở Havana, Cuba,  năm 2016.  ALEJANDRO ERNESTO / AP / SIPA

Ngày 28 tháng 2, bốn tờ báo Ý phỏng vấn hồng y Quốc vụ khanh Parolin, ngài yêu cầu chấm dứt leo thang quân sự và các cuộc bắn phá, cũng như mở đầu các cuộc thương thuyết. Ngài cũng  đạt được một hình thức hòa giải ngoại giao, ngài nói: “Trong những năm gần đây, Tòa Thánh đã liên tục theo dõi các sự kiện ở Ukraine, kín đáo và hết sức quan tâm, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để đối thoại với Nga, luôn sẵn sàng giúp đỡ các bên để quay trở lại con đường này.”

Ba ngày trước đó, Đức Phanxicô đã đến sứ quán Nga tại Tòa thánh, đường della Conciliazione, để bày tỏ mối quan tâm của ngài trước cuộc chiến. Một cử chỉ chưa từng có, nằm ngoài mọi thể thức ngoại giao. Ngày 26 tháng 2, ngài điện thoại cho tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sau đó tổng thống đã cám ơn Đức Phanxicô trên Tweeter về “sự ủng hộ tinh thần” của Đức Phanxicô.

Ngài cũng điện thoại cho tổng giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, đang trú dưới tầng hầm của nhà thờ chính tòa Phục sinh ở Kiev, đảm bảo “ngài sẽ làm những gì ngài có thể”. Trong giờ Kinh Truyền Tin chúa nhật ngày 23 tháng 2, ngài lên án “lô-gích của ma quỷ và tàn ác của vũ khí”, ngài kêu gọi ăn chay cầu nguyện cho hòa bình Ukraine ngày thứ tư Lễ Tro.

Ukraine, cái gai trong chân Tòa thánh

Liệu Tòa Thánh có thể đóng vai hòa giải như Đức Gioan XXIII đã làm với Khrushchev trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 không? Thật khó tin, 60 năm qua thế giới đã thay đổi. Bối cảnh, thế giới và các bên đối thoại cũng hoàn toàn khác nhau. “Putin chỉ biết cán cân quyền lực. Đặt mình trên bình diện tinh thần với ông là vô nghĩa. Tha thứ, thương xót… Đó là thứ ngôn ngữ ông giễu cợt”, giáo sư danh dự Yves Hamant của các trường đại học văn minh Nga và Liên Xô cảnh báo.

Hơn nữa, không thể giải mã chính xác thái độ của Tòa thánh, vì thông tin về chủ đề này là một trong những bí mật được giữ tuyệt tối trong thời điểm này, dấu hiệu của thận trọng cực kỳ. Phải nói là Giáo hội đi trên bãi mìn. Bà Constance Colonna-Cesari, tác giả quyển sách Trong bí mật ngoại giao của Vatican (Dans les secrets de la diplomatie vaticane, nxb. (Seuil, 2016) phản ứng: “Ukraine luôn là cái gai của chính sách ngoại giao Vatican.”

Bà tiếp tục: “Giáo hoàng đóng một vai trò tế nhị ở đây, vì ngài luôn muốn duy trì đối thoại tốt đẹp với thượng phụ Mátxcơva Kirill, người mà ngài đã ký một thỏa thuận hiệp nhất ở Havana năm 2016. Nhưng Ukraine là vấn đề làm cho tòa thượng phụ Mátxcơva tức giận, vì đã làm cho họ mất giáo dân kể từ khi một số Giáo hội chính thống ly khai. Đó là trường hợp của Giáo hội chính thống Ukraine, trước sự phẫn nộ của Mátxcơva, Giáo hội này được tòa thượng phụ Constantinople công nhận là “tự trị” năm 2019, và có quan hệ tốt đẹp với Đức Phanxicô.

Một chính sách ngoại giao bị thúc bách

Nhà báo, nhà tiểu luận Bernard Lecomte, chuyên gia về Vatican và Đông Âu, nhận xét: “Giáo hoàng, dù quan điểm cá nhân của ngài về vấn đề này có như thế nào, ngài đều bị đánh giá và phán xét, vì nhất thiết ngài được cho là “nhà lãnh đạo” của người công giáo hy lạp, hiệp nhất với Rôma, và ngài ở trong số những người ác liệt nhất chống lại sự xâm lược của người Nga”. Bằng chứng cho sự bất an là trong chuyến thăm ad limina của các giám mục Ukraine đến Vatican năm 2015, Đức Phanxicô xin họ tìm kiếm hòa bình “nhưng không can dự vào chính trị”.

Theo tóm tắt của tác giả Constance Colonna-Cesari: “Cho đến nay, ngoại giao Vatican tuyên bố phải tôn trọng luật pháp quốc tế và đảm bảo các biên giới được luật quốc tế công nhận, đồng thời kiềm chế không lên án sự xâm lược của Nga. Cuộc chiến ở Ukraine này có thể đánh dấu một bước ngoặt. Nó sẽ cho thấy bước tiến của giáo hoàng và đường lối ngoại giao của ngài. Tác giả Bernard Lecomte nói: “Điều tập hợp các giáo hoàng, trước hết là sự thật. Và trong trường hợp hiện tại, sự thật đang mù mịt, vì vậy nếu giáo hoàng muốn trở thành người trung gian, ngài sẽ phải dùng những cú đánh. Địa bàn này vẫn phải dùng các nguyên tắc mạnh mẽ: đoàn kết, sự thật, và – kể từ thời Đức Gioan Phaolô II – dân chủ và nhân quyền.”

Về phía công giáo và chính thống giáo tại Ukraine, các Giáo hội đều đồng lòng tố cáo chiến tranh. Tổng giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, người đáng lý tham dự cuộc họp quan trọng của các thị trưởng và giám mục Địa Trung Hải ở Florence khi chiến tranh nổ ra, ngay lập tức ngài viết một bức thư gởi cho hồng y Bassetti, hồng y đã đọc thư này trong buổi khai mạc hội nghị. Ngài viết: “Đã đến lúc chúng ta phải kết hợp các nỗ lực để bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhà nước Ukraine. Nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn thể nhân loại ngày nay là cam kết ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ một nền hòa bình công bằng.”

Rạn nứt giữa thượng phụ Kirill và Onuphre  

Giáo chủ Giáo hội chính thống Ukraine, Epiphanius, cũng không có những lời lẽ gay gắt đủ để tố cáo một “cuộc tấn công ngấm ngầm và vô liêm sỉ của Nga và Belarus chống lại Ukraine”. Ngài nói: “Sứ mệnh chung của chúng ta là đẩy lui kẻ thù, bảo vệ quê hương, tương lai của chúng ta và tương lai của các thế hệ tương lai khỏi chế độ bạo tàn mà kẻ tấn công tìm cách mang theo lưỡi lê của họ.” Sự thật ở phía chúng ta. Vì thế với sự giúp đỡ của Chúa và với sự hỗ trợ của tất cả những người văn minh, kẻ thù sẽ bị đánh bại. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là hiệp nhất, chịu đựng cú đòn đầu tiên và không hoảng sợ.”

Một lực mạnh chính thống khác hiện diện ở Ukraine, thượng phụ Giáo hội chính thống Ukraine (chi nhánh của tòa thượng phụ Mátxcơva ở Ukraine), Onuphre ngay lập tức lên án hành động xâm lược bằng cách chỉ đích danh kẻ xâm lược, so sánh cuộc chiến với việc Ca-in giết A-ben, những lời lẽ rất mạnh mẽ, ngài viết: “Rất tiếc, Nga đã bắt đầu hành động quân sự chống lại Ukraine, và vào thời điểm định mệnh này, tôi kêu gọi anh chị em đừng hoảng sợ, hãy dũng cảm và thể hiện tình yêu với đất nước và với chính anh chị em.”

Về phần tòa thượng phụ Mátxcơva, cuộc chiến dường như đã tạo thêm hố sâu giữa thượng phụ Kirill và thượng phụ Onuphre. Trong một bài giảng đọc sau thông điệp của thượng phụ Onuphre, thượng phụ Kirill muốn cầu nguyện cho sự thống nhất của Giáo hội chính thống và cho việc gìn giữ “đất Nga”, ngài nói: “Ngày nay, một phần của Nga là các nước Ukraine, Belarus, các bộ lạc khác và các dân tộc khác”. Ngài tố cáo “thế lực của cái ác, những kẻ đã luôn đấu tranh cho sự thống nhất của nước Nga và cho Giáo hội Nga.” Các tuyên bố được xem là ủng hộ chính sách của Điện Kremlin. Và sự bất hòa với những người của thượng phụ Onuphre luôn bị chất vấn. Giữa các Giáo hội cũng vậy, chiến tranh dường như làm đảo lộn sự cân bằng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button