Cố gắng lắng nghe tiếng nói của Thứ Sáu Tuần Thánh
by Phanxicovn
Ronald Rolheiser, 2022-04-12
Họ sẽ nhìn Đấng mà họ đã đâm! Một câu nói lên tiếng nói được để lại trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Năm 1981, một cô gái trẻ vô danh đã bị các quân nhân ở một địa điểm khuất nẻo hiếp và giết hại dã man ở El Salvador, với tên gọi La Cruz (tình cờ ý nghĩa thay, lại có nghĩa là “Thập giá”). Câu chuyện của cô được nhà báo Mark Danner thuật lại. Danner thuật lại chia sẻ của một vài người lính kể về chuyện sau cuộc thảm sát, một số binh sĩ chia sẻ, nạn nhân của họ đã ám ảnh họ như thế nào, họ không thể nào gạt cô ấy ra khỏi đầu, kể cả khi cô đã chết từ rất lâu.
Họ đã cướp bóc một ngôi làng và cưỡng hiếp nhiều phụ nữ. Một trong số đó, là một cô gái trẻ, một Kitô giáo truyền giáo, đã bị họ cưỡng hiếp nhiều lần nội trong một buổi chiều, còn bị họ tra tấn. Tuy nhiên, dù trải qua chuyện này, cô vẫn bám chặt lòng tin vào Đức Kitô, cô đã hát những bài thánh ca. Những người lính đã xâm hại và cuối cùng giết cô, họ bị ám ảnh vì chuyện này. Tôi xin trích lại lời của Danner:
“Cô ấy cứ tiếp tục hát, kể cả sau những việc họ đã làm với cô, đã bắn cô vào ngực. Cô nằm đó ở La Cruz, máu me tuôn ra từ ngực, mà vẫn hát, dù giọng có yếu đi, nhưng vẫn hát. Và những người lính sững sờ, đứng đó chứng kiến và chỉ trỏ. Rồi họ mệt mỏi vì chuyện này và bắn cô lần nữa, cô vẫn hát, sự ngạc nhiên của họ biến thành sợ hãi – cho đến khi họ lôi mã tấu ra và cắt cổ cô, cuối cùng tiếng hát im bặt”. (Vụ thảm sát ở El Mozote [The Massacre at El Mozote], NY, Vintage Books, 1994, trang 78-79.)
Họ sẽ nhìn cô, người họ đã đâm! Hãy chú ý đại danh từ giống cái ở đây, vì trong trường hợp này, người bị nhìn sau khi bị đâm là một phụ nữ. Chết một cái chết bị sỉ nhục, bất công và bạo lực như thế mà lòng vẫn giữ đức tin và trên môi, điều này làm cho cô giống Đức Kitô khi chịu đóng đinh, và không chỉ vì cô (giống mọi Kitô hữu khác) vốn là một phần trong Nhiệm thể Chúa Kitô. Đúng hơn là trong thời điểm này, với cách chết này, với đức tin thể hiện nơi cô, thì như Chúa Giêsu, cô để lại một tiếng nói không thể bị dập tắt, một tiếng nói ám ảnh những người đã gây bạo lực với cô và ám ảnh tất cả những người đã nghe câu chuyện này.
Điều gì ám ảnh những người lính này? Sự ám ảnh ở đây không phải là cách một oan hồn muốn báo thù bằng cách dọa ma và làm chúng ta gặp ác mộng. Cũng không phải là kiểu ám ảnh do hối hận cay đắng, khi nhận ra một sai lầm quá lớn không thể khắc phục, một sai lầm mà nếu thấy trước hậu quả, chúng ta đã không làm. Đúng hơn, đây là tiếng nói đã ám ảnh chúng ta mỗi khi chúng ta bịt miệng, xâm hại, hoặc giết người vô tội. Đây là tiếng nói mà chúng ta biết không thể bị bịt miệng, và bất chấp những cảm giác tức thời khơi lên trong bản thân, chúng ta nhận ra mình không bao giờ có thể thoát khỏi tiếng nói đó. Mà nghịch lý thay, chính tiếng nói đó mời gọi chúng ta đừng sợ, đừng ghét bản thân, mà hãy ghét những thứ mà nó đại diện.
Gil Bailie, người đã đưa câu chuyện này làm một phần cốt yếu trong quyển sách của ông về thập giá và phi bạo lực, không chỉ nêu ra sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa cách chết của cô gái đó và Chúa Giêsu mà còn nêu ra sự thật rằng, trong cả hai trường hợp, một phần của sự phục sinh chính là tiếng nói của cả hai vẫn sống mãi.
Trong trường hợp của Chúa Giêsu, không một ai chứng kiến cái chết nhục nhã của Ngài trên đồi cao cô độc, lại có thể ngờ rằng đây sẽ là cái chết được ghi nhớ nhất lịch sử. Với cô gái ấy cũng thế. Vụ cưỡng hiếp và giết hại cô xảy ra ở một nơi vô cùng hẻo lánh và những người muốn ghi nhớ câu chuyện của cô cũng đã bị giết. Nhưng tiếng nói của cô vẫn sống, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục vang dội hơn nữa trong lịch sử, rất lâu sau khi những kẻ làm hại cô đã bị lãng quên. Cái chết theo kiểu này hằn dấu lên lương tâm và để lại tiếng vọng trường cửu mà không một ai có thể làm câm lặng.
Khi chúng ta phân tích tất cả những gì có trong tiếng vọng ấy, khi chúng ta suy gẫm Chúa Giêsu trên thập giá hay về cái chết của cô gái trẻ này, chúng ta không thể không cảm thấy một vết thương sâu tận trong lòng. Nhìn vào người mà chúng ta đã đâm, dù là Chúa Giêsu hay là bất kỳ nạn nhân vô tội nào, chính là nhận thức (theo cách xuyên thấu mọi sự làm ngơ tội lỗi và ghê gớm) rằng tiếng nói của tư lợi, bất công, bạo lực, hung ác và cưỡng hiếp, cuối cùng sẽ bị câm lặng bởi tiếng nói của vô tội, nhân từ và trìu mến. Phải, đức tin là chân chính.
Một nhà phê bình quyển sách của Danner trên New York Times nói rằng, sau khi đọc câu chuyện này, ông cứ “mong mỏi một cách vô vọng được nghe tiếng hát ấy”. Trong Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta đọc trình thuật Tin Mừng về cái chết của Chúa Giêsu. Lắng nghe câu chuyện đó, như những người lính đã giết hại tàn nhẫn một cô gái vô tội đầy đức tin, chúng ta được hướng nhìn lên người mà chúng ta đã đâm. Chúng ta cần cố gắng chú tâm lắng nghe tiếng hát ấy hơn nữa.
J.B. Thái Hòa dịch