Bản tin Phanxicô.vnTin tức

“Nhân danh Chúa”, 10 lời xin của Đức Phanxicô trong một quyển sách mới

by Phanxicovn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/10/Nhan-danh-Chua-10-1-700x394.jpg

Ngày cầu nguyện cho nạn dịch coronavirus | Ảnh chụp màn hình Vatican Media

cath.ch, I.Media, 2022 -10-18

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/10/Nhan-danh-Chua-10-2-313x480.jpg“Nhân danh Chúa, tôi xin anh chị em…”. Qua 10 lời xin, Đức Phanxicô nói với mọi người về các quan tâm triều giáo hoàng của ngài trong quyển sách xuất bản bằng tiếng Ý ngày 18 tháng 10 năm 2022 (Vi chiedo in nome di Dio, nxb.  Piemme).

Cuốn sách xuyên suốt các chủ đề thiết thân với Đức Phanxicô, từ “không khoan nhượng” các vụ lạm dụng đến việc lên án bạo lực nhân danh Chúa, số phận của người di cư, vai trò của phụ nữ hay quyền được chăm sóc sức khỏe.

Trong văn bản tiếng Tây Ban Nha của nhà báo Argentina Hernán Reyes Alcaide, người đứng đầu Giáo hội công giáo đề cập các vấn đề theo tông giọng cá nhân, qua trao đổi trực tiếp, qua điện thoại và qua e-mail với tác giả. Qua các trang sách, giáo hoàng trích dẫn nhiều tác giả khác nhau (GK Chesterton, Virgil, Dante, Dostoyevsky, v.v.) và vinh danh nữ tu người Pháp Geneviève Jeanningros sống ở Ostia, nước Ý, “sơ đến dự các buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư, mùa hè cũng như mùa đông” và làm việc với những người bị thiệt thòi nhất.

Trong lời tựa, ngài giải thích “nói chuyện với Chúa giống như với nói chuyện mọi người, rất con người”. Ngài nói: “Đôi khi tôi không hiểu Chúa, Chúa có cách hành động của Ngài, tôi không đến được ‘đỉnh cao huyền bí’, trong cuộc đối thoại này nhiều khi là đối thoại không lời.”

Khi nhân loại đang sống trong “thời điểm quan trọng” với cuộc chiến Ukraine và khi thế giới biến một số nơi thành nơi nguy hiểm thì chúng ta không thể ngồi yên, ngài xin mọi người dấn thân để “trở thành sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy”. Đặc biệt ngài xin chúng ta vạch trần những mâu thuẫn của thế giới này, khi một mặt chúng ta phàn nàn bệnh viện thiếu thiếu nguồn lực nhưng mặt khác chúng ta lại trốn thuế.

Sửa chữa, đền bù các vụ lạm dụng là “không bao giờ là đủ”

Trong chương đầu tiên, ngài nói “phải xóa bỏ văn hóa lạm dụng ra khỏi Giáo hội”, ngài xin tha thứ và công nhận chúng ta đã phạm tội nghiêm trọng. Ngài công nhận, bất cứ đền bù nào cho việc làm sai trái trong Giáo hội “sẽ không bao giờ là đủ” khi đối diện với “những điều chúng ta đã làm quá ít trong quá khứ”, ngài khẳng định và nói, một trường hợp lạm dụng duy nhất “tự bản thân nó đã là một thực tế quái dị”, một tội ác man rợ.

Một trong những “sai sót nghiêm trọng nhất” là không xem trọng các câu chuyện của nạn nhân, Đức Phanxicô xin từ nay đừng loại các tố cáo ẩn danh, và ngài muốn sa thải các giám mục khinh suất trong vấn đề này. Ngài cũng bảo vệ giả định vô tội cho đến khi tòa tuyên án.

Tội chống lại hệ sinh thái trong sách giáo lý

Lời kêu gọi thứ hai của Đức Phanxicô: bảo vệ môi trường, vì “không có hành tinh B”, ngài mượn tiêu đề quyển sách bán chạy (Không có hành tinh B). Ngài công kích thói “tham lam, nuốt hết tài nguyên thiên nhiên”, ngài cũng công kích xu hướng “lạc lối khi buôn chuyện” ở cấp độ toàn cầu, ngài lặp lại “thời điểm để hành động là hôm nay, không phải ngày mai”.

Ngài nói: “Chúng ta phải đưa tội ác chống lại sinh thái vào sách Giáo lý.” Ngài kêu gọi các chính phủ áp dụng biện pháp để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu và ca ngợi sự sáng tạo và khả năng phục hồi của những người trẻ, điều mà “ông bà của họ, thế hệ của tôi và cha mẹ của họ đều không có”.

Tiktok trực tuyến không thay thế thánh lễ

Các giới hạn của Trái đất mà Tin Mừng nói, bây giờ là “kỹ thuật số”, Đức Phanxicô viết, ngài khuyến khích sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới kỹ thuật số, nhưng không thay thế thánh lễ bằng Tiktok trực tuyến, cũng không làm meme để bôi nhọ người khác trên mạng. Ngài khẳng định những “like” không thể thay thế sự tiếp xúc giữa con người với nhau.

Ngài xin “truyền thông chống lại tin giả và tránh dùng ngôn từ kích động thù địch”. Trong nghĩa này, ngài lên án những người dùng “tên ảo” trên mạng, hoạt động để gây ảnh hưởng và thao túng dư luận. Ngài khuyên giới truyền thông, “quyền lực thứ tư”, nên xem lại sự độc lập của họ với các cổ đông và các xung đột lợi ích có thể xảy ra, ngài lo cho các cuộc chiến pháp lý (luật pháp) nhằm làm mất uy tín đối phương.

Bênh vực cho “quyền thay đổi, sửa chữa và trở lại”, ngài phản đối “tư tưởng độc tôn” muốn phủ nhận hoặc viết lại lịch sử, đồng thời tuyên bố sẽ “phán xét những sai sót của quá khứ với tờ báo ngày thứ hai trong tay”.

Chiến tranh chính nghĩa, cải tổ Liên Hiệp Quốc, người di cư, phụ nữ…

Trong các chương tiếp theo, Đức Phanxicô nói chuyện với các chính trị gia. Nếu họ không phải là “siêu nhân”, xin họ đừng rơi vào tham nhũng. Ngài còn đi xa hơn, dù “không phải là bất hợp pháp khi bị thu hút bởi tiền bạc, chẳng hạn đi du lịch hạng nhất”, nhưng một chính trị gia phải sống “thanh đạm” và “thắt lưng buộc bụng”.

Đứng lên chống lại sự điên cuồng của chiến tranh, không khi nào được xem “chiến tranh là công chính”, một lần nữa ngài tố cáo sự chi tiêu của thế giới dành cho vũ khí và “sự dễ dàng ngày càng tăng” khi người dân có thể mua vũ khí cá nhân loại nhỏ. Ngài kêu gọi cải tổ Liên Hiệp Quốc: “Với chiến tranh, có hàng triệu người mất tất cả nhưng cũng có một số người kiếm được hàng triệu.”

Trong một chương dành riêng, Đức Phanxicô nói với những người di cư và tị nạn: “Tôi chưa bao giờ quên anh chị em.” Ngài nghĩ rằng “lương tâm” của các nước phát triển nên cân nhắc sự mất mát của từng đời sống anh chị em mình khi họ băng sa mạc, vượt đại dương để có một đời sống tốt hơn”.

Trong một chương nói về sự tham gia của phụ nữ trong xã hội, ngài hy vọng sự phát triển nghề nghiệp và vai trò làm mẹ không phải là những dự án không thích hợp với phụ nữ. Ngài nhắc lại vấn đề, các phụ nữ bị sát hại chỉ vì họ là phụ nữ hoặc họ bị xem là công dân hạng hai. Ngài nói: “Thế giới chúng ta cần nhiều nữ lãnh đạo hơn”, ngài xác định rõ, trong Giáo hội, sẽ không phải là vấn đề nhầm lẫn giữa “vai trò” và “trách nhiệm”.

Một hệ thống kinh tế “bệnh hoạn”

Trong hệ thống kinh tế “bệnh hoạn” và “không bền vững”, “giết chết và loại trừ”, ngài tố cáo “người giàu thì giàu thêm, người nghèo phải chịu cảnh mong chờ nhỏ giọt”. Điều gì đã xảy ra với chúng ta, với tư cách là con người với nhau, đã làm chúng ta không tự hỏi làm thế nào để hội nhập, để nuôi dưỡng, chăm sóc và mặc quần áo cho những người thấp bé nhất xã hội, thay vì loại trừ họ?

Ngài biện hộ cho những quốc gia nghèo bị chết ngộp vì nợ nần, cho các tiểu nông khi mọi người đều dồn về thành phố. Ngài cũng nhắc lại ngài ủng hộ thu nhập cơ bản chung.

Ngài cũng dành một chương cho quyền được chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, ngài xem vắc-xin chống lại coronavirus, mà theo ngài nên được xem là “lợi ích chung của nhân loại”. Ngài xem những người phản đối vắc-xin là “gần với ích kỷ và thiếu đồng cảm”.

Trong khi một số quốc gia, kể cả Pháp, đang xem xét để hợp pháp hóa trợ tử, Đức Phanxicô mời chúng ta đừng nhầm lẫn việc đồng hành với người sắp chết với những thực hành không thể chấp nhận, dẫn đến giết người. Ngài lặp lại, chúng ta phải “đón nhận cái chết” chứ không phải “quản lý cái chết”.

Thêm Abel và bớt Cain

Cuối cùng, trong chương cuối, Đức Phanxicô kêu gọi các tôn giáo đoàn kết “đồng lòng lên án mọi nỗ lực lợi dụng danh nghĩa Đấng Toàn năng để biện minh cho bất kỳ hình thức bạo lực hoặc xâm lược nào”. Ngài khẳng định, không ai có thể nghĩ đến việc lấy Chúa làm lá chắn khi lên kế hoạch và thực hiện các hành vi bạo lực và lạm dụng, vì bạo lực nhân danh Chúa là phản bội tôn giáo.

Ngài cho rằng trên thực tế, chúng ta đã tập trung quá nhiều vào việc thảo luận về những khác biệt nhỏ ngăn cách chúng ta hơn là tập trung vào những điểm tương đồng lớn hơn, mang chúng ta gần lại với nhau”. Thời điểm hiện tại yêu cầu chúng ta phải có nhiều Abel và ít Cain hơn.

Với các chủ đề được đề cập trong quyển sách, trong phần kết luận ngài nói, “không có công thức ma thuật” nào  nhưng chúng ta cần có thái độ đối với cuộc sống để có thể giúp ích. Ngài kết luận, vì vậy, người không có hy vọng sẽ không đi đến đâu. Không giống như lạc quan, hy vọng không bao giờ phản bội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button