Khi Đức Phanxicô kể chuyện người phụ nữ, người tài xế taxi và người tị nạn hôi hám
«Không có lối thoát nào khả dĩ khi đứng trước những người đang thiếu thốn!»
fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2016-10-26
Đứng trước các tín hữu hành hương dự buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần, Đức Phanxicô lên tiếng: «Tôi xin anh chị em đừng rơi vào bẫy tự khép kín mình lại. Chính khi chúng ta mở lòng ra với người khác thì đời sống chúng ta trở nên phong phú, xã hội tìm được bình an và con người có trọn vẹn nhân phẩm của mình».
Quảng trường Thánh Phêrô hôm nay dưới cơn mưa nhưng luôn đông nghẹt người. Trong số tín hữu hành hương có rất nhiều người đến từ các địa phận khác nhau trên nước Pháp, đoàn do Đức hồng y André Vingt-Trois hướng dẫn.
Sau hai mối đầu tiên «Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống» trong bài giáo huấn Thương xác bảy mối tuần rồi, tuần này Đức Phanxicô nói đến hai mối tiếp theo «Cho kẻ rách rưới ăn mặc và cho khách đậu nhà», nhân dịp này ngài nói đến tình trạng hiện tại của những người di dân, mà duy nhất chỉ có tinh thần tương trợ, một thái độ thật sự đoàn kết mới có thể giải quyết được.
Hành động khẩn cấp!
Ngài tái khẳng định: «Người kitô hữu phải cấp bách dấn thân trong lãnh vực này, chúng ta được gọi để đón nhận anh chị em phải đi trốn cảnh chiến tranh, đói khát, bạo lực và các điều kiện sống vô nhân đạo. Chúng ta mặc cho kẻ rách rưới để họ tìm lại được nhân phẩm.» Nhân phẩm này không ai có quyền tước mất, kể cả quỷ, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh như trên vào tháng 5 vừa qua trong bài giáo huấn đầu tiên về Lòng thương xót Chúa.
Đức Phanxicô đề cập đến nhiều hình thức trần truồng – «dùng cơ thể con người như một món hàng, nạn kỳ thị, thiếu việc làm hay thiếu nhà ở…» – mà trước các vấn đề này, người kitô hữu được kêu gọi để «hành động, chứ không rơi vào bẫy khép kín mình, nhưng mở ra với người khác». Đức Phanxicô khẳng định: «Ngày hôm nay, tình đoàn kết là con đường duy nhất khả dĩ có thể làm được, vì chỉ có nó mới làm cho đời sống chúng ta phong phú, cho xã hội tìm lại được bình an và mang lại nhân phẩm cho con người».
Các ví dụ cụ thể
Để hỗ trợ cho lời nói của mình, Đức Phanxicô đưa ra nhiều ví dụ cụ thể trong Thánh Kinh mà ví dụ điển hình nhất cho mọi người là trường hợp của Thánh Gia, Thánh Giuse phải đem gia đình đi trốn để che chở cho Chúa Giêsu, theo Phúc Âm Thánh Máthêu: «Chỗi dậy Giuse đem Hài nhi và mẹ Ngài ban đêm trốn qua Ai Cập và đã ở lại đó cho đến khi vua Hêrôđê qua đời.» Đức Phanxicô nói: «Như vậy việc di dân không phải là chuyện mới, nó thuộc vào lịch sử nhân loại, và nếu ai nghĩ rằng việc di dân là vấn đề của thời buổi này thì họ không nhớ lại lịch sử».
Câu chuyện trong ngày
Và thường thường, Đức Phanxicô kết thúc buổi giáo huấn bằng một giai thoại mà chỉ có ngài mới biết bí mật, với giai thoại này ngài để cho tín hữu ngẫm nghĩ: câu chuyện của một phụ nữ gặp một người tị nạn trên đường đi của mình, người phụ nữ này gốc Armênia nên bà thấm hiểu nỗi khổ của việc bỏ xứ ra đi. Người tị nạn thì muốn tìm đường đến Quảng trường Thánh Phêrô để đi qua Cửa Thánh. Người phụ nữ muốn đi theo ông nhưng thấy ông đi chân đất nên bà kêu một chiếc taxi. Nhưng người tài xế taxi ngại ngùng vì thấy ông này hôi hám, muốn từ chối, nhưng rồi ông cũng chở hai người đi. Người phụ nữ xin người tị nạn kể câu chuyện đời của ông cho bà nghe. Khi đến nơi, người phụ nữ muốn trả tiền xe taxi nhưng người tài xế từ chối. Ông đã nghe câu chuyện. Ông nói: «Không, chính tôi phải trả cho quý vị tiền vì câu chuyện này đã làm cho tâm hồn tôi thay đổi».
Đức Phanxicô hướng về các tín hữu hành hương Ả Rập và nói: «Anh chị em thân mến, đúng, không có lối thoát nào khi đứng trước người anh em đang thiếu thốn!». Ngài khuyến khích: «Những ai đã từng trải nghiệm trong cuộc sống của mình lòng thương xót của Người Cha thì họ không thể nào dửng dưng (…) Chúng ta hãy là những người sáng tạo trong đức ái để lòng thương xót trở thành một con đường cụ thể».
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch