Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon

Đức Thánh Cha Phanxico khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon với Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Vatican

‘Thánh Tông đồ Phaolo, nhà truyền giáo lớn nhất trong lịch sử Giáo hội, giúp chúng ta thực hiện thượng hội đồng này, hành trình này với nhau.’

© Vatican Media

06 tháng Sáu, 2019 11:46

JIM FAIR

Đức Thánh Cha Phanxico khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon với Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường VaticanNgày 6 tháng Mười, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico dâng Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Vatican nhân dịp khai mạc Đại Hội đồng Đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục cho Vùng Pan-Amazonian.

Thượng Hội đồng được dự liệu trước diễn ra trong Vatican, trong Khán phòng New Synod, cho đến ngày 27 tháng Mười về chủ đề: Amazonia: những con đường mới cho Giáo hội và một hệ sinh thái toàn diện. Ngoài những tham dự viên trong thượng hội đồng thì các tân hồng y cũng tham dự trong Thánh Lễ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc những người tham dự Thánh Lễ lời của Thánh Phaolo gửi Ti-mô-thê: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2 Tm 1:6).

Đức Thánh Cha giải thích: “Chúng ta là giám mục vì chúng ta đã lãnh nhận một đặc sủng của Thiên Chúa. Chúng ta không ký hợp đồng; chúng ta không lập hợp đồng lao động. Tuy nhiên, bàn tay đặt trên đầu chúng ta để đến phần mình, chúng ta cũng có thể là những bàn tay vươn lên để cầu xin với Chúa Cha, là những bàn tay trợ giúp vươn tới anh chị em của chúng ta.

“Chúng ta đã lãnh nhận đặc sủng để chúng ta cũng có thể trở thành một đặc sủng. Không thể mua bán, làm thương mại những đặc sủng; chúng được lãnh nhận và được cho đi. Nếu chúng ta ôm giữ lấy chúng, nếu chúng ta biến mình thành trung tâm điểm chứ không phải là đặc sủng chúng ta đã lãnh nhận, thì chúng ta trở thành những công chức quan liêu, không phải là những mục tử. Chúng ta biến đặc sủng đó thành một nghề và tính nhưng không của nó bị mất đi. Cuối cùng chúng ta chỉ phục vụ bản thân và lợi dụng Giáo hội.”

Đức Thánh Cha nhắc những tham dự viên thượng hội đồng rằng ngọn lửa để “nhóm lại” những đặc sủng phải đến từ Thánh Thần. Và ngài nhấn mạnh rằng họ được kêu gọi đến với Thượng Hội đồng để phục vụ và phải luôn đặt Thiên Chúa vào trung tâm của công việc.

Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Thánh Tông đồ Phaolo, nhà truyền giáo lớn nhất trong lịch sử Giáo hội, giúp chúng ta thực hiện “thượng hội đồng” này, “hành trình này với nhau”. Những lời của ngài gửi Ti-mô-thê dường như là gửi đến chúng ta, là những mục tử phục vụ Dân Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxico khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon với Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Vatican

Trước hết Thánh Phaolo nói với Ti-mô-thê: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2 Tm 1:6). Chúng ta là giám mục vì chúng ta đã lãnh nhận một đặc sủng của Thiên Chúa. Chúng ta không ký hợp đồng; chúng ta không lập hợp đồng lao động. Tuy nhiên, bàn tay đặt trên đầu chúng ta để đến phần mình, chúng ta cũng có thể là những bàn tay vươn lên để cầu xin với Chúa Cha, là những bàn tay trợ giúp vươn tới anh chị em của chúng ta. Chúng ta đã lãnh nhận đặc sủng để chúng ta cũng có thể trở thành một đặc sủng. Không thể mua bán, làm thương mại những đặc sủng; chúng được lãnh nhận và được cho đi. Nếu chúng ta ôm giữ lấy chúng, nếu chúng ta biến mình thành trung tâm điểm chứ không phải là đặc sủng chúng ta đã lãnh nhận, thì chúng ta trở thành những công chức quan liêu, không phải là những mục tử. Chúng ta biến đặc sủng đó thành một nghề và tính nhưng không của nó bị mất đi. Cuối cùng chúng ta chỉ phục vụ bản thân và lợi dụng Giáo hội.

Nhờ vào đặc sủng chúng ta đã lãnh nhận, đời sống của chúng ta hướng đến việc phục vụ. Khi Tin mừng nói đến “những người hầu bất tài” (Lc 17:10), nó nhắc chúng ta nhớ đến điều này. Cách diễn đạt đó cũng có thể có nghĩa là “những người hầu vô dụng.” Nói cách khác, chúng ta không phục vụ vì ích lợi hoặc thu vén cho cá nhân, nhưng vì chúng ta đã đón nhận nhưng không và để đáp lại cũng cho đi một cách nhưng không (x. Mt 10:8). Niềm vui của chúng ta hoàn toàn nằm trong việc phục vụ vì trước hết chúng ta đã được Thiên Chúa phục vụ, Đấng trở thành người phục vụ cho tất cả chúng ta. Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm nhận thấy tiếng gọi phục vụ ở đây; chúng ta hãy đặt đặc sủng của Chúa vào trung tâm.

Để nên trung thành với tiếng gọi của chúng ta, sứ vụ của chúng ta, Thánh Phaolo nhắc chúng ta rằng đặc sủng của chúng ta phải được nhen nhóm lại. Hình ảnh ngài sử dụng là cho củi vào để nhóm lửa (anazopyrein). Ơn chúng ta đã lãnh nhận là một ngọn lửa, một tình yêu rực cháy với Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Một ngọn lửa không tự nó cháy lên; nó phải được nhóm lên bằng không nó sẽ tắt; trở thành tro tàn. Nếu mọi việc tiếp tục theo lối cũ, nếu chúng ta trải qua mọi ngày với sự bằng lòng rằng “đây là cách mọi việc vẫn luôn được thực hiện,” thì ơn sủng sẽ lụi tàn, bị bóp nghẹt bởi những tro tàn của sự sợ hãi và sự lo lắng để bảo vệ cho trạng thái nguyên vẹn. Tuy nhiên, “Giáo hội không thể nào giới hạn công việc mục vụ của mình trở thành ‘việc bảo dưỡng định kỳ’ cho những người đã biết Tin mừng Chúa Ki-tô. Sự vươn xa của việc truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng cho sự trưởng thành của một cộng đoàn hội thánh” (Đức BENEDICT XVI, Tông huấn Verbum Domini, 95). Chúa Giê-su không đến để mang theo một cơn gió thoảng nhẹ của buổi tối, nhưng để thắp lên ngọn lửa trên thế gian.

Ngọn lửa để thắp sáng lại ơn sủng là Chúa Thánh Thần, Đấng tặng ban những ơn sủng. Vì vậy Thánh Phaolo tiếp tục nói: “Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta” (2 Tm 1:14). Và nhắc lại: “Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh” (c. 7). Không phải là sự nhút nhát, nhưng là sự cẩn trọng. Thánh Phaolo đặt sự cẩn trọng đối nghịch lại với tính nhút nhát. Vậy sự cẩn trọng của Thần Khí là gì? Như Giáo lý dạy rằng sự cẩn trọng “thì không lẫn lộn với sự nhút nhát hay sợ hãi”; nhưng nó là “đức tính sắp xếp những lý do thực tế để phân định sự thiện thật sự của chúng ta trong mọi hoàn cảnh và chọn phương thế đúng để đạt được nó” (s. 1806).

Tính cẩn trọng không phải là sự thiếu quả quyết; nó không phải là thái độ tự vệ. Nó là nhân đức của người mục tử, để phục vụ với sự khôn ngoan, có thể phân định, biết đón nhận tính mới mẻ của Thần Khí. Thắp lại ngọn lửa ơn sủng của chúng ta trong lửa của Thần Khí là đối nghịch lại với việc để cho mọi việc trôi theo dòng của nó mà không làm gì cả. Xin Thần Khí, Đấng làm mọi sự trở nên mới, ban cho chúng ta sự cẩn trọng táo bạo của Người; xin Người truyền cảm hứng cho Thượng Hội đồng của chúng ta để làm mới lại những con đường của Giáo hội ở Amazonia, để ngọn lửa sứ vụ sẽ tiếp tục bùng cháy.

Đức Thánh Cha Phanxico khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon với Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Vatican

Như chúng ta thấy trong câu truyện của bụi gai bốc cháy, ngọn lửa của Thiên Chúa bùng cháy nhưng không thiêu hủy (x. Xh 3:2). Đó là ngọn lửa của tình yêu rực sáng, sưởi ấm và trao tặng sự sống, không phải là ngọn lửa hừng hực và thiêu rụi. Khi các dân tộc và các văn hóa bùng lên nhưng không có lòng yêu thương và tôn trọng thì đó không phải là lửa của Thiên Chúa nhưng là lửa của thế gian. Tuy nhiên, không biết bao nhiêu lần ơn của Chúa bị áp đặt, không phải là trao tặng; không biết bao nhiêu lần có sự thuộc địa hóa hơn là phúc âm hóa! Xin Chúa giữ gìn chúng ta khỏi lòng tham lam của những hình thức của chủ nghĩa thực dân mới. Ngọn lửa được nhóm lên bởi lợi lộc sẽ tàn phá, cũng như ngọn lửa gần đây đã tàn phá Amazonia, đó không phải là lửa của Tin mừng. Lửa của Thiên Chúa thì ấm áp và thu hút và tập hợp tạo sự hiệp nhất. Ngọn lửa được nuôi dưỡng bằng sự chia sẻ, không phải bằng những lợi nhuận. Ngược lại, ngọn lửa phá hủy bùng lên khi con người chỉ muốn thúc đẩy những ý tưởng của riêng họ, thành lập những nhóm riêng, quét sạch những khác biệt với ý đồ biến mọi người và mọi sự trở nên đồng nhất.

Để nhen nhóm lại ơn sủng; để chào đón sự cẩn trọng can đảm của Thần Khí; để trung thành với tính mới mẻ của Ngài, Thánh Phaolo chuyển sang một lời khuyên cuối cùng: “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa” (2 Tm 1:8). Phaolo yêu cầu Ti-mô-thê làm chứng tá cho Tin mừng, chịu đau khổ vì Tin mừng, nói tóm lại là sống Tin mừng. Việc loan báo Tin mừng là tiêu chuẩn chính yếu của đời sống Giáo hội. Ngay sau đó, Thánh Phaolo viết: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế” (4:6). Rao giảng Tin mừng là sống như một sự hiến dâng, làm chứng đến tận cùng, trở nên tất cả cho mọi người (x. 1 Cr 9:22), yêu thương đến mức chịu tử đạo. Thánh Tông đồ nói rất rõ rằng Tin mừng không được phục vụ bằng sức mạnh thế gian, nhưng chỉ bằng sức mạnh của Thiên Chúa: bằng sự bền chí trong tình yêu khiêm nhường, bằng cách vững tin rằng con đường thật sự duy nhất để có được sự sống là mất nó trong yêu thương.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lên Chúa Giê-su chịu đóng đinh, nhìn vào trái tim bị đâm thâu của Người vì ơn cứu độ cho chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu từ đó, nguồn mạch ơn sủng đã trao ban sự sống cho chúng ta. Từ trái tim đó, Thần Khí là Đấng canh tân đã tuôn đổ ra (x. Ga 19:30). Vậy thì, từng người chúng ta hãy cảm nhận được tiếng gọi trao tặng sự sống. Quá nhiều người anh chị em chúng ta ở Amazonia đang phải mang những thánh giá nặng nề và chờ đợi sự an ủi giải phóng của Tin mừng, sự chăm sóc yêu thương của Giáo hội. Chúng ta hãy cùng đồng hành với nhau vì họ và cùng với họ.

© Libreria Editrice Vatican

[01589-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/10/2019]

Bài liên quan

Back to top button