Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Đức Thánh Cha thúc giục các bác sĩ Công giáo hãy nhớ cách Chúa Giêsu chữa lành

https://lh5.googleusercontent.com/_NWOrvE0CzYJbkAZ2fcLnDIK-BVeDOKFnLAG-MW3TTuqYzAspgNrRvVbf4DT37_t0sznCMVY9osyn02xbvA4nDilj_7U_MlSK_RM1U5_ytY26qiTxVdyxu_4ign990Db25ER0oeF
© Vatican Media

Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Y khoa Công giáo ở Roma tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giê-su

24 tháng Sáu, 2019 01:23

JIM FAIR

Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra lời khuyên cho các bác sĩ ngày 22 tháng Sáu năm 2019: hãy nhớ cách Chúa Giê-su chữa lành.

Những lời của Đức Thánh Cha trong khán phòng Sala Regia của Điện Tông Tòa Vatican, tại đây ngài tiếp các thành viên của Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Y khoa Công giáo (FIAMC), họp tại Roma để cử hành sự tận hiến của Liên đoàn cho Thánh Tâm Chúa Giê-su (Đại học Giáo hoàng Urban, từ 21 đến 22 tháng Sáu, 019).

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng những Ki-tô hữu tiên khởi thường miêu tả Chúa Giê-su như một thầy thuốc, như một người chữa lành cho các người bệnh. Và quan tâm chăm sóc cho người bệnh là một hoạt động trung tâm trong đời sống công khai của Chúa Giê-su. Chữa lành bao gồm việc chữa những căn bệnh về thể lý — và trừ quỷ cho những người đã bị quỷ ám. Nhưng không chỉ là việc Chúa làm nhưng chính là cách Chúa làm việc đó, Đức Thánh Cha nói.

“Cách Chúa Giê-su chăm sóc cho người bệnh và người đau khổ cũng rất quan trọng,” Đức Phanxico nói. “Người thường chạm đến những người này và cho phép mình được đụng chạm đến bởi họ, ngay cả trong những trường hợp bị coi là không được phép … Với Chúa Giê-su, chữa lành có nghĩa là đến gần với con người, cho dù có những lúc có người ngăn cản không cho Ngài làm việc đó, như trong trường hợp anh mù Ba-ti-mê, trong thành Giê-ri-cô.

“Cuối cùng, việc chăm sóc của Chúa Giê-su cũng đồng nghĩa với việc trỗi dậy và sai đi theo con đường của Ngài đối với những người được Ngài đụng chạm đến và chữa lành. Có nhiều người bệnh sau khi được Chúa Ki-tô chữa lành đã trở thành môn đệ và những người đi theo Ngài.”

Đức Thánh Cha công nhận những tiến bộ to lớn trong việc chăm sóc y tế trong thế kỷ qua. Nhưng ngài nhắc nhở những người hiện diện rằng trong cách điều trị thì phần thuộc về con người vẫn như vậy.

“Anh chị em được kêu gọi có sự chăm sóc dịu dàng và tôn trọng phẩm giá và tính toàn vẹn về thể lý và tinh thần của con người,” Đức Thánh Cha nói với các bác sĩ. “Anh chị em được kêu gọi phải biết chăm chú lắng nghe, trả lời bằng ngôn ngữ phù hợp, đi kèm với những cử chỉ chăm sóc, làm cho họ cảm nhận tình người hơn và từ đó đạt hiệu quả hơn. Anh chị em được kêu gọi hãy động viên, an ủi, vực dậy, trao niềm hy vọng. Không thể chăm sóc và chữa lành một người nếu không có hy vọng; về vấn đề này, tất cả chúng ta đều cần có và cảm tạ Chúa, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng. Nhưng cũng tri ân những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa.”

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện:

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa đức Hồng y

Thưa ông Chủ tịch

Anh chị em thân mến!

Tôi xin chào mừng anh chị em và tôi cảm ơn Đức Hồng y Turkson vì những lời của ngài. Tôi rất trân trọng điều đó, trong cuộc họp này, anh chị em mong muốn thực hiện một hành động đặc biệt là Tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giê-su, và tôi sẽ dâng lời cầu nguyện để công việc trở nên đầy hoa trái cho anh chị em. Tôi muốn chia sẻ một vài suy tư đơn sơ với anh chị em.

Những Ki-tô hữu tiên khởi thường miêu tả Chúa Giê-su như một “thầy thuốc”, luôn đặt nặng vào sự quan tâm chú ý, đầy lòng trắc ẩn, mà Ngài dành cho những người chịu đau khổ ở mọi giai đoạn của căn bệnh. Sứ vụ của Ngài trên hết bao gồm sự gần gũi với người bệnh và những người chịu sự khuyết tật, đặc biệt là những người do tình trạng khuyết tật mà bị khinh bỉ hoặc bị gạt ra bên lề. Bằng cách này, Chúa Giê-su phá đổ cách phán xét kết án thường gán cho người bệnh một cái nhãn là người tội lỗi; qua sự gần gũi đầy lòng trắc ẩn như vậy, Người bày tỏ tình yêu vô biên của Chúa Cha dành cho những đứa con thiếu thốn nhất của Người.

Vì vậy, sự quan tâm chăm sóc cho người bệnh là một trong những chiều kích căn bản của sứ mạng của Đức Ki-tô; và vì lý do này, việc đó vẫn liên tục duy trì trong sứ mạng của Giáo hội. Trong các Tin mừng có thể thấy rõ một sự liên kết giữa việc giảng dạy của Đức Ki-tô và những việc chữa lành mà Ngài thực hiện cho những người “mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt” (Mt 4: 24).

Cách Chúa Giê-su chăm sóc cho người bệnh và người đau khổ cũng rất quan trọng. Người thường chạm đến những người này và cho phép mình được đụng chạm đến bởi họ, ngay cả trong những trường hợp bị coi là không được phép. Chẳng hạn, Người làm điều này với người phụ nữ đã nhiều năm bị băng huyết: Người cảm nhận rằng Người bị đụng chạm đến, Người nhận thấy sức mạnh chữa lành thoát ra từ Người, và khi người đàn bà đó quỳ xuống thú nhận những gì bà đã làm, Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an (Lc 8: 48).

Với Chúa Giê-su, chữa lành có nghĩa là đến gần với con người, cho dù có những lúc có người ngăn cản không cho Ngài làm việc đó, như trong trường hợp anh mù Ba-ti-mê, trong thành Giê-ri-cô. Chúa Giê-su cho gọi anh ta lại và hỏi anh ta, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10: 51). Có lẽ hơi ngạc nhiên vì “người thầy thuốc” lại hỏi bệnh nhân rằng anh ta muốn điều gì từ ông. Nhưng điều này rọi ánh sáng vào giá trị của lời nói và sự đối thoại trong mối quan hệ chữa lành. Đối với Chúa Giê-su, việc chữa lành có nghĩa là đi vào cuộc đối thoại để có thể làm nổi bật lên lòng khát khao của con người và quyền năng dịu hiền của tình yêu của Thiên Chúa, hoạt động nơi Con của Người. Vì chữa lành có nghĩa là bắt đầu một hành trình: một hành trình làm an lòng, an ủi, hòa giải và chữa lành. Khi một sự chữa lành được thực hiện cho người khác bằng tình yêu thương chân thành thì chân trời của người được chữa lành mở rộng, vì có thêm một người nữa: một sự hiệp nhất của tinh thần, linh hồn, và thân xác. Và điều này có thể nhìn thấy rõ trong sứ vụ của Chúa Giê-su: Người không bao giờ chữa lành một phần, nhưng là toàn bộ con người, trọn vẹn. Có những lúc bắt đầu từ thân xác, có những lúc bắt đầu từ tâm hồn – tức là, tha thứ tội (x. Mc 2: 5), nhưng luôn luôn là chữa lành tất cả.

Cuối cùng, việc chăm sóc của Chúa Giê-su cũng đồng nghĩa với việc trỗi dậy và sai đi theo con đường của Ngài đối với những người được Ngài đụng chạm đến và chữa lành. Có nhiều người bệnh sau khi được Chúa Ki-tô chữa lành đã trở thành môn đệ và những người đi theo Ngài.

Vì vậy, Chúa Giê-su đến gần, chăm sóc, chữa lành, hòa giải, kêu gọi và sai đi: như chúng ta thấy, mối quan hệ của Ngài với những người bị đè nặng bởi bệnh tật và yếu đuối thì đối với Ngài vẫn là một con người, giàu có, không phải là máy móc, không phải là một khoảng cách.

Và chính từ ngôi trường này của Chúa Giê-su, là người thầy thuốc, là người anh em của người đau khổ, mà anh chị em được gọi là bác sĩ là những người tin vào Ngài, là những chi thể của Giáo hội của Ngài. Anh chị em được kêu gọi hãy gần gũi với những người trải qua các thời khắc thử thách vì bệnh tật.

Anh chị em được kêu gọi có sự chăm sóc dịu dàng và tôn trọng phẩm giá và tính toàn vẹn về thể lý và tinh thần của con người.

Anh chị em được kêu gọi phải biết chăm chú lắng nghe, trả lời bằng ngôn ngữ phù hợp, đi kèm với những cử chỉ chăm sóc, làm cho họ cảm nhận tình người hơn và từ đó đạt hiệu quả hơn.

Anh chị em được kêu gọi hãy động viên, an ủi, vực dậy, trao niềm hy vọng. Không thể chăm sóc và chữa lành một người nếu không có hy vọng; về vấn đề này, tất cả chúng ta đều cần có và cảm tạ Chúa, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng. Nhưng cũng tri ân những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa.

Trong một trăm năm qua đã có sự tiến bộ rất lớn. Đã có những liệu pháp chữa trị mới và những cách điều trị khác nhau trong các chặng đường nghiên cứu. Tất cả những sự chữa lành này là không thể tưởng tượng được đối với những thế hệ trước đây. Chúng ta có thể và phải làm giảm bớt sự đau khổ và giáo dục từng người trở nên có trách nhiệm hơn với sức khỏe của chính họ và sức khỏe của người khác và của người thân. Chúng ta cũng phải nhớ rằng chăm sóc cũng có nghĩa là tôn trọng món quà sự sống từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc. Chúng ta không phải là người chủ của nó: sự sống được trao cho chúng ta, và các bác sĩ là những người phục vụ nó.

Đồng thời sứ mạng của anh chị em là một chứng nhân của lòng nhân đạo, một con đường đặc biệt để làm cho mọi người nhìn thấy và nghe thấy rằng Thiên Chúa, là Cha, chăm sóc cho từng con người, không phân biệt bất kỳ ai. Để làm điều này, Người mong muốn sử dụng kiến thức, đôi bàn tay, và con tim của chúng ta để điều trị và chữa lành mọi người, vì Người mong muốn ban tặng sự sống và tình yêu cho từng người.

Điều này đòi hỏi năng lực, sự kiên nhẫn, sức mạnh tinh thần và tình đoàn kết huynh đệ của anh chị em. Phong cách của một bác sĩ Công giáo kết hợp giữa tính chuyên môn cùng khả năng cộng tác và tính nghiêm khắc về đạo đức. Và tất cả những điều này làm ích lợi cho cả bệnh nhân và môi trường mà anh chị em làm việc. Rất thường khi – chúng ta đều biết – chất lượng của phòng ban không tùy thuộc quá nhiều vào tài sản trang thiết bị được lắp đặt, nhưng tùy thuộc vào mức độ chuyên môn và lòng nhân đạo của người trưởng phòng và đội ngũ bác sĩ. Chúng ta nhìn thấy điều này hàng ngày, từ điều mà nhiều con người đơn sơ đến với bệnh viện: “Tôi muốn đến bác sĩ này, bác sĩ kia – Tại sao? – Vì tôi cảm thấy có sự gần gũi, sự tận tâm của họ.”

Bằng cách liên tục làm mới lại bản thân và kín múc từ suối nguồn của Lời Chúa và các Bí tích, anh chị em có thể thi hành sứ mạng của mình trọn vẹn, và Thần Khí sẽ trao cho anh chị em ơn phân định để đối mặt với những trường hợp hiểm nghèo và phức tạp, và nói những lời phù hợp và giữ im lặng đúng lúc.

Anh chị em thân mến, tôi biết rằng anh chị em đã thực hiện như vậy, nhưng tôi vẫn thúc giục anh chị em hãy cầu nguyện cho những người mà anh chị em chăm sóc và những người đồng nghiệp cùng làm với anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn:zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/6/2019]

 

Bài liên quan

Back to top button