Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Làm thế nào để khơi dậy đức tin cho con cháu?

by phanxico.vn

Vai trò của ông bà thường rất quan trọng trong việc trao truyền đức tin, nhiều người đặt câu hỏi làm sao để trao truyền tốt nhất.

la-croix.com, Claire Lesegretain, Nantes, 2017-09-03

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2019/06/lam-the-nao-de-khoi-day-duc-tin-cho-con-chau-700x467.jpg
Một người bà và cháu của mình ở nhà thờ Vézelay (Yonne). Corinne Simon / Ciric

Hai giọt nước mắt kín đáo chảy trên gò má của bà ngoại trẻ công giáo, bà là người rất dấn thân, bà nhắc đến “bốn đứa cháu không được rửa tội và không được học giáo lý” của mình. Bà muốn giữ ẩn danh vì không muốn làm con cái buồn. Bà không phải là người duy nhất xúc động trong buổi họp ở Nhà Saint-Clair, giáo phận Nantes. Đây là buổi họp mục vụ gia đình đầu tiên dành cho các ông bà nội ngoại, những người đặt câu hỏi: “Làm thế nào khơi dậy đức tin cho con cháu chúng ta?” Ngay những chia sẻ đầu tiên, các lo lắng và đau khổ được nói lên không ngần ngại.

Một bà ngoại kể: “Thật không dễ để nói cháu của chúng tôi không được rửa tội, cháu ở trong môi trường thuận tiện, trong nhiều thế hệ gia đình chúng tôi luôn giữ đạo”. Một bà lớn tuổi hơn chia sẻ: “Tôi thì ngược lại, tôi có thể hãnh diện nói, tuy cháu tôi không đi lễ nhưng chúng sống theo các giá trị của phúc âm”.

“Đức tin là thứ trật của một câu trả lời tự do và cá nhân”

Tổng cộng có 160 ông bà nội ngoại, thậm chí có cả ông bà cố trong buổi họp. Bà Sylvie Chicaud  phụ trách mục vụ giáo lý giáo phận Nantes cho biết: “Chúng tôi chỉ mong có một trăm người ghi tên, nhưng nhanh chóng nhiều người đã ghi tên và có những người ở ngoài các mạng thông thường của chúng tôi”. Một thành công chứng minh cho các bà ngoại trong ban tổ chức thấy sáng kiến buổi họp này là đúng.

Ý tưởng của họ ra đời cách đây ba năm, khi chính con cái họ hỏi họ làm sao “trao truyền các khái niệm về tôn giáo” cho các cháu. Linh mục Gérard Naslin nhắc lại: “Chúng ta không truyền đức tin. Đức tin là thứ trật của một câu trả lời tự do và cá nhân. Chúng ta chỉ có thể đề nghị đức tin. Nhưng một cách tích cực và không ngại ngùng”.

Trên thực tế, nhiều ông bà nội ngoại dám hành động. Ông Bernard và bà Marie giải thích: “Khi các cháu đến nhà chúng tôi, mỗi buổi tối chúng tôi cùng cầu nguyện với các cháu, các cháu chưa bao giờ nghe nói đến Chúa Giêsu”. Được sự đồng ý của cha mẹ để “khơi dậy đức tin”, chúng tôi rất vui được nói về Chúa Giêsu cho các cháu nghe.

Về phần ông bà Touna và Hervé de Villeneuve, sống gần Vannes, họ cho biết, họ có “ba mươi đứa cháu, tất cả đã được rửa tội và học giáo lý”, mỗi mùa hè ông bà đưa các cháu đi hành hương ở Tro-Breiz, Breton hoặc đến cầu nguyện ở thánh đường thành phố Ste-Anne-d’Auray, như thế cũng đã được bảy năm.

Nhiều người ý thức việc trao truyền đức tin dựa trên gương. Vì thế một số ông bà đề nghị các cháu cùng đi với họ đến các sinh hoạt ở giáo xứ hoặc đi giúp các cơ quan Cứu trợ Công giáo. Bà Anne Morvan kể: “Mỗi ngày thứ tư tôi đến nhà bà ngoại, tôi thấy bà dạy giáo lý cho các em trong khu vực, tôi được đánh động rất mạnh”, bà Movan là thừa tác viên mục vụ ở Meudon (Hauts-de-Seine), năm 2012 bà phát động sinh hoạt “đọc sách thiêng liêng liên thế hệ” cho các ông bà nội ngoại.

“Hãy để căn nhà của ông bà nội ngoại là nơi yêu thương vô điều kiện!”

Chữ “chứng từ” là chữ được nhắc đến nhiều nhất. Ông bà Bénédicte và Éric Dujoncquoy tóm tắt: “Chắc chắn bầu khí yêu thương giữa ông bà và các cháu là bầu khí thuận lợi cho việc loan báo điều cốt yếu của Tin Mừng, cụ thể là: Thiên Chúa là Tình yêu … các con được Chúa yêu thương”, hai ông bà phụ trách mục vụ gia đình giáo phận Nantes.

Đôi khi có những tấm gương đặc biệt nổi bật. Ông bà Anne và Hubert Ploquin kể: “Sau khi xem chúng tôi trên truyền hình, các cháu của chúng tôi đã hỏi chúng tôi rất nhiều về ý nghĩa việc làm của chúng tôi ở Algeria”, chúng tôi sống mười tám tháng tại tu viện Tibhirine. Bà Anne Ploquin nói: “Cả 15 cháu của chúng tôi đều được rửa tội. Chính từ những câu hỏi của đứa trẻ mà câu chuyện về sự Cứu rỗi được kể lại. Chúng tôi chẳng có việc gì khác ngoài việc đón nhận các cháu”.

Bà Marguerite-Marie Ranchon, 78 tuổi cho biết: “Các cháu của chúng tôi biết đi lễ là rất quan trọng với chúng tôi. Với những người chùn bước, tôi giải thích với họ, chúng tôi không thể từ chối lời mời của Người yêu thương chúng tôi”, hai vợ chồng ông bà Ranchon thường đón 12 đứa cháu tuổi từ 8 đến 23 tuổi trong ngôi nhà của họ ở Haute-Savoie. Bà mong tiếng nói của mình là: “Cột mốc của cuộc sống, niềm tin và tình yêu. Trao truyền đức tin là để các cháu thấy mọi thứ đều dựa trên tình yêu và lòng tha thứ.”

Bà Catherine de Beauregard ở Languidic (Morbihan) cũng bày tỏ niềm tin tương tự. “Hãy để căn nhà của ông bà nội ngoại là nơi yêu thương vô điều kiện!”, bà có 19 đứa cháu từ 3 đến 27 tuổi. Bà cùng chồng sinh hoạt trong hội Anna và Joachim, tên được đặt theo tên thân sinh của Đức Mẹ. Hội được Đức Giám mục François-Mathurin Gourvès, cựu giám mục giáo phận Vannes đỡ đầu.

Bà Catherine de Beauregard nói tiếp: “Dù cha mẹ làm gì và sống ra sao, ông bà vẫn ở đó để đón các cháu, chăm sóc các cháu trong môi trường các cháu. Một tình yêu vô điều kiện, thậm chí còn quan trọng hơn khi cha mẹ từ chối, đôi khi tàn nhẫn không muốn đề cập đến tôn giáo. Nhưng chúng ta phải luôn đối thoại”.

Lời cầu nguyện của hội Anna và Joachim

Lạy Chúa, chúng con đến để phó dâng con cháu của chúng con cho Chúa. Các cháu là niềm vui của chúng con, là hứa hẹn của ngày mai và là niềm hy vọng của tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con tiếp tục nhiệm vụ Chúa giao phó cho chúng con. Xin cho chúng con một trái tim dịu dàng để chào đón, lắng nghe, để hiểu và trò chuyện, để yêu thương con cháu. Chúng con cùng cầu nguyện với Mẹ Maria, với Thánh Anna và thánh Joachim, hiệp thông với các thánh, chúng con xin Đức Mẹ và các thánh bảo vệ gia đình chúng con.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button