Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Đức Thánh Cha Phanxicô nêu những gương mẫu của hai Thánh Phêrô và Phaolô trong Thánh Lễ kính hai Thánh

https://lh5.googleusercontent.com/c_0ONRnUvvxO-4WCgusZgoHJ60uDNRevYsNr3zvVreKiEDaEZABAHrhg61-bNL9fyo-j72wU6B7Fik0t0AkDtFruF0De4CqrNQXhYfEamMwlvV4xbvOH6GfNNomrKrAzDZpC6X_s
© Vatican Media

‘Chúa không thực hiện phép lạ với những người xem mình là người công chính, nhưng với những người biết rằng mình bất toàn.’

29 tháng Sáu, 2019 16:30

JIM FAIR

Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ kính Thánh Phê-rô và Phao-lô và nhắc nhở người Ki-tô hữu về chứng nhân vĩ đại của hai thánh: chứng nhân cho cuộc sống, chứng nhân cho sự tha thứ, chứng nhân cho Chúa Giê-su. Và ngài nhấn mạnh rằng hai vị thánh không được chọn giữ những vai trò trong lịch sử của đức tin vì họ hoàn hảo.

Những phân tích của Đức Thánh Cha trong bài giảng Thánh Lễ trong đó có nghi thức làm phép dây pallium cho 31 Tổng Giám mục Chính tòa được tấn phong năm trước. Giảng trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Phanxico cho thấy Thánh Phê-rô và Phao-lô như là những mẫu gương về cách Thiên Chúa sử dụng những người bé mọn nhất để thực hiện những điều vĩ đại nhất.

“Có một bài học rất lớn ở đây: điểm khởi đầu của đời sống Ki-tô hữu không phải là sự hoàn hảo của chúng ta; quả thật, Chúa có thể thực hiện được rất ít với những người cho rằng họ là tốt lành và xứng đáng,” Đức Phanxico giải thích. “Bất cứ khi nào chúng ta cho rằng mình thông minh hơn hoặc tốt lành hơn người khác, thì đó là sự khởi đầu của điểm kết thúc.

Chúa không thực hiện phép lạ với những người xem mình là người công chính, nhưng với những người biết rằng mình bất toàn. Ngài không bị cuốn hút bởi sự tốt lành của chúng ta; đó không phải là lý do tại sao Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương con người thật của chúng ta; Ngài tìm kiếm những người không tự phụ, nhưng sẵn sàng mở tâm hồn ra với Ngài, những người thẳng thắn trước mặt Chúa như Phê-rô và Phao-lô.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô đứng trước chúng ta như là những chứng nhân. Các ngài không bao giờ mệt mỏi với việc rao giảng và đi trên hành trình như là những nhà thừa sai từ quê hương của Chúa Giê-su đến Roma. Và tại đây các ngài đã đưa ra chứng tá cuối cùng, dâng hiến mạng sống của các ngài làm người tử đạo. Nếu chúng ta bước vào trung tâm của chứng tá đó, chúng ta có thể thấy các ngài như là những chứng nhân cho cuộc sống, chứng nhân cho sự tha thứ và chứng nhân cho Chúa Giê-su.

Chứng nhân cho cuộc sống. Dù rằng đời sống của các ngài chẳng toàn vẹn hay chính trực. Cả hai đều vô cùng mộ đạo: Phê-rô là một trong những người môn đệ đầu tiên (x. Ga 1:41), và Phao-lô thì “rất nhiệt thành với những truyền thống của cha ông” (Gl 1:14). Nhưng các ngài cũng đã phạm những lỗi lầm rất lớn: Phê-rô đã chối Chúa, trong khi Phao-lô thì bách hại Giáo hội của Chúa. Cả hai đều bị những câu hỏi của Chúa Giê-su đánh thẳng vào lòng: “Simon con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21:15); “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi lại bắt bớ ta?” (Cv 9:4). Phê-rô buồn phiền vì câu hỏi của Chúa Giê-su, trong khi Phao-lô thì bị mù vì những lời của Người. Chúa Giê-su đã gọi tên họ và thay đổi cuộc đời của họ. Sau tất cả những việc xảy ra, Ngài đặt niềm tin nơi các ông, vào người đã chối Ngài và người đã bắt bớ những kẻ đi theo Ngài, và hai tội nhân ăn năn hối cải. Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Chúa lại không chọn cho chúng ta hai chứng nhân với sự chính trực vẹn toàn, với hồ sơ sạch sẽ và đời sống không chê vào đâu được? Tại sao lại là Phê-rô, trong khi có Gioan? Tại sao là Phao-lô, mà lại không phải là Ba-na-ba?

Có một bài học rất lớn ở đây: điểm khởi đầu của đời sống Ki-tô hữu không phải là sự hoàn hảo của chúng ta; quả thật, Chúa có thể thực hiện được rất ít với những người cho rằng họ là tốt lành và xứng đáng. Bất cứ khi nào chúng ta cho rằng mình thông minh hơn hoặc tốt lành hơn người khác, thì đó là sự khởi đầu của điểm kết thúc. Chúa không thực hiện phép lạ với những người xem mình là người công chính, nhưng với những người biết rằng mình bất toàn. Ngài không bị cuốn hút bởi sự tốt lành của chúng ta; đó không phải là lý do tại sao Ngài yêu thương chúng ta. Người yêu thương con người thật của chúng ta; Ngài tìm kiếm những người không tự phụ, nhưng sẵn sàng mở tâm hồn ra với Ngài, những người thẳng thắn trước mặt Chúa như Phê-rô và Phao-lô. Phê-rô ngay lập tức thưa với Chúa Giê-su: “Con là một kẻ tội lỗi” (Lc 5:8). Phao-lô thì viết rằng ông là “người hèn mọn nhất trong các tông đồ, không đáng được gọi là Tông đồ” (1 Cr 15:9). Trong suốt cuộc đời, các ông luôn giữ lòng khiêm nhường này cho đến tận cùng. Phê-rô chịu đóng đinh ngược vì ông cho rằng mình không xứng đáng được bắt chước Chúa của ông. Phao-lô thì luôn luôn rất thích cái tên của ông, nó có nghĩa là “nhỏ bé,” và bỏ đi tên khai sinh của ông, Sa-un, là tên của vị vua đầu tiên của dân tộc. Cả hai ông đều hiểu rằng sự nên thánh không có trong việc tự đề cao nhưng ở trong sự hạ mình. Sự nên thánh không phải là một cuộc thi, nhưng là một câu hỏi về việc phó thác sự nghèo nàn của riêng mình mỗi ngày cho Chúa, Đấng thực hiện những điều vĩ đại cho những ai khiêm hạ. Đâu là bí mật làm cho hai ông kiên trì giữa những yếu đuối? Đó là sự tha thứ của Chúa.

Chúng ta cũng hãy nghĩ về các ông như là những chứng nhân của sự tha thứ. Trong những lần vấp ngã, các ông gặp được lòng thương xót mạnh mẽ của Chúa, Đấng ban cho họ sự tái sinh. Trong sự tha thứ của Người, các ông nhận được sự bình an và niềm vui vô biên. Nhớ lại về những cú vấp ngã, các ông có thể đã trải qua những cảm giác tội lỗi. Không biết bao nhiêu lần Phê-rô đã nghĩ về việc chối thầy! Không biết bao nhiêu day dứt mà Phao-lô đã cảm nhận khi nghĩ lại việc ông đã làm tổn thương quá nhiều người vô tội! Đối với con người, các ông đã thất bại. Tuy nhiên họ đã gặp được một tình yêu còn lớn hơn cả những vấp phạm của họ, một sự tha thứ đủ mạnh để chữa lành những cảm giác tội lỗi của họ. Chỉ khi chúng ta trải nghiệm được sự tha thứ của Chúa thì chúng ta mới thật sự trải nghiệm được sự tái sinh. Từ đó chúng ta lại bắt đầu trở lại, từ sự tha thứ; từ đó chúng ta tái khám phá chúng ta thật sự là ai: trong việc xưng thú tội lỗi của mình.

Là những chứng nhân cho cuộc sống và sự tha thứ, cuối cùng Phê-rô và Phao-lô làm chứng nhân cho Chúa Giê-su. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” Những câu trả lời gợi lên những nhân vật của quá khứ: “Gioan Tẩy Giả, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a hay là một trong các ngôn sứ.” Những con người xuất chúng, nhưng tất cả họ đã chết. Thay vì vậy Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô” (Mt 16:13-14.16). Đấng Ki-tô tức là Đấng Mê-xi-a. Một từ ngữ không chỉ về quá khứ nhưng chỉ về tương lai: Đấng Mê-xi-a là Đấng được mong đợi, Người là sự mới mẻ, là Đấng mang việc xức dầu của Thiên Chúa đến cho thế gian. Chúa Giê-su không phải là quá khứ, nhưng là hiện tại và tương lai. Ngài không phải là một nhân vật lỗi lạc xa xưa để tưởng nhớ, nhưng là Đấng mà Phê-rô nói lên một cách thân thương: Thầy là Đấng Ki-tô. Với những người làm chứng nhân cho Ngài, Chúa Giê-su còn hơn là một nhân vật lỗi lạc của lịch sử: Ngài là một người đang sống: Ngài là sự mới mẻ, không phải là những điều chúng ta đã nhìn thấy, nhưng là sự mới mẻ của tương lai chứ không phải là ký ức của quá khứ. Như vậy, chứng nhân không phải là người biết câu chuyện của Chúa Giê-su, nhưng là người đã trải nghiệm được câu chuyện tình yêu với Giê-su. Và cuối cùng chứng nhân chỉ loan báo điều này: rằng Chúa Giê-su đang sống và Ngài là mầu nhiệm của sự sống. Thật vậy, Phê-rô sau khi nói: “Thầy là Đấng Ki-tô, thì ông tiếp tục nói: “Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16). Chứng nhân xuất hiện từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su hằng sống. Trung tâm đời sống của Phao-lô cũng vậy, chúng ta cũng tìm thấy cùng một lời bật ra từ tâm hồn của Phê-rô: Đấng Ki-tô. Phao-lô liên tục lặp lại lời này, gần bốn trăm lần trong các thư của ông! Với ông, Đấng Ki-tô không chỉ là một mẫu gương, một tấm gương, một điểm tham chiếu: Ngài chính là sự sống. Phao-lô viết: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Phl 1:21). Chúa Giê-su là hiện tại của Phao-lô và tương lai của ông, đến mức ông xem quá khứ như là rác khi so sánh với mối lợi tuyệt vời được biết Đức Ki-tô (x. Phl 3:7-8).

Anh chị em thân mến, trước những chứng nhân này, chúng ta tự hỏi: “Mỗi ngày tôi có làm mới lại sự gặp gỡ với Chúa Giê-su hay không?” Chúng ta có thể tò mò về Chúa Giê-su, hay quan tâm đến những vấn đề của Giáo hội hoặc những bản tin tôn giáo. Có thể chúng ta mở các trang trên internet và báo chí, và nói về những điều thiêng liêng. Nhưng đây mới chỉ dừng lại ở mức độ người ta nói gì? Chúa Giê-su không quan tâm đến những cuộc thăm dò dư luận, lịch sử đã qua hay những bản thống kê. Người không tìm những nhà biên tập tôn giáo, và càng không phải là “trang nhất” hay những Ki-tô hữu “theo thống kê.” Người tìm những chứng nhân nói với Người mỗi ngày: “Lạy Chúa, Người là sự sống của con.”

Gặp gỡ Chúa Giê-su và trải nghiệm sự tha thứ của Người, hai Tông đồ làm chứng cho Ngài bằng cách sống một đời sống mới: họ không cố níu lại nhưng hoàn toàn dâng hiến bản thân. Họ không còn hài lòng với những giải pháp nửa vời nhưng là ôm trọn lấy giải pháp duy nhất dành cho những người đi theo Chúa Giê-su: đó là giải pháp của tình yêu vô biên. Họ “đổ máu ra làm lễ tế” (x. 2 Tm 4:6). Chúng ta hãy xin ơn để không trở thành những Ki-tô hữu hờ hững sống nửa vời, để cho tình yêu của mình trở nên lạnh lẽo. Chúng ta hãy tái khám phá chúng ta thật sự là ai qua một mối quan hệ mỗi ngày với Chúa Giê-su và qua sức mạnh tha thứ của Ngài. Cũng như Ngài hỏi Phê-rô, Chúa Giê-su hôm nay hỏi chúng ta: “Còn con nói Ta là ai?”, “Con có yêu mến Ta không?” Chúng ta hãy để cho những lời này thấm đẫm vào tâm hồn của chúng ta và thúc đẩy chúng ta không bằng lòng với những sự tối thiểu, nhưng là hướng đến những đích cao để chúng ta cũng trở thành những chứng nhân sống của Chúa Giê-su.

Hôm nay chúng ta chúc lành những dây pallium cho các Đức Tổng Giám mục Chính tòa đã được tấn phong năm trước. Dây pallium gợi lại hình ảnh con chiên mà người mục tử được kêu gọi vác trên vai mình. Nó là một dấu chỉ rằng người mục tử không sống cho bản thân nhưng cho đàn chiên. Nó là một dấu chỉ rằng, để có được sự sống chúng ta phải mất nó, phải hiến dâng nó. Hôm nay theo truyền thống tốt đẹp một Phái đoàn từ các Tòa Thượng phụ Đại kết cùng chia sẻ niềm vui của chúng ta, và tôi xin gửi lời chào thân ái đến mọi thành viên. Anh em thân mến, sự hiện diện của anh em nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cùng nỗ lực trên hành trình tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các tín hữu, trong sự hiệp thông ở mọi cấp độ. Vì được hòa giải với Thiên Chúa và tha thứ cho nhau, chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho Chúa Giê-su bằng đời sống của chúng ta.

 

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/6/2019]

 

Bài liên quan

Back to top button