Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Linh mục chân chính được thấy rõ nơi thái độ của họ đối với trẻ em

fr.zenith.org, Anne Kurian, 2016-12-09

Trong thánh lễ ngày 9 tháng 12 ở Nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Phanxicô giảng: «Một linh mục chân chính được thấy rõ nơi thái độ của họ đối với trẻ em, linh mục đó biết cười và biết đón nhận.» Trong lần Đức Phanxicô gặp cộng đoàn chủng sinh ở Rôma, ngài đã cảnh báo, các linh mục cứng ngắc, có gương mặt «ưu sầu» rồi sẽ đưa họ đến «thảm họa và kỳ cục».

Đức Phanxicô bắt đầu bằng đoạn Phúc Âm trong ngày (Mt 11, 16-19), ngài ghi nhận «có những kitô hữu bất mãn – rất nhiều – họ không hiểu những gì Chúa dạy cho chúng ta». Đặc biệt ngài ngừng lại ở các linh mục «bất mãn» đã nêu «gương xấu» vì «tâm hồn họ xa đường lối của Chúa».

Đường lối của Chúa là «đường lối trung gian hòa giải, không phải là đường lối môi giới, làm môi giới và nhận tiền như một công chức: họ không biết thế nào là dơ bẩn tay».

Linh mục chân chính là người trung gian hòa giải gần với giáo dân, họ đi theo đường lối của Chúa và quên mình. Cái giá họ phải trả là «hy sinh đời mình, chịu mệt mỏi, làm việc hết mình để kết hiệp với đàn chiên, kết hiệp mọi người, dẫn đưa họ về với Chúa Giêsu.»

Thảm họa và kỳ cục

Linh mục môi giới, «họ không hạnh phúc, họ buồn, họ tìm cách làm cho mình nổi bật, họ tỏ ra mình có uy quyền,. Đức Phanxicô nói tiếp: «Các linh mục môi giới thường đi con đường cứng ngắc, (…) họ không biết thế nào là đau khổ của con người; (…) họ cứng ngắc, những cứng ngắc này đổ trên đầu giáo dân bao nhiêu chuyện mà chính họ không thể chịu nổi». Họ «cầm roi trên tay với dân Chúa»: ‘chúng ta không thể làm vậy, chúng ta không thể làm kia…’». Và tín hữu «bị đuổi vì những cứng ngắc này».

Đức Phanxicô cảnh báo, tính cứng ngắc là một «thảm họa». «Một linh mục thời thượng, cứng ngắc là một người bất mãn» và cũng là một người «kỳ cục». Ngài kể một giai thoại, có một linh mục trẻ vênh vang đi vào tiệm bán phẩm phục tu sĩ Euroclero: «Đứng trước gương với chiếc áo măng tô đỏ, to rộng với sợi giây bằng bạc, cha nhìn mình trong gương. Rồi lấy chiếc áo, mặc vào và nhìn mình. Một người thời thượng cứng ngắc».

Thái độ với trẻ con

Theo Đức Phanxicô, giáo dân nhìn linh mục «nơi thái độ của cha với trẻ con: họ có biết cười với trẻ con, chơi với trẻ con không… Sẽ rất hữu ích khi nhìn thái độ này, vì nó cho thấy họ có biết hạ mình xuống không, họ có gần với những chuyện nho nhỏ không». Người trung gian hòa giải là người «cởi mở, với nụ cười, với cách tiếp nhận, với sự thông hiểu, thông cảm». Ngược lại, «người môi giới thì buồn, họ luôn có gương mặt u sầu và quá nghiêm túc, một khuôn mặt u ám (…) một cái nhìn rất u ám».

Đức Phanxicô đề nghị các linh mục xét mình: «Hôm nay tôi là công chức hay người trung gian hòa giải? Tôi có tự che chở tôi, tìm tiện nghi, tìm lợi ích cho riêng tôi không (…) hay tôi sống cho người khác? (…) Tôi muốn kết thúc đời linh mục của tôi như thế nào? Như một công chức, như người môi giới hay như người trung gian hòa giải, có nghĩa là nơi thập giá?».

Để kết luận, Đức Phanxicô đưa ra hình ảnh của ba vị thánh biểu tượng cho linh mục trung gian hòa giải: Thánh Polycarpo, người «giữ vững ơn gọi và can đảm lên giàn thiêu»; Thánh Phanxicô Xaviê truyền giáo, người chết trẻ ở đảo Sancian khi nhìn về Trung quốc; và Thánh Phaolô, người đã dâng mình lên Chúa như của lễ hy sinh vào cuối đời.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

538551_orig-768x512

Hình: Thánh Don Bosco, niềm vui của trẻ em.

Bài liên quan

Back to top button