Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Đức tin Kitô giáo là gì nếu không thực hành?

by Phanxicovn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/duc-tin-kito-giao-630x420.jpg

americamagazine.org, Terrance Klein, 2021-09-15

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/terrance-klein.jpgLinh mục Terrance Klein thuộc giáo phận Dodge, tác giả quyển Vanity Faith.

Suy niệm ngày chúa nhật 25 thường niên

Bài đọc: Sách Khôn ngoan 2:12, 17-20 Sách Giacôbê 3: 16- 4:20 Phúc âm Thánh Máccô  9: 30-37

Đức tin là lời kêu gọi nhiều hơn là tín điều. Đúng, vì đức tin liên hệ đến ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô và những điều Ngài dạy chúng ta, nhưng đức tin là gì nếu không thực hành?

Xem đức tin của chúng ta là lời kêu gọi, là nhận biết, dù chúng ta là ai, chúng ta chỉ mới bắt đầu sống đời sống môn đệ của mình. Thật vậy, chúng ta càng sống chúng ta càng đến gần với Chúa Kitô, chúng ta càng nhận ra bản thân mình thực sự đã ít thần phục vào Chúa nhân lành.

Chúng ta lấy ví dụ của Bà Stahl, một nhân vật phụ trong tiểu thuyết Anna Karenina của văn hào Leo Tolstoy:

Một số người cho rằng bà tạo cho mình một vị trí xã hội là người phụ nữ đức hạnh, đạo đức cao trong khi một số khác cho bà, dù thâm tâm bà cho mình đạo đức cao cả nhưng thực sự bà sống vì lợi ích cho người khác. Không ai biết bà theo tôn giáo nào – Công giáo, Chính Thống hay Tin Lành – nhưng một điều chắc chắn: bà có mối quan hệ thân tình với các cấp cao trong tất cả các Giáo hội và tín ngưỡng.

Bà Stahl khuyến khích cô Kitty, người bà mới quen đọc Phúc âm. Dưới ảnh hưởng của bà, cô cháu Aline tìm những người bất hạnh, giúp đỡ họ nhiều nhất có thể và đọc Phúc âm cho những người bệnh và sắp chết nghe.

Đức tin là lời kêu gọi nhiều hơn là tín điều

Tuy nhiên, khi kể lại những sự việc nhỏ nhất, nhà văn Tolstoy đã minh họa khoảng cách rất xa giữa việc tin vào Chúa Kitô và sống trong Đấng Kitô như môn đệ chân chính của Ngài. Khi cô con gái nuôi Varenka của bà đẩy xe lăn, Bà Stahl được giới thiệu với một ông hoàng Nga. Khi ông nhận xét trong mười năm qua bà ít thay đổi, Bà Stahl nói: “Đúng, Chúa ban cho tôi thập giá và sức mạnh để vác. Tôi thường tự hỏi vì sao cuộc sống này lại vĩnh viễn đến như vậy… Từ phía bên kia!” bà cáu kỉnh nói vì cô Varenka quấn tấm thảm quanh chân bà không đúng cách.

Chúng ta sẽ không thấy thiên tài của nhà văn Tolstoy nếu chúng ta chỉ xem Bà Stahl là người đạo đức giả. Bà là người nghĩ mình đã tin nhận Chúa Kitô. Và bà đã làm như vậy, nhưng chưa sâu đậm đến mức, ít nhất là trong dịp này, nói một cách có đức ái với con gái mình. Dù xác tín của bà như thế nào, cuộc đời của bà vẫn luẩn quẩn trong vòng tội lỗi. Đức tin của bà luôn là lời kêu gọi, chưa là một thành tựu.

Chúng ta chưa biết khoảng cách Bà Stahl phải đi giữa niềm tin và tư cách môn đệ. Đúng, bà cộc lốc nhưng cũng có thể bà đau đớn hay tuyệt vọng. Nhiều vị thánh đã phải chịu đựng những hoàn cảnh tàn ác, thất bại và đau ốm về thể chất. Giáo hội xác định các vị thánh là thánh không phải do tính dễ chịu của họ, nhưng do những điều mà Giáo hội cho là “đức tính anh hùng”, khoảng cách họ phải đi giữa hoàn cảnh và đáp trả bằng nhân đức của họ. Bà Stahl không phải là thánh cũng không phải là đạo đức giả. Bà ở giữa, bà giống như hầu hết chúng ta.

Chúng ta có thực sự tin cậy vào Chúa như một em bé hay không?

Trong Phúc âm của Thánh Máccô, Chúa Giêsu nói về cái chết sắp xảy ra với Ngài. Các môn đệ “không hiểu lời đó và các ông sợ không dám hỏi lại Ngài” (9: 32). Họ tin vào Ngài nhưng họ không thể hiểu được chiều sâu của tư cách môn đệ như Ngài muốn.

Sau đó, Chúa thấy họ đang tranh cãi xem ai trong số họ là người lớn hơn cả. Trong bài học lãnh đạo của Ngài, Chúa Giêsu đề nghị người môn đệ phải như một em bé, người đặt lòng tin và phó thác vào Người Cha nhân từ. Đó cũng là một thách thức lớn với chúng ta. Chúng ta có thực sự tin cậy Chúa theo cách của một em bé không?

Hố phân chia giữa tin và lời kêu gọi cũng xảy ra trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể thấy sự thật này rất rõ ràng trong những cảnh mà nhà văn Tolstoy và Thánh Máccô mô tả. Thật khó để nhìn thấy nó trong cuộc sống của chúng ta. Điều này đòi hỏi phải cầu nguyện, thú nhận tội lỗi và có một đời sống sám hối.

Muốn theo Chúa Giêsu, tin vào Ngài, đó là bước đầu tiên. Chúa của chúng ta rất dịu dàng với chúng ta. Ngài chỉ xin chúng ta làm một bước. Rồi một bước khác sẽ được cho thấy, và Ngài sẽ xin thêm một bước nữa. Như Bà Stahl và những môn đệ đầu tiên, chúng tôi tin. Dù vậy chúng ta thiếu lòng tin của một em bé. Đó là điều làm cho việc đi theo Ngài trở nên vô cùng đáng sợ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button