Kiến trúc sư Mario Botta: “ Tôi thích cầu nguyện trong một ngôi nhà thờ đẹp ”
By phanxicovn
Kiến trúc sư Mario Botta, 76 tuổi đã thiết kế khoảng 25 tòa nhà linh thiêng. Trong cuộc phỏng vấn với báo Công giáo Thụy Sĩ, ông cho biết hiện nay ông đang thiết kế một ngôi nhà thờ công giáo ở Séoul, Nam Hàn. Ông giải thích vì sao việc xây các tòa nhà linh thiêng là quan trọng đối với ông.
Là kiến trúc sư, ông đã thực hiện nhiều tòa nhà linh thiêng trên khắp thế giới. Xin ông cho biết ý nghĩa các công trình này như thế nào đối với ông?
Trước hết đây là cuộc đối đầu với một truyền thống có từ ngàn năm với lịch sử của ngành kiến trúc. Về mặt kiến trúc, phần lớn tôi được truyền từ quan điểm của Giáo hội, bắt đầu là các hầm mộ (hang toại đạo), các kiến trúc thời Trung cổ, thời Ba-rốc cho đến thời hiện đại. Một kiến trúc nói lên thời của nó chủ yếu qua quan điểm của Giáo hội. Tôi cũng thích vào thời điểm này tạo được các khoảng không gian đặc biệt cho thinh lặng, cho suy gẫm, cầu nguyện và tĩnh tâm. Tất cả được làm với các phương tiện chính thức, trang trì bên trong tương ứng với thời của mình. Các chủ đề này thường biến mất theo chức năng tiện lợi. Nhưng điều này không thay đổi trong Giáo hội từ nhiều năm nay: bàn thờ và dân Chúa. Như vậy phải tìm các phương tiện để nói lên văn hóa của thời mình mà không bị ràng buộc theo chức năng tiện lợi.
Ông không những chỉ xây nhà thờ mà còn xây cho các tôn giáo khác nhau?
Mọi tôn giáo đều có quyền hợp pháp để xây các tòa nhà thiêng liêng. Và cũng thật ngược đời, trong một xã hội ngày càng thế tục hóa, dường như con người đã tách rời các nhu cầu tâm linh thì người ta lại nhờ tôi xây nhà thờ. Tôi đã thiết kế vào khoảng 25 nhà thờ và nơi thờ phượng. Và tôi phải thực hiện theo cách tốt nhất có thể. Vì thế khi được nhờ tôi thiết kế một nguyện đường do thái thì nguyện đường phải rất khác nhà thờ công giáo. Trong nguyện đường nơi đọc sách Torah phải ở trung tâm và không có bàn thờ nơi truyền phép. Kiến trúc sư phải biết cách thực hiện đúng khoảng không gian dành cho thinh lặng và suy gẫm.
“Ngành kiến trúc phải nói lên và gợi lên các xúc cảm, tính thiêng liêng, chẳng hạn như cầu nguyện”
Vì thế các kiến thức tôn giáo cũng rất quan trọng…
Với mỗi tòa nhà phải biết cái gì xảy ra ở đây. Nếu là phòng hòa nhạc thì phải chú ý đến thẩm âm. Điều quan trọng là phải nắm chi tiết, nhưng đây không phải là yếu tố quyết định vì cũng tùy cách diễn giải. Chẳng hạn không được sao y các mẫu đã có trước. Phải đáp ứng các nhu cầu và các bối cảnh khác nhau. Vấn đề lớn ngày hôm nay: làm thế nào để xây một nhà thờ sau danh họa Picasso, sau danh họa Duchamp? Nghệ thuật tiên phong đã định hình cho xã hội. Kiến trúc sư chúng tôi, chúng tôi phải hiểu làm thế nào mà văn hóa thời chúng ta có thể trả lời cho các câu hỏi này.
Trong mức độ nào ngành kiến trúc có thể góp phần vào việc truyền bá đức tin?
(Cười) Tôi sẽ cảm thấy mình kiêu căng khi ở cương vị kiến trúc sư và cho công việc của mình là rất quan trọng. Vì thế phải luôn xây dựng các nơi chốn để có chỗ cho càng nhiều giáo dân càng tốt. Ngành kiến trúc phải luôn tìm các giải pháp tốt nhất. Nó phải nói lên và gợi lên các xúc cảm, tính thiêng liêng, chẳng hạn như cầu nguyện. Theo tôi, cầu nguyện trong một nhà thờ xấu thì khó khăn hơn. Cá nhân tôi, tôi thích các nhà thờ lớn của lịch sử và tại sao không, các nhà thờ hiện đại. Tôi hình dung cầu nguyện sẽ rất sốt sắng ở Ronchamp trong nhà thờ Đức Bà Haut du Corbusier. Tôi thích cầu nguyện trong một ngôi nhà thờ đẹp.
Tôi cũng nghĩ, điều quan trọng là không nên phối hợp các vấn đề đức tin riêng của mình với kiến trúc, hoặc phóng đại ý nghĩa của nó. Các kiến trúc sư có thể tạo một không gian thích ứng. Nếu không làm điều này thì đó không phải là một kiến trúc sư giỏi. Các kiến trúc sư không giỏi không nên đảm nhiệm công việc xây nhà thờ. Hiện nay tôi làm việc trong một dự án xây một nhà thờ công giáo ở Séoul. Tôi nghĩ đây là một tòa nhà đáng được chú ý. Nhưng tất nhiên không phải tôi là người sẽ nói nhà thờ này đẹp.
Kiến trúc sư Mario Botta sinh ngày 1 tháng 4 năm 1943 tại Mendrisio. Năm 15 tuổi ông bỏ học để đi học vẽ nhà ở văn phòng của các kiến trúc sư Luigi Camenisch và Tita Carloni à Lugano. Ông xây căn nhà đầu tiên năm 1959: nhà xứ Genestrerio, (1961-1963).
Từ năm 1961 đến 1964, ông học ở Liceo Artistico, Milan nước Ý. Đến năm 1969 ông học ở Istituto Universitario di Architettura ở Venise. Song song đó, năm 1965 ông làm việc ở xưởng kiến trúc Le Corbusier. Công trình đầu tiên của ông là nhà nguyện trong tu viện Dòng Capuchin ở Bigorio năm 1966.
Năm 1970, ông mở hãng riêng ở Lugano và năm 1978 ông là thành viên Nghiệp đoàn kiến trúc sư Thụy Sĩ.
Từ ngôi nhà xứ đầu tiên ở Genestrerio năm 1959, trong suốt 60 năm hành nghề ông đã thực hiện nhiều viện bảo tàng, nhiều villa, nhiều ngân hàng trên khắp thế giới. Ông đã vẽ gần 25 toà nhà thiêng liêng, trong đó có nhà thờ chính tòa Chúa Sống Lại ở Évry, vùng Paris được xem là nhà thờ chính tòa duy nhất được xây ở đô thị Paris trong thế kỷ 20.
Marta An Nguyễn dịch