Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Đức Giáo hoàng bảo vệ người Mapuche, nhưng mời gọi họ chọn con đường tích cực phi bạo lực

Vatican Insider | Andrea Tornielli | 17-01-2018

TEMICO, CHILE

“Küme tünngün ta niemün”, Đức Giáo hoàng Phanxicô mở đầu thánh lễ bằng lời “bình an ở cùng anh chị em” bằng tiếng thổ dân da đỏ Mapuche.

Sáng này 17-01, Đức Giáo hoàng đã bay đến vùng Araucania để gặp “một Chilê khác”, những sắc dân bản địa. Ngài cử hành thánh lễ cho họ tại sân bay Maquehue, ở Temuco. Đây cũng là một nơi mà chế độc độc tài Pinochet đã giam giữ những người bản địa. Đức Giáo hoàng bảo vệ các văn hóa thổ dân, và sự đóng góp của họ trong đời sống quốc gia. Ngài ủng hộ những nỗ lực của họ muốn đòi quyền, mời gọi họ trở thành những “nghệ nhân của hiệp nhất.” Rồi ngài còn nói về nạn bạo lực xảy ra do những hiệp ước không ổn định. Nhưng ngài mời gọi người Mapuche đừng để mình rơi vào cám dỗ nổi loạn vũ trang, bởi “Bạo lực đến tận cùng sẽ biến hầu hết mọi chính nghĩa thành dối trá.”

Vùng đất có hai người đoạt giải Nobel là Gabriela Mistral và Pablo Neruda từng sinh sống, lại là nơi có hơn 26% người dân đói nghèo. Người Mapuche là nhóm thổ dân duy nhất ở Mỹ La tinh tăng trưởng về dân số trong khi các nhóm thổ dân khác đang trong nguy cơ tuyệt diệt. Họ yêu cầu tái phân bổ đất đai mà chính quyền đã sung công và giao cho các địa chủ. Trong nhiều thập kỷ, từ “mapuche” bị dùng với nghĩa khinh thị, gần như đồng nghĩa với thất học. Năm 1987, Đức Gioan Phaolô II cũng đã đến đây, bày tỏ sự quan tâm của ngài với các sắc dân bản địa. Khi chế độc tài chấm dứt vào năm 1993, “luật thổ dân” mới của chính phủ dân chủ đã quyết định đền bù và tái phân bổ đất đai, nhưng lời hứa đó vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Điều này đã góp phần gây ra chủ nghĩa cực đoan và một nhóm nhỏ bạo động. Rạng sáng hôm 17-01, cùng ngày Đức Giáo hoàng đến Temuca, có vài nhà thờ bị đốt ở vùng Araucania này. Còn có thêm ba máy bay trực thăng bị đố ở trong rừng với mục đích “gây rối loạn và phá hoại trật tự xã hội.”

Có khoảng 150.000 người đến dự lễ, vẫn chưa chật kín sân bay, nhưng họ chào đón rất nồng hậu, và mọi người hô vang “Francisco, amigo, Temuco està contigo.” Đầu thánh lễ, một nhóm thổ dân mang trang phục truyền thống đã hát mừng Đức Giáo hoàng, thổi tù và, đánh trống. Đức Phanxicô không chỉ chào hỏi người Mapuche, mà còn hỏi thăm một số đại diện của các sắc tộc thổ dân khác cũng cư ngụ nơi vùng đất phía nam này, là người Rapanui, người Aymara, người Quechua, và người Atacameños.

 

Trong bài giảng, Đức Phanxicô trích lại lời của Violeta Parra, ca sĩ, nhạc sĩ và nhà thơ, “Arauco có nỗi buồn không thể câm nín, những bất công của hàng thế kỷ mà người ta chứng kiến.”

Đức Phanxicô cũng nhắc lại rằng sân bay Maqueue này từng là một nơi bạo lực và vi phạm quyền con người. “Chúng ta dâng thánh lễ này cho những ai đã đau khổ và thiệt mạng, những ai chịu đựng gánh nặng bất công này mỗi ngày. Hy lễ của Chúa Giêsu trên thập giá cũng gắn liền với những đau đớn của anh chị em, và Ngài đã cầu nguyện “xin cho tất cả nên một.” Bởi trong lòng Ngài biết rằng, một trong những mối nguy lớn nhất với các môn đệ và toàn thể nhân loại, chính là sự chia rẽ và đối đầu, sự ngược đãi người ta gây ra cho nhau. Nguyện xin cho thái độ đối đầu và chia rẽ không bao giờ chiếm lấy chúng ta nữa.

Chúng ta phải chống lại những cám dỗ. Một trong những cám dỗ lớn chính là việc lầm lẫn giữa hiệp nhất và đồng nhất. Chúa Giêsu không xin cho tất cả trở nên giống hệt nhau như khuôn, bởi hiệp nhất không phải là trung hòa hay xóa bỏ mọi khác biệt. Hiệp nhất không phải là một thần tượng hay kết quả của sự dung nạp cưỡng bức, cũng không phải sự hòa hợp với cái giá là loại bỏ một số người khác. Sự phong phú của một mảnh đất, được nảy sinh từ khát mong của từng người muốn chia sẽ sự khôn ngoan của vùng mình với người khác.

Hiệp nhất là sự đa dạng được hòa giải, bởi nó sẽ không để những sai lầm của cá nhân hay cộng đồng mượn danh nghĩa hiệp nhất. Chúng ta cần sự phong phú của từng con người, và phải bỏ đi quan niệm rằng có những nền văn hóa cao hơn hay thấp hơn.

Nghệ thuật hiệp nhất cần những nghệ nhân biết cách hòa hợp những khác biệt. Đây không phải là nghệ thuật bàn giấy, mà là công trình cần có sự chú tâm và thông hiểu. Tình đoàn kết sẽ khiến chúng ta nói: Chúng ta cần nhau, và những khác biệt của nhau để mảnh đất này giữ nguyên vẻ đẹp. Đây là điều chúng ta cần để chống lại nạn “phá rừng” hy vọng. Và vì thế chúng ta cầu nguyện: “Xin Chúa biến chúng con thành những nghệ nhân hiệp nhất.”

Cha thấy có hai loại bạo lực không thể chấp nhận được, bởi chúng đe dọa sự phát triển của hiệp nhất và hòa giải. Chúng ta phải cảnh giác với những thỏa thuận “tinh nhã” những thứ không bao giờ đưa vài thực tế. Những lời lẽ văn hoa, những kế hoạch chi tiết, cũng cần, nhưng khi không được áp dụng, thì nó chỉ là những chữ viết không hơn không kém. Đây là bạo lực, bởi nó phá hoại hy vọng.

Và chúng ta phải nhất quyết rằng một nền văn hóa quý trọng lẫn nhau không được dựa trên các hành vi bạo lực và hủy hoại cướp đi mạng sống con người. Không thể đòi quyền cho mình bằng cách hủy hoại người khác, bởi nó chỉ dẫn đến bạo lực và chia rẽ ngày càng tồi tệ. Bạo lực nảy sinh bạo lực, hủy hoại gây thêm chia rẽ.

Đến tận cùng, bạo lực biến hầu hết chính nghĩa thành dối trá. Vì thế chúng ta phải nói “không” với cả hai dạng bạo lực này.

Cả hai cách tiếp cận này đều như dung nham núi lửa, phun ra và đốt cháy mọi thứ trên đường nó đi, chỉ để lại tro tàn và tan hoang. Thay vào đó, chúng ta phải tìm kiếm con đường tích cực phi bạo lực, một phong cách chính trị vì hòa bình. Hãy tìm kiếm, và không bao giờ ngơi nghỉ tìm kiếm, hãy đối thoại vì hiệp nhất. Vì thế chúng ta kêu lên: “Lạy Chúa, xin biến chúng con thành những nghệ nhân hiệp nhất.”

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Bài liên quan

Back to top button