Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 05/10/2017: Giáo Hội giữa thời tin thất thiệt

VietCatholicNews

1. Trùm khủng bố Hồi Giáo Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, kêu gọi tấn công Rôma

Lãnh đạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, và vừa lên tiếng kêu gọi những người Hồi Giáo quá khích trên thế giới tấn công vào các kẻ thù, và đặc biệt nhắm vào “các trung tâm truyền thông của những kẻ ngoại đạo”.

Abu Bakr al-Baghdadi đã nói như trên trong một băng ghi âm dài 46 phút được al-Furqan, là cơ quan truyền thông do bọn khủng bố IS điều hành, tung ra hôm thứ Năm 28 tháng 9.

Đại tá quân đội Hoa Kỳ Ryan Dillon, phát ngôn viên của Liên Quân tại Baghdad, cho biết giọng nói trong băng ghi âm nghe có vẻ giống như những bản thu âm trước đây của al-Baghdadi. Lần xuất hiện cuối cùng, tên trùm khủng bố đã lên tiếng trong một băng ghi âm được phát hành vào tháng 11, năm ngoái, khi kêu gọi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiến đấu tới cùng tại Mosul.

Tháng Sáu vừa qua, các quan chức Nga nói họ tin là al-Baghdadi đã chết trong một cuộc không kích của Nga ở ngoại ô thành phố Raqqa của Syria.

Tuy nhiên, Đại tá Ryan Dillon nói ông không có lý do gì để bác bỏ tính xác thực của băng ghi âm này. Hơn thế nữa, trong băng ghi âm Abu Bakr al-Baghdadi đã nói về những diễn biến mới nhất trên thế giới như những căng thẳng gần đây giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên; trong khi chế giễu tổng thống Trump với một dụng ý rõ ràng là xúi giục Hoa Kỳ lao vào cuộc chiến với Bắc Triều Tiên. al-Baghdadi cũng nhìn nhận các thất bại quân sự gần đây và kêu gọi các thành phố Hồi Giáo cực đoan chiến đấu như “những con sói cô đơn”.

Cho nên, Đại tá Ryan Dillon tin rằng Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, và hoàn toàn có thể gây ra nhiều vụ khủng bố nữa trên thế giới.

Trong băng ghi âm al-Baghdadi kêu gọi: “Các binh lính của nhà nước Hồi giáo, và những người ủng hộ sự cai trị của Hồi Giáo trên toàn cầu, hãy tăng cường các cuộc tấn công của các bạn và phải bao gồm cả các trung tâm truyền thông của những kẻ ngoại đạo và các trụ sở điều hành cuộc chiến tranh tâm lý.”

Tên trùm khủng bố dành một đoạn khích lệ người Hồi Giáo tấn công vào Rôma và không quên nhắc nhở những người theo hắn về những phần thưởng của sự tử đạo, bao gồm cả “72 người vợ” và cơ man “những nàng hầu xinh đẹp trên thiên đường”.

2. Thi hài 21 vị tử đạo Coptic được tìm thấy tại Lybia

Trong một cuộc họp báo được tổ chức vào hôm thứ Năm, 28 tháng 9, Chánh Công Tố Al-Sadiq al Sour của Lybia cho biết thi hài của 21 vị tử đạo Coptic bị khủng bố Hồi Giáo IS thảm sát đã được tìm thấy.

Ông Al-Sadiq cho biết việc khai quật các thi hài đã diễn ra theo sau việc bắt giữ một tên khủng bố IS trực tiếp tham gia vào vụ sát hại này cùng với tên đã quay phim toàn bộ vụ thảm sát.

Ông Al-Sadiq cho biết thêm là vụ thảm sát đã diễn ra ở một bãi biển liền kề với một khách sạn ở thị trấn Sirte.

Tin tức về việc tìm thấy thi hài của 21 vị tử đạo Coptic đã được lan truyền nhanh chóng tại Ai Cập, tạo ra cảm xúc rất mạnh, đặc biệt là trong các cộng đồng Coptic trong khu vực Minya, là quê quán của hầu hết các nạn nhân.

21 Kitô hữu Ai Cập này đã bị bắt cóc ở Libya vào đầu tháng Giêng năm 2015. Đoạn video về việc họ bị chặt đầu đã được đưa lên các trang web của bọn thánh chiến Hồi Giáo vào ngày 15 tháng 2, năm 2015. Chỉ một tuần sau khi họ bị thảm sát, Đức Thượng Phụ Chính thống giáo Tawadros II đã tuyên phong cả 21 vị là các vị tử đạo trong một nghi lễ trọng thể tại Synaxarium.

3. Chủ đề ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 52 là “Chống tin giả, cổ vũ nền báo chí vì hòa bình”

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Sáu 29 tháng 9, Bộ Truyền Thông Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề cho ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 52 là “Chống tin giả, cổ vũ nền báo chí vì hòa bình”.

“Tin giả”, theo Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, “là những thông tin vô căn cứ góp phần tạo ra và nuôi dưỡng một sự phân cực mạnh mẽ các quan điểm dị biệt. Nó liên quan đến sự bóp méo sự thật, dẫn đến những ngộ nhận và hoang mang, với những hậu quả tai hại nơi hành vi cá nhân và tập thể.”

Giải thích lý do Đức Thánh Cha chọn chủ đề này, Bộ Truyền Thông Tòa Thánh viết: “Trong bối cảnh mà các tác nhân chủ chốt của các mạng xã hội, các thể chế và các tần lớp chính trị trong xã hội đã và đang bắt đầu trực diện với hiện tượng này, Giáo hội cũng mong muốn đóng góp, và đề xuất những suy tư về nguyên nhân, luận lý và hậu quả của việc thông tin sai lạc trên các phương tiện truyền thông, nhằm góp phần thúc đẩy một nền báo chí chuyên nghiệp, luôn tìm kiếm sự thật, một nền báo chí vì hòa bình, đem lại thiện ích chung, và sự hiểu biết giữa con người với nhau.”

Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, là ngày thế giới duy nhất được Công đồng Vatican II thiết lập trong Sắc Lệnh Inter Mirifica vào năm 1963. Theo lời khuyên của các giám mục trên thế giới, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được cử hành vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống. Năm tới, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là ngày 13 Tháng Năm, 2018.

Văn bản Thông điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được công bố vào ngày 24 tháng Giêng hàng năm, nhân lễ Thánh Phanxicô đệ Sales, là bổn mạng các nhà báo.

4. Tổng trưởng Bộ Truyền Thông nói về thời đại tin giả

Hôm thứ Năm 28 tháng 9, Đức Ông Dario Edoardo Viganò, Tổng trưởng Bộ Truyền Thông đã có một bài nói chuyện trong một cuộc hội thảo ở Milan với tựa đề “Báo chí trong thời đại tin giả”.

Đức Ông Viganò bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thật và việc phải kiểm tra kỹ lưỡng các nguồn tin trong thời đại tràn lan các tin giả như hiện nay. Ngài nói rằng “cần ghi nhớ rằng việc xác minh các nguồn tin là một nguyên tắc chủ đạo của báo chí, trong thời buổi đương đại khi mà sự thật thông tin có nguy cơ trở thành một khía cạnh thứ yếu.”

Đức Ông Tổng Trưởng nhận xét rằng “vì sự tiến hóa liên tục của công nghệ thông tin, ngày càng nhiều những nguyên tắc trong quá khứ đang bị bỏ qua”. Những ảnh hưởng tai hại mà kỷ nguyên tin giả đang gây ra trên thế giới nhắc chúng ta nhớ rằng “cần phải khôi phục lại những nền tảng đạo đức và tính chuyên nghiệp của báo chí dựa trên việc xác minh nguồn gốc của tin, cũng như các nguyên tắc khác.”

Đức Ông Tổng Trưởng cũng nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải có một tư duy phê phán về phía người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là những người thường chia sẻ các thông tin với người khác mà đôi khi chẳng chú ý gì nhiều đến văn bản.

5. Các Giám Mục Nhật bày tỏ lòng biết ơn đối với chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Filoni

“Một câu hỏi vẫn còn được khắc sâu trong tâm trí chúng tôi và trong con tim chúng tôi. Một câu hỏi mà Đức Hồng Y Fernando Filoni đã thách thức chúng tôi trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài: ‘Tôi hỏi anh chị em Phúc Âm có cần ở Nhật nữa không? Ở đâu và làm thế nào để Phúc Âm hóa?’”

Đức Cha Isao Kikuchi, một nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời, Giám Mục giáo phận Niigata và là Chủ tịch Caritas Nhật Bản, nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc: “Đây là thách đố của Giáo hội chúng ta, đặc biệt đối với các vị giám mục”. Đức Cha Kikuchi đã nói như trên khi được hỏi về những ngày thăm viếng mục vụ từ 17 đến 26 tháng 9 của Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng của Bộ Truyền Giáo.

Đức Giám Mục nhớ lại: “Đức Hồng Y đã gặp nhiều tín hữu, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giám mục. Sự hiện diện và lời nói của ngài là một động lực thực sự, và cụ thể cho tất cả chúng tôi. Ngài yêu cầu chúng tôi gieo những hạt giống của Tin Mừng và trở thành những chứng nhân của Tin Mừng trong xã hội ngày nay”.

Đức Cha Kikuchi cũng nhớ lại một khoảnh khắc đặc biệt quan trọng trong chuyến thăm này. Ngài nói: “Đức Hồng Y đã viếng thăm Hiroshima và một phần của thành phố vẫn còn trống rỗng cho đến nay sau 60 năm của thảm hoạ này, vì lúc đó nó bị ô nhiễm nặng nề. Hồng Y Filoni đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng tối cao của hòa bình, vì thế chúng ta cần phải cầu nguyện và hành động. Hôm nay chúng ta phải ngăn chặn cuộc xung đột hạt nhân mới ở châu Á”

6. Ðức Thánh Cha kêu gọi duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đừng để cho lòng nhiệt thành mà Năm Thánh Lòng Thương Xót gợi lên bị tan loãng và quên lãng.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 29 tháng 9 dành cho 60 tham dự viên Ðại hội vừa kết thúc của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, dưới quyền chủ tọa của Ðức Tổng Giám Mục Rino Fisichella. Hội đồng này là cơ quan phối hợp việc tổ chức và cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nhắc đến thành quả của Năm Thánh như một thời điểm hồng phúc mà toàn Giáo Hội đã trải qua với lòng tin nhiệt thành và tinh thần nồng nhiệt.

Ngài nói:

“Chúng ta không thể để cho lòng hăng say ấy bị tan loãng hoặc lãng quên. dân Chúa đã cảm thấy mạnh mẽ Hồng ân Lòng thương xót và đã sống Năm Thánh đặc biệt qua việc tái khám phá bí tích Hòa Giải, như nơi ưu tiên để cảm nghiệm lòng từ nhân, sự dịu dàng của Thiên Chúa cũng như sự tha thứ vô biên của Chúa. Vì thế, Giáo Hội có một trách nhiệm lớn là phải không ngừng tiếp tục là dụng cụ của Lòng Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng cảm thấy sự đón nhận Tin Mừng được nhận thức và sống như một biến cố cứu độ và có thể mang lại một ý nghĩa trọn vẹn và chung kết cho đời sống cá nhân và xã hội”.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “Việc loan báo lòng thương xót phải trở nên cụ thể và hữu hình qua lối sống của các tín hữu, sống dưới ánh sáng của nhiều công việc từ bi bác ái; việc loan báo ấy là điều nòng cốt thuộc về sự dấn thân của mỗi người loan báo Tin Mừng: họ đích thân khám phá ơn gọi làm tông đồ do lòng thương xót đã dành cho họ”.

7. Sứ điệp Ðức Thánh Cha gửi Gia Ðình Vinh Sơn Phaolô.

Ðức Thánh Cha Phanxicô cám ơn và khuyến khích toàn thể Ðại gia đình dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô, hay còn gọi là Vincent de Paul, và đề cao giá trị và tính thời sự của Thánh Nhân.

Ðức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố hôm 27 tháng 9, lễ kính Thánh Vinh Sơn Phaolô và cũng là dịp kỷ niệm 400 năm đoàn sủng của thánh nhân, dấn thân phục vụ và săn sóc người nghèo.

Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện năm 1617, Thánh Vinh Sơn Phaolô bấy giờ 40 tuổi, đã khám phá ơn gọi, đoàn sủng, cứu giúp những người nghèo. Trong tư cách là một cha sở miền quê, ngài chứng kiến tình trạng lầm than trầm trọng về vật chất cũng như tinh thần của các nông dân. Ðược gọi đến bên giường của một người thợ xay bột sắp qua đời, cha xúc động đến tận thẳm sâu trong tâm hồn. Vinh Sơn Phaolô trước đó đã vào hàng giáo sĩ với chủ ý tiến thân trên đường “công danh sự nghiệp”, nay ngài ý thức về sứ mạng đích thực là loan báo Tin Mừng và cứu giúp những người nghèo khổ.

Trong sứ điệp sau khi gợi lại những nét nổi bật trong cuộc đời và hoạt động bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng: “Nơi trọng tâm Gia đình Vinh Sơn có sự tìm kiếm “những người lầm than nhất và bị bỏ rơi”, với ý thức quyết liệt rằng mình không xứng đáng cung cấp cho họ những việc phục vụ khiêm tốn nhất của chúng ta”

“Chứng tá bác ái của thánh Vinh Sơn mời gọi chúng ta luôn tiến bước, sẵn sàng để cho mình được cái nhìn và Lời Chúa làm cho ngạc nhiên. Chứng tá ấy yêu cầu chúng ta hãy có tâm hồn bé nhỏ, hoàn toàn sẵn sàng và khiêm tốn ngoan ngãn, thúc đẩy chúng ta sống hiệp thông huynh đệ và can đảm thi hành sứ mạng trên thế giới. Chứng tá của thánh Vinh Sơn cũng yêu cầu chúng ta loại bỏ những ngôn ngữ phức tạp, những thứ hùng biện tự tham chiếu và những gắn bó với an ninh vật chất, có thể trấn an nhất thời, nhưng không phú an bình của Thiên Chúa và thậm chí còn cản trở sứ mạng”.

Ðức Thánh Cha cũng viết rằng: “Ðức bác ái không hài lòng với những tập quán tốt lành quá khứ, nhưng biết biến đổi hiện tại. Ðó là điều càng cần thiết ngày nay, trong những biến chuyển phức tạp của xã hội hoàn cầu hóa, trong đó một số hình thức làm phúc bố thí và trợ giúp, tuy được những ý hướng quảng đại thúc đẩy, nhưng chúng có nguy cơ nuôi dưỡng những hình thức bóc lột và bất hợp pháp, không mang lại những lợi ích thực sự và lâu bền”.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “Tấm gương của thánh Vinh Sơn thúc đẩy chúng ta dành chỗ và thời giờ cho người nghèo, những người nghèo mới này nay, quá nhiều người nghèo hiện nay, biến những tư tưởng và cơ cực của họ thành của chúng ta, vì một Kitô giáo không có tiếp xúc với những người đau khổ thì trở thành một Kitô giáo thiếu thực tế, không có khả năng động chạm đến thân mình Chúa Kitô. Gặp gỡ người nghèo, dành ưu tiên cho người nghèo, mang lại tiếng nói cho người nghèo, để sự hiện diện của họ không bị thứ văn hóa phù du bóp nghẹt. Tôi nồng nhiệt hy vọng việc cử hành Ngày Thế giới người nghèo vào Chúa Nhật 19 tháng 11 tới đây sẽ giúp chúng ta “trong ơn gọi theo Chúa Giêsu nghèo”, ngày càng trở thành dấu chỉ cụ thể rõ ràng hơn về tình bác ái của Chúa Kitô đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất, và phản ứng chống lại thứ văn hóa gạt bỏ và phung phí”

8. Đức Hồng Y Oswald Gracias bày tỏ nỗi buồn sau khi nhiều người Ấn chen lấn đạp lên nhau chết tại Mumbai

Ít nhất 22 người đã chết trong một tai nạn bi thảm diễn ra vào buổi sáng thứ Sáu 29 tháng 9 tại một nhà ga ở Mumbai. Mưa lớn đã khiến nhiều người đi làm trễ. Khi 4 chiếc tàu điện đến cùng một lúc tại ga Parel của thành phố Mumbai, đám đông đã chen lấn dữ dội để kịp đón tàu. Bất ngờ, lại có một tiếng nổ lớn khiến đám đông náo loạn. Hậu quả là nhiều người bỏ chạy tán loạn dẫm đạp lên những người khác khiến ít nhất 22 người chết và hàng chục người khác bị thương.

Đức Hồng Y Oswald Gracias nói với tờ Crux rằng người dân của Tổng Giáo phận Bombay đang than khóc những người bị thiệt mạng trong tai nạn.

Ngài nói:

“Tôi đau đớn khôn tả trước bi kịch này. Có rất nhiều mạng sống đã bị cướp đi ngay lập tức.”

“Lời cầu nguyện và lời chia buồn của chúng tôi xin được gởi đến những gia đình đã mất người thân của họ trong bi kịch này. Thành phố của chúng ta đang chịu đau khổ vì sự mất mát những mạng sống. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho họ cuộc sống vĩnh cửu. “

Bộ Đường sắt Ấn Độ đang điều tra thảm hoạ, nhưng cơ sở hạ tầng lụn bại của Mumbai từ lâu đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng gia tăng của thành phố này.

Thành phố Mumbai – trước đây gọi là Bombay – hiện có hơn 20 triệu dân, gấp hơn hai lần dân số 20 năm trước đây.

Ước tính trên 6 triệu người đi tàu điện mỗi ngày trong khu vực đô thị, và vào giờ cao điểm, xe lửa thường chiếm ba lần số lượng hành khách theo thiết kế ban đầu.

Hơn 3,000 người chết vì tai nạn trên mạng lưới đường sắt Mumbai mỗi năm.

9. Những diễn biến căng thẳng liên quan đến chuyến tông du Miến Điện cuả Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tạp Chí Time, Đức Hồng Y Bo, là Tổng Giám Mục Yangon, tỏ ý hy vọng rằng chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ “đem lại hàn gắn, chứ không phải hận thù”. Điều quan trọng là tháo ngòi căng thẳng và tức giận trong vùng, và do đó ngài đề nghị Đức Thánh Cha nên tránh các từ “diệt chủng” hay “thanh trừng sắc tộc”.

Riêng về Bà Suu Kyi, ngài cho rằng bà “ở trong một vị thế khá lúng túng về chính trị” vì quân đội vẫn kiểm soát phần lớn guồng máy chính phủ và hiện không có ý chí chính trị nào trong nước hỗ trợ số phận của người Rohingya.

Chính vì vậy, Đức Hồng Y tỏ ra thông cảm với bà Suu Kyi. Ngài hy vọng nếu còn tiếp tục hoạt động trong guồng máy chính trị, bà Suu Kyi có thể từ từ đẩy quân đội qua bên lề.

Đức Hồng Y Bo giải thích thêm về việc sử dụng ngôn từ ở Miến Điện: “Ở Miến Điện, cái tên hết sức quan trọng. Chính đất nước cũng chưa nhất định về cái tên của mình. Myanmar/Burma là tên quốc tế. Myanmar là tên của Hội Đồng Quân Sự. Các nhà tranh đấu dân chủ, trong đó có Aung San Suu Kyi, từ khước không chấp nhận tên này và tiếp tục dùng tên Burma. Nhiều nước Tây Phương cũng tiếp tục dùng tên Burma”.

Ngài cho hay chữ “Rohingya” cũng gây tranh luận như thế. Nó là hạn từ nặc mùi chính trị. Không dùng nó sẽ làm các nhóm ủng hộ người Rohingya nổi sùng. Dùng nó sẽ bị người Miến Điện, quân đội và chính phủ Miến lên án.

Trong một văn thư gửi cho thông tấn Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Hồng Y cho biết thêm: vấn đề người Rohingya rất tế nhị. Bất cứ nhận định nào của Đức Giáo Hoàng về người Rohingya cũng có thể gây phẫn nộ cho những người duy quốc gia: đối với họ người Rohingya không phải là người Miến mà là người Bengal, không có quyền sống trên đất nước Miến Điện.

Chính vì thế, theo Đức Hồng Y, để tránh gây căng thẳng, Đức Phanxicô “không nên dùng hạn từ Rohingya” nhưng nên nói tới các quyền nhân đạo của những người Hồi Giáo tại Rakhine đang đau khổ”.

10. Đức Hồng Y Raymond Leo Burke được tái bổ nhiệm vào Tòa Ân Giải Tối Cao

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái bổ nhiệm Đức Hồng Y Raymond Leo Burke vào Tòa Ân Giải Tối Cao, gần ba năm sau khi đã thuyên chuyển ngài khỏi cơ quan này.

Sáng thứ Bẩy ngày 30 tháng 9, Tòa Thánh đã công bố quyết định này. Cùng với Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, Đức Hồng Y Agostino Vallini, Đức Hồng Y Edoardo Menichelli, Đức Tổng Giám Mục Frans Daneels, và Đức Cha Johannes Willibrordus Maria Hendriks cũng đã được bổ nhiệm vào các chức vụ khác nhau trong Tòa án cao nhất của Tòa thánh.

Đức Hồng Y Burke đã phục vụ tại Tòa Thánh trong chức vụ Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao trong sáu năm trước khi bị thuyên chuyển vào năm 2014 sang làm linh hướng cho Dòng Malta, một chức vụ chỉ có tính cách nghi lễ. Việc loại bỏ một Hồng Y cao cấp mà không trao cho ngài những trách nhiệm tương đương ở nơi khác được nhiều người xem là một điều không bình thường.

Đức Hồng Y Burke đã trở thành một người bảo vệ vững mạnh cho giáo huấn truyền thống của Giáo Hội và là một trong bốn Hồng Y đã ký vào ‘dubia’ (những điểm hồ nghi) để yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô làm sáng tỏ về tông huấn Amoris Laetitia.

11. Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh kêu gọi đối thoại về tông huấn Amoris Laetitia 

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng điều “quan trọng là phải có đối thoại ngay cả trong Giáo Hội”. Ngài đã đưa ra lập trường trên để đáp lại bản tuyên bố ‘Sửa sai trong tình con thảo’ – ‘filial correction’ – vừa được công bố hôm Chúa Nhật 24 tháng 9, 2017.

Theo hãng tin ANSA của Ý, Đức Hồng Y đã đưa ra nhận xét trên trong khi phát biểu tại một cuộc hội thảo về các tín hữu Kitô Iraq.

Đức Hồng Y nói: “Những người không đồng ý bày tỏ sự bất đồng của họ, nhưng về những điều này, chúng ta phải có lý luận, phải cố gắng để hiểu nhau.”

Với những nhận xét này, Đức Hồng Y Parolin đã trở thành viên chức cao cấp nhất của Vatican bình luận về văn kiện này cho đến nay.

Tuyên bố ‘Sửa sai trong tình con thảo’, ban đầu được ký bởi 62 linh mục và các nhà nghiên cứu, đã cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên truyền lạc giáo qua Tông Huấn Amoris Laetitia được ban hành vào năm 2016.

Mặc dù, văn kiện không quy kết chính Đức Thánh Cha là lạc giáo, nhưng tài liệu cho rằng Amoris Laetitia, kết hợp với những hành động và những thiếu sót nhất định có thể dẫn người Công Giáo đến chỗ lầm lạc.

Sau khi tuyên bố được đưa ra, nhiều người khác, bao gồm một giám mục về hưu và giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Tôn giáo Ian Ramsey tại Đại học Oxford, cũng đã tham gia cùng những người ký tên ban đầu.

12. Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 10, 2017

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong phần còn lại của chương trình, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em chuyến tông du miền bắc nước Ý của Đức Thánh Cha diễn ra vào hôm Chúa Nhật 1 tháng 10.

Theo lời mời của Đức Cha Matteo Maria Zuppi, là Tổng Giám Mục Bologna; và Đức Cha Douglas Regattieri, là Giám mục Cesena-Sarsina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăm viếng hai thành phố Cesena và Bologna ở miền bắc Ý vào ngày Chúa Nhật, 1 tháng 10.

Chuyến thăm viếng mục vụ của ngài trùng với lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đức Giáo Hoàng Piô VI vào năm 1717. Ngài là vị Giáo Hoàng đã cai quản Giáo Hội từ ngày 15 tháng 2 năm 1775 cho đến khi qua đời vào ngày 29 tháng 8 năm 1799.

Một bản thông cáo của Tổng Giáo phận Bologna cũng cho hay chuyến thăm viếng mục vụ của Đức Thánh Cha diễn ra trong “dịp hội nghị Thánh Thể Giáo phận”, trong đó các tín hữu được mời gọi để canh tân những nỗ lực của họ trong việc truyền bá, và học hỏi Kinh Thánh.

Lúc 07 giờ sáng, Đức Thánh Cha khởi hành từ sân bay trực thăng của Vatican. Sau một giờ bay, vào lúc 8 giờ sáng ngài đáp xuống sân máy bay trực thăng tại Hippodrome thuộc thành phố Cesena. Đức Thánh Cha xe di chuyển bằng xe đến quảng trường Piazza del Popolo nơi ngài gặp gỡ người dân địa phương.

13. Cuộc gặp gỡ với các linh mục, nam nữ tu sĩ giáo phận Cesena.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tại Nhà thờ chính tòa thánh Gioan Tẩy giả của giáo phận Cesena lúc 9 giờ, Đức Thánh Cha đã gặp hơn 1 ngàn người ngồi chật thánh đường, gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ, các phó tế vĩnh viễn cùng với gia đình, 6 chủng sinh, và đại diện Hội đồng mục vụ của 95 giáo xứ trong giáo phận.

Trong bài huấn dụ sau lời chào mừng và giới thiệu của Đức Giám Mục giáo phận, Douglas Regattieri, Đức Thánh Cha cho biết sự hiện diện của ngài tại đây là để bày tỏ sự gần gũi và khích lệ các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tại đây trong sứ mạng chính yếu là “loan báo và vui mừng làm chứng cho Tin Mừng”. Ngài nói:

“Việc loan báo Tin Mừng sẽ hiệu quả hơn khi được thực hiệp trong sự tâm đầu ý hiệp và với sự cộng tác chân thành giữa tất cả các thực tại Giáo Hội và các nhân viên mục vụ khác nhau, họ tìm được nơi Đức Giám Mục một điểm tham chiếu chắc chắn và gắn bó hòa hợp. Tinh thần đồng trách nhiệm là ý tưởng chủ yếu để tiến hành công việc chung trong lãnh vực huấn giáo, giáo dục Công Giáo, thăng tiến con người và bác ái, cũng như trong sự can đảm tìm kiếm những hình thức mới để cộng tác và làm cho Giáo Hội hiện diện trên lãnh thổ này, đứng trước những thách đố mục vụ và xã hội. Nguyên sự kiện nhìn thấy một Giáo Hội cố gắng tiến bước trong tình huynh đệ và hiệp nhất, thì đó đã là một chứng tá đức tin hữu hiệu rồi. Khi tình yêu trong Chúa Kitô chiếm chỗ trổi vượt hơn mọi sự, kể cả những đòi hỏi đặc thù hợp pháp, thì khi ấy chúng ta có khả năng ra khỏi mình, không qui trọng tâm vào bản thân và nhóm của mình, nhưng luôn qui hướng về Chúa Kitô, và ra đi gặp gỡ anh chị em.”

Sau khi nói đến đường hướng tổng quát và chủ yếu trên đây, Đức Thánh Cha mời gọi các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân ở Cesena đặc biệt quan tâm đến những “vết thương” của Chúa Kitô còn hiển hiện nơi nhiều người đau khổ, những người bị thương tổn trong cuộc sống, theo gương thánh Vinh Sơn Phaolô, người đã khởi xướng một cuộc “cách mạng” bác ái thực sự tại Pháp cách đây 400 năm.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ mọi người đặc biệt dành chỗ thích hợp cho việc cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, “đó là sức mạnh sứ mạng của chúng ta, như thánh nữ Têrêsa Calcutta chứng tỏ… Liên lỷ gặp Chúa trong kinh nguyện, đó là điều không thể thiếu được đối với các linh mục và những người thánh hiến, cũng như cho các nhân viên mục vụ, được kêu gọi ra khỏi “mảnh vườn” bé nhỏ của mình để đi tới những môi trường ngoại ô của cuộc sống.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi các nhân viên mục vụ của Giáo Hội quan tâm nhiều hơn đến giới trẻ, làm sao để họ trở thành những tông đồ trẻ của người trẻ. Tiếp đến là quan tâm đến các gia đình, hoạt động với họ và cho họ. Và ngài nói:

“Anh chị em thân mến, đừng nản chí trước những khó khăn. Anh chị em hãy kiên trì làm chứng cho Tin Mừng, đồng hành với nhau: linh mục, tu sĩ, phó tế và giáo dân. Trên đường đi, anh chị em luôn cảm thấy được sức mạnh của Chúa Thánh Linh đồng hành và nâng đỡ”.

Sau bài huấn dụ trên đây, Đức Thánh Cha đến Nhà nguyện Đức Mẹ Dân Chúng để chủ sự buổi chầu Mình Thánh Chúa, trước khi đáp trực thăng lúc 10 giờ bay đến trung tâm tiếp đón người di dân và tị nạn ở thành Bologna cách đó gần 100 cây số.

14. Cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ di dân

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau hai mươi phút di chuyển bằng trực thăng, Đức Thánh Cha đã đến thành phố Bologna.

Đến nơi vào lúc 10 giờ 20 phút, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ với những người nhập cư trẻ tuổi đến Ý bằng đường biển. Họ là những người đã trải qua những giờ phút khó khăn và nguy hiểm đến mạng sống khi vượt biển Địa Trung Hải để đến Ý.

Ngỏ lời với 500 người trong cuộc gặp gỡ chung, Đức Thánh Cha cho biết ngài muốn cuộc gặp gỡ tại đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên ở thành Bologna này, đồng thời nhận xét rằng:

“Nhiều người không biết anh chị em và họ lo sợ. Thái độ sợ hãi này làm cho họ cảm thấy có quyền xét đoán và họ làm điều này một cách gay gắt, lạnh lùng và tưởng là mình nhìn thấy rõ. Nhưng không phải như vậy. Người ta chỉ nhìn thấy rõ khi ở gần với lòng từ bi. Nếu không có sự gần gũi, từ bi như thế, thì tha nhân chỉ là một người xa lạ, thậm chí là một kẻ thù, không thể trở thành người thân cận của ta được… Nếu chúng ta nhìn tha nhân mà không có lòng từ bi thương xót, thì chúng ta không thể thấy đau khổ và các vấn đề của họ. Ngày hôm nay, tôi chỉ thấy ở đây bao nhiều ước muốn thân thiện và trợ giúp… Nơi anh chị em, cũng như nơi mỗi ngoại kiều gõ cửa nhà chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đồng hóa với ngoại kiều, trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh, Ngài được đón nhận hoặc phủ nhận (Xc Mt 25,35.43)

Đức Thánh Cha tái cổ võ việc tiếp nhận người di dân và tị nạn, và nói:

“Tôi thực sự tin rằng cần có thêm nhiều quốc gia chấp nhận các chương trình hỗ trợ cá nhân và cộng đồng dành cho việc tiếp đón và mở ra những hành lang nhân đạo cho những người tị nạn ở trong những tình cảnh khó khăn hơn, để tránh những chờ đợi dài dẵng và phí thời giờ, có thể gây ra thất vọng. Sự hội nhập bắt đầu bằng sự nhận biết. Tiếp xúc với tha nhân sẽ giúp khám phá “bí quyết” của mỗi người và cả những năng khiếu của họ, cởi mở để đón nhận những mong đợi hợp pháp của họ, và nhờ đó học cách yêu mến họ hơn, vượt thắng sợ hãi, giúp họ hội nhập vào cộng đồng mới đón tiếp họ.

Đức Thánh Cha cũng nói với những người di dân và tị nạn rằng:

“Trong tâm hồn tôi, tôi muốn mang những lo sợ, khó khăn, rủi ro, và cảm giác bấp bênh của anh chị em.. mang những người anh chị em yêu mến, và vì họ anh chị em lên đường tìm kiếm một tương lai. Mang họ trong đôi mắt và tâm hồn, sẽ giúp anh chị em làm việc hơn nữa để có một thành thị đón tiếp và có khả năng mang lại cơ hội cho tất cả mọi người. Vì thế, tôi khuyên anh chị em hãy cởi mở đối với nền văn hóa tại thành phố này, sẵn sàng tiến bước trên con đường được chỉ rõ qua các luật lệ của đất nước này”.

Giáo Hội là một người Mẹ không phân biệt và yêu thương mỗi người như Con Cái Thiên Chúa là hình ảnh của Chúa. Bologna là một thành phố vẫn luôn nổi tiếng về tinh thần tiếp đón. Sự tiếp đón này được canh tân qua bao nhiêu kinh nghiệm về tình liên đới, đón tiếp trong các giáo xứ và các cơ sở tôn giáo, và cả trong nhiều gia đình và cơ cấu xã hội.

Trong lời kết thúc, Đức Thánh Cha đã gọi những người di dân và tị nạn là “những người chiến đấu cho niềm hy vọng!”.

15. Đức Thánh Cha kêu gọi liên đới với những người thất nghiệp

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau cuộc gặp gỡ anh chị em di dân và tị nạn, lúc giữa trưa, Đức Thánh Cha đến Quảng trường trung tâm của Bologna, một thành phố có 390 ngàn dân cư, để gặp gỡ giới lao động và chủ sự buổi đọc Kinh truyền Tin.

Ngỏ lời với hàng ngàn người trong dịp này sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám Mục sở tại Matteo Zuppi , Đức Thánh Cha ca ngợi tinh thần đối thoại giữa các thực tại xã hội ở Bologna để ra khỏi những cuộc khủng hoảng và xây dựng tương lai. Và từ lâu tại đây đã có một kinh nghiệm cộng tác, các hợp tác xã, nảy sinh từ kinh nghiệm về tình liên đới. Ngài nói:

“Chúng ta đừng bao giờ đặt tình liên đới phải tùng phục tiêu chuẩn lợi lộc tài chánh, vì nếu làm như thế, tôi có thể nói là chúng ta cướp mất tình liên đới với những người yếu thế đang rất cần nó. Tìm kiếm một xã hội công bằng hơn không phải là một giấc mơ quá khứ nhưng là một sự dấn thân, một công việc mà tất cả mọi người đều cần.

“Tình trạng người trẻ thất nghiệp và của bao nhiêu người khác bị mất công ăn việc làm và không hội nhập được vào thị trường lao động là điều mà không bao giờ chúng ta được trở nên quen thuộc, coi chúng như thể chỉ là những con số thống kê mà thôi.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Cuộc khủng hoảng kinh tế có một chiều kích Âu Châu và hoàn cầu, và như chúng ta biết, nó cũng là một cuộc khủng hoảng luân lý đạo đức, khủng hoảng tinh thần và nhân bản. Nơi căn cội cuộc khủng hoảng này có một sự phản bội công ích từ phía cá nhân cũng như từ phía các nhóm quyền lực. Vì thế, cần phải loại bỏ thái độ coi luật lệ lợi lộc là trọng tâm và đặt con người và công ích ở vị trí trung tâm. Nhưng để cho vị trí trung tâm ấy được thực sự và hữu hiệu, thì không phải chỉ tuyên bố xuông, nhưng còn phải gia tăng những cơ hội kiến tạo công ăn việc làm xứng đáng. Đây chính là một công tác của toàn thể xã hội: đặc biệt trong giai đoạn này, toàn thể xã hội, với những thành phần khác nhau, đều được kêu gọi hết sức cố gắng để công ăn việc làm, vốn là yếu tố đầu tiên của phẩm giá, trở thành một quan tâm chủ yếu.

Sau bài huấn dụ ngắn trên đây, Đức Thánh Cha đã mời mọi người cùng đọc kinh Truyền Tin và ngài ban phép lành cho mọi người. Rồi ngài tiến vào Vương cung thánh đường thánh Petronio ở ngay quảng trường, để dùng bữa trưa với 1 ngàn người nghèo tại đây. Thánh đường hùng vĩ này có 5 ngàn chỗ ngồi.

Đầu bữa ăn, Đức Thánh Cha nói với các thực khách nghèo rằng:

“Anh chị em ở trung tâm của ngôi nhà này. Giáo Hội muốn anh chị em ở giữa. Giáo Hội là của tất cả mọi người, đặc biệt là của những người nghèo. Tất cả chúng ta đều là những người được mời, và chỉ nhờ ơn thánh của Chúa. Đó là một mầu nhiệm tình thương nhưng không của Thiên Chúa, Đấng muốn cho chúng ta trở thành con cái của Ngài ở đây, không phải do công trạng, nhưng là do tình thương của Chúa.”

 

 

Bài liên quan

Back to top button